Hotline 24/7
08983-08983

Thoái hóa khớp điều trị thế nào, chữa khỏi được không?

Có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp nhưng chưa thể giải quyết triệt để, và cũng không có khuyến cáo tầm soát bệnh này. Đó là những thông tin được ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.

1. Thừa cân, béo phì khiến cho thoái hóa khớp xảy ra sớm hơn

Thoái hóa khớp ở người lớn tuổi thường xảy ra ở độ tuổi nào, thưa BS? Có phải ai khi lớn tuổi cũng đều gặp phải tình trạng này? Hay ai có nguy cơ hơn ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp. Trước đây, bệnh lý này xuất hiện ở độ tuổi 40 trở lên, nhưng hiện nay, một số trường hợp bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 30, mặc dù có tỷ lệ tương đối hiếm.

Tỷ lệ mắc thoái hóa khớp tăng dần theo tuổi. Gần đây, phát hiện những nguyên nhân làm thoái hóa khớp xuất hiện phổ biến và sớm hơn. Trong đó, có thừa cân, béo phì, đây là bệnh lý làm gia tăng áp lực lên đầu gối, dẫn đến đầu gối và cột sống thoái hóa sớm hơn.

Ngoài vấn đề thừa cân, béo phì, còn một số tình trạng khác như trục khớp vị lệch: chân vòng kiềng, chân chữ X, có thể dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp. 

2. Thoái hóa cột sống là vấn đề khó điều trị nhất

Ở người lớn tuổi, khớp xương nào dễ bị thoái hóa nhất ạ? Trong đó, thoái hoá khớp nào khó điều trị và nguy hiểm nhất với người lớn tuổi, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong các vấn đề thoái hóa khớp có: thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống thắt lưng và thoái hóa khớp gối, là 3 vấn đề thường gặp nhất.

Ngoài ra còn có thoái hóa khớp ngón chân cái và thoái hóa khớp bàn tay. Trong đó, vấn đề khó điều trị nhất là thoái hóa cột sống (cột sống cổ, cột sống thắt lưng), đặc biệt là cột sống cổ.

Đối với cột sống thắt lưng, nếu không được điều trị có thể dẫn đến liệt hai chi dưới. Còn với cột sống cổ là liệt cả tứ chi nếu không điều trị.

Vấn đề khó điều trị đối với các khớp ngoại biên như khớp gối, có thể thay khớp mới, bệnh nhân có thể sử dụng từ 20-30 năm, nhưng với cột sống, không thể thay cột sống lưng. Bệnh nhân có thể phẫu thuật lấy đĩa đệm, bơm xi măng, có thể thay đĩa đệm nhưng không thể giải quyết tận gốc bệnh thoái hóa cột sống. Đó là bệnh lý khó điều trị nhất trong các vị trí thoái hóa khớp.

3. Đi khám ngay khi bị đau để phát hiện bệnh giai đoạn sớm

Các triệu chứng cảnh báo thoái hóa khớp ở người lớn tuổi là gì, thưa BS? Trong quá trình thăm khám, BS nhận thấy đâu là dấu hiệu thường gặp nhất ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đau là triệu chứng thường gặp nhất khi bị thoái hóa khớp. Thông thường, người bệnh đi khám, chủ yếu do đau kéo dài như đau đầu gối, đau lưng. Vấn đề đau kéo dài 2-3 tuần trở lên, bệnh nhân bắt đầu đi khám.

Tuy nhiên, đau không phải là triệu chứng đặc hiệu, bởi vì, biểu hiện này có thể do nhiều vấn đề như viêm gân, ngồi sai tư thế,…

Biểu hiện đặc hiệu đối với khớp gối là khớp biến dạng, vẹo trong hoặc vẹo ngoài. Đối với thoái hóa cột sống lưng là dấu hiệu chẹn thần kinh, tê dọc từ lưng xuống chân. Các vấn đề này khi xuất hiện, cho biết tình trạng bệnh đã tương đối nặng.

Vì vậy, để chẩn đoán sớm, bệnh nhân phải dựa vào các triệu chứng đau, đi khám để bác sĩ đề nghị làm thêm các xét nghiệm và phát hiện sớm bệnh. Nếu đợi đến các dấu hiệu đặc hiệu đã là giai đoạn trễ.

4. Gù vẹo cột sống, yếu liệt, tiêu tiểu, biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống

Nhiều người có biểu hiện thoái hóa khớp nhưng trì hoãn không đi khám. Điều này có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tùy vào khớp, có thể chia thành 2 loại: khớp tay chân và khớp cột sống.

Đối với khớp tay chân, ngoài biến chứng đau kéo dài có thể dẫn đến hạn chế vận động do đau, khớp bị cứng hoặc cơ bị teo. Triệu chứng đau là một vấn đề nan giải, bởi vì, đau kéo dài khiến bệnh nhân nghĩ đó là đau thông thường. Thoái hóa khớp không gây tử vong nhưng nếu tình trạng đau kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm và gây tử vong.

Đối với các khớp cột sống xảy ra nhiều vấn đề và biến chứng hơn. Ngoài biến chứng đau, thoái hóa cột sống có thể dẫn tới gù vẹo cột sống, nguy hiểm nhất là biến chứng chẹn thần kinh. Khi chẹn thần kinh xảy ra, dẫn đến tình trạng yếu, liệt, một số tình trạng xảy ra vấn đề tiêu tiểu không tự chủ hoặc tiểu không được, phải đặt thông tiểu kéo dài, một số trường hợp phải mở bàng quang qua da. Đó là những biến chứng nguy hiểm khi bị thoái hóa cột sống.

5. Siêu âm khớp là phương pháp mới có thể thay thế X-quang trong tương lai

Các phương pháp nào thường được sử dụng để chẩn đoán thoái hóa khớp ở người lớn tuổi, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thoái hóa khớp được chẩn đoán khá dễ, đa số chỉ cần chụp X-quang cột sống hoặc X-quang khớp. Trong trường hợp nghi ngờ hoặc phân biệt với các bệnh lý khác, bác sĩ có thể đề nghị chụp thêm cộng hưởng từ như MRI cột sống hoặc MRI khớp.

Khoảng 10 năm trở lại đây, đã phát triển phương pháp siêu âm khớp ngoại biên như khớp tay, khớp chân. Phương pháp này có thể giúp chẩn đoán sớm tình trạng thoái hóa khớp.

Tuy nhiên, siêu âm khớp không có hình ảnh rõ ràng như X-quang vì chỉ có bác sĩ siêu âm thấy được vấn đề, bệnh nhân không để xem được kết quả trên hình ảnh. Đó là phương pháp mới và có thể thay thế X-quang khớp trong tương lai.

6. Có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp

Hiện nay có những tiến bộ nào trong điều trị thoái hóa khớp ở người lớn tuổi? Ưu và nhược điểm của những phương pháp điều trị thoái hóa khớp là gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp cho người lớn tuổi. Có thể chia làm 3 phương pháp:

Thứ nhất, phương pháp không dùng thuốc, bệnh nhân có thể thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn.

Thứ hai, điều trị bằng thuốc như thuốc uống, thuốc bôi, thuốc tiêm vào khớp.

Thứ ba, điều trị bằng phẫu thuật.

Đó là 3 phương pháp điều trị thoái hóa khớp cho người lớn tuổi được áp dụng hiện nay. Trong đó, mỗi nhóm sẽ có thêm nhiều phương pháp khác nhau. Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp với nhau, việc lựa chọn phương pháp sẽ dựa trên mức độ nặng, khả năng kinh tế của bệnh nhân và cơ địa của người bệnh để kết hợp nhiều phương pháp phù hợp.

7. Chưa có phương pháp nào giải quyết triệt để thoái hóa khớp

Việc điều trị thoái hóa khớp sẽ mang lại những kết quả nào cho người bệnh? Liệu có đẩy lùi hoàn toàn được căn bệnh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Hiện nay vẫn đang tìm kiếm những phương pháp đẩy lùi được thoái hóa khớp, nhưng hiện tại vẫn chưa tìm ra. Tuy nhiên, đã có những phương pháp làm chậm diễn tiến của bệnh.

Đa số các phương pháp hiện nay là giải quyết vấn đề triệu chứng như giảm đau, cải thiện khả năng vận động để người bệnh hoạt động lại trong mức độ gần như bình thường hoặc đến mức độ tốt nhất là như người bình thường. Trong một số trường hợp tình trạng quá nặng, có thể thay mới.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào giải quyết triệt để thoái hóa khớp.

8. Phẫu thuật thoái hóa khớp muộn, bệnh nhân khó phục hồi hoặc phục hồi chậm

Thoái hóa khớp ở người lớn tuổi, giai đoạn nào cần phẫu thuật?

