Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc điều trị viêm gan B Tenofovir có tương tác với vitamin cho bà bầu?

Một bạn đọc gửi thắc mắc về cho AloBacsi liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc điều trị viêm gan B Tenofovir với vitamin, canxi cho bà bầu có cần khác thời điểm trong ngày? Lời giải đáp đến từ BS.CK1 Cao Thị Lan Hương sẽ giúp các chị em yên tâm hơn trong quá trình điều trị bệnh viêm gan B để hiệu quả cho mẹ, an toàn cho con.

Em chào AloBacsi, em mang thai được 6 tháng và bị viêm gan B mạn tính (10^8) được chỉ định uống thuốc Tenofovir 150-BVP 2 viên 1 ngày vào buổi sáng sau ăn. Hiện tại em đang mang thai nên sáng em có uống vitamin bầu elevit, trưa uống canxi nên em muốn chuyển uống thuốc qua buổi tối có được không? Em đọc 1 số thông tin trên mạng thì nói thuốc này nên uống đúng giờ? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em cách uống thuốc tốt nhất. Em cảm ơn.

Hoa Trần - thanhho...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Hoa Trần thân mến,

Thuốc Tenofovir là thuốc quan trọng trong giai đoạn này của em, vì vừa bảo vệ mẹ mà còn bảo vệ cho con khi bé sinh ra, thuốc làm giảm nồng độ virus trong máu nên bé sinh ra sẽ giảm được nguy cơ bị lây nhiễm.

Thuốc Tenofovir nên ưu tiên uống đúng giờ, em nên duy trì thuốc đều đặn như hiện tại, thuốc bổ sung vitamin có thể uống chung với Tenofovir hay uống chung với canxi vào buổi trưa không sao hết, vì chúng ít có tương tác với nhau.

Ngoài trả lời câu hỏi về thuốc điều trị viêm gan B, BS.CK1 Cao Thị Lan Hương còn giải đáp rất nhiều thắc mắc khác, mời bạn đọc cùng theo dõi!

Hạch bạch huyết lâu ngày không lặn, cần khám chuyên khoa Ung Bướu?

Thưa BS, em 14 tuổi, siêu âm hạch bạch huyết cấp khoảng hơn 1 năm không lặn, nó vẫn còn hoài. Cho em hỏi có nguy hiểm không ạ?

Nguyễn Thị Phụng - phungnguyen...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Bình thường, các hạch trong cơ thể không nổi to lên để sờ thấy được, khi chúng viêm hay tăng sinh thì chúng ta gọi là nổi hạch. Nổi hạch có thể là hạch viêm bình thường, cũng có thể là hạch ác tính. Đặc điểm của hạch viêm là nhỏ, số lượng ít, bờ tròn đều, không phát triển theo thời gian, không xâm lấn da xung quanh nên di động được, xuất hiện cùng với ổ viêm nhiễm gần đó.

Hạch của em tồn tại đã 1 năm nay, dù không lặn nhưng cũng không phát triển theo thời gian thì cũng ít khi nguy hiểm. Em nên xem lại hồ sơ theo dõi bệnh của mình xem bác sĩ có định hướng nguyên nhân gây nổi hạch trong dòng chẩn đoán hay không.

Ví dụ như viêm họng mạn - viêm xoang mạn - hạch cổ mạn, thì nguyên nhân gây nổi hạch cổ chính là từ viêm họng viêm xoang mạn gây nên đó, chỉ khi nào điều trị hết viêm họng viêm xoang mạn thì hạch cổ mới lặn, mà cái này thì không dễ, cho nên hạch vẫn cứ còn hoài.

Trong trường hợp chỉ có duy nhất 1 các hạch đó thôi, xung quanh không có tìm được ổ viêm nào hết, thì có thể cân nhắc sinh thiết hạch để biết được bản chất của hạch, loại trừ bệnh lý của hệ huyết học. Em nên khám chuyên khoa ung bướu để kiểm tra lại bệnh cho chắc, em nhé.

Nhân giáp được đánh giá TIRADS 5, dấu hiệu nghi ngờ ác tính?

Nhờ BS tư vấn giúp em kết quả siêu âm: Thùy trái không lớn, đoạn 1/3 giữa có cấu trúc kém d# (6x6)mm, bên trong có nhiều nốt echo dày nhỏ d#(5×3)mm, có cấu trúc hỗn hợp d#(7x5)mm. Kết luậnnhân thùy trái (Tirads 2,3,5).

Dương Thị Hường - thanhhuong...@yahoo.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Kết quả siêu âm tuyến giáp của em phát hiện thấy có 3 nhân giáp ở thùy giáp bên trái. Các nhân giáp được phân loại tiên lượng ác tính bằng phân loại TIRADS.

+  TI-RADS-1: Mô giáp lành.

+ TI-RADS-2: Các tổn thương lành tính (0% nguy cơ ác tính).

+ TI-RADS-3: Các tổn thương nhiều khả năng lành tính (1,7% ác tính).

+ TI-RADS-4:

4a: Tổn thương có 1 dấu hiệu siêu âm nghi ngờ (3,3% ác tính).

4b: Tổn thương có 2 dấu hiệu siêu âm nghi ngờ (9,2% ác tính).

4c: Tổn thương có 3-4 dấu hiệu siêu âm nghi ngờ (44,4-72,4% ác tính).

+ TI-RADS-5: có từ 5 trở lên dấu hiệu siêu âm nghi ngờ (87,5% ác tính).

+ TI-RADS-6: Biết chắc chắn bướu ác tính trước đó.

Theo đó, 1 trong 3 nhân giáp của em được đánh giá TIRADS 5, tức là có nhiều dấu hiệu nghi ngờ ác tính, có chỉ định chọc hút sinh thiết nhân giáp này, để chẩn đoán hay loại trừ ung thư giáp. Em cần đem kết quả này đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung bướu chuyên về tuyến giáp để được hướng dẫn xử trí thích hợp, em nhé.

Người bệnh tiểu đường, bổ sung canxi cần lưu ý gì?

Mẹ em năm nay 69 tuổi, bị tiểu đường 10 năm, mới dùng thuốc ạ. Nay thiếu canxi thì nên bổ sung canxi loại nào? Xin tư vấn của chuyên gia ạ.

Đặng Thị Hương - Huong...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Thông tin em cung cấp có vài điều khiến tôi hơi băn khoăn, là mẹ em bị tiểu đường 10 năm rồi mà mới dùng thuốc tiểu đường thôi, không biết là vì sao?

Người lớn tuổi, có bệnh tiểu đường thì khi bổ sung canxi cần cẩn thận, vì thận không được như người trẻ khỏe nữa, nếu mà bổ sung quá nhiều canxi, có thể gây ra tăng canxi huyết, canxi niệu, sỏi thận. Cho nên, các sản phẩm bổ sung canxi cho mẹ em được xem là thuốc, chứ không phải thực phẩm chức năng mà cứ dùng theo thông tin dán trên sản phẩm.

Do đó, em cần phải hỏi bác sĩ đang điều trị cho mẹ em, đó là người nắm rõ các xét nghiệm về gan thận của mẹ em nhất, để bác sĩ hướng dẫn lựa chọn loại thuốc, liều thuốc phù hợp. Nhìn chung thì chế phẩm bổ sung canxi tốt nhất là chế phẩm có phối hợp giữa canxi - vitamin D và vitamin K2, để giúp canxi đến được xương, em nhé.

Chỉnh sửa mũi có gây ảnh hưởng đến tiền đình?

Mình từng sửa mũi rồi lấy ra, giờ làm lại liệu có ảnh hưởng tiền đình không bác sĩ?

hoaichin...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Việc chỉnh sửa mũi ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan cạnh mũi, là hệ thống xoang mũi, là hốc mắt; còn cơ quan tiền đình - ốc tai thì nằm xa hơn cho nên ít bị ảnh hưởng trực tiếp trong lúc bác sĩ thực hiện thủ thuật.

