Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Trần Anh Tuấn: Vì sao kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì?

Kinh nguyệt không đều là tình trạng thường gặp ở các bé gái. Con gái bạn đã bị trễ kinh vài ngày, lượng máu của tháng này ít hơn tháng trước, hoặc 2 tháng này bé bị tắt kinh... Những câu hỏi của các mẹ về vấn đề này sẽ được ThS.BS Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc chuyên môn BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn giải đáp trong bài tư vấn sau.

Khi các bé gái đến độ tuổi dậy thì thường rất lo lắng không biết khi nào sẽ bắt đầu hành kinh. Xin hỏi bác sĩ khoảng bao nhiêu tuổi bé gái sẽ đến chu kỳ kinh nguyệt ạ?

Tuổi trung bình của hiện tượng kinh nguyệt đánh dấu thời điểm dậy thì của các bé gái là từ 12-13 tuổi và thời gian sau này, tuổi xuất hiện kinh nguyệt có xu hướng sớm hơn. Nói chung trong độ tuổi 8-16 tuổi.

Nếu có trước 8 tuổi được gọi là có kinh sớm và sau 16 tuổi được gọi là có kinh muộn.

Vậy những dấu hiệu nào để các phụ huynh biết được rằng bé gái sắp đến thời kỳ kinh nguyệt?

Giai đoạn trước khi có kinh được gọi là giai đoạn tiền dậy thì, giai đoạn này thường xảy ra trước 2-3 năm. Giai đoạn này xảy ra những hiện tượng các bé gái lớn rất nhanh, ngực phát triển, xuất hiện lông mu, lông nách.

ThS.BS Trần Anh Tuấn

Có một hiện tượng các bé gái hay gặp phải đó là kinh nguyệt không đều. Xin BS cho biết tại sao lại xảy ra hiện tượng này?

Khi bắt đầu hành kinh, trong thời gian năm đầu tiên sẽ xảy ra rối loạn kinh nguyệt, trong đó, rối loạn rụng trứng là nguyên nhân thường gặp nhất.

Thứ hai, tình trạng kinh nguyệt do một sự thống nhất trong một trục được gọi là hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng, trục này sẽ chi phối hiện tượng kinh nguyệt mỗi tháng của các bé gái. Trục hạ đồi, tuyến yên, buồng trứng chưa trưởng thành sẽ làm cho tình trạng kinh nguyệt hay bị rối loạn.

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ xuất hiện trong khoảng một vài năm đầu tiên, sau đó sẽ ổn định dần dần.

Khi nói đến rối loạn kinh nguyệt thì nhiều người vẫn thường nói đến hai cụm từ là “cường kinh” và “thiểu kinh” vậy hai cụm từ này có ý nghĩa như thế nào và làm thế nào để nhận biết được hai tình trạng này thưa BS?

Thường chu kỳ có kinh kéo dài khoảng 3-7 ngày (cường kinh), nếu chu kỳ xảy ra trên 7 ngày được gọi là kinh kéo dài, dưới 3 ngày gọi là kinh ít (thiểu kinh).

Để nhận biết chúng ta có để dựa vào các dấu hiệu như cơ địa: nếu bé gái mệt mỏi, xanh xao. Thứ hai, tình trạng kinh nguyệt ra nhiều khiến các bé gái phải thay băng trong 1-2 giờ, nếu xảy ra máu đông trên 2,5cm được gọi là kinh nhiều.

Nguy hiểm nhất là hiện tượng “cường kinh” kéo dài có thể gây thiếu máu, những trường hợp này cần phải đến cơ sở y tế khám để tìm nguyên nhân và cách điều trị.


Vậy còn hiện tượng “kinh thưa” ở tuổi dậy thì là do đâu, thưa BS?

“Kinh thưa” cũng thường hay gặp, nguyên nhân đó là rối loạn rụng trứng nhưng phổ biến nhất là hiện tượng buồng trứng đa nang.

Nếu “kinh thưa” kèm với “kinh nhiều”, chúng ta phải điều trị.

Còn nếu “kinh thưa” xảy ra 3-4 tháng một lần thì cũng không cần thiết điều trị, chỉ cần tư vấn cho các em yên tâm là được.


Xin hỏi BS, “rong kinh” ở tuổi dậy thì có giống như hiện tượng “rong kinh” ở phụ nữ trưởng thành hay không? Nhiều phụ huynh lo lắng cho con mình khi bị “rong kinh” ở tuổi dậy thì rằng sẽ bị vô sinh. Liệu điều này có đúng?

“Rong kinh” có điểm giống nhau giữa hai giai đoạn tiền dậy thì và tiền mãn kinh ở phụ nữ trưởng thành, nguyên nhân là rối loạn rụng trứng và còn nhiều yếu tố khác.

Thường ở tuổi dậy thì nếu có hiện tượng “rong kinh” thì phải cần loại trừ những bất thường về những yếu tố về rối loạn đông máu. Tùy nguyên nhân sẽ gây ra sẽ có nguy cơ vô sinh hay không.

Chẳng hạn “buồng trứng đa nang”, đây là một hội chứng không nguy hiểm nhưng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng có thai. Nếu được hướng dẫn để điều trị đúng cách thì sẽ không xảy ra vấn đề nghiêm trọng.


Nếu bé gái bị hiện tượng “rong kinh” thì sẽ được điều trị như thế nào ạ?

Thông thường, phải tìm được nguyên nhân về bất thường của bộ phận sinh dục của bé gái. Những trường hợp này ít gặp nhưng cũng phải kể ra đó là: polyp, u xơ,…

Trong các bất thường về nội mạc còn một số bất thường khác không phải do cấu trúc là rối loạn đông máu, rối loạn rụng trứng, các yếu tố ngoại lai và còn tùy nguyên nhân sẽ được điều trị những cách khác nhau.

Thông thường, chúng ta sẽ điều trị bằng một số thuốc như thuốc nội tiết, chống viêm, giảm đau cũng có tác dụng giảm máu kinh. Một số thuốc cầm máu, một số thuốc nội tiết hay dùng để điều trị chính là nội tiết tránh thai.


Khi nói đến các thuốc điều trị cho các bé gái khi rối loạn kinh nguyệt thì như bác sĩ vừa đề cập đó là thuốc tránh thai, nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc tại sao bác sĩ cho con mình sử dụng thuốc này?

Thực tế thuốc tránh thai có hai loại: thuốc tránh thai thường sử dụng điều trị cho những bé gái xảy ra rối loạn kinh nguyệt được phối hợp giữa estrogen và progesterone, những thuốc này sẽ giúp tăng nội mạc tử cung theo chu kỳ, có tác dụng cầm máu nhanh trong những trường hợp có kinh nhiều cần điều trị nhanh.

Nếu “rong kinh” không nhiều, có thể sử dụng những loại thuốc nhẹ hơn như thuốc cầm máu, thuốc bổ máu và theo dõi thêm.

Điều cần chú ý là chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, thêm rau và trái cây vào bữa ăn và tránh những hoạt động nặng trong những ngày có kinh.

Khi con gái có các dấu hiệu của kinh nguyệt không đều, các mẹ nên đưa bé đi khám nhằm phát hiện sớm những bất thường của chu kỳ kinh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Có nhiều bé gái đau bụng trong quá trình hành kinh thì hiện tượng này do đâu và làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa BS?

Thực tế thì khi đau bụng kinh có nhiều yếu tố và trong đó có yếu tố về tâm lý, nếu không có những nguyên nhân thực thể thì chỉ cần có một chế độ ăn hợp lý, chế độ hoạt động nhẹ nhàng trong những ngày có kinh thì sẽ giúp bé mau qua khỏi.

Những trường hợp đau bụng không tìm thấy nguyên nhân thì chúng ta cũng có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau nhẹ nhàng như các loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, mạnh hơn nữa sẽ có những thuốc giảm đau chống viêm.

Nếu cơn đau làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bé thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể tìm nguyên nhân và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Thông thường khi bé trưởng thành thì tâm lý cũng sẽ trưởng thành hơn, hiện tượng đau bụng kinh sẽ giảm đi nhiều và một số trường hợp hết hẳn. Tuy nhiên, nếu đau bụng kinh do một số nguyên nhân thực thể thì cần phải điều trị.


Dậy thì sớm sẽ mang lại những bất lợi gì cho bé gái, thưa BS?

Như tôi đã đề cập, dậy thì sớm là có kinh trước 8 tuổi ảnh hưởng đầu tiên chính là tâm lý của bé chưa trưởng thành, thứ hai khi có kinh thường chiều cao của bé sẽ ngừng lại và chậm đi.

Nếu có kinh trước 8 tuổi thì chúng ta nên dùng thuốc để ức chế và sẽ phải gặp bác sĩ chuyên khoa phụ khoa nhi để được theo dõi điều trị và tư vấn cụ thể.


Nói về vấn đề dậy thì sớm thì nhiều phụ huynh băn khoăn có phải bé dậy thì sớm thì sau này sẽ mãn kinh sớm hay không ạ?

Hai triệu chứng dậy thì sớm và mãn kinh sớm không liên quan với nhau. Nhưng có kinh nguyệt sớm làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tất nhiên, tỷ lệ ung thư do yếu tố này sẽ không cao so với yếu tố di truyền.

Thế nào là dậy thì muộn, hướng khắc phục ra sao, thưa BS?

Thông thường nếu 13 tuổi vẫn chưa phát triển những đặc tính, giới tính phụ, hoặc từ 16 tuổi trở lên vẫn chưa có kinh thì đó là muộn kinh. Tùy nguyên nhân, có một số bệnh về rối loạn và di truyền, chẳng hạn như hội chứng Turner sẽ làm bé gái không có kinh. Một số lý do khác như ở những vùng dưới đồi, tuyến yên,… Vì vậy, tùy nguyên nhân chúng ta sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

Thân mến.

AloBacsi chân thành cảm ơn ThS.BS Trần Anh Tuấn đã chia sẻ những thông tin hữu ích về rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X