Sử dụng thuốc chống dị ứng khi mang thai: Cách nào cho an toàn?
Mặc dù có tiền sử đã từng bị dị ứng nhưng quá trình mang thai thường làm nặng thêm các triệu chứng của chứng dị ứng, khiến họ cần đến thuốc điều trị. Vấn đề mà thai phụ quan tâm nhất là dùng thuốc thế nào để bảo đảm an toàn cho thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Ước tính có khoảng 20% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị mắc các bệnh lý dị ứng, thường gặp nhất là viêm mũi xoang dị ứng, hen phế quản, mày đay, chàm... Khoảng 1/3 số phụ nữ bị viêm mũi xoang dị ứng và hen phế quản có biểu hiện nặng dần lên trong thời kỳ mang thai và ổn định trở lại sau khi sinh. Với mày đay và chàm, thai nghén cũng làm bệnh tái phát hoặc nặng lên. Việc mang thai thường gây sung huyết và phù nề niêm mạc mũi.
Vì vậy cần có sự phân biệt giữa viêm mũi dị ứng sẵn có khác với viêm mũi thai kỳ. 20 - 30% bà bầu có các triệu chứng nghẹt mũi khi mang thai - gọi là viêm mũi thai kỳ. Viêm mũi thai kỳ không có dấu hiệu khác của nhiễm khuẩn hô hấp và nguyên nhân gây dị ứng không rõ. Bệnh nhân nghẹt mũi liên tục, tiết dịch mũi lỏng... Viêm mũi thai kỳ thường không cần phải điều trị, tránh được việc bệnh nhân phải dùng các loại thuốc không cần thiết.
Mặc dù tình trạng dị ứng không trực tiếp gây hại cho thai nhi nhưng lại tác động tiêu cực đến việc ăn, ngủ, trạng thái cảm xúc và các sinh hoạt khác của bà mẹ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng không tốt đối với thai nhi. Do đó, việc dùng các thuốc chống dị ứng cho người bệnh là cần thiết. Có 2 nhóm thuốc chủ yếu được sử dụng trong dị ứng là thuốc kháng histamin và corticosteroid.
Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng hiện nay. Một số nghiên cứu đã đánh giá sự an toàn của thuốc trong thời kỳ mang thai, xác định được những loại thuốc kháng histamin được phép sử dụng trong thai kỳ. Đây là những thuốc mà lợi ích lớn hơn rõ rệt so với nguy cơ, có đủ thông tin khẳng định tính an toàn ở liều điều trị đối với thai nghén ở người.
Hầu hết phụ nữ mang thai có nhu cầu dùng thuốc kháng histamin thích hợp nhất với thế hệ hai như: acrivastin, cetirizin, loratadin, mizolastin và terfenadin... vì các thuốc này ít có tác dụng an thần và tác dụng phụ cholinergic cũng thấp hơn so với thế hệ một (alimemazin, chlopheniramin, promethazin). Loratadin và cetirizin có thể được coi là lựa chọn đầu tay trong thời kỳ mang thai. Đã có dữ liệu an toàn của các thuốc này trên một số lượng lớn bệnh nhân mang thai.
Thuốc xịt mũi kháng histamin: Chưa có dữ liệu về tính an toàn trên người của azelastine hoặc olopatadine dạng xịt mũi, mặc dù nghiên cứu trên động vật cho thấy an toàn. Vì vậy, nên tránh sử dụng các loại thuốc này trong thời kỳ mang thai cho đến khi có thêm thông tin.
Các thuốc corticosteroid
Các thuốc corticosteroid (viết tắt là corticoid) khi sử dụng nhất thiết phải có đơn của bác sĩ, người bệnh không tự ý sử dụng vì ngoài tác dụng chữa bệnh, thuốc còn gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Tính an toàn của các loại corticoid đối với phụ nữ có thai đã được các nhà chuyên môn rất quan tâm.
Các corticoid đường uống hoặc tiêm truyền có hiệu quả rõ rệt trong điều trị các đợt cấp của hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng hoặc các trường hợp mày đay nặng. Tuy nhiên, ấn tượng không tốt về tác dụng phụ của nhóm thuốc này đã dẫn đến những nghi ngại khi phải sử dụng chúng, đặc biệt ở phụ nữ có thai.
Với các chứng hen phế quản, viêm mũi dị ứng mạn tính, cần dùng đến thuốc corticoid trong suốt thời gian mang thai, thì có thể làm chậm quá trình phát triển của bào thai trong tử cung. Đặc biệt, nếu dùng các thuốc này với liều cao, trong một số ít trường hợp có thể xảy ra chứng suy thượng thận ở trẻ mới sinh.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho thai nhi, bác sĩ thường khuyên nên tránh dùng corticoid đường uống hoặc tiêm truyền cho bà bầu trong 3 tháng đầu. Trong những tháng tiếp theo, bà bầu muốn dùng thuốc corticoid chữa dị ứng, phải được bác sĩ chỉ định và cân nhắc cụ thể về liều dùng. Chỉ dùng các loại thuốc corticoid để điều trị bệnh khi thật cần thiết và các biện pháp điều trị khác đã thất bại.
Trong điều trị viêm mũi xoang dị ứng, sử dụng corticoid dạng xịt hoặc nhỏ mũi sẽ có tác dụng tại chỗ rất mạnh, làm giảm các chất trung gian gây viêm, nên làm giảm triệu chứng dị ứng. Corticoid dùng qua đường mũi họng không độc nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: đau đầu, kích ứng mũi, ho, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt...
Các nghiên cứu về độ an toàn của corticoid xịt mũi đối với thai nghén còn tương đối hạn chế. Khi dùng loại thuốc này cho phụ nữ có thai thì một lượng rất nhỏ hoạt chất xâm nhập vào máu.
Những nghiên cứu theo dõi ở bà bầu sử dụng các thuốc corticoid xịt mũi như: beclomethasone dipropionate, budesonide, triamcinolone acetonide, fluticasone propionate... ở liều điều trị thông thường, chưa phát hiện thấy nguy cơ gây dị dạng ở bào thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mặc dù hoạt chất qua được nhau thai. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giảm liều corticoid xịt mũi về liều thấp nhất có thể khi sử dụng ở phụ nữ có thai.
Theo DS. Trung Đức - Sức khỏe và Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
- Trang chủ
- Tin y tế
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình