Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát đột quỵ sau COVID-19 gồm những xét nghiệm gì, khi nào cần làm?

Ai cần tầm soát đột quỵ sau COVID-19? Các xét nghiệm cần làm là gì và chi phí bao nhiêu?... Những thắc mắc này đã được TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp - Thần kinh TPHCM giải đáp trong bài viết sau.

1. Tầm soát đột quỵ sau COVID-19 mang lại lợi ích gì cho người bệnh?

Thực tế đã ghi nhận có người bệnh COVID-19 bị đột quỵ sau khi khỏi bệnh một thời gian dài. Xin hỏi TS.BS Trần Chí Cường, việc tầm soát đột quỵ sau COVID-19 mang ý nghĩa như thế nào với người bệnh?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Chúng ta cần phân biệt 3 nhóm bệnh:

Thứ nhất, do bản thân người bệnh trước khi mắc COVID-19 đã có bệnh lý nền, có nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, sau khi mắc COVID-19 như “giọt nước làm tràn ly”. Việc đột quỵ sau COVID-19 không phải do COVID-19 mà liên quan đến mốc thời gian và tiến trình của bệnh. Bởi những trường hợp này, dù không mắc COVID-19 thì nguy cơ đột quỵ vẫn hiện hữu và có khả năng xảy ra.

Thứ hai, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng sau khi mắc COVID-19 thì bị đột quỵ. Thực tế đã ghi nhận trường hợp như thế này và có sự gia tăng đáng kể trong trường hợp bệnh nhân có bệnh nền. Nghĩa là, nguyên nhân đột quỵ chính là do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, ngoài việc tấn công lên hệ hô hấp, các nhà khoa học đã chứng minh được virus SARS-CoV-2 còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hệ tim mạch, hệ tuần hoàn và gây đột quỵ.

Qua cơ chế hình thành cục máu đông trong mạch máu, sau đó làm cho hình thành huyết khối, tùy theo vị trí mà gây ra các biến cố khác nhau, nếu tại tim có thể gây nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim; tại phổi gây huyết khối thuyên tắc mạch máu phổi - đây cũng là một trong những biến chứng tử vong hàng đầu; tại não có thể dẫn đến huyết khối hệ thống mạch máu não, chủ yếu tại hệ tĩnh mạch, gây đột quỵ nhồi máu não.

Thứ ba, bệnh nhân có nguy cơ bệnh lý nền, nhiễm virus SARS-CoV-2 làm bùng phát cơn đột quỵ. Đây là yếu tố thứ 3 cần nhắc đến, nhưng chỉ là sự cộng hưởng thôi.

2. Ai cần tầm soát đột quỵ sau khi mắc COVID-19?

Việc tầm soát đột quỵ sau COVID-19 cần thiết nhất cho những nhóm người nào? Trẻ mắc COVID-19, có cần tầm soát, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Để đánh giá một trường hợp sau khi nhiễm COVID-19 có nguy cơ đột quỵ chúng ta cũng cần phân tích theo các hướng đã nói ở trên:

Thứ nhất, đánh giá bệnh nhân có bệnh lý nền, có nguy cơ đột quỵ không? Nguy cơ đột quỵ gồm có người trên 60 tuổi, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu không kiểm soát được hoặc bệnh nhân thừa cân, béo phì. Đây cũng chính là những nguy cơ làm gia tăng đột quỵ sau nhiễm COVID-19.

Thứ hai, sau khi bệnh nhân khỏi COVID-19 có những biểu hiện lạ về thần kinh, có thể liên quan đến đột quỵ do virus SARS-CoV-2 gây ra. Biểu hiện này bao gồm: đau đầu kéo dài, đột kinh (sau COVID-19 lên cơn co giật toàn thân), nôn ói, mờ mắt, hoa mắt, chóng mặt, yếu liệt tay chân, người khó tập trung…

Đây là 2 nhóm đối tượng ưu tiên tầm soát đột quỵ sau COVID-19. Đối với người trẻ cũng cần đi tầm soát nếu xuất hiện những triệu chứng thần kinh đã nói ở trên để được đánh giá nguy cơ đột quỵ sau nhiễm COVID-19. Đặc biệt, những người nằm điều trị tại tầng 2, tầng 3 thì rất cần quan tâm đến vấn đề tầm soát này, vì khi nhiễm COVID-19 nặng phải thở oxy, thở máy, điều trị kéo dài trong khoa Hồi sức là những đối tượng nguy cơ hàng đầu có thể dẫn đến biến chứng phụ kèm theo gây tử vong và tàn phế, trong đó có đột quỵ.

Đối với người trẻ, khỏe mạnh, mắc COVID-19 nhẹ, triệu chứng thoáng qua và có thể quay trở lại với năng suất học tập, lao động như trước đây thì cũng không nhất thiết phải lo lắng quá về vấn đề nguy cơ đột quỵ sau COVID-19. Bởi vì nguy cơ bị đột quỵ hoặc gặp các vấn đề về não sau khi nhiễm COVID-19 chỉ chiếm 1/1.000 trong số ca nhiễm.

3. Khỏi COVID-19, bao lâu nên tầm soát đột quỵ?

Bao lâu sau khi khỏi COVID-19 đi tầm soát đột quỵ là tốt nhất, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Về việc tầm soát đột quỵ sau khi mắc COVID-19 còn tùy theo khả năng của mỗi bệnh viện. Ví dụ như tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ sẵn có các phương tiện kỹ thuật để chẩn đoán. Vì vậy, trước khi xuất viện, bệnh nhân sẽ có điều kiện chụp MRI 3 Tesla hoặc CT phổi, đánh giá tổng thể.

Tại những cơ sở y tế chưa đủ điều kiện để trang bị các phương tiện tầm soát đột quỵ chúng ta có thể cho bệnh nhân điều trị tại nhà cho qua giai đoạn cấp của COVID-19. Sau đó có thể đặt lịch hẹn tại các cơ sở y tế tầm soát hệ thống mạch máu não, phổi, tim để đánh giá khả năng tai biến, dự hậu sau COVID-19.

Theo tôi, khoảng 1-2 tuần sau khi khỏi COVID-19, người bệnh có thể tầm soát đột quỵ.

4. Gói tầm soát đột quỵ sau khi khỏi COVID-19 gồm có những gì?

Vậy, thưa BS gói tầm soát đột quỵ sau khi khỏi COVID-19 gồm có những xét nghiệm nào ạ?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Gói tầm soát đột quỵ sau khi khỏi COVID-19 sẽ tùy theo nhu cầu, cơ địa, tình trạng, triệu chứng của bệnh nhân. Giả sử sau khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương phổi, suy hô hấp, SpO2 giảm kéo dài… thì cần chụp CT phổi.

Nếu bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 có dấu hiệu đau ngực, tức ngực, nặng ngực, khó thở, mệt khi gắng sức… thì tập trung tầm soát xét nghiệm men tim, đo điện tim, siêu âm tim hoặc tốt hơn nữa là kiểm tra mạch vành đánh giá nguy cơ cục huyết khối, tắc nghẽn động mạch vành… để ngăn ngừa biến chứng biến chứng viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim sau nhiễm COVID-19 cho người bệnh.

Đối với não hiện có phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) 3 Tesla như Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đang ứng dụng mang lại hiệu quả tầm soát tối ưu. Bệnh nhân không cần phải tiêm thuốc tương phản, đây là một trong những ưu điểm của máy MRI 3 Tesla. Thông thường, đối với MRI 1,5 Tesla đòi hỏi phải bơm thuốc để đánh giá hệ thống tĩnh mạch não, đây là một trong những hạn chế làm cho việc tầm soát đột quỵ có phần khó khăn.

Ngoài ra, chúng ta còn có các xét nghiệm cơ bản như mỡ máu, đường huyết, chức năng gan thận… cũng đánh giá một phần tác động của COVID-19 đến các cơ quan trong cơ thể. Chi phí trung bình cho một gói tầm soát đột quỵ toàn diện như Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đang xây dựng vào khoảng 8-9 triệu đồng.

5. Các xét nghiệm bắt buộc phải làm sau COVID-19 để tiết kiệm chi phí cho người bệnh?

Nhiều người lo ngại về chi phí, vì không phải ai cũng có điều kiện kinh tế, nhất là sau một mùa dịch lao đao, nếu chi phí tầm soát quá cao thì đâu là xét nghiệm cần thiết nhất (bắt buộc) phải thực hiện, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Nếu cá thể hóa, chúng ta có thể lựa chọn một trong các xét nghiệm như tôi đã nói ở trên. Nếu tập trung về tim thì chỉ cần siêu âm tim, đo điện tim, xét nghiệm men tim để kiểm tra mức độ tổn thương hệ tim mạch cho người bệnh. Nếu tập trung về phổi thì chỉ cần thực hiện x-quang phổi, nếu nặng hơn, nghi ngờ trên x-quang phổi thì làm thêm CT phổi để đánh giá nguy cơ huyết khối của hệ động mạch phổi.

Khi chúng ta thực hiện lẻ các xét nghiệm thì chi phí chỉ khoảng vài trăm đến vài triệu đồng. Nếu chúng ta đơn thuần muốn kiểm tra hệ thống mạch máu não, giả sử giá tham khảo tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ bệnh nhân chi trả khoảng 3.900.000 đồng, vừa chụp được nhu mô não, vừa chụp được hệ thống động mạch não, cảnh mạch não. Hiện, chi phí thực hiện tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước từ 6 lần. Trong Đông Nam Á hiện chưa có nhiều quốc gia đầu tư được máy MRI từ 3 Tesla.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X