Hotline 24/7
08983-08983

Thức khuya làm tăng yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường type 2

Thói quen thức khuya gây tăng tiết các hormon căng thẳng, stress, tạo ra thói quen ăn khuya, tăng cân, tăng đường huyết trong đêm và có thể dẫn đến đái tháo đường type 2. Đó là những cảnh báo của BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy - Hội viên Hội Nội tiết TPHCM, bác sĩ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh.

1. Lối sống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh tăng nguy cơ đái tháo đường rất cao

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường từ lối sống, thói quen sinh hoạt (thức khuya, ăn nhiều đồ ngọt, mỗi lần đói - hạ đường huyết là ăn vội viên kẹo, uống nước ngọt…) ra sao, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Thói quen thức khuya ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống hiện tại. Giấc ngủ sinh lý bình thường ở người trưởng thành cần từ 7-9 tiếng một ngày, nếu thức khuya sẽ gây ra tình trạng tăng tiết hormon stress, hormon căng thẳng, các nhóm hormon ghrelin tăng tiết tạo cảm giác đói, kích thích gây thèm ăn, thèm ngọt. Do đó những người thức khuya thường có đồ ăn khuya, phát sinh ra vấn đề ăn đêm và làm việc xuyên đêm … gây tăng cân, tăng đường huyết trong đêm, từ đó thừa cân, béo phì và sinh ra đái tháo đường (ĐTĐ) type 2.

Bên cạnh đó khi nạp các loại thức ăn chứa quá nhiều carbohydrate như trà sữa, bánh kẹo ngọt … cũng làm cho đường huyết trong máu tăng liên tục, dễ dẫn đến ĐTĐ type 2, đây là nguy cơ tăng rất cao.

Theo thống kê của hiệp hội các bác sĩ Hoa Kỳ trên nhóm 63.000 người trước đó không có tiểu đường, ung thư, tim mạch, sau một thời gian thức khuya tỷ lệ ĐTĐ tăng đến 19%, số người thường xuyên ăn vặt, uống trà sữa có tỷ lệ tăng cân đáng kể. Vì vậy đó là những thói quen không tốt.

 

2. Chung sống hòa bình với đái tháo đường bằng cách nào?

Để sống vui, sống khỏe, sống hòa bình mà không có biến chứng của bệnh tiểu đường, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc nào, trong đó điều gì là quan trọng nhất, thưa BS? 

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Đối với bệnh tiểu đường cần tuân thủ các nguyên tắc về can thiệp lối sống, cải thiện chế độ ăn kết hợp tập luyện, sau đó là thuốc điều trị.

Vì vậy ngay khi được chẩn đoán ĐTĐ cần phối hợp với bác sĩ để lên kế hoạch điều trị cho bản thân theo phương châm hiện nay là lấy bệnh nhân làm trung tâm và cá thể hóa điều trị, từ đó giúp người bệnh tự quản lý và hiểu được bệnh ĐTĐ, tiếp đến là tuân thủ điều trị để kiểm soát tốt bệnh lý.

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy nhấn mạnh, ngay khi được chẩn đoán ĐTĐ cần phối hợp với bác sĩ để lên kế hoạch điều trị cho bản thân theo phương châm hiện nay là lấy bệnh nhân làm trung tâm và cá thể hóa điều trị

3. Những tiến bộ trong điều trị, kiểm soát đái tháo đường

Về điều trị, nhờ BS chia sẻ thêm: Hiện nay, trên thế giới đã có những bước tiến bộ ra sao trong điều trị, kiểm soát bệnh ĐTĐ thưa BS? Tại Việt Nam, chúng ta đã cập nhật được những tiến bộ này chưa, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Đại dịch ĐTĐ là sự bùng nổ nghiêm trọng trong thế kỷ XXI, các nhà khoa học đã ráo riết nghiên cứu ngày đêm để tìm kiếm phương thức điều trị mới.

Hiện nay máy theo dõi đường huyết liên tục 24 giờ đã ra đời trong những năm gần đây và được FDA đồng thuận đưa vào guideline điều trị.

Chiếc máy này sử dụng cảm biến cấy lắp dưới da để theo dõi đường huyết liên tục trong 24 giờ, ghi lại khoảng dao động đường huyết trong ngày của bệnh nhân kể cả lúc ngủ, ăn và sinh hoạt…

Thứ hai là máy bơm tiêm insulin tự động dành cho bệnh nhân ĐTĐ type 1, trước đây nhóm bệnh nhân này phải chích insulin mỗi ngày khoảng 3-4 mũi, bao gồm 1 mũi insulin nền và 3 mũi insulin trước 3 bữa ăn. Hiện nay đã có máy lắp dưới da bụng và tự động bơm insulin vào trong máu cho bệnh nhân.

Thứ ba, tại Mỹ đang thử nghiệm kháng thể đơn dòng CD3 (Teplizumab), đây là loại thuốc có thể làm chậm tiến trình phát triển bệnh ĐTĐ ở người lớn và trẻ em > 8 tuổi, tuy nhiên loại thuốc này còn đang trong quá trình nghiên cứu. Hiệu quả của loại thuốc này là thuốc ức chế miễn dịch, làm ức chế quá trình phá hủy tế bào beta tuỵ, từ đó bảo vệ tế bào này sản xuất insulin.

Tại Hàn Quốc, có bài báo công bố việc sáng chế ra loại kính áp tròng có dụng cụ ghi nhận đường huyết qua nước mắt, tuy nhiên chưa rõ về dụng cụ này và mới thấy được trên bài báo của quốc gia đó, nhưng đây cũng là một thông tin mới.

Viện Công nghệ MIT của Mỹ đã nghiên cứu về công nghệ tế bào gốc chữa lành ĐTĐ type 1, tuy nhiên mới chỉ đang thí nghiệm trên chuột và chưa có thông tin trên người.

Tại Việt Nam đã cập nhật và ứng dụng lắp máy theo dõi đường huyết liên tục trên bệnh nhân. Một số khoa Nội tiết tại các bệnh viện lớn đã có máy bơm tiêm insulin dành cho bệnh nhân ĐTĐ type 1. Hy vọng trong tương lai hai dụng cụ này sẽ được mở rộng để bệnh nhân dễ dàng  tiếp cận tiện ích.

4. Thuốc SGLT2 hiệu quả trên cả bệnh nhân đái tháo đường, suy tim và bảo vệ thận

Riêng về thuốc, hiện nay loại nào là tối ưu nhất, mới nhất trong điều trị bệnh ĐTĐ, thưa BS? So với các dòng thuốc cũ, loại này mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân trong quá trình điều trị?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: Đối với thuốc hiện nay, loại tối ưu nhất có thể kể đến là SGLT2 giúp tăng thải đường qua nước tiểu, cơ chế độc lập so với các nhóm thuốc khác, được chứng minh có lợi ích trên tim mạch, bảo vệ thận. Trong đó lợi ích trên thận đã được chứng minh qua nghiên cứu EMPA-REG và DECLARE-TIMI 58 cho thấy giảm được albumin niệu, giảm độ tiến triển bệnh thân và giảm tỷ lệ tử vong do thận.

Các nghiên cứu khác như DAPA-HF cho thấy SGLT2 giúp giảm tỷ lệ suy tim, giảm tử vong do suy tim do đó SGLT2 được sử dụng trên bệnh nhân này.

Ngoài ra, nhóm thuốc này có thể giảm cân nên có thể điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ bị thừa cân, đó là các lợi ích mới ở nhóm thuốc mới có triển vọng.

So với các nhóm thuốc cũ như metformin và sulfonylurea thì metformin đã được dùng từ rất lâu đời, có mặt trên thị trường > 50 năm. Hai nhóm thuốc này đều sử dụng rất hiệu quả trên hạ đường huyết, sử dụng với giá thành thấp. Tuy nhiên có bất lợi là sulfonylurea có thể gây hạ đường huyết cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, bên cạnh đó hai nhóm thuốc này chưa có tác dụng bảo vệ tim mạch, bảo vệ thận như nhóm thuốc mới, do đó song song với điều trị ĐTĐ cần điều trị các biến chứng tim mạch, thận, mắt…

5. Đâu là khó khăn trong điều trị đái tháo đường hiện nay?

Trong thực tế thăm khám, điều trị, cá nhân BS thấy đâu là những khó khăn, thách thức trong kiểm soát bệnh tiểu đường mà người thầy thuốc, bệnh nhân cần đối diện?

BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thy trả lời: ĐTĐ là đại dịch toàn cầu, vì vậy khó khăn trước mắt là bệnh nhân ĐTĐ tăng đột biến trong thời gian gần đây với rất nhiều biến chứng tim, thận, mắt có tỷ lệ cao.

Một nghiên cứu gần đây trong cộng đồng có đến 62% bệnh nhân chưa được chẩn đoán và điều trị ĐTĐ, 55% bệnh nhân đã có biến chứng. Đây là thách thức lớn đối với y bác sĩ trong ngành Nội tiết.

Nguyên nhân do nhận thức về ĐTĐ ở bệnh nhân còn hạn chế, nhiều người mắc ĐTĐ nhưng cho là bản thân chỉ bị đường cao hoặc chưa hiểu hết về bệnh mình đang mắc phải, hạn chế về kinh tế và chi phí. Đồng thời cá thể hóa điều trị chưa rộng rãi, bệnh nhân chưa được tiếp cận nhiều với chương trình hướng dẫn về chế độ ăn, chương trình huấn luyện về luyện tập thể lực, hiểu biết về ĐTĐ, tiếp cận mới trong điều trị bệnh lý này… đó là những bất cập trong điều trị ĐTĐ hiện nay.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X