Tuy nhiên, các thuốc sử dụng trong và sau thủ thuật có thể ảnh hưởng lên hệ tiền đình. Cho nên, điều quan trọng nhất là bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, đánh giá và theo dõi sát sức khỏe trước, trong và sau khi làm bởi đội ngũ y tế tin cậy, như tại bệnh viện tốt hơn là viện thẩm mỹ tư nhân.

Lỡ nuốt tóc, liệu có nguy hiểm?

Em vô tình nuốt phải 1 vài sợi tóc ngắn chưa đến 1cm thì có sao không thưa BS?

Lưu Thành Ái - thanhai...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Tóc được tính là dị vật đối với đường tiêu hóa vì men tiêu hóa của người không tiêu hóa được. Tuy nhiên, việc nuốt phải 1 sợi tóc ngắn thì hiếm khi gây nguy hiểm vì chúng mềm không gây sang chấn ống tiêu hóa và quá ít để có thể gây tắc nghẽn lòng ống tiêu hóa.

Cho nên, thông thường thì nhu động ruột sẽ co bóp đẩy chúng ra ngoài theo phân. Ngại nhất là sợi tóc mắc kẹt ở hầu họng gây ngứa cổ, ho, tăng tiết đàm mà thôi; nếu em may mắn không bị tình huống này thì không gì phải lo lắng cả.

Bệnh Herpes có bao nhiêu loại?

Em đi xét nghiệm và có chỉ số HSV IgG dương tính, IgM âm tính, vậy em có chữa khỏi được không?

Trần Vân Anh - Tranthiva...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Bệnh Herpes gọi là bệnh mụn rộp, là bệnh gây ra cho một loại virus có tên là Herpes Simplex Virus (HSV). Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với HSV. Sau khi bị lây nhiễm, thì HSV thường di chuyển vào sống tiềm ẩn ở hạch thần kinh của tủy sống, khi gặp điều kiện thuận lợi thì HSV sẽ di chuyển ra ngoài da niêm mạc để gây ra triệu chứng bệnh. Bệnh thường hay tái đi tái lại nhiều lần trong suốt cuộc đời.

Có hai loại virus Herpes simplex. HSV type 1 (HSV-1) gây tổn thương vùng da và niêm mạc miệng, môi. HSV type 2 (HSV-2) là loại gây Herpes sinh dục. Virus lây truyền trực tiếp từ da qua da trong quá trình quan hệ tình dục:

  • Bệnh Herpes ở môi: thường lây nhiễm qua nước bọt: hôn hít, khăn lau, gần đây bệnh Herpes thường xảy ra ở người đi xăm môi thẩm mỹ (lây qua dụng cụ xăm và thuốc màu để xăm).
  • Bệnh Herpes ở bộ phận sinh dục: lây qua quan hệ tình dục với người bị bệnh Herpes, do đó bệnh Herpes ở bộ phận sinh dục còn gọi là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Xét nghiệm HSV thường dựa vào kháng thể HSV IgG và HSV IgM.

Cả hai chỉ số HSV IgG và IgM đều dương tính nghĩa là đang trong quá trình tiến triển của bệnh.

Chỉ số HSV IgG dương tính và IgM âm tính: cho biết rằng hiện tại không mắc bệnh và đã có kháng thể do đã mắc từ trước. Hiện không có thuốc nào có thể điều trị trong tình huống này cả, em nhé.

Trào ngược dạ dày thực quản có gây ho đờm?

Em chào BS, em liên tục bị ho nhiều, đờm trắng, dính, lượng không nhiều, tức ngực và khó thở, đặc biệt là khi ngồi. Em đã khám hô hấp, tim và tai mũi họng thì đều được BS chẩn đoán bình thường, riêng tiêu hoá thì BS nói em bị viêm loét dạ dày và trào ngược độ A.

Em muốn hỏi BS, liệu trào ngược và viêm loét có phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng như trên không và em nên làm gì để hạn chế ạ? Em cảm ơn BS.

Nguyễn Minh Hiển - nguyenmi...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Minh Hiển thân mến,

Ho kéo dài (lâu ngày) có thể gặp trong rất nhiều nguyên nhân, như lao phổi, trào ngược dạ dày thực quản nặng, viêm mũi xoang chảy dịch mũi sau, bệnh tim mạch, do thuốc... Em đã khám hô hấp, tim mạch và tai mũi họng đều bình thường, chỉ duy nhất có vấn đề tại hệ tiêu hóa, đó là viêm loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra các khó chịu hiện tại của em vì dịch acid từ dạ dày trào lên làm viêm niêm mạc vùng họng miệng, gây kích thích ho, gây loạn cảm họng, gây viêm sung huyết thành sau họng, tăng tiết đàm. Cho nên, trước mắt em nên tập trung điều trị trào ngược dạ dày thực quản, nếu đúng đây là nguyên nhân gây bệnh của em thì khi điều trị tích cực, triệu chứng ho đàm sẽ cải thiện.

Trong trường hợp em đã điều trị trào ngược dạ dày thực quản tích cực rồi mà vẫn ho đàm, thì cần phải đi tìm các nguyên nhân hiếm gặp hơn, gây ra ho kéo dài, như hen, lao nội phế quản... Khi đó em cần khám tại bệnh viện chuyên về hô hấp như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để làm các xét nghiệm chuyên biệt hơn nữa dành cho những trường hợp khó.

Trong thời gian điều trị trào ngược dạ dày, em chú ý uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, và chú ý tuân thủ lối sống sinh hoạt phù hợp, gồm hạn chế ăn đồ chua cay, nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, café, bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý.

Lưu ý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao, giữ ấm vùng hầu họng, đặc biệt là trời lạnh, đi ra đường nhớ đeo khẩu trang, không để quạt hay điều hòa chiếu thẳng vào đầu mặt cổ, uống nước ấm thay vì nước lạnh.

Phân biệt bệnh da phỏng nặng Pemphigus và viêm loét miệng?

Thưa BS, cách đây 3 tuần em ăn cơm thì có cục máu nổi lên ở niêm mạc khẩu cái xong rồi qua đêm ngủ sáng dậy thì tan. Sau đó cách 1 ngày em lại bị nổi chỗ khác nhưng cũng là chỗ khẩu cái.

Em đi Răng Hàm Mặt khám thì người ta nói em bị pembigus nhưng qua Da liễu thì bác sĩ nói không phải, cho là loét miệng. Sau đó em qua Tai Mũi Họng thì nói em bị viêm loét miệng. Hiện tại chỗ em bị đã lành da nhưng sao vẫn còn cảm giác hơi đau. Em có bị sao không BS ơi? Em cám ơn BS.

Thanh Truc - Thanhtruc...@icloud.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Pemphigus là bệnh da phỏng nặng, tiến triển cấp hay mãn tính, là bệnh tự miễn, nghĩa là cơ thể tự tạo ra kháng thể IgG lưu hành trong máu chống lại chính bề mặt tế bào keratinoaftes của bản thân mình, gây phá huỷ sự liên kết giữa các tế bào tạo lên phỏng nước trong lớp biểu bì.

Còn viêm loét miệng thì ban đầu cũng có bóng nước trước, rồi vỡ ra tạo thành vết loét nông.

Cho nên, theo miêu tả của em thì hiện tại, tôi nghĩ nhiều khả năng em bị viêm loét miệng mà thôi, ít nghĩ đến bệnh Pemphigus lắm.

Hiện tại chỗ loét đã lành rồi, nhưng còn đau thì em có thể sử dụng thêm thuốc để bôi để giảm khó chịu, trong đó KAMISTAD - Gel theo tôi là phù hợp. Song song đó, việc bổ sung các vi khoáng chất rất có lợi trong điều trị và dự phòng loét miệng, bao gồm kẽm, vitamin C, vitamin B phức hợp và lysine, em nên uống bổ sung thêm 1 thời gian ngắn.

Đau đầu bên phải kéo xuống mang tai, do đâu?

Chào BS, lời đầu tiêm em chúc bác luôn dồi dào sức khỏe. Em bị đau đầu bên phải kéo xuống mang tai, có lúc đau nhói còn thường đau chì chì, lấy ngón tay ấn vào thì chỉ đau một điểm gần trên đỉnh chếch vừa phải ạ. Rất mong sự giúp đỡ của BS.

Nguyen Huong - nguyenhu...@...vn

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Đau đầu có thể chỉ là một triệu chứng của một bệnh nào đó, cũng có thể là một bệnh riêng. Nguyên nhân gây đau đầu thì rất nhiều, từ cảm nhiễm siêu vi, căng cơ - căng thẳng, đến nguyên nhân nguy hiểm hơn như tổn thương trên não.

Chỉ với 1 vài đặc điểm cắt ngang của 1 cơn đau đầu thì bác sĩ sẽ không thể định được bệnh của em đâu, bác sĩ sẽ cần khai thác thêm nhiều thông tin xoay quanh chứng đau đầu này, tiền sử trước đây và các thuốc đã dùng... mới định được nguyên nhân. Em nên đến bệnh viện để kiểm tra, đăng ký khám tại chuyên khoa Nội thần kinh hay phòng khám nội tổng quát đều được.

Trong thời gian này, em có thể giảm đau bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, xoa bóp vùng vai gáy, em nhé.

Xét nghiệm đường huyết hơi cao, có cần uống thuốc?

Chào BS, cho tôi hỏi tôi xét nghiệm đường huyết ngày 15/10/2020 ở bệnh viện chỉ số là 7.8. Hôm 7/12/2020 xét nghiệm lại chỉ số là 7.07, BS nói là đường huyết hơi cao, không cần uống thuốc. Tôi có uống thực phẩm chức năng dây thìa canh được 1 tháng rồi, bác sĩ tư vấn cho tôi. Xin cảm ơn bác sĩ .

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Cả hai lần xét nghiệm đường huyết đói của bạn tại bệnh viện đều cao hơn ngưỡng giới hạn bình thường, nhưng mà không quá cao đến mức nguy hiểm.

2 chỉ số đường này đều nằm trong mức tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường rồi, nếu bạn ngưng thuốc olanzapin 3 tháng và đã tiết chế ăn uống, tập thể dục mà xét nghiệm đường huyết đói lúc nào cũng trên 7.0 và xét nghiệm HBA1C lần 2 sau 3 tháng cũng vẫn cao hơn 6.5% thì chẩn đoán đái tháo đường nên được xem xét.

Dù bạn có bệnh đái tháo đường thì bệnh của bạn vẫn còn mới, còn nhẹ, và chưa cần uống thuốc Tây mà cố gắng tiết chế ăn uống, tập thể dục và có thể sử dụng thực phẩm chức năng để hỗ trợ kiểm soát đường huyết.

Không mua được thuốc Nebivolol, nên thay bằng Stadonolol hay Bisoprolol?

Dạ chào bác sĩ, mỗi lần em cứ lo lắng, suy nghĩ chuyện gì đó là bi khó ngủ, hồi hộp, nhịp tim 90-95. Đi khám bãc si nói là bị rối loạn lo âu, cho thuốc gồm dogmatil 50mg uống 1 lần tối, magie B6 uống 1 lần sáng, rotunda 60mg uống 1 lần tối, nebivolol 5mg.

Về nhà em mang toa thuốc đi mua, không có thuốc nebivolol, người bán nói thế thuốc stadonolol 50mg bảo uống 25mg 1 lần trưa. Cho em hỏi thế bằng stadnolol uống được không ạ. Xin cảm ơn.

Pham Van Hoàng - Hoangpham...@gmail.com

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Nebivolol và Stadonolol đều là các thuốc thuộc nhóm chẹn beta để làm giảm nhịp tim. Tuy nhiên, nebivolol là thuốc thế hệ mới còn stadonolol (thành phần là atenolol) là thuốc thế hệ cũ.

Atenolol làm giảm nhịp tim mạnh hơn so với nebivolol, cho nên, theo ý kiến của bác sĩ thì trong trường hợp em không tìm mua thấy nebivolol 5 mg, em có thể chọn thuốc cùng nhóm chẹn beta tương đương với nebivolol hơn, đó là bisoprolol 5mg, em nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X