Hotline 24/7
08983-08983

Tiệc tùng cuối năm, uống rượu bia đúng cách để gan khỏe mạnh?

Rượu bia bao nhiêu là đủ trong những buổi tiệc cuối năm để gan luôn khỏe, thực hiện tốt nhiệm vụ giải độc? Thắc mắc này đã được GS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp trong chương trình tư vấn dưới đây. Mời bạn đọc đón xem.

1. Gan bị bệnh gì khi Tết đến, Xuân về?

Năm hết Tết đến, ngoài niềm vui sum họp gia đình thì tết cũng mang đến nỗi lo cho nhiều người như lương thưởng năm nay, vé tàu xe về tết, lo sắm tết… Đặc biệt, các y bác sĩ chuyên khoa Gan mật lại có một nỗi lo riêng, đó là lo lắng bệnh gan bùng phát sau tết, có phải không thưa BS? Xin hỏi BS, đó là những bệnh gan nào ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời:

Thường vào giai đoạn cuối năm, khoa Tiêu hóa của chúng tôi rất nhộn nhịp. Ông bà ta nói “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, nên hầu như mọi người dành thời gian này để nghỉ ngơi, ăn chơi. Rồi đến các tháng hội hè, chúng ta sẽ có tiệc tùng, liên hoan liên tục, vì vậy không chỉ bệnh về gan mà ngay cả các bệnh lý tiêu hóa cũng gia tăng nhiều.

Riêng nói về gan, có rất nhiều bệnh lý. Chẳng hạn như khi tiệc tùng, mừng lễ chắc hẳn sẽ dùng rượu bia, ăn uống nhiều thực phẩm. Do đó sẽ có một số trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm khi ăn quá mức hoặc sử dụng thực phẩm không đúng cách, không đảm bảo chất lượng. Vì gan là cơ quan giữ nhiệm vụ khử độc và loại bỏ độc chất, thanh lọc, vì vậy khi vào cơ thể đây là nơi đầu tiên chịu gánh nặng do những chất độc mà chúng ta đưa vào.

Thứ hai, rượu bia cũng là độc chất đối với gan. Thực sự khi dùng một chút rượu bia trong ngày lễ Tết sẽ tăng thêm niềm vui, phấn khích nhưng nếu uống quá mức thì chắc chắn đây là gánh nặng cho gan.

Thứ nữa là những ngày Tết thường có xu hướng ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, vì vậy chúng ta sẽ có những bệnh về chuyển hóa, chẳng hạn người tiểu đường sẽ tăng đường huyết sau dịp Tết, mỡ máu, acid uric cũng tăng, gan thì nhiễm mỡ… Vì tất cả các thực phẩm chúng ta ăn vào gan sẽ có nhiệm vụ tổng hợp thành các chất cần thiết cho cơ thể, nhưng đồng thời khi dư thừa thì gan phải tích lũy và chuyển đổi và chuyển thành mỡ, sau đó mỡ này sẽ dự trữ và nhiễm trong gan. Khi gan nhiễm mỡ quá nhiều cũng dẫn đến suy giảm chức năng và dẫn đến tình trạng xơ gan.

Trước kia, người ta không nghĩ rằng người béo phì, gan nhiễm mỡ có thể đưa đến những bệnh lý nặng. Nhưng ngày nay người ta thấy rằng có những trường hợp xơ gan không tìm được nguyên nhân rõ ràng, sau đó qua các nghiên cứu do thấy nguyên nhân có thể do vấn đề nhiễm mỡ, thấm mỡ vào trong gan gay ảnh hưởng hoạt động, dẫn đến xơ gan. Thậm chí từ đó có thể dẫn đến ung thư gan.

Tóm lại, trong những ngày Tết, gan của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi 3 nhóm bệnh lý chính:

  • Thứ nhất là liên quan đến tình trạng bệnh gan do rượu.
  • Thứ hai là tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc trong đó có những ngộ độc rượu do sử dụng rượu giả, rượu kém chất lượng.
  • Thứ ba là bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa, trong đó có tình trạng tích tụ mỡ quá mức bình thường làm gan bị nhiễm mỡ.

2. Bia đỡ hại gan hơn rượu?

Khi nói đến thủ phạm gây bệnh gan, nhiều người nghĩ ngay đến bia rượu. Xin BS cho biết cụ thể cồn gây hại gan như thế nào? Và có phải uống bia thì đỡ hại gan hơn uống rượu không ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời:

Đây là quan niệm của rất nhiều người. Chúng ta cho rằng chỉ khi nào uống rượu mạnh hoặc rượu có nồng độ cồn cao mới gây tác hại cho gan, còn khi uống bia thì chỉ như nước giải khát, nên đôi khi dùng nó để giải nhiệt vào những ngày nắng nóng.

Đúng là khi uống bia cũng có cảm giác mát, sảng khoái… Tuy nhiên, tác hại của rượu bia còn tùy thuộc vào nồng độ cồn chứa trong thức uống. Như bia là thực phẩm chứa cồn, nồng độ khoảng 5 độ, nếu uống lượng ít thì không gây tác hại nhiều, nhưng ngược lại nếu uống số lượng nhiều, ví dụ một lần khoảng 10 chai/lon thì chắc chắn sẽ có vấn đề, chứ không phải chỉ khi nào dùng rượu mạnh mới độc cho gan.

Chúng ta có cách quy đổi đơn giản. Một đơn vị cồn (10g cồn) tương đương khoảng 1 lon bia 330ml (nồng độ cồn 5 độ). Một lon bia đó cũng tương đương với 1 ly rượu vang có nồng độ cồn khoảng 12 độ với thể tích trung bình khoảng 120ml. Đối với rượu, tùy theo nồng độ khác nhau, nhưng nếu rượu mạnh, ví dụ như Whisky, Cognac, rượu đế hoặc tại một số quốc gia khác như soju, sake… có nồng độ cồn khoảng 40 độ thì chỉ cần uống 40ml thì cũng tương đương 1 lon bia.

Như vậy, với một người uống một xị đế, tức là 250ml thì tương đương khoảng gần 7 lon bia. Với cách quy đổi này để chúng ta biết là số lượng, nồng độ cồn dù nhẹ nhưng nếu tiêu thụ nhiều thì khi vào cơ thể chắc chắn sẽ gây hại giống nhau.

3. Uống rượu bia bao nhiêu là vừa?

Tuy biết chất cồn hại gan như vậy nhưng thật lòng, rất khó từ chối chén rượu ngày xuân. Hơn nữa, tình trạng bệnh gan mỗi người mỗi khác. Chẳng hạn người có bệnh viêm gan B nhưng ở thể ngủ yên, chưa cần điều trị thì có thể họ sẽ chủ quan hơn. Vậy theo BS, tình trạng bệnh gan như thế nào thì mọi người có thể uống chút chút, tình trạng nào thì phải tuyệt đối kiêng bia rượu ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời:

Theo quan điểm của tôi cuộc sống này muôn màu muôn vẻ, chúng ta phải biết thưởng thức một món ăn ngon, đồng thời phải cảm nhận được loại rượu vừa thơm, vừa nồng, lại có thêm men tạo nên cảm hứng. Do đó, chúng ta vẫn có thể sử dụng như một cách tận hưởng cuộc sống. Nhưng uống bao nhiêu để không hại gan?

Thực tế, người ta vẫn cho phép một người bình thường có thể uống 2-3 lon bia hoặc 2-3 cốc rượu vang 1 ngày. Hoặc nhân dịp nào đó bạn bè ghé thăm, chúng ta hoàn toàn có thể nhâm nhi 1-2 cốc rượu mạnh. Điều này không thành vấn đề, vì gan đủ sức để hóa giải những chất đó.

Chỉ khi nào chúng ta tiêu thụ quá mức, nam giới từ 60g cồn trở lên (tương đương khoảng 6 lon bia), nữ trên 40g (4 lon bia trở lên), gan sẽ quá tải, khi đó độc chất từ rượu bia sẽ tấn công trở lại gan. Mức này đã được các nghiên cứu chứng minh.

Khi rượu vào trong gan sẽ có những enzym, men để chuyển thành chất axetandehit - đây là chất độc đối với cơ thể và nó tạo cảm giác hơi say, chóng mặt, nhức đầu… Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang có mức cần phải dừng. Nếu chúng ta biết dừng ở ngưỡng này thì chất axetandehit sẽ tiếp tục được gan chuyển thành một chất không độc và thải ra ngoài qua nước tiểu.

