Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Trần Anh Tuấn giải đáp thắc mắc: Phòng và điều trị bệnh trĩ sao cho hiệu quả?

Trĩ có thể nói là bệnh "tế nhị" nên ít người đi khám mà lẳng lặng tự áp dụng những lời mách nước, khiến bệnh tai biến nguy hiểm. Hãy cùng lắng nghe phần giải đáp của ThS.BS Trần Anh Tuấn - khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực, Bệnh viện Gia An 115 để hiểu thêm về căn bệnh này từ cách phát hiện, điều trị đến phòng ngừa.

ThS.BS Trần Anh Tuấn tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội năm 2008 và hoàn thành luận án Thạc sĩ năm 2016

NỘI DUNG TƯ VẤN

PHẦN I: TRÒ CHUYỆN VỚI MC - BTV MỸ THI

Thưa quý bạn đọc,

Trĩ là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, với số người mắc bệnh ngày càng gia tăng. Người xưa có câu “Thập nhân cửu trĩ” tức là cứ 10 người thì có 9 người mắc phải bệnh trĩ. Vậy trĩ là bệnh gì mà gây phiền toái cho nhiều người từ xưa tới nay, thưa BS? Làm thế nào để phân biệt bệnh trĩ và các bệnh lý liên quan đến hậu môn trực tràng?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Trĩ (dân gian còn hay gọi là bệnh lòi dom) là hậu quả của việc áp lực trong tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng tăng lên, áp lực này làm cho máu bị ứ đọng dẫn đến người bệnh sẽ khó chịu, đau nhiều, đặc biệt là khi ngồi.

Triệu chứng của người bị bệnh trĩ đó là:

- Đại tiện ra máu đỏ tươi, nhỏ giọt hoặc chảy thành tia ở cuối bãi phân, nếu chảy máu thường xuyên - lâu dài có thể gây thiếu máu.
- Đau rát, ngứa khó chịu ở hậu môn nhất là sau khi đại tiện xong
- Có thể có búi trĩ sa ra ngoài
- Các triệu chứng như trung tiện mất tự chủ, ướt đũng quần… là hậu quả của việc búi trĩ sa.


Bệnh trĩ được chia thành mấy loại? Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết mỗi loại? Loại nào nguy hiểm hơn?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Phân loại trĩ dựa vào giải phẫu:

- Trĩ nội: là chân búi trĩ nằm ở trên đường lược, niêm mạc tuyến trực tràng che phủ búi trĩ.

- Trĩ ngoại: chân búi trĩ nằm dưới đường lược, da ống hậu môn phủ búi trĩ.

- Trĩ hỗn hợp là hình thức bao gồm có cả búi trĩ ngoại và búi trĩ nội.

Phân độ trĩ thì chia thành 4 mức độ:

- Độ 1: Là trĩ ở giai đoạn đầu, búi trĩ nhỏ, khi đại tiện hoặc rặn thì búi trĩ cương to lên, nhưng chưa lòi ra khỏi hậu môn, dễ chảy máu.

- Độ 2: Các búi trĩ to, khi đại tiện hoặc rặn có sa ra ngoài hậu môn, tự co vào được, có chảy máu.

- Độ 3: Các búi trĩ to, sa ra ngoài khi rặn, nhưng không tự co vào được, phải lấy tay đẩy vào, có nhiều búi trĩ - niêm mạc dễ bị chảy máu.

- Độ 4: Có nhiều búi trĩ, búi trĩ lớn, thường xuyên sa ra ngoài hậu môn, kể cả khi không có rặn, không tự co lên được và có thể gây tắc mạch hoại tử.

Xét về mức độ thì trĩ gây tắc mạch là mức độ nguy hiểm nhất, vì có thể gây hoại tử - nhiễm trùng, gây đau đớn rất nhiều và cần phải phẫu thuật cấp cứu.

Bệnh trĩ gây bức bách, khó chịu cho người bệnh, vậy những nguyên nhân mắc bệnh trĩ là gì? Nguyên nhân nào là phổ biến nhất hiện nay?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Nguyên nhân gây bệnh trĩ thì nhiều, có nhiều thuyết giải thích về nguyên nhân gây bệnh trĩ, ví dụ như:

- Thuyết giãn tĩnh mạch
- Thuyết nhiễm khuẩn
- Thuyết tăng sinh mạch máu
- Thuyết sa lớp lóp hậu môn…

Các nguyên nhân được thảo luận nhiều ví dụ như:

- Nguyên nhân do yếu tố chủng tộc - địa lý: dân vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi hay Do Thái thì tỷ lệ bị trĩ cao hơn.
- Yếu tố gia đình
- Do ngồi nhiều...

Các điều kiện gây nên bệnh thường gặp gồm có:

- Rối loạn tiêu hóa và lưu thông ruột: táo bón, ỉa lỏng, lị mót rặn nhiều.
- Một số giai đoạn sinh lý: hành kinh, mang thai, sau sinh đẻ, nội tiết.
- Một số hình thức thể dục thể thao gây một gắng sức mạnh, mất cân bằng đột ngột của tuần hoàn tại chỗ vùng hậu môn trực tràng.
- Một vài yếu tố ăn uống: ăn uống quá mức, lạm dụng các chất gia vị cay nóng, uống rượu, cà phê nhiều.
- Một số dị ứng tại chỗ: do dùng kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc đặt ở hậu môn, thuốc chống cúm, giảm đau, thuốc ngủ
- Hiện nay nguyên nhân phổ biến có lẽ là điều kiện làm việc, đặc biệt là nhân viên văn phòng thường ngồi quá nhiều, hạn chế đi lại - cùng với việc chế độ ăn uống nhiều bia rượu - ăn đồ cay nóng nhiều.

Bệnh trĩ xuất hiện do sự dãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ hoặc phình đại tĩnh mạch ở vùng mô bao quanh hậu môn. Từ đó gây sưng, viêm, xuất huyết hậu môn, khiến người bệnh đau rát, khó chịu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ? Người bị hội chứng kích thích ruột, u bướu vùng hậu môn trực tràng, bị bệnh mãn tính như viêm phế quản có nguy cơ mắc bệnh này không? Vì sao?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Như tôi nói ở trên, những người có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao như: Người ngồi nhiều, người thường xuyên uống bia rượu - ăn đồ ăn cay nóng, người thường xuyên bị táo bón, phụ nữ có thai…

Những người bị hội chứng kích thích ruột cũng là một yếu tố thuận lợi gây nên bệnh trĩ, vì những người bị hội chứng kích thích ruột nay người bị u bướu vùng hậu môn trực tràng thường rất dễ đi ngoài phân lỏng - khi họ ăn một thức ăn gì lạ hoặc thức ăn có gia vị đậm - cay - nóng… cũng sẽ gây kích thích và dễ đi ngoài lỏng - và việc đi ngoài thường xuyên sẽ làm tăng áp lực vùng tĩnh mạch hậu môn trực tràng, điều đó dễ hình thành nên các búi trĩ.


Trẻ em bị bệnh trĩ nguy hiểm như thế nào? Trẻ bị trĩ sẽ có dấu hiệu gì? Cách phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ trẻ em?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Trẻ em cũng có thể mắc bệnh trĩ, bệnh trĩ ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi khi khả năng ngôn ngữ chưa thành thục thì khó phát hiện hơn và có thể nguy hiểm hơn cho trẻ, vì lúc này trẻ chưa thể nói ra những triệu chứng cho bố mẹ hiểu được và nếu bố mẹ không tinh ý sẽ dễ bỏ qua những triệu chứng ở trẻ. Trĩ ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng như: gây táo bón kinh niên, chảy máu, tắc mạch, sa lồi búi trĩ, nhiễm trùng…

Những dấu hiệu bệnh trĩ ở trẻ em: Đau rát hay ngứa vừng hậu môn, đau - chảy máu khi đi đại tiện, khó đại tiện, có sa lồi búi trĩ…

Với những trẻ chưa biết nói thì có thể khóc nhiều khi đi ngoài, táo bón thường xuyên, sưng tấy vùng hậu môn, phân lẫn máu…

Nguyên nhân gây bệnh trĩ ở trẻ em bao gồm:

- Ngồi bô quá lâu (không ngồi quá 30p)
- Táo bón thường xuyên
- Ngồi một chỗ nhiều
- Viêm nhiễm vùng hậu môn
- Có yếu tố di truyền
- Bất thường về giải phẫu vùng hậu môn - trực tràng: cơ hậu môn lỏng lẻo…

