Hotline 24/7
08983-08983

Tất tần tật những điều cần biết về cấy ghép implant

Cấy ghép implant được biết đến là phương pháp hiện đại nhất trong phục hình răng để thay thế cho răng đã mất. Tuy nhiên, do chi phí khá cao và có rất nhiều vấn đề chưa được giải đáp, khiến mọi người còn phân vân trước khi đưa ra quyết định cắm implant. BS.CK1 Phan Bá Ngọc - Giám đốc Phòng khám Nha khoa Hạnh Phúc sẽ trả lời tất cả những thắc mắc, giúp bệnh nhân có quyết định cho vấn đề này trong bài viết sau đây.

1. Lợi ích và rủi ro khi cắm implant

Nhờ BS chia sẻ rõ hơn, kỹ thuật cấy ghép implant là gì, mang lại lợi ích như thế nào trong điều trị các bệnh lý nha khoa - răng hàm mặt? Và những rủi ro nào phải đối mặt khi cấy ghép implant?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Cấy ghép implant là việc sử dụng trụ implant chất liệu titanium cắm vào xương hàm của bệnh nhân đối với những trường hợp mất răng. Sau khi cấy ghép, bệnh nhân cần chờ cho lành xương, sau đó sẽ cắm răng vào trụ implant.

Implant là phương pháp mới nhất trong phục hình răng. Implant ra đời khắc phục nhược điểm của các phương pháp phục hình trước như răng tháo lắp, cầu răng,… Inplant đảm bảo được chức năng ăn nhai, có cấu hình gần giống và lực răng bằng 9% so sới răng thật.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện phương pháp này, một số người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, các bệnh liên quan đến chảy máu sẽ khó thực hiện cắm implant. Bên cạnh đó, chi phí cắm implant khá cao so với thu nhập trung bình của người Việt Nam. Ngoài ra, đây là thủ thuật nên có thể gây ra một số rủi ro trong quá trình cắm implant.

Thứ nhất, bệnh nhân thường có tâm lý lo sợ vì phương pháp này cắm trụ trực tiếp vào xương hàm, bệnh nhân sợ đau hoặc sợ rủi ro khác. Thứ hai, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng sau khi cắm implant. Thứ ba, có thể bị chảy máu hoặc đau kéo dài. Thứ tư, có thể gặp một số tai biến của việc tiêm thuốc tê, gây mê khi cắm, tai biến của các thủ thuật ngoại khoa, một số khác như bác sĩ khảo sát không kỹ sẽ cắm vào dây thần kinh hoặc xương hàm. Tuy nhiên, những vấn đề trên nếu được bác sĩ khảo sát kỹ sẽ khó có thể sảy ra.

2. Cắm implant được chỉ định và chống chỉ định như thế nào?

Cấy ghép implant được chỉ định trong những trường hợp nào và chống chỉ định trong trường hợp nào? Có giới hạn độ tuổi cấy ghép implant không ạ?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Cắm implant là phương pháp tốt nhất hiện nay trong phục hình răng. Tuy nhiên, cắm implant được chỉ định trong một số trường hợp như mất răng. Trước đây nếu mất răng toàn hàm, bệnh nhân sẽ sử dụng hàm tháo lắp nhưng hiện nay, nếu gặp trường hợp mất răng toàn hàm, bệnh nhân có thể chọn phương pháp cắm implant 4 - 6 trụ, hàm răng sẽ cố định và hoạt động chức năng ăn nhai tốt.

Trường hợp mất răng xen kẽ, so với trước đây bệnh nhân phải làm cầu răng, mài các răng bên cạnh có thể gấy tổn thương mô răng hay một số bệnh nhân sợ mài răng. Hiện nay, với phương pháp cắm implant chỉ cần cắm vào vị trí mất răng, đảm bảo chức năng ăn nhai.

Có một số chống chỉ định tuyệt đối hoặc tương đối khi thực hiện phương pháp cắm implant. Một là chống chỉ định tuyệt đối với nhóm người dưới 18 tuổi, bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân rối loạn chức năng. Bên cạnh đó, những người hút thuốc quá nhiều trong ngày, người nghiện rượu, người có chức năng xương hàm bị phá hủy quá nhiều, nhóm người mắc các bệnh lý liên quan đến chảy máu, bệnh lý tim mạch, rối loạn đông máu,… sẽ chống chỉ định tuyệt đối.

Hai là chống chỉ định tương đối với những bệnh nhân mất xương hàm, trường hợp này có thể ghép xương sau đó tiến hành cắm implant. Một số chống chỉ định tương đối khác với những người đang mắc vấn đề viêm nha chu, viêm nướu, những người này sẽ không được thực hiện cắm implant ngay. Bệnh nhân sẽ được điều trị viêm nha chu hoặc viêm nướu sau đó mới tiến hành cắm implant. Ngoài ra, người bị tiểu đường có kiểm soát đường huyết tốt sẽ được cắm implant.

Phương pháp cắm implant chỉ giới hạn trong nhóm người dưới 18 tuổi vì ở độ tuổi này, xương hàm chưa phát triển hoàn thiện. Đối với một số người lớn tuổi khoảng 70 - 80 tuổi, nếu tình trạng sức khỏe ổn định có thể thực hiện cắm implant.

3. Những điều cần biết khi lựa chọn implant

Tại Việt Nam, nhìn chung có những dòng trụ implant nào, thưa BS? Những loại này khác biệt ra sao? Mỗi người khi lựa chọn implant là dựa trên những yếu tố nào?  

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều dòng implant với nguồn gốc khác nhau. Trong đó, phổ biến là các dòng implant đến từ Hàn Quốc; từ châu Âu như Pháp, Đức, Thụy sĩ hoặc một số dòng đến từ Mỹ. Một số thương hiệu implant thường gặp trên thị trường như trụ implant Dentium, trụ implant Hiossen, trụ implant Straumann, trụ implant Dio,…

Implant được cấu tạo từ titanium, do đó các dòng implant sẽ khác nhau ở độ tinh khiết của chất liệu titanium này. Hoặc có sự khác nhau về thương hiệu, nguồn gốc, nền tảng lâu đời từ các thương hiệu implant hiện nay. Ví dụ, với thương hiệu mắc nhất sẽ có độ tinh khiết của titanium tốt nhất và chống đào thải tốt nhất.

Tiêu chí của việc lựa chọn cắm implant sẽ được ưu tiên về giá tiền, nhóm người có chi phí tầm trung thường chọn các thương hiệu implant của Hàn Quốc, nhóm người có chi phí cao hơn sẽ chọn các dòng đến từ Mỹ, Đức, Thụy Sĩ,… Ngoài ra, việc lựa chọn implant còn dựa vào chỉ định của bác sĩ, dựa trên tình trạng xương hàm của bệnh nhân sau chụp phim. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn loại implant phù hợp với tình trạng và tài chính của người bệnh.

4. Nguyên nhân cắm implant “đắt xắt ra miếng”?

Chi phí cấy ghép implant thế nào? Vì sao chi phí cấy ghép implant lại đắt như vậy ạ? Và có thực sự “đắt xắt ra miếng”?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Hiện nay có rất nhiều bài truyền thông về cắm implant giá rẻ từ hơn 1 triệu đến khoảng 6 triệu. Tuy nhiên, chi phí cắm implant đúng sẽ giao động khoảng từ 10 triệu trở lên.

Chi phí cắm implant cao do nhiều yếu tố, thứ nhất là bác sĩ phải có kiến thức chuyên sâu mới có thể thực hiện cắm implant. Máy móc đầu tư cho việc thực hiện cắm implant cần rất nhiều như máy CT, thực hiện cấy ghép xương và nâng xoang cần rất nhiều bộ máy. Bên cạnh đó, bản chất của implant là nhập khẩu, giá thành nhập cao, do đó, chi phí cắm implant cao.

5. Quy trình cấy ghép implant từ A - Z

Quy trình cấy ghép implant sẽ diễn ra với các bước nào? Mất bao lâu để các quy trình này kết thúc, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Khi bệnh nhân đến, bác sĩ sẽ thăm khám tình trạng răng miệng hiện tại (tình trạng mất răng, đủ xương cắm hay không?…). Sau khi thăm khám, bác sĩ tiến hành chụp CT để kiểm tra xương còn chắc hay xốp, đo kích thước xương, chiều dài, để đảm bảo khi cắm implant phải chắc chắn và tránh thành phần gây nguy hiểm cho bệnh nhân như xoang, ống thần kinh răng dưới, răng bên cạnh,…

Khi hoàn tất việc chụp CT, bệnh nhận sẽ được bác sĩ tư vấn lựa chọn loại implant phù hợp để thống nhất thực hiện. Cuối cùng là cắm implant, bác sĩ tiến hành rạch nướu, khoan vào xương, có thể kèm theo một số thủ thuật khác như ghép xương hay nâng xoang. Khi cắm xong trụ implant, vết thương được khâu kín và chờ trong 2 - 3 tháng hoặc thông thường 4 - 6 tháng. Tuy nhiên vẫn có trường hợp được gắn răng liền ngay khi cắm xong implant dựa trên đánh giá của bác sĩ.

6. Thời gian chờ phục hình trên implant kéo dài bao lâu?

Sau khi cấy trụ implant bao lâu mới tiến hành phục hình bước tiếp theo? Vì sao cần phải cách khoảng thời gian này? Nếu thay trễ hơn thì có ảnh hưởng gì không, thưa BS?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Sau khi cắm trụ, một số trường hợp có thể gắn răng được ngay, nhưng một số trường hợp khác sẽ đợi trong 2 - 3 tháng hoặc thông thường từ 4 - 6 tháng. Việc chờ đợi từ trong thời gian này giúp đảm bảo được việc tích hợp xương, độ vững chắc của implant trên xương hàm, đảm bảo độ ăn nhai tốt cho bệnh nhân.

Nếu cắm răng quá sớm, trụ implant chưa được tích hợp, gây yếu răng, không đảm bảo được chức năng ăn nhai. Mặt khác, nếu đợi quá lâu, xương bám nhiều trên implant gây lấp implant, khi gắn răng, bác sĩ phải mài lớp xương mới có thể thực hiện phục hình. Có một số trường hợp đặc biệt phải đợi lâu hơn từ 8 tháng - 1 năm mới có thể tiến hành lắp răng.

7. Cấy ghép implant có đau không?

Một vấn đề nhiều người lo nhất là, cấy ghép implant có đau không? Nếu đau thì bao lâu hết?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Cắm implant là thực hiện tiểu phẫu, có rạch nướu, khoan vào xương. Trong quá trình làm sẽ sử dụng thuốc tê nên bệnh nhân có thể yên tâm về vấn đề đau khi cắm implant. Bên cạnh đó, bản chất của implant là cắm vào xương hàm nên trường hợp chạm vào thần kinh khá ít.

Sau khi cắm trụ, bệnh nhân có thể đau nướu hoặc đau nén xương, giải pháp là sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau thì tình trạng sẽ hết.

8. Cắm implant ngay sau nhổ răng có an toàn?

Sau khi nhổ răng, cấy implant liền được không, thưa BS? Nếu cấy tức thì, hiệu quả và rủi ro ra sao ạ? Ngược lại, có người lại hỏi rằng, mất răng lâu năm thì có cấy ghép implant được không và trụ implant nào thì hợp với trường hợp này?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Thông thường sau khi cắm trụ phải chờ đợi từ 2 - 3 tháng hoặc 4 - 6 tháng mới bắt đầu cắm răng. Tuy nhiên, với tiến bộ của y, đặc biệt trong ngành trám ghép Nha khoa, implant có thể cắm ngay sau khi nhổ răng (cắm tức thì) bằng cách lợi dụng việc lỗ chân răng còn, phối hợp với ghép xương.

Ưu điểm của phương pháp này là nhanh gọn và đảm bảo xương răng không bị tiêu, giữ được ổ răng nhiều hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp khác như răng bị viêm quá nhiều thì không thể cắm tức thì mà phải nạo sạch, đảm bảo việc lành thương để thực hiện tốt phương pháp cắm implant.

Một số người mất răng lâu năm có thể cắm implant nếu đảm bảo kích thước xương sau khi chụp CT. Vì nhiều trường hợp mất răng lâu năm nhưng vẫn giữ được đủ kích thước xương, không tiêu xương hoàn toàn. Việc lựa chọn implant loại nào sẽ phụ thuộc vào kinh phí và tình trạng xương của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn đề chọn implant phù hợp.

9. Chăm sóc răng sau cắm implant đúng cách

Nhờ BS chia sẻ những lưu ý và hướng dẫn cách chăm sóc răng sau cắm implant?

BS.CK1 Phan Bá Ngọc trả lời: Thông thường, implant đảm bảo tính bền vững rất lâu so với các phương pháp khác. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần chăm sóc răng miệng, ăn uống đúng cách để ổn định implant. Giống với các phương pháp khác, khi cắm implant, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng kỹ hơn, đánh răng bình thường, dùng chỉ nha khoa, dùng tăm nước để đảm bảo sạch sẽ các kẽ răng, tránh tình trạng viêm nướu xung quanh implant. Nếu bị viêm sẽ gây tình trạng viêm xuống trụ implant làm lung lay implant, ảnh hướng đến chức năng ăn nhai.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X