Hotline 24/7
08983-08983

Suy gan là gì, có bao nhiêu giai đoạn và cách điều trị ra sao?

Suy gan khiến cho lá gan của bạn không thể hoạt động bình thường và đảm nhiệm tốt các chức năng quan trọng của mình. Nó có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Nhưng dù bất kể loại nào, cũng cần được chẩn đoán sớm và can thiệp y tế kịp thời.

I. Suy gan là gì?

Nhiễm trùng, lạm dụng rượu và di truyền đều có thể dẫn đến tổn thương gan và gây ra bệnh gan, trong đó có suy gan.

Suy gan xảy ra khi gan của bạn không thể hoạt động tốt để thực hiện các chức năng quan trọng của nó, chẳng hạn như loại bỏ các chất độc hại trong máu và sản xuất mật để giúp bạn tiêu hóa thức ăn.

Suy gan có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Suy gan cấp tính diễn ra nhanh chóng, trong khi suy gan mãn tính xảy ra dần dần theo thời gian.

II. Phân biệt suy gan với bệnh gan

Bệnh gan liên quan đến bất kỳ tình trạng nào gây viêm hoặc tổn thương gan của bạn. Bệnh gan có thể ảnh hưởng đến chức năng tổng thể của gan.

Ngược lại, suy gan là khi gan của bạn bị mất một số hoặc tất cả các chức năng vốn có của nó. Nguyên nhân có thể do tổn thương bởi bệnh gan gây ra.

III. Các giai đoạn suy gan

1. Viêm gan

Trong giai đoạn đầu, gan của bạn trở nên to hoặc viêm. Nhiều người bị viêm gan không có triệu chứng, do đó nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tổn thương có thể xảy ra.

2. Xơ hóa

Xơ hóa xảy ra khi gan bị viêm bắt đầu thành sẹo.

Mô sẹo được tạo ra trong giai đoạn này sẽ thay thế cho mô gan khỏe mạnh, nhưng mô sẹo không thể thực hiện các chức năng tương tự. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tối ưu của gan.

Thông thường xơ hóa có thể khó phát hiện vì các triệu chứng không thường xuyên xảy ra.

3. Xơ gan

Trong giai đoạn xơ gan, sẹo đã hình thành trên gan của bạn, nên gan của bạn sẽ rất khó hoạt động bình thường.

Mặc dù trước đây các triệu chứng có thể không xuất hiện, nhưng bây giờ bạn có thể bắt đầu gặp các triệu chứng của bệnh gan.

Các giai đoạn suy ganSuy gan xảy ra khi gan bị tổn thương hoặc chức năng của gan không còn hoạt động được nữa

4. Bệnh gan giai đoạn cuối (ESLD)

Những người bị bệnh gan giai đoạn cuối (ESLD), chức năng gan đã suy giảm nghiêm trọng.

ESLD có liên quan đến các biến chứng như cổ trướng và bệnh não gan (hay còn gọi là bệnh hôn mê gan).

5. Ung thư gan

Ung thư là sự nhân lên nhanh chóng của các tế bào bất thường trong cơ thể. Khi ung thư phát triển trong gan, nó được gọi là ung thư gan nguyên phát.

Mặc dù nó có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của suy gan, nhưng những người bị xơ gan có nhiều nguy cơ phát triển ung thư gan.

Một số triệu chứng phổ biến của ung thư gan bao gồm:

  • Sụt cân
  • Đau bụng
  • Chán ăn hoặc cảm thấy no nhanh
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Vàng da và mắt
  • Ngứa da

IV. Nguyên nhân gây suy gan

Nguyên nhân suy gan có thể phụ thuộc vào loại suy gan như cấp tính hoặc mãn tính.

1. Nguyên nhân gây suy gan cấp tính

Suy gan cấp tính diễn ra nhanh chóng, nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Nhiễm virus, chẳng hạn như viêm gan A, B hoặc E
  • Sử dụng quá liều acetaminophen (Tylenol)
  • Phản ứng với thuốc theo toa như thuốc kháng sinh, NSAID hoặc thuốc chống động kinh
  • Phản ứng với các chất bổ sung thảo dược như ma hoàng và kava kava
  • Mắc bệnh Wilson
  • Mắc viêm gan tự miễn
  • Các tình trạng ảnh hưởng đến các tĩnh mạch của gan, chẳng hạn như hội chứng Budd-Chiari
  • Tiếp xúc với chất độc như hóa chất công nghiệp hoặc nấm độc

2. Nguyên nhân gây suy gan mạn tính

Suy gan mạn tính xảy ra do tổn thương gan, nhưng lại phát triển chậm theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến xơ gan, trong đó số lượng lớn mô sẹo trên gan của bạn ngăn cản cơ quan này hoạt động bình thường.

Các nguyên nhân có thể gây ra xơ gan bao gồm:

  • Viêm gan B, C
  • Bệnh gan liên quan đến rượu
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
  • Viêm gan tự miễn
  • Các bệnh ảnh hưởng đến đường mật của bạn, chẳng hạn như viêm đường mật

nguyên nhân suy ganCác nguyên nhân dẫn đến suy gan

V. Các triệu chứng của suy gan

1. Triệu chứng của suy gan cấp tính

Suy gan cấp tính thường xảy ra ở những người không có tình trạng gan từ trước. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế với các triệu chứng như sau:

  • Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu
  • Buồn ngủ
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau bụng
  • Vàng da và mắt

2. Triệu chứng của suy gan mãn tính

Các triệu chứng của suy gan mãn tính có thể được chia thành các triệu chứng ban đầu và các triệu chứng nặng hơn. Các triệu chứng ban đầu của suy gan mãn tính bao gồm:

  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Khó chịu hoặc đau bụng nhẹ
  • Một số triệu chứng của suy gan mãn tính giai đoạn nặng bao gồm:
  • Vàng da và mắt
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
  • Tích tụ chất lỏng trong bụng, cánh tay hoặc chân
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Ngứa da

VI. Chẩn đoán suy gan

Để chẩn đoán suy gan, đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp và hỏi về tiền sử bệnh của bạn có từng mắc bệnh gan hay chưa. Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện nhiều xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán chính xác hơn, bao gồm:

Xét nghiệm chức năng gan hay còn gọi là sinh hóa gan: giúp đánh giá sức khỏe của gan bằng cách đo nồng đồ protein và enzym khác nhau trong máu của bạn.

Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể thực hiện công thức máu toàn bộ (CBC) hoặc xét nghiệm bệnh viêm gan virus hoặc các tình trạng di truyền có thể gây tổn thương gan.

Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, CT scan hoặc MRI có thể giúp bác sĩ hình dung gan của bạn.

Sinh thiết: Lấy mẫu mô từ gan của bạn để xem liệu có mô sẹo hay không và cũng có thể hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh của bạn.

Siêu âm giúp chẩn đoán suy ganSiêu âm gan là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ phát hiện ra những bệnh lý về gan

VII. Phương pháp điều trị suy gan

Vì tổn thương gan dẫn đến suy gan, nên việc điều trị sẽ liên quan đến việc giải quyết những gì gây ra tổn thương gan.

Ví dụ, sử dụng thuốc kháng virus để điều trị nhiễm trùng viêm gan do virus hoặc thuốc ức chế miễn dịch để điều trị viêm gan tự miễn.

Thay đổi lối sống cũng là phương pháp tốt giúp cho quá trình điều trị của bạn khả quan hơn. Điều này có thể bao gồm kiêng rượu, giảm cân hoặc tránh sử dụng một số loại thuốc.

Suy gan cấp thường được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Chăm sóc hỗ trợ được thực hiện để giúp ổn định tình trạng và kiểm soát mọi biến chứng trong quá trình điều trị và phục hồi.

Nếu nghi ngờ quá liều thuốc hoặc phản ứng, có thể cho thuốc để đảo ngược tác dụng. Ghép gan cũng có thể được đề nghị cho một số người bị suy gan cấp tính.

Đối với giai đoạn viêm và xơ hóa của suy gan có thể được chữa lành theo thời gian nếu được xác định sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, tổn thương gan do xơ gan gây ra thường không thể hồi phục, nhưng có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh.

Những người bị xơ gan hoặc ESLD nặng, có thể cần ghép gan. Điều này liên quan đến việc cắt bỏ gan bị bệnh và thay thế nó bằng gan từ một người hiến tặng khỏe mạnh.

VIII. Cách phòng ngừa suy gan

Bạn có thể ngăn ngừa suy gan bằng cách thay đổi lối sống để giữ cho lá gan khỏe mạnh. Dưới đây là một số phương pháp để cải thiện sức khỏe của gan:

  • Uống rượu có chừng mực
  • Không uống chung thuốc với rượu
  • Chỉ dùng thuốc khi cần thiết và tuân theo chỉ định về thời gian uống, liều lượng của bác sĩ kê toa
  • Không dùng chung thuốc khi chưa hỏi ý kiến ​​bác sĩ
  • Duy trì cân nặng hợp lý, vì béo phì có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ
  • Chích vắc xin viêm gan A và B để phòng ngừa bệnh
  • Khám sức khỏe định kỳ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X