- Nhiều người lo lắng về việc phẫu thuật sẽ làm người lớn tuổi suy yếu. Lời khuyên nào của bác sĩ dành cho tình huống này ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Phẫu thuật thường áp dụng cho trường hợp có mức độ thoái hóa từ trung bình đến nặng. Trước đó đã sử dụng các phương pháp điều trị nội khoa dùng thuốc và các phương pháp điều trị không dùng thuốc ít nhất 3-6 tháng nhưng không có hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Bên cạnh đó, không nên phẫu thuật quá trễ. Bởi vì, có thể dẫn đến 2 vấn đề: một là cơ bị teo, khớp bị lệch trục quá nhiều dẫn đến khó phục hồi hoặc phục hồi chậm sau khi thực hiện phẫu thuật. Một số trường hợp nếu phẫu thuật quá trễ, cơ thể không còn khỏe, có thể do tuổi, mắc bệnh mới như thận, tim mạch, tiểu đường, việc thực hiện phẫu thuật khó lành hơn.

Do đó, việc lựa chọn phẫu thuật đúng thời điểm, bác sĩ sẽ bàn với bệnh nhân để có lựa chọn chính xác nhất.

9. Giữ cân nặng lý tưởng, tập luyện hợp lý, phòng ngừa thoái hóa khớp

“Sống chung” với bệnh thoái hóa khớp, người bệnh cần chú ý những vn đề gì?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đối với bệnh thoái hóa khớp, cần lưu ý hai vấn đề: chế độ ăn uống và chế độ luyện tập, tư thế.

Thứ nhất, về chế độ ăn uống, cần giữ được cân nặng ở mức vừa phải. Bởi vì, khớp là vị trí chịu lực, nếu trọng lượng cơ nhiều, dẫn đến áp lực lên khớp cao, từ đó, tình trạng thoái hóa nặng hơn. Dù bệnh nhân uống thuốc hay điều trị bất kỳ phương pháp nào, nếu thừa cân, thoái hóa khớp sẽ nặng hơn. Đó là vấn đề quan trọng nhất.

Thứ hai, tập thể dục và tư thế. Bệnh nhân cần tránh các tư thế làm tăng áp lực lên khớp.

Ví dụ, đối với khớp gối, nên tránh tư thế quỳ gối, ngồi xổm, ngồi xếp bằng. Đối với khớp ngón chân cái, tránh mang giày nhọn hoặc giày cao gót. Các khớp như cột sống cổ, cột sống lưng, cần lưu ý ngồi thẳng lưng, sau 1-2 tiếng nên thay đổi tư thế, tập thể dục. Với cột sống cổ nên hạn chế cúi như cúi xem điện thoại hoặc xem laptop, đây cũng là nguyên nhân khiến thoái hóa cột sống cổ tăng trong thời gian gần đây.

Nên tạo thói quen tập thể dục, giúp tăng sức cơ. Khi bệnh nhân có sức cơ tốt sẽ làm giảm áp lực lên đầu gối, áp lực lên các cột sống, giữ được tư thế lâu hơn. Ví dụ, cơ lưng không khỏe, không thể giữ được đúng tư thế, vì vậy, nên tập thể dục.

Đó là những điểm lưu ý để phòng ngừa hoặc làm chậm tiến triển thoái hóa khớp.

10. Chưa có khuyến cáo tầm soát sớm thoái hóa khớp

Hiện nay cụm từ “tầm soát” được đề cập trong nhiều bệnh lý. Theo BS, đối với thoái hóa khớp, chúng ta có nên tầm soát để phát hiện sớm bệnh? Nếu không thì vì sao? Nếu có thì nên tầm soát từ độ tuổi nào và bằng phương tiện gì ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ý nghĩa của việc tầm soát là giúp phát hiện sớm và điều trị sớm. Đối với thoái hóa khớp hiện nay, hầu hết các hiệp hội y khoa trên thế giới chưa có khuyến cáo nên tầm soát sớm thoái hóa khớp gối.

Lý do, vì hiện tại, ngoài các biện pháp giữ cân nặng như tập thể dục là một biện pháp thường quy, khuyến cáo mọi người nên áp dụng, chưa có biện pháp đặc hiệu nào khác để điều trị dứt điểm hoặc dự phòng thoái hóa khớp. Đó là nguyên nhân vì sao chưa có khuyến cáo tầm soát thoái hóa khớp sớm. Chỉ có khuyến cáo nên giữ cân nặng, giữ đúng tư thế như những công việc thường quy của mỗi người, đó là các biện pháp phòng ngừa sẵn thoái hóa khớp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X