Ngược lại, nếu tiếp tục uống quá ngưỡng cho phép thì chất axetandehit không được giải độc hết, sẽ tấn công trở lại gan. Khi tình trạng này lặp đi lặp lại, từ ngày này qua ngày khác với số lượng lớn thì gan sẽ quá tải, đến thời kỳ gan bị tấn công liên tục và bị tổn thương, đưa đến tình trạng viêm gan mạn tính, thoái hóa mỡ, và cuối cùng có thể dẫn đến xơ gan, ung thư.

Như vậy, chúng ta vẫn có thể được phép uống rượu bia nhưng với mức độ chừng mực và không nên uống thường xuyên. Trong một số dịp lễ, sự kiện quan trọng có thể sử dụng vừa phải, tăng cảm giác hưng phấn, vui vẻ, tạo không khí đầm ấm trong gia đình hoặc buổi tiệc, nhưng nếu quá mức không chỉ hại gan mà còn dẫn đến một số hành vi không kiểm soát, khi tham gia giao thông có thể gây tai nạn…

Hiện nay nhà nước đang có những chính sách kiểm soát chặt chẽ vấn đề uống rượu bia, ra đường tham gia giao thông và tôi rất hoan nghênh điều này. Ngay cả bản thân tôi, khi cần phải dự tiệc cũng đi lại bằng taxi hoặc xe công nghệ, điều này cũng đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác.

Người mặt đỏ uống được ít rượu bia hơn, những người mặt tái xanh tửu lượng sẽ cao hơn, điều này có đúng không BS?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời:

Tại sao có người uống rượu không say, hoặc rất lâu say nhưng có người chỉ cần hớp 1 cốc bia là mặt đỏ bừng. Đây là cơ địa của từng người, hoàn toàn lệ thuộc vào chuyển hóa của gan.

Như chúng ta biết, gan có một số enzym, men để chuyển hóa các chất, trong đó có rượu bia. Có những người sở hữu lượng men này nhiều thì khi sử dụng rượu bia gan hóa giải rất nhanh, do đó khi uống bia rượu không có triệu chứng gì cả, thậm chí càng uống mặt càng tái.

Còn những người uống bia xuất hiện triệu chứng đỏ mặt, có cảm giác nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… là liên quan đến chất Andehit. Đây là chất do gan chuyển cồn mà thành và tiếp tục chuyển đổi để khử độc. Nhưng nếu cơ thể chúng ta chuyển hóa kém, chậm thì chất đó sẽ tồn dư trong cơ thể lâu sẽ gây ra những phản ứng báo hiệu cơ thể đã quá lượng cần thiết.

Như tôi đã nói ở trên, nam giới được phép uống dưới 60g cồn, nữ dưới 40g cồn. Người ta đã nghiên cứu, lượng enzym, lượng men chuyển đổi ở rượu ở người phụ nữ bằng ½ so với nam giới, do đó phụ nữ uống thì dễ say hơn. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp mà chúng ta hay nói đùa là “đột biến đặc biệt”, đôi khi người phụ nữ uống còn hơn cả nam giới. Điều này là do tùy thuộc vào cơ địa, khả năng chuyển đổi, chuyển hóa của gan mỗi người khác nhau.

4. Bí quyết thải độc gan sau khi "thả ga" rượu bia ngày Tết

Cũng có người lại nghĩ thôi thì vui xuân, cứ cụng ly cái đã rồi về sử dụng các sản phẩm giải độc gan cũng được. BS có ý kiến như thế nào về “giải pháp” này ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời:

Đây cũng là quan niệm được nhiều người áp dụng. Điều này tôi không hoàn toàn phản bác, vì nó cũng có điều tích cực và cũng có mặt tiêu cực. Vì khi có quan tâm đến lá gan chúng ta sẽ tìm cách để bồi bổ, giải độc cho gan, do đó chúng ta hay nghe nói đến “thuốc giải độc” làm mát gan, hỗ trợ gan.

Thực tế, trong hoạt chất của những thuốc này chứa các thành phần chống oxy hóa và đa số tập trung vào một số vitamin như vitamin A, vitamin E… và có một vài dẫn chất như Silymarin, hoặc các chất có tác dụng tránh quá trình tổn thương tế bào hoặc giúp tái tạo, phục hồi lại tế bào gan.

Tóm lại, đa số các thuốc bán trên thị trường, thực phẩm chức năng có chứa thành phần hoạt chất chính để giúp cho quá trình tăng chuyển hóa ở gan, thứ nữa là cung cấp một số vitamin, khoáng chất cũng như những chất cần thiết hỗ trợ gan thải độc.

Trong gan chúng ta có một chất giải độc cực mạnh, đó là Glutathione. Chất này cũng được tạo ra khi chúng ta cung cấp từ một chất ví dụ như Methionin hoặc một số chất trung gian của thành phần này.

Khi chúng ta đưa lượng chất độc quá nhiều vào cơ thể thì gan phải hoạt động tối đa để hóa giải độc chất đõ dẫn đến hao hụt Glutathione. Như vậy, khi chúng ta bổ sung thì sẽ bù bắp, cung cấp thêm các chất giải độc, gan sẽ chuyển hóa thành Glutathione hỗ trợ làm việc. Hiểu nôm na là khi chúng ta đang thiếu nguyên liệu mà được bù đắp thêm, từ đó sẽ giúp gan tăng cường hoạt động, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Đây là mặt tích cực nhưng cũng là tiêu cực. Bởi như vậy chúng ta sẽ ngộ nhận về sự an toàn này, và dẫn đến dùng bia rượu thoải mái. Hoặc có thể tạo tâm lý ỷ lại, uống thật nhiều và rồi sẽ có thuốc giải.

Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp tiếp khách, nhất là khi về các tỉnh xa thấy nhiều người còn sáng tạo, mua atiso nấu thành cao rồi pha vào rượu vì tin rằng dùng như vậy mang đến công hiệu lâu say. Nhưng điều này vô tình tạo ra tác hại, cơ thể không kiểm soát được tình trạng độc chất của mình.

Như tôi đã ở nói ở trên, say là một phản ứng tự nhiên của cơ thể báo hiệu tới ngưỡng phải dừng. Song chúng ta từ chối dừng, tìm cách tránh né thì độc chất vẫn sẽ tạo ra chứ không phải biến mất. Như vậy sẽ khiến mất cảm nhận kiểm soát, dẫn đến quá đà.

Tôi không quá khắt khe, vì bản thân tôi vẫn sử dụng bia rượu nhưng dừng ở ngưỡng chấp nhận được, đến lúc đó phải dừng cho dù ai có ép uống. Như vậy sẽ tạo ra mức có kiểm soát.

Nếu ngày hôm đó chúng ta lỡ uống rượu bia, ăn hơi nhiều thì hôm sau bù lại sẽ ăn thanh đạm để có sự cân bằng. Nếu chúng ta tạo thành thói quen, ngày nào cũng lặp đi lặp lại thì chắc chắn cơ thể sẽ quá tải, dẫn đến bệnh lý.

Vậy có phải chất độc nào gan cũng hóa giải được phải không ạ? Nếu muốn dùng các sản phẩm giải độc gan thì cần lưu ý gì?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời:

Gan là cơ quan đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Một trong những chức năng được nhắc đến nhiều nhất đó là khử độc. Nó được xem như là một nhà máy lọc, nhà máy khử độc cho cơ thể.

Hằng ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều chất, từ thực phẩm, thuốc men, môi trường như hít phải khói bụi, khí độc mặc dù thông qua đường hô hấp nhưng khi vào trong máu cũng sẽ đến gan.

Như vậy, tất cả những các chất mà muốn lưu chuyển trong cơ thể thì cửa ngõ đầu tiên phải chạm đến là gan. Và cơ quan này sẽ là nơi phát hiện các độc chất, tìm mọi cách để khử độc, đào thảỉ qua nước tiểu hoặc đường mật rồi thải qua đường tiêu hóa.

Nhưng những độc chất này đa dạng, ở nhiều mức độ khác nhau, chúng ta không kiểm soát được hết nếu không biết được đó là chất độc như thế nào.

