Suy giãn tĩnh mạch điều trị thế nào?
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh khá phổ biến, xảy ra ở cả nam và nữ, chủ yếu ở những người trên 30 tuổi, tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam. Suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng hay gặp nhất là suy giãn tĩnh mạch chân.
Suy giãn tĩnh mạch là gì, dấu hiệu nhận biết ra sao?
Suy giãn tĩnh mạch là sự suy giảm chức năng lưu thông máu về tim của cơ thể, do sự suy yếu các lá van một chiều hay thành mạch máu bị viêm xơ, kéo giãn.
Bệnh thường xảy ra do công việc đứng ngồi đi lại nhiều trong thời gian dài, người thừa cân, phụ nữ mang thai… Những dấu hiệu ban đầu của suy giãn tĩnh mạch:
- Nặng, nhức mỏi cẳng chân.
- Tĩnh mạch nổi đỏ, giãn ngoằn ngoèo.
- Cảm giác tê rần, nóng, ngứa chân.
- Phù chân buổi chiều hay khi đứng lâu.
Theo thời gian, sự tác động qua lại của các nguyên nhân này làm tình trạng suy giãn tĩnh mạch nặng thêm:
- Chuột rút, nhức mỏi cẳng chân.
- Sưng to cẳng chân, biến đổi sắc tố da, chàm, loét da.
- Viêm huyết khối trong lòng tĩnh mạch, cục huyết khối di chuyển gây thuyên tắc phổi.
Suy giãn tĩnh mạch có thể điều trị khỏi không
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Trong đó điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch, nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch.
Người bệnh cần thay đổi lối sống: Nâng cao chân khi ngủ hoặc khi ngồi, mang tất áp lực, tránh đứng trong thời gian dài, giảm cân nếu thừa cân, tập thể dục để cải thiện sức mạnh của đôi chân. Nếu thay đổi lối sống nhưng không làm giảm triệu chứng bệnh, cần tiêm xơ tĩnh mạch, điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần hay tia laser…
Phẫu thuật được chỉ định khi chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch gây biến chứng loét, giãn lớn các tĩnh mạch hoặc gây đau tức khi vận động đi lại, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ hệ thống tĩnh mạch giãn, giúp làm giảm áp lực tĩnh mạch dưới da. Điều này giúp các tĩnh mạch giãn không tăng lên và ngăn ngừa các giãn tĩnh mạch mới phát triển. Việc loại bỏ hệ thống tĩnh mạch nông không làm ảnh hưởng đến vận chuyển máu về tim, vì nó sẽ đi theo hệ thống tĩnh mạch sâu (nằm sâu bên trong cơ).
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được siêu âm đánh giá mức độ giãn và đánh dấu các tĩnh mạch bị ảnh hưởng để loại bỏ. Phẫu thuật chỉ được tiến hành khi hệ thống tĩnh mạch sâu bình thường đủ khả năng thay thế hệ tĩnh mạch nông.
Bệnh có thể phòng ngừa hay điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Những người có nguy cơ mắc bệnh hoặc phát hiện dấu hiệu sớm được khuyến khích đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế uy tín để được siêu âm chẩn đoán, can thiệp Laser nội mạch, chích xơ cũng như phẫu thuật.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình