Hotline 24/7
08983-08983

Số ca mắc sởi tại TPHCM đã giảm nhưng sốt xuất huyết gia tăng

Ngày 29/10/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã có báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tuần 43. Trong đó số ca mắc sởi và tay chân miệng giảm, tuy nhiên số ca mắc sốt xuất huyết tăng 24,7% so với trung bình 4 tuần trước.

Theo đó, trong tuần 43 (từ ngày 21 - 27/10),  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM ghi nhận 112 ca sởi, giảm 5,9% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 42 là 1.305 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao là: Bình Chánh, Bình Tân và TP Thủ Đức.

Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến hết ngày 25/10, tổng số mũi tiêm vắc xin sởi tích lũy trên địa bàn thành phố là 223.978 mũi. Trong đó, trẻ từ 1 - 5 tuổi đã tiêm được 47.298 mũi (đạt 100%), trẻ từ 6 -10 tuổi là 147.853 mũi (đạt 100%). Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi đã hoàn thành 100% theo kế hoạch.

Hiện tại, Quận 3 có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi chưa đạt 95%. Sở Y tế đề nghị UBND Quận 3 cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch tại quận. Đối với những quận, huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.

Cũng trong tuần qua, TPHCM ghi nhận 473 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 3,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 43 là 14.273 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là Bình Chánh, Nhà Bè và Quận 8.

Trong khi đó, ghi nhận 604 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 24,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 43 là 9.915 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là Quận 1, TP Thủ Đức và Quận 7.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, hiện đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Sở Y tế TPHCM kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát.

Cụ thể, đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước như chậu kiểng, bình hoa, lốp xe cũ và các dụng cụ chứa nước khác.

Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, lấp kín các ổ nước, dọn sạch rác thải; ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X