Phòng ngừa:

- Đại tiện đúng giờ
-  Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn
- Massage bụng cho bé dễ đi đại tiện
- Uống đủ nước
- Chế độ ăn phù hợp: ăn đúng giờ, từng bữa nhỏ, ăn nhiều rau xanh - hoa quả, tránh thức ăn cay mặn, nhiều dầu mỡ
- Giới hạn ngồi máy tính - xem tivi, ngồi một chỗ quá lâu
- Cho bé tăng cường hoạt động thể dục thể thao, vận động nhiều

Người làm văn phòng có đặc thù công việc là phải ngồi nhiều và ít vận động. Thói quen này sẽ tạo áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn - trực tràng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Dân văn phòng do đặc thù công việc, thường ăn cơm hàng quán nên bữa ăn thường khan hiếm rau xanh. Vậy dân văn phòng cần làm gì để hạn chế nguy cơ mắc bệnh trĩ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Để hạn chế nguy cơ bị trĩ thì nhân viên văn phòng có thể:

- Uống nhiều nước
- Ăn nhiều hoa quả tươi
- Đi lại nhiều, hạn chế ngồi quá lâu - quá nhiều
- Dành thời gian tập thể dục
- Sử dụng giấy vệ sinh đảm bảo chất lượng


Bệnh trĩ nếu “chữa muộn” sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm gì? Trong trường hợp nào người bệnh có thể kiểm soát và chữa trị trĩ tại nhà ? Trường hợp nào phải cắt bỏ trĩ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Bệnh trĩ nếu để lâu không điều trị có thể gây đau đớn nhiều, đặc biệt là khi ngồi, ngoài ra bệnh gây khó khăn trong lao động, học tập và làm việc. Bệnh trĩ có thể gây chảy máu khi đi vệ sinh, nếu không điều trị lâu ngày có thể gây thiếu máu mãn tính.

Đối với những bệnh trĩ lâu ngày không điều trị có thể làm búi trĩ to lên, gây chảy máu nhiều, sa bũi trí, nguy hiểm hơn nữa là khi búi trĩ lớn có thể gây tắc mạch: gây hoại tử viêm nhiễm, có thể gây nhiễm trùng, thậm chí cần phải mổ cấp cứu.

Với những búi trĩ nhỏ độ 1, 2 thì có thể điều trị và kiểm soát tại nhà bằng cách sau:

- Thiết lập chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Điều này sẽ giúp phân mềm và dễ dàng thải ra ngoài hơn, làm giảm áp lực tác động lên búi trĩ.
- Ngồi ngâm nước ấm nhiều lần trong ngày.
- Chườm nước đá có thể giúp làm giảm sung.
- Tập thể dục để giúp ngăn ngừa táo bón.
- Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc làm mềm phân hoặc bổ sung chất xơ như psyllium (Metamucil) hoặc methylcellulose (Citrucel).
- Bạn có thể sử dụng thuốc hoặc kem bôi để làm dịu cơn đau và ngứa của bệnh trĩ. Nhưng phương pháp này không nên sử dụng lâu dài vì có thể làm tổn thương da.


Hiện nay, y học áp dụng những phương pháp điều trị bệnh trĩ nào? Có phương pháp nào điều trị triệt để bệnh trĩ hay không? Phương pháp mổ trĩ Longo được áp dụng điều trị tại BV Gia An 115 là phương pháp gì? Phương pháp này có gì khác biệt so với các phương pháp mổ trĩ khác?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Hiện nay y học có áp dụng một số phương pháp điều trị bệnh trĩ như sau:

Đối với những búi trĩ nhỏ như độ 1 - 2 thì có thể áp dụng điều trị nội khoa.

Những búi trĩ lớn hơn như độ 3 - 4 thì cần phải có can thiệp ngoại khoa, trước đây thì phẫu thuật cắt trĩ theo phương pháp mổ mở, tuy nhiên phương pháp này gây đau đớn nhiều - đồng thời có biến chứng hẹp ống hậu môn về sau.

Hiện nay thì có nhiều phương pháp, ví dụ như thắt trĩ, tiêm xơ, sử dụng nhiệt để thu nhỏ búi trĩ… Tuy nhiên các phương pháp trên không giải quyết được nguyên nhân hình thành bũi trí.

Hiện nay tại khoa Ngoại Bệnh viện Gia An 115, chúng tôi áp dụng phương pháp cắt trĩ Longo, tuy không phải là phương pháp mới nhưng phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm cho người bệnh: giảm đau nhiều, thời gian nằm viện ngắn, hạn chế tái phát, giá thành hợp lý…


Bệnh nhân sau được điều trị bằng phương pháp Longo tại Bệnh viện Gia An 115 có gặp phải những biến chứng gì hay khó khăn trong sinh hoạt, công việc không? Sau khi phẫu thuật bao lâu thì có thể đi làm lại bình thường?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Bệnh nhân phẫu thuật cắt trĩ longo tại chúng tôi hiện nay gần như không gặp biến chứng gì sau mổ, sau mổ bệnh nhân có đau nhẹ là do quá trình mổ cần phải nong hậu môn bệnh nhân để thao tác đem máy vào, sau phẫu thuật 1-2 ngày bệnh nhân hết đau và sinh hoạt lại bình thường.

Sau phẫu thuật cắt trĩ thì 5 ngày bệnh nhân có thể đi làm lại bình thường.


Người bị bệnh trĩ nói chung và người sau khi mổ trĩ nói riêng nên ăn gì và kiêng ăn gì? Chế độ tập luyện ra sao để bệnh không tái phát?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

- Thiết lập chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Điều này sẽ giúp phân mềm và dễ dàng thải ra ngoài hơn, làm giảm áp lực tác động lên búi trĩ.
- Ngồi ngâm nước ấm nhiều lần trong ngày.
- Chườm nước đá có thể giúp làm giảm sưng.
- Tập thể dục để giúp ngăn ngừa táo bón.
- Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc làm mềm phân hoặc bổ sung chất xơ như psyllium (Metamucil) hoặc methylcellulose (Citrucel).
- Bạn có thể sử dụng thuốc hoặc kem bôi để làm dịu cơn đau và ngứa của bệnh trĩ. Nhưng phương pháp này không nên sử dụng lâu dài vì có thể làm tổn thương da.

ThS.BS Trần Anh Tuấn và MC Mỹ Thi

PHẦN II: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC

Trần Anh Duy - TPHCM

Trước đây, vào năm 2014 tôi bị nứt hậu môn, đi khám bác sĩ cho biết tôi bị trĩ cấp độ 1 và cho thuốc uống thì hết. Mấy năm nay tôi cứ tưởng bệnh đã khỏi hẳn nhưng từ Tết đến giờ, bệnh tái phát, tôi thường xuyên bị đau và chảy máu khi đi đại tiện, đi lại hết sức khó khăn. Tôi nên tiếp tục uống thuốc hay đi phẫu thuật. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi. Cảm ơn bác sĩ!

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Anh Duy thân mến,

Nứt kẽ hậu môn là một vết rách ở niêm mạc hậu môn, bệnh này gây đau đớn nhất là khi đi ngoài, dễ chảy máu và thường khó điều trị dứt điểm. Thường bác sĩ sẽ cho bạn các thuốc bôi mỡ đồng thời sẽ khuyên bạn cải thiện chế độ ăn tránh táo bón để vết nứt tự lành. Tuy nhiên nếu vết nứt hậu môn lớn thì bác sĩ cần phải phẫu thuật bằng cách cắt một phần cơ thắt hậu môn để làm cho vùng tổn thương ấy giảm co thắt, giảm đau vết nứt nhanh lành lại.

Việc bạn bị trĩ độ I cũng là một phần làm cho việc điều trị nứt kẽ hậu môn khó khăn hơn, do hậu môn dễ bị kích thích gây co thắt nên việc nứt kẽ dễ bị nặng hơn. Tuy nhiên do bạn mới bị trĩ độ I thì chỉ cần dùng thuốc điều trị nội khoa (Daflon) + cải thiện chế độ ăn nhiều chất xơ, tăng cường thể dục, tránh ngồi lâu, hạn chế bia rượu - đồ ăn cay nóng… là được.

Chúc bạn sức khỏe!


Thu Anh - bạn đọc hỏi qua Fanpage

Tôi nghe nói người ít vận động, ngồi quá lâu có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ. Vậy xin hỏi bác sĩ, người thường xuyên luyện tập và vận động, ví dụ như các vận động viên thể thao, cầu thủ đá banh thì có nguy cơ mắc bệnh trĩ không? Xin cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Chào chị Thu Anh,

Những người thường xuyên vận động tập luyện thể thao thì nguy cơ mắc bệnh trĩ ít hơn, tuy nhiên đối với nhưng môn thể thao cần sức mạnh nhiều: ví dụ như cử tạ, vật… là những môn thể thao cần sức mạnh nhiều, áp lực trong ổ bụng lớn khi gắng sức cũng là một trong nguy cơ lớn gây bệnh trĩ.


KiềuNgân - nganhcm…saler@gmail.com

Chào bác sĩ, em bị trĩ hỗn hợp đã 2 năm nay, chữa qua nhiều loại thuốc mà không khỏi. Bạn bè em khuyên em nên đi cắt búi trĩ. Em có tìm hiểu thấy có phương pháp mổ trĩ Longo, nhưng em rất sợ di chứng về sau. Mong bác sĩ cho em lời khuyên là em có nên điều trị bằng phương pháp này hay không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Kiều Ngân thân mến,

Cắt trĩ theo phương pháp Longo ra đời năm 1993, do Antoni Longo sáng tạo ra. Sử dụng một dụng cụ cắt bằng stapler, đây là phương pháp đơn giản - dễ thao tác - thời gian nằm viện ngắn ngày.

Nguyên tắc của phương pháp này là dụng cụ cắt sẽ cắt búi trĩ nội + mạch máu cung cấp ở bên trong - đồng thời khi cắt và khâu 2 mép cắt lại thì sẽ kéo búi trĩ ở dưới lên cao hơn. Khi cắt phần mạch máu cung cấp cho búi trĩ, lâu ngày búi trĩ ở dưới sẽ co nhỏ lại.

Ưu điểm của phương pháp này:

- Do cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược 2-3cm, ở vùng này không có thần kinh cảm giác nên sau phẫu thuật bệnh nhân giảm đau rất nhiều so với phương pháp truyền thống - sau phẫu thuật 1-2 ngày bệnh nhân có thể đi lại sinh hoạt gần như bình thường.

- Thời gian thực hiện phẫu thuật nhanh, thường khoảng 20-30p là xong, mất máu ít (1%).

- Tỷ lệ tái phát lại thấp, vì pp này cắt đi nguồn cung cấp máu đến các búi trĩ.

- Biến chứng hẹp ống hậu môn gần như không có so với phương pháp mổ cũ.

Đây là phương pháp điều trị cho kết quả tốt tại thời điểm hiện nay, tôi khuyên bạn nên sử dụng phương pháp này để điều trị, bạn nhé!


Trí Nguyễn - Buôn Mê Thuột

Thưa bác sĩ, cách đây 3 ngày tôi bị táo bón khi đi cầu, lâu lắm rồi tôi mới bị lại. Đi cầu xong, khi lau tôi thấy có vệt máu đỏ tươi ở giấy vệ sinh, sau đấy tôi có cảm giác đau rát ở hậu môn cả ngày và cho tới những lần đi cầu tiếp theo. Hơn nữa, vùng da xung quanh hậu môn có chỗ sưng lên như thể bên trong chứa nước. Vậy đây có phải là biểu hiện của trĩ ngoại không? Nếu đúng tôi cần điều trị như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Chào bạn Trí Nguyễn,

Việc bạn bị táo bón cũng có thể là nguyên nhân làm tổn thương niêm mạc ống hậu môn dẫn đến có thể gây chảy máu và làm vùng da quanh hậu môn bị sưng nề. Việc xác định bạn có bị trĩ hay không thì chúng tôi cần phải khám trực tiếp.

Trước mắt tôi khuyên bạn nếu vẫn bị táo bón thì nên cải thiện chế độ ăn, uống nhiều nước, siêng tập thể dục,… Có thể dùng thêm các men tiêu hóa để hết táo bón, sau đó bạn có thể khám tại cơ sở y tế nào có thiết bị nội soi trực tràng để kiểm tra cụ thể hơn.


Tuyết Nhi - TP Cần Thơ

Dạ chào bác sĩ, cháu hiện đang là sinh viên năm 3 đại học. Cháu bị trĩ từ năm lớp 12, trĩ hỗn hợp độ 3, búi trĩ ra ngoài bằng móng tay út. Gần đây, do áp lực học tập nên cháu cảm giác bệnh có vẻ nặng hơn, cháu ăn uống điều độ nên ít khi bị táo. Nhưng gần đây cháu bị rát, đau sau khi đi vệ sinh, thỉnh thoảng có máu nhỏ giọt. Như vậy bệnh có nặng lắm không ạ. Cháu nên trị bệnh thế nào, rất mong nhận được lời khuyên từ bác sĩ. Cảm ơn bác sĩ ạ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Tuyết Nhi thân mến,

Việc bạn được được chẩn đoán bị trĩ từ năm lớp 12 và đến bây giờ là được 3 năm, hiện tại bạn bị trĩ hỗn hợp độ 3 và có hiện tượng thường xuyên chảy máu khi đi vệ sinh thì tôi khuyên bạn nên phẫu thuật cắt trĩ, để tránh việc búi trĩ phát triển to lên, gây đau đớn nhiều, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của bạn.

Các bạn sinh viên thường gặp áp lực trong việc học tập, cộng với việc các bạn phải ngồi quá nhiều khi học, hạn chế đi lại là những nguyên nhân gây nên bệnh trĩ và làm bệnh trĩ nặng lên, chính vì vậy các bạn nên tăng cường hoạt động thể chất, giảm áp lực học tập, ăn uống điều độ, bổ sung đủ chất xơ,... để hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa.

Chúc bạn sống vui, khỏe!


Hạnh Hồ - hana…75@gmail.com

Đi ngoài ra máu tươi có gây nguy hiểm không? Tôi cần phải làm gì?

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Chào bạn,

Bình thường phân chúng ta có màu vàng hoặc xanh sẫm, nếu bạn đi ngoài ra máu đỏ tươi là đã có vấn đề rồi, việc tiên lượng nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào lượng máu mất của bạn khi đi ngoài. Tuy nhiên dù nguyên nhân nào thì bạn cũng cần phải được thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Thường thì việc đi ngoài ra máu đỏ tươi là những tổn thương vùng trực tràng - hậu môn: ví dụ như trĩ, nứt kẽ hậu môn, polyp, u hậu môn trực tràng…

Bạn cần đến cơ sở y tế để bs khám và cho làm các xét nghiệm cần thiết: công thức máu để xác định mức độ mất máu, sinh hóa máu để xác định các chức năng về gan - thận, soi hậu môn trực tràng,…
 
Bệnh trĩ là vấn đề thường gặp phải ở phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nguyễn Hạ Vân Anh - 0898****9

Tôi bị trĩ cấp độ 3 trước khi mang thai, sau khi sinh em bé xong, tôi bị nặng hơn, đi ngoài ra máu và rất đau. Tôi đã điều trị Tây y lẫn Đông y nhưng bệnh vẫn quay trở lại. Giờ con tôi được 5 tháng và vẫn đang bú sữa mẹ. Xin hỏi bác sĩ, tôi cần uống thuốc gì để khỏi bệnh và có phải phẫu thuật không? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Bạn Vân Anh thân mến,

Bệnh trĩ ở bà bầu là một vấn đề thường gặp phải. Bệnh trĩ có nhiều nguyên nhân gây nên như:

- Táo bón.
- Do hormon thai kỳ là progesterone gây giãn và làm giảm hoạt động của nhu động ruột.
- Do thuốc (bổ sung viên sắt, viên canxi trong thai kỳ dễ gây táo bón).
- Do mệt mỏi và hạn chế vận động.
- Ngoài ra, do sự phát triển ngày càng lớn của thai, đặc biệt với những phụ nữ mang thai 3 tháng cuối do thai lớn làm gia tăng áp lực lên khung xương chậu, gây sung huyết, làm tình trạng táo bón, tăng áp lực tĩnh mạch >> bệnh trĩ sẽ nặng hơn.

Bệnh trĩ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người phụ nữ mang thai, nếu không điều trị có thể dẫn đến biến chứng nặng hơn như chảy máu, sa nghẹt, hoại tử búi trĩ. Ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của thai phụ.

Hầu hết các trường hợp trĩ sau sinh thường sẽ tự hết, tuy nhiên trường hợp của bạn đã bị trĩ từ trước đó rồi thì khả năng tự hết là khó.

Chính vì vậy, hiện tại con bạn mới được 5 tháng, nên trước mắt bạn có thể điều trị nội khoa: giảm đau bằng các thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen, acetaminophen…) (tuyệt đối không dùng aspirin khi đang cho con bú nhé), chườm đá lên khu vực đau, ngâm nước âm ngày 2 -3 lần (mỗi lần 10p), sử dụng gấy vệ sinh mềm hoặc rửa nước sau đi đại tiện, dùng thêm các thuốc nhuận tràng để đại tiện dễ dàng hơn.

Chế độ ăn thì ăn nhiều trái cây, củ giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu. Uống đủ nước hàng ngày, tập thể dục dù chỉ là đi bộ, các bài tập về cơ vùng tầng sinh môn.

Sau một thời gian nếu các triệu chứng không giảm, hoặc tăng lên bạn nên đến cơ sở y tế khám, lúc đó các bác sĩ sẽ xem xét có cần chỉ định phẫu thuật cho bạn hay không.


Đăng Quang - Đồng Nai

Chào bác sĩ, hậu môn của tôi có cục thịt thừa lòi ra ngoài to bằng hạt đỗ đen, theo tôi tìm hiểu thì tôi bị trĩ ngoại. Xin hỏi bác sĩ là trường hợp của tôi nên điều trị như thế nào, và trĩ không điều trị để lâu có thành ung thư không? Xin cảm ơn bác sĩ!

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Chào bạn Đăng Quang,

Nếu hiện tại bạn sờ thấy 1 cục thịt thừa lòi ra ngoài hậu môn, thì bạn nên đến các cơ sở y tế, soi hậu môn - trực tràng để kiểm tra xem bạn có bị kết hợp trĩ nội hay các bệnh lý hậu môn trực tràng liên quan khác hay không: polyp, rò hậu môn…

Nếu không mắc bệnh kèm theo, bạn có thể được phẫu thuật để cắt búi trĩ ngoại đó, phẫu thuật cắt búi trĩ ngoại cũng đơn giản, thời gian nằm viện nhanh, sau phẫu thuật sinh hoạt lại bình thường nhanh.

Trong các nguyên nhân gây ung thư ống hậu môn thì trĩ không phải là nguyên nhân. Các nguyên nhân gây ung thư ống hậu môn bao gồm:

- Quan hệ tình dục qua hậu môn
- Quan hệ tình dục với nhiều người
- Mụn cóc ở hậu môn do nhiễm virus Papilloma ở người (HPV)
- Nhiễm HIV

Nên vấn đề này bạn có thể yên tâm.


Quỳnh My - quynhmydl…@gmail.com

Bác sĩ ơi, cháu nghe nói dân văn phòng rất dễ bị bệnh trĩ. Khoảng một tuần này, cháu bị táo bón mặc dù cháu đã cố gắng ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước lọc nhưng vẫn bị táo bón. Cháu rất lo lắng, bác sĩ có thể chỉ giúp cháu cách nào hết táo bón không ạ, và cháu nên làm gì để phòng ngừa trĩ. Cháu cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Để hạn chế nguy cơ bị trĩ thì nhân viên văn phòng có thể:

- Uống nhiều nước
- Ăn nhiều hoa quả tươi, một số loại quả có thể làm hạn chế táo bón: quả sung, rau diếp cá, khoai lang,… là những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ.
- Đi lại nhiều, hạn chế ngồi quá lâu - quá nhiều
- Dành thời gian tập thể dục hơn
- Sử dụng giấy vệ sinh đảm bảo chất lượng


Lê Thị Hà - Quảng Ngãi

Chào bác sĩ, tôi năm nay 45 tuổi, có 3 con. Tôi bị trĩ sa ra ngoài hậu môn, tôi muốn phẫu thuật nhưng đang trong kỳ kinh nguyệt thì có phẫu thuật được không? Xin bác sĩ tư vấn dùm. Rất cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, do có chảy máu nên sẽ ảnh hưởng đến các thành phần đông máu có trong máu, bệnh nhân sẽ dễ bị chảy máu hơn trong thời kỳ này, vì vậy người ta sẽ hạn chế các can thiệp phẫu thuật trong thời kỳ kinh nguyệt, hoặc trong thời kỳ có các viêm nhiễm chưa điều trị hết.


Tuấn Tú - Gửi câu hỏi qua Fanpage

Hiện tại tôi đang quan tâm đến phẫu thuật búi trĩ ngoại. Và có tìm hiểu phẫu thuật longo của Bệnh viện Gia An 115. Tôi muốn hỏi ưu và nhược điểm của phương pháp phẫu thuật này? Sau khi phẫu thuật có còn da thừa hay không và trĩ có xuất hiện tiếp không hay sẽ triệt để 100%? Xin cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Phương pháp longo áp dụng tốt nhất cho các búi trĩ độ 2-3, đặc biệt là trĩ vòng.

Ưu điểm của phương pháp này:

- Do cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược 2-3cm, ở vùng này không có thần kinh cảm giác nên sau phẫu thuật bệnh nhân giảm đau rất nhiều so với phương pháp truyền thống - sau phẫu thuật 1-2 ngày bệnh nhân có thể đi lại sinh hoạt gần như bình thường.
- Thời gian thực hiện phẫu thuật nhanh, thường khoảng 20-30p là xong, mất máu ít (1%).
- Tỷ lệ tái phát lại thấp, vì pp này cắt đi nguồn cung cấp máu đến các búi trĩ
- Biến chứng hẹp ống hậu môn gần như không có so với phương pháp mổ cũ


Câu hỏi bạn đọc gửi qua fanpage AloBacsi

Chào AloBacsi,

Sau một đợt táo bón, do phân quá lớn nên hậu môn của tôi bị tổn thương, chảy máu.

Từ đó đến nay đã 4 tháng, tôi không bị táo bón nữa, kích thước phân bình thường, đều đặn mỗi ngày đi cầu 1 lần, thường là sau ăn sáng (đây là thói quen rất tốt của "bộ đồ lòng" của tôi nhiều năm nay).

Thế nhưng mỗi lần đi cầu đều đau ở hậu môn và chảy máu, lượng máu bằng cái nút áo trên giấy vệ sinh.

Tôi đã ăn nhiều rau xanh, khoai lang, chuối nhưng tình hình không cải thiện. Và tôi nghĩ vấn đề là do hậu môn bị tổn thương không lành được, chứ không phải do hệ tiêu hóa bên trên.

Dược sĩ ở tiệm thuốc gần nhà khuyên uống Daflon 500 mg trong 10 ngày. Tôi tham khảo thấy đây là thuốc điều trị cơn trĩ cấp. Tôi không hiểu, bởi trĩ là bệnh mạn tính, sao lại có cơn trĩ cấp?
Và uống thuốc như vậy có phù hợp không?

Mong BS tư vấn giúp. Cảm ơn chương trình rất nhiều!

ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 trả lời:

Bạn thân mến,

Cơn trĩ cấp là bệnh trong giai đoạn có sự diễn biến cấp, búi trĩ bị cương to nhiều, tăng tiết dịch, dấu hiệu nhận biết là: chảy máu, đau ngứa hậu môn nhiều, búi trĩ sa nhiều…

Thường bệnh trĩ ở giai đoạn sớm thì có ít triệu chứng rõ ràng, tuy nhiên tùy vao giai đoạn, ví dụ như: căng thẳng tâm lý, stress, ngồi nhiều, bị táo bón hay tiêu chảy nhiều… cũng có thể làm cho búi trĩ bị viêm nhiễm, sa búi trĩ, búi trĩ cương to gây đợt cấp.

Daflon là thuốc điều trị có tác dụng điều trị trong các bệnh sa giãn tĩnh mạch, thuốc có thể điều trị trong bệnh mãn tính hoặc cấp tính, tuy nhiên thường áp dụng đối với giai đoạn cấp tính và liều dùng thường cao hơn, thường dùng liều 6 viên chia 2 trong 4-5 ngày đầu, sau đó giảm liều 4 viên chia 2 trong 4-5 ngày sau. Đối với bệnh mãn tĩnh thì liều dùng thường là 2 viên /1 ngày chia 2.

Trân trọng!

Xin trân trọng cảm ơn ThS.BS Trần Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng quát - Lồng ngực Bệnh viện Gia An 115 đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình tư vấn lần sau!

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X