Có những chất cực độc, chẳng hạn như khi ăn phải nấm độc, tiếp xúc với một số độc chất có độc tính rất nặng thì gan có thể sẽ phản ứng gây tổn thương gan không hồi phục, có những người rơi vào suy gan cấp và tử vong.

Có những chất độc mức độ nhẹ hơn hoặc ít hơn thì gan sẽ hóa giải. Trước mắt nó vẫn bị tổn thương nhưng nếu chúng ta có thời gian ngưng tiếp xúc với độc chất và có thuốc hỗ trợ, nâng đỡ thì vẫn phục hồi. Những thuốc này đa số sẽ cung cấp, bổ sung, bù bắp sự thiếu hụt của các yếu tố giải độc cho cơ thể. Trong đó có Glutathione cũng như một số thành phần khác.

Đồng thời, vì những phản ứng viêm, tổn thương tạo ra rất nhiều chất oxy hóa, do đó khi chúng ta cung cấp những vitamin hoặc một số khoáng chất đặc biệt sẽ giúp tăng cường enzym trong gan hoạt động, hỗ trợ giúp gan giải độc.

Tóm lại, những trường hợp nhẹ hoặc trung bình bệnh nhân có thể hồi phục, ngược lại có những ca nặng bệnh nhân vẫn tử vong. Nhất là khi sử dụng một số thuốc không rõ nguồn gốc, không có chứng cứ dẫn đến phản ứng của gan.

Chúng ta đừng chủ quan, đừng ngộ nhận, ai giới thiệu thuốc gì cũng nghe theo, vì nếu tốt thì không ảnh hưởng nhưng ngược lại thì có thể gây tổn hại đến sức khỏe. Điều này còn tùy thuộc theo từng cơ địa. Cũng cùng một loại thuốc đó, có người uống thì không sao nhưng có người cơ thể không phù hợp dẫn đến phản ứng tổn thương gan.

Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của các chất sử dụng, nên đọc kỹ tài liệu hoặc nơi sản xuất có địa chỉ tin cậy, những sản phẩm đó phải qua các nghiên cứu hoặc có công bố ở những nguồn thông tin chính thống. Giống như khi chúng ta vào siêu thị mua một sản phẩm thì phải kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng, nguồn gốc, nơi sản xuất… như vậy mới có thể sử dụng an toàn.

Các món ăn ngày Tết thường nhiều dầu mỡ, bột đường, khiến người có bệnh gan nhiễm mỡ ngần ngại. Theo BS, người bệnh gan nhiễm mỡ có cách nào để thưởng thức món tết mà vẫn an toàn cho gan không ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng trả lời:

Trong cuộc sống tôi thấy vẫn cần sự cân bằng. Chúng ta vẫn có quyền thưởng thức, ăn uống, sử dụng một số thực phẩm đa dạng, đồ ăn ngọt, dầu mỡ nhưng cần có sự kiểm soát trong mức độ vừa phải. Đồng thời phải xây dựng nguyên tắc, hễ quá mức thì cần tạo sự bù trừ trở lại để cơ thể có thời gian cân bằng.

Cơ thể rất huyền diệu, tự nó có thể điều chỉnh, miễn là chúng ta không tạo ra sự lặp đi lặp lại thường xuyên làm nó không kịp hóa giải, cân bằng hoặc chuyển đổi thì mới sinh bệnh.

Khi nãy tôi có đề cập, nếu trong ngày Tết chúng ta ăn quá nhiều thì có thể giảm bớt trong những ngày sau. Thậm chí là khi ăn một bữa trưa thiệt nhiều, thiệt no thì bữa tối cần giảm lại. Không nên ăn đêm nhiều, điều này sẽ gây tích tụ về năng lượng, dễ tăng cân, có thể ăn một chút hoa quả, giảm đi các nguồn cung cấp năng lượng quá nhiều.

Chính vì vậy mới có quan niệm, thanh lọc cơ thể để loại bỏ chất dư thừa, độc chất. Hiện tại cũng có rất nhiều trường phái dành một tuần lễ tại một thời điểm nào đó để hạn chế tất cả những chất có năng lượng, ăn giảm khẩu phần, ăn những chất bồi bổ, tăng cường giải độc hoặc chất oxy hóa. Tôi cho rằng đây cũng là một biện pháp để cân bằng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X