Thiếu cơ, loãng xương đe dọa đến chức năng vận động và tính mạng người cao tuổi
Trong “Ngày hội chăm sóc sức trẻ người cao tuổi” do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức vào sáng ngày 1/10/2023, các bác sĩ cho biết, thiếu cơ, loãng xương là những vấn đề sức khỏe phổ biến ở người cao tuổi nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi thiếu cơ có khả năng gây tử vong thì loãng xương làm tăng nguy cơ té ngã và kết cục cuối cùng là cướp đi sinh mạng của người bệnh.
Chương trình được tổ chức nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), thu hút gần 300 người cao tuổi tham dự và lắng nghe chia sẻ. Ngày hội cũng tổ chức khám sức khoẻ miễn phí và tặng quà cho người cao tuổi. Tại ngày hội, ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà - Phó Trưởng khoa Lão khoa - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chia sẻ: “Chương trình này được Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tổ chức mỗi năm một lần, từ năm 2015 đến nay là 9 năm, năm 2021 phải tạm hoãn do dịch Covid - 19 và sau đó vẫn tiếp tục tổ chức”.
Đối với những vấn đề về sức khỏe mà người người cao tuổi cần lưu ý, vị chuyên gia cho biết: “Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh phối hợp, được gọi là đa bệnh, bên cạnh đó, nhóm người này còn gặp tình trạng suy yếu như: suy giảm hoạt động chức năng, suy giảm khả năng dự trữ của cơ thể. Vì vậy, khi đánh giá tình trạng của người cao tuổi, phải đánh giá tình trạng suy yếu và các bệnh động mắc để phối hợp các loại thuốc cho phù hợp.
Sức khỏe của người cao tuổi rất khác so với người trẻ, do những tác động từ tuổi tác, quá trình lão hoá. Thông qua những bài báo cáo ngày hôm nay, hy vọng sẽ giúp cho người cao tuổi có thể phát hiện được tình trạng sức khỏe hiện tại của mình, và nếu có vấn đề bất thường, các cô chú nên đến bệnh viện lớn hoặc các Trung tâm Y tế lớn để kiểm tra tình trạng sức khoẻ và được bác sĩ tư vấn kỹ càng hơn”.
Thiếu cơ có thể dẫn đến tử vong ở người cao tuổi
Cũng trong chương trình, bệnh viện đã tổ chức một buổi chia sẻ các kiến thức về vấn đề thiếu cơ và loãng xương ở người cao tuổi với hai bài báo cáo.
ThS.BS Trịnh Thị Bích Hà mang đến chương trình chủ đề “Thiếu cơ ở người cao tuổi”. Nữ chuyên gia nhấn mạnh, thiếu cơ có thể dẫn đến tử vong ở người cao tuổi. Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu cơ là do tuổi tác, đây là vấn đề không thể thay đổi. Bên cạnh đó, một số bệnh lý gây thúc đẩy tình trạng thiếu cơ diễn ra nhanh hơn như: suy tim, suy thận,... Vấn đề giảm hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu cơ ở nhóm người này.
Thông tin về các phương pháp chẩn đoán thiếu cơ, BS Hà chia sẻ, trước hết, người cao tuổi cần thực hiện tầm soát. Hiện nay, thang điểm SARC - F đang được áp dụng để thực hiện tầm soát tình trạng thiếu cơ ở người cao tuổi với 5 tiêu chí: không có sức cơ, khó khăn trong di chuyển, khó khăn trong việc di chuyển khỏi ghế/giường, gặp trở ngại khi leo cầu thang và dễ té ngã nhiều lần.
Sau khi tầm soát, chẩn đoán thiếu cơ, người bệnh sẽ tiếp tục được thực hiện đánh giá sức cơ. Nếu được khẳng định người bệnh bị thiếu cơ sẽ tiến đến xác định mức độ nặng của tình trạng này.
Vị chuyên gia cho biết thêm, hậu quả của thiếu cơ ở người cao tuổi liên quan đến rất nhiều biến chứng. Nếu thiếu cơ 10%, miễn dịch của người bệnh sẽ bị giảm; thiếu cơ 20%, các vết thương trên cơ thể chậm lành, gặp tình trạng mỏng da; nếu vấn đề thiếu cơ lên tới 30%, người cao tuổi có thể mắc các bệnh như: viêm phổi, loét tì đè, yếu, hạn chế vận động. Thậm chí, người bệnh sẽ tăng nguy cơ tử vong nếu thiếu cơ đến 40%.
Bác sĩ đặc biệt lưu ý, những người thiếu cơ nếu mắc các bệnh suy tim, bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh lý thận,... tỷ lệ biến chứng có thể tăng gấp đôi. Đồng thời, thiếu cơ còn có thể dẫn đến dễ té ngã và gãy xương. Những người cao tuổi gặp vấn đề sức khoẻ phải nằm viện cũng có thể thiếu cơ trầm trọng do giảm vận động.
BS Hà nhận định, thiếu cơ có thể điều trị. Tập thể dục có trở kháng là phương pháp được khuyến cáo nên thực hiện thường xuyên đối với người cao tuổi. Bên cạnh đó, trong chế độ dinh dưỡng cần được bổ sung protein, calories. Người cao tuổi nên sử dụng thêm hormon, vitamin, thuốc,... tuy nhiên, điều này vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.
Loãng xương - “Sát thủ thầm lặng” gây mất chức năng vận động ở người cao tuổi
Với chủ đề “Loãng xương ở người cao tuổi”, BS.CK2 Nguyễn Ngọc Hoành Mỹ Tiên - Khoa Lão khoa - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chia sẻ, loãng xương là vấn đề thường gặp ở cả nam và nữ từ 50 tuổi trở lên, chiếm đến 53%. Cứ 10 người cao tuổi là nữ, sẽ có 50% mắc vấn đề loãng xương và 10 người cao tuổi là nam, thì 20% mắc vấn đề này.
“Loãng xương là ‘Sát thủ thầm lặng’, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mất xương diễn ra từ từ, thường không có triệu chứng; gây mất chức năng vận động, tăng biến cố té ngã …”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nhóm người có nguy cơ cao bị loãng xương bao gồm:
Thứ nhất, những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: người có tiền sử gãy xương sau 30 tuổi, có người thân từng bị gãy xương, người bị mất trí nhớ.
Thứ hai, những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi: hút thuốc lá, người có trọng lượng thấp (<56kg), sử dụng corticoids, bị suy yếu thị lực, nghiện rượu bia, thiếu nội tiết tố như vấn đề mãn kinh sớm…, người thường bị té ngã.
Thứ ba, người mắc các bệnh lý như: Suy thận; rối loạn tiêu hoá, cắt dạ dày - Ruột; cường cận giáp; cường giáp; viêm khớp dạng thấp; nằm bất động; dùng thuốc chống co giật.
Đối với việc chẩn đoán loãng xương ở người cao tuổi, BS Tiên cho biết, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện đo mật độ xương đối với nhóm người: Phụ nữ 65 tuổi trở lên hoặc nam giới 70 tuổi trở lên; phụ nữ tiền mãn kinh, sau mãn kinh hoặc nam giới 50 - 69 tuổi có yếu tố nguy cơ gãy xương trên lâm sàng; người từ 50 tuổi trở lên có gãy xương; người lớn có bệnh lý, sử dụng thuốc liên quan đến mật độ xương hoặc mất xương.
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Hoành Mỹ Tiên khuyến cáo, để điều trị loãng xương, ngoài việc dùng thuốc bác sĩ kê đơn, người cao tuổi cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ vitamin D, canxi; tránh thói quen rượu, bia, thuốc lá; tập thể dục thường xuyên; phòng ngừa té ngã và cần tầm soát sớm.
Sẻ chia niềm vui cùng người cao tuổi
Người cao tuổi khi đến với chương trình, được nhận quà, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe như: đo chỉ số đường huyết, huyết áp, đo cơ và mức độ loãng xương. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn được các bác sĩ khoa Lão khoa - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Ông Trần Văn Nghĩa (76 tuổi, ngụ Quận 5, TPHCM), không thể đi lại do cụt 2 chi dưới, phải ngồi xe lăn và được người thân đưa đến, ông chia sẻ: “Đến với ngày hội chăm sóc sức khỏe, được nhận quà và sự tư vấn từ bác sĩ, giúp tôi biết rõ về tình trạng sức khoẻ của mình. Đối với trường hợp đặc biệt như tôi, tham gia chương trình sức khỏe, tôi cảm thấy vô cùng ý nghĩa”.
Bà Phạm Kim Cúc (69 tuổi, ngụ Quận Bình Tân, TPHCM) cho biết: “Tôi gặp tình trạng mỡ máu khá cao, đến đây được bác sĩ tư vấn, hạn chế ăn mỡ động vật, đồ chiên xào, không ăn da gà, lòng đỏ trứng, tập thể dục thường xuyên và ăn nhiều rau”.
Kết thúc ngày hội, BS.CK1 Bùi Thị Minh Phượng - Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM mang đến buổi chia sẻ một số bài tập tại nhà với thông điệp “Tập thể dục ‘chìa khóa’ cho sức khỏe người cao tuổi”. Hoạt động tập luyện được người cao tuổi có mặt tại ngày hội hưởng ứng và tập luyện theo hướng dẫn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình