Suýt mất mạng vì ngộ độc cá nóc
Sáng 4/6, Bác sĩ Lê Hoàng Phúc, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công một trường hợp bị ngộ độc cá nóc nặng được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).
Theo đó, vào chiều 3/6, Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn V. (63 tuổi ngụ Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, co giật, tê cứng tay chân, cứng hàm...
Được biết, vào sáng cùng ngày, ông V. đặt lờ bắt được khoảng nửa ký cá nóc. Nghe nhiều người nói ăn cá nóc dễ ngộ độc, nhưng ông V. vẫn ăn thử 3 con. Sau khi ăn khoảng 2 giờ, bệnh nhân cảm thấy tê 2 bàn tay, hai chân, tê môi… nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện thị xã Ngã Bảy điều trị. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu. Tại đây bệnh nhân được các bác sĩ cho thở máy, đặt nội khí quản, rửa dạ dày, truyền dịch, điều trị hỗ trợ… Sau một ngày điều trị tích cực, đến sáng ngày 4/6, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã rút nội khí quản, tiếp xúc tốt, nhưng còn tê nhẹ hai tay.
Bác sĩ CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực / Chống độc (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ) khuyến cáo, người dân không nên chế biến thịt cá nóc làm món ăn vì độc tố cá nóc thường nằm ở ruột, gan, trứng và tinh hoàn của cá. Chất độc của cá nóc được gọi là Tetrodotoxin, có độc tính gấp 1.000 lần Xyanua. Ngay sau khi ăn từ 5 - 20 phút, độc tố của cá nóc bắt đầu hấp thu và phát tán. Trường hợp ngộ độc nặng có thể bị liệt toàn thân, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong.
Theo Ngọc Dân - Sài Gòn Giải Phóng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình