Hotline 24/7
08983-08983

Tim em đập nhanh khi uống sữa tăng cân, có gì bất thường không bác sĩ?

Ấu trùng sán chó có lây qua đường tiếp xúc tay chân; tại sao lại ngứa khắp người khi uống thuốc Sotamic... là những nội dung được BS Cao Thị Lan Hương giải đáp vào chiều 6/7.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Kien - mrkien...@gmail.com

Em chào BS,

Tim đập mạnh khi em uống sữa tăng cân, vậy là sao thưa BS? Cảm ơn BS!   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Sữa tăng cơ có nhiều nhóm, nhóm chứa hormone sinh dục nam, nhóm chứa hormone tăng trưởng, nhóm có beta agonist. Theo thông tin em cung cấp, tôi đoán rằng loại sữa tăng cơ em đang dùng có chứa beta agonist. Nhóm beta agonist có vai trò trong việc kiểm soát phân giải chất béo và sự tăng trưởng cơ bắp, giúp tăng khối lượng cơ và làm giảm lượng mỡ trong cơ (góp phần tạo ra các múi cơ đẹp). Dùng không đúng chỉ định hoặc quá liều các hóa chất thuộc nhóm này có thể gây hạ đường huyết, run cơ, đau đầu, chóng mặt, kích ứng dạ dày, tăng nhịp tim, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim.

Do vậy, các loại thuốc và thực phẩm bổ sung trên phải được chỉ định của BS chuyên khoa y học thể thao, chứ không chỉ là lời khuyên dụ của các huấn luận viên / bạn tập thể hình vì việc sử dụng không đúng rất nguy hiểm. Tăng cơ bắp chỉ là lợi ích trước mắt nhưng sẽ có nhiều tác hại khôn lường về sau.


- Thuan Bad Boy – thuan…@gmail.com

Chào BS,

Tối em ra đường mua xôi, có con chó nhà hàng xóm cứ đi theo em. Lúc em vào nhà thì nó chạy lại bấu quanh chân em như là ôm. Về đến nhà em rửa chỗ nó bu bằng nước. Sau đó em phát hiện có 2,3 chấm màu đỏ với mấy lằng màu đỏ. Em lên mạng xem triệu chứng của sán chó thì sau đó chân em như muốn ngứa vậy. Em không ngủ được vì cứ nghĩ tay và chân còn chứa vi khuẩn sán chó. Bụng em có đau 1 chút rồi hết.

Liệu em có bị sán chó không BS? Chân em tiếp xúc với nó, tay tiếp xúc với chân, vậy tay chân em có chứa vi khuẩn không ạ? Em được biết chó nhà hàng xóm không có chích ngừa gì hết. Cám ơn BS!  

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bệnh giun đũa chó toxocara hay còn gọi là bệnh sán chó do giun tròn ký sinh thường được tìm thấy trong ruột của chó (Toxocara canis). Được gọi là bệnh giun đũa chó hay (sán chó). Phân của chó và mèo bị nhiễm toxocara phát tán ra môi trường, người bị nhiễm khi vô tình nuốt phải ấu trùng qua đường miệng, qua ăn rau sống, thịt tái sống, qua đồ chơi. Ấu trùng toxocara khi vào ruột sẽ qua thành ruột đi vào máu chu du khắp cơ thể. Như vậy, không thể có việc em vừa mới tiếp xúc qua da với một con chú mà bị lây ngay bệnh sán chó. Mặt khác, dù nước dơ hay lông chó bẩn bám vào da em, muốn truyền vi khuẩn gây bệnh cho da thì cũng cần thời gian ủ bệnh, đằng này em về thì đã rửa bằng nước sạch nên không sao cả.

Các chấm đỏ và lằn đỏ trên da có thể do móng của con chó bấu vào da tạo thành. Nếu chó nhà hàng xóm không chích ngừa dại thì em nên tiêm ngừa dại nếu có vết thương chảy máu tiếp xúc với nước bọt của chó, nếu chó nhà hàng xóm vẫn sống 10 ngày sau đó thì có thể ngưng tiêm ngừa dại. 


- Kỳ Nguyễn - bemeo…@gmail.com

https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gifBS cho cháu hỏi, kết quả xét nghiệm máu của cháu có vấn đề gì không ? Cảm ơn BS!


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kết quả xét nghiệm của em có 2 vấn đề chính:

- Một là thiếu sắt, điều này có trong chẩn đoán ban đầu của BS. Nguyên nhân thiếu sắt có thể do ăn uống không đủ chất, suy dinh dưỡng, do rối loạn kinh nguyệt (rong kinh, cường kinh...), do xuất huyết rỉ rả (như xuất huyết tiêu hóa)...trước mắt em cần bổ sung thêm thuốc bổ sắt theo hướng dẫn của BS khám và điều trị cho em.

- Thứ hai là có sự tăng nhẹ bạch cầu trong máu, neutrophil vẫn chiếm chủ yếu, thường gặp nhất trong viêm nhiễm. Nếu như em có bất kỳ khó chịu ở cơ quan nào, như đau rát họng, tiểu gắt buốt, ho có đàm, sổ mũi đàm vàng... thì nhiều khả năng cơ quan đó đang bị viêm nhiễm, cần khám bác sĩ để được cho thuốc thích hợp. Nếu em hoàn toàn không có khó chịu gì trong người thì có thể xét nghiệm kiểm tra công thức máu vài tháng sau, vì bạch cầu tăng nhẹ cũng có thể gặp ở người không có bệnh.



- Minh Chính – Bà Rịa Vũng Tàu

BS ơi,

Uống thuốc Sotamic 10 ngày thì cơ thể bị ngứa và nổi lên các mụt. Vậy có ảnh hưởng gì đến cơ thể và có tiếp tục dùng thuốc để điều trị bệnh HP dạ dày không? Thời gian dùng thuốc Sotamic là bao lâu? Cám ơn BS!    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

SOTAMIC  là thuốc phối hợp để điều trị vi trùng HP và dùng trong 2 tuần. tác dụng phụ thường gặp là tác dụng phụ là đắng miệng, thay đổi vị giác, buồn nôn, mệt mỏi, nhức đầu, khó ngủ, chóng mặt. triệu chứng ngứa và nổi mụt có thể là do em dị ứng với thành phần nào trong thuốc, nhưng phản ứng dị ứng này không nguy hiểm, vì em đã uống được 10 ngày nên có thể ráng cho đủ phác đồ, tăng khả năng thành công trong tiệt trừ Hp, tránh kháng thuốc. Sau khi ngưng thuốc, các tác dụng phụ sẽ hết.

Sau khi điều trị em cần ngưng thuốc dạ dày 4 tuần rồi đi nội soi tiêu hóa lại hoặc test hơi thở kiểm tra lại xem còn vi trùng Hp hay không.

Về chế độ ăn uống và sinh hoạt, em nên chú ý:

- Ăn sạch: Ăn chín, uống sôi.

- Ăn uống đúng giờ, điều độ.

- Sau ăn nên nghỉ ngơi ít nhất 30 phút rồi mới làm việc lại.

- Tránh ăn các thức ăn có tính kích thích dạ dày: chất chua, trà đậm, gia vị (ớt, hành tiêu, tỏi, ớt), thức ăn nhiều béo, chiên xào.


- Diễm My - TPHCM

Chào AloBacsi,

Cho em hỏi, nếu bị u tuyến vú nhưng không đau thì có nên làm phẫu thuật cắt bỏ hay không? Nếu để vậy không cắt bỏ thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ạ? Em cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Trước hết mình cần phải xác định đây là u lành hay u ác. Dấu hiệu “không đau” không trả lời được tính chất của u. Khi khám vú, nếu cảm nhận khối u tròn, di động tốt, phát triển chậm, không có hạch kèm theo, vú không rỉ dịch bất thường thì hướng tới u lành nhiều hơn; ngược lại người có tiền căn gia đình ung thư vú, ung thư buồng trứng, khi khám có khối u chắc/cứng, ít di động, bám vào mô xugn quanh, da quanh u biến đổi, có hạch nách, rỉ dịch bất thường ở đầu vú thì hướng nhiều đến u ác (ung thư vú) nhiều hơn. tuy nhiên, chẩn đoán xác định cần phải làm siêu âm vú, nếu cần còn phải chụp nhũ ảnh vú và FNA, sinh thiết khối u mới xác định chính xác được.

Tùy là u lành hay u ác, kích thước ra sao, trên đối tượng bệnh nhân thế nào thì mới có dự liệu được mức độ ảnh hưởng lên sức khỏe như thế nào và hướng điều trị ra sao, em nhé.


- Xuan Tran – xuantran...@gmail.com

Chào BS,

Em bị đau lưng ở hai bên thắt lưng. Mỗi lần ngồi xuống lúc đứng lên rất khó, phải mất một lúc mới đứng thẳng lên được. Vậy có phải em bị bệnh về thận không? Em rất mong BS cho lời khuyên. Cám ơn BS rất nhiều.       

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em nên khám bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp trước, BS cần thăm khám, khai thác thêm 1 số thông tin xoay quanh tình trạng bệnh (như tuổi, có thừa cân không, công việc gì, bệnh bao lâu rồi, dùng thuốc gì chưa...) và làm thêm 1 số xét nghiệm như chụp Xquang cột sống thắt lưng, từ đó sẽ chẩn ra bệnh và có hướng điều trị thích hợp; song song đó nếu em muốn kiểm tra tình trạng thận của mình, BS cũng sẽ tầm soát bệnh lý thận cho em


- Khang Nguyễn – Nha Trang

Chào BS,

Trưa nay chú em bị té ngã chảy máu rất nhiều. Em đỡ chú dậy thì chú nắm vào bắp tay của em rất nhiều máu. Trên bắp tay của em không có vết thương nào hết chỉ có mấy cái mụn. Thưa BS, em có nguy cơ bị hiv không? Em cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Đầu tiên hết, nếu chú của em không có nhiễm HIV thì không thể lây bệnh cho em được.

Nếu chú em là người đang nhiễm HIV, hoặc em nghi ngờ chú em có thể có nhiễm HIV, thì với việc tiếp xúc giữa máu và vùng da có mụn thì em có nguy cơ lây nhiễm HIV, đó là khi các mụn này bị vỡ dẫn tới việc tiếp xúc giữa máu và dịch cơ thể của người lành và người bệnh.

Một dấu hiệu tinh tế để nhận ra là khi sát trùng hoặc tắm bằng xà phòng sẽ có cảm giác rát nơi xây xát có trầy xướt da (chỗ mụn), nhưng nhiều người ít để ý dấu hiệu này vì nó nhẹ như kiến cắn. Thế nhưng, nguy cơ lây nhiễm HIV khá thấp. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ lây nhiễm HIV ngay cả đối với 1 lần bị kim tiêm có HIV đâm là khoảng 0,3 - 0,5%.

Tuy nhiên, để biết chính xác có nhiễm HIV hay không, chỉ có 1 cách duy nhất là xét nghiệm máu, nếu làm xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV thì kết quả chính xác nhất là từ 3-6 tháng sau khi có hành vi nguy cơ, còn xét nghiệm PCR HIV thì khả năng phát hiện sớm cao hơn.

Đồng thời, em nên khuyên chú em đi xét nghiệm HIV, nếu chú em có nhiễm HIV, thì em có thể điều trị sơ nhiễm sớm luôn cho an toàn chứ không cần chờ xét nghiệm.


- Lộc Tuấn, 22 tuổi – Hà Giang

Chào BS,

Cháu bị ù tai nghe kém đã lâu. Khám trong tỉnh thì được bảo là màng nhĩ bình thường. Nhưng khi nói chuyện ở gần lúc nghe được lúc không, lúc ở xa thì không nghe được, hay ù tai thường xuyên. Vậy em bị gì, thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Có rất nhiều các nguyên nhân gây ù tai: bệnh lý vùng tai mũi họng (tai giữa, vòi nhĩ, vòm, viêm xoang mũi, viêm họng, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản…), bệnh lý cột sống cổ, xốp xơ tai (xơ cứng chuỗi xương con trong tai giữa), bệnh lý mạch máu gây ù tai dạng mạch đập, màng nhĩ dày xơ hóa (bẩm sinh, lão hóa, viêm tai giữa mạn, tổn thương tiếng ồn (đeo tai nghe thường xuyên, nghe với âm lượng lớn...), do thuốc, sau chấn thương màng nhĩ...)...

Nếu BS ở tỉnh khám màng nhĩ bình thường, nhưng em vẫn còn ù tai, thì có thể nguyên nhân gây ù tai không nằm tại màng nhĩ, mà do các nguyên nhân khác như đã nêu ở trên. Vì em vẫn còn ù tai và nghe kém nên em có thể khám lại tại bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng lớn, nơi BS có thể làm các trắc nghiệm về thính đồ, thính lực cho em sẽ có thể xác định được nguyên nhân.

Ngoài ra, em cần ăn uống đầy đủ chất, không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai hoặc đưa vật lạ vào tai; tránh stress, cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; tránh nơi có tiếng ồn lớn; tránh dùng những thuốc có nguy cơ độc với thính giác.


- Tram Vu – khanhtram...@gmail.com

Chào BS,

Em đang mang thai 4 tháng nhưng bị viêm gan B mạn tính thì có cần phải tiêm kháng thể hay điều trị gì không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện tại em có đang dùng thuốc gì để trị viêm gan B mạn không, BS sản khoa theo dõi thai kỳ cho em có biết về tình trạng bệnh gan của em không?

Biến chuyển của bệnh viêm gan B trong thai kỳ không đơn giản. Xét về mẹ, có những trường hợp bị bùng phát viêm gan B cấp, suy gan cấp trong thai kỳ dẫn đến hậu quả nặng nề cho cả mẹ và thai. Xét về con, người mẹ có viêm gan B mạn mà HbeAg dương tính thì khả năng lây cho con lúc sinh cao hơn người có HbeAg âm tính; nguy cơ lây cho con còn phụ thuộc vào tải lượng virus trong những tháng cuối của thai kỳ. Việc chích kháng thể là ý nói kế hoạch tiêm ngừa cho bé cùng với vắc xin ngay khi bé được sinh ra ở người mẹ có nguy cơ cao lây cho con, để giảm nguy cơ lây nhiễm, chứ với người mẹ đã bị viêm gan B mạn thì không có ích lợi gì khi tiêm kháng thể cho mẹ.

Thai kỳ của em cần được theo dõi sát, BS sẽ theo dõi tải lượng virus, HBeAg và AntiHBe, chức năng gan và các cơ quan khác, biến chuyển của bệnh gan trong thai kỳ... để lên kế hoạch mang thai và sinh nở an toàn nhất cho em và con. Em nên đến khám thai với bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa, em nhé.          


- Phạm Văn Minh – Bạc Liêu

Chào BS,

Tôi khám sức khỏe định kỳ xét nghiệm máu năm 2014 chỉ số RBC là 4.52, năm 2015 chỉ số RBC là 4.86, năm 1016 RBC là 4.83. Số lượng hồng cầu tăng lên như vậy có cần uống thuốc không? Hiện tại tôi đang uống thuốc tim mạch và thuốc huyết áp của viện Tim. Xin cám ơn BS.    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

RBC (red blood cell) là số lượng hồng cầu có trong một đơn vị máu (thường là lít hay mm³), giá trị bình thường là 4.3-5.8 M/ mm³. Các trị số của bạn vẫn trong giới hạn bình thường, nếu những chỉ số khác trong công thức máu cũng bình thường thì không có gì đáng lo ngại cả, không cần phải uống thuốc gì thêm mà bạn cứ yên tâm tuân thủ điều trị theo Viện tim là được.


- Hung Nguyen – khknt...@gmail.com

Thưa BS,

Khoảng 7 năm trở về đây, mỗi lần buồn tiểu tôi không nhịn được lâu nhất là khi uống bia nhiều. Khi uống bia thì đi tiểu thường xuyên và không nhịn được.

Tôi năm 40 tuổi làm công việc buôn bán. 10 năm về trước bị đau thắt lưng, có chụp thì kết luận bị thoát vị đĩa đệm, BS khuyên nên tập vật lý trị liệu. Giờ vẫn đau nhưng chưa có dịp đi khám lại. Cuộc sống sinh hoạt bình thường. Mong BS tư vấn dùm, triệu chứng đó là bệnh gì và phương pháp chữa ra sao? Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Triệu chứng mắc tiểu mà không nhịn được, có khi đi xón trong quần có thể là dấu hiệu của rối loạn chức năng sàn chậu, bàng quang thần kinh, thoát vị đĩa đệm nặng làm chèn ép thần kinh...

Do vậy, bạn nên khám kiểm tra sức khỏe lại, nên khám ở bác sĩ chuyên khoa Thận - tiết niệu, bạn sẽ được lập hồ sơ gồm hỏi bệnh và thăm khám, và tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt như: Siêu âm bụng, đo điện cơ sàn chậu, đánh giá lại tình trạng thoát vị đĩa đệm...

Tùy mức độ bệnh lý, người bệnh sẽ được tư vấn điều trị, hoặc nội khoa với vật lý trị liệu hoặc phải phẫu thuật.


- Nguyen Hoa - hoa...@yahoo.com

Chào BS,

Em thường bị mụn ở âm đạo, ấn thấy cứng như hạt ngô, hạt đỗ, có lúc tự hết, có lúc thì sưng tấy to phải uống kháng sinh mới khỏi. Nhưng mụn cứ bị tái đi tái lại liên tục, 1-2 tháng lại bị, có lúc vài cái mụn to rất đau và khó chịu.

Em đã đi khám ở viện C và viện Phụ sản, BS chỉ khám bên ngoài chứ không xét nghiệm gì cả đều kết luận chắc em bị viêm chân lông thôi, còn siêu âm và khám phụ khoa thì không sao. Nhưng mụn cứ tái đi tái lai nhiều lần, có những mụn to rất đau và khó chịu. Em xin BS tư vấn giúp, em cảm ơn ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Viêm nang lông (chân lông) có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể như tóc, chân tay, cơ thể và vùng kín (bộ phận sinh dục). Nguyên nhân viêm nang lông ở bộ phận sinh dục: Do tụ cầu vàng thâm nhập qua da và gây nên tình trạng tổn thương nang lông - tuyến bã; do nhiễm trùng, vệ sinh kém; do lớp sừng trên da quá dày, khiến lông không thể đâm xuyên qua được; do dị ứng (một số hành động xử lý lông không đúng cách như cạo nhổ, sử dụng đồ lót chật, quá bó sát, chất liệu vải mắc là sợi tổng hợp chật hoặc băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh… có thể gây kích ứng và dị ứng cho da và dẫn đến viêm nang lông).

Viêm nang lông tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng sễ bị tái phát do những yếu tố thuận lợi.

Để phòng bệnh tái phát, em cần chú ý:

+ Vệ sinh hàng ngày với dung dịch vệ sinh phụ nữ, hoặc xà bông diệt khuẩn vùng mu sinh dục.

+ Mặc đồ lót thoáng.

+ Không cạo, tẩy lông vùng kín.

+ Nên ăn uống bổ sung vitamin từ rau xanh, hoa quả và uống nhiều nước để hệ bài tiết hoạt động tốt đào thải tốt chất bã nhờn qua lỗ chân lông.



Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X