Hotline 24/7
08983-08983

Sưng cổ tay, có phải dấu hiệu tràn dịch khớp và điều trị thế nào?

Tràn dịch khớp cổ tay gây sưng khiến người bệnh đau, khó chịu. Tình trạng này do đâu, dấu hiệu nào nhận biết và điều trị ra sao? Các thắc mắc này đã được ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Bộ môn Nội - Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Dấu hiệu nào nhận biết tràn dịch khớp cổ tay?

Dấu hiệu nào để nhận biết đang tràn dịch khớp cổ tay, thưa BS? Và có dễ nhầm lẫn với các nhóm bệnh lý cơ xương khớp khác không ạ?

Tràn dịch khớp cổ tay là tình trạng cổ tay bị sưng. Bởi vùng cổ tay của chúng ta không có nhiều mỡ, vì vậy rất dễ nhận thấy bằng cách so sánh hai bên cổ tay. Nếu một bên to, sưng lên hơn bên còn lại sẽ có khả năng tràn dịch. Ngoài ra, một số trường hợp chỉ nổi lên một cục nhỏ, nhìn bằng mắt thường có thể nhận ra. Đặc biệt, khi thực hiện các động tác gập cổ tay càng dễ nhận biết các cục nhô lên.

2. Những nguyên nhân nào gây tràn dịch khớp cổ tay?

Những nguyên nhân nào gây tràn dịch khớp cổ tay thường gặp, thưa BS?

Cổ tay của chúng ta là khớp nên lúc nào cũng có dịch, chỉ khác là bình thường số lượng dịch khá ít. Một số bệnh lý làm gia tăng tình trạng tạo dịch, thường gặp nhất là viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, lupus, viêm khớp phản ứng, virus hoặc do gout).

Ngoài ra, một vấn đề khác là do dịch chảy ra ngoài, nguyên nhân là gân, cơ, dây chằng xung quanh vùng này bị hở hoặc lỏng lẻo. Khi gập duỗi cổ tay làm tăng áp lực lên khớp cổ tay, đẩy dịch qua những vị trí đang bị hở, lỏng lẻo này tạo thành khối - gọi là nang hoạt dịch.

3. Sưng cổ tay do tràn dịch, phải làm sao?

Vậy thì người bệnh bị sưng khớp cổ tay do tràn dịch khớp cần phải làm gì ạ?

Đa số các trường hợp sẽ cần xem xét tùy nguyên nhân để điều trị. Thứ nhất là tình trạng viêm khớp, gây đau nhiều hoặc đau ít tùy bệnh lý, diễn tiến nhanh hay chậm. Ví dụ như gout gây đau rất dữ dội, nhưng các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus có thể đau chậm hơn (nhưng vài tuần sau có thể đau dữ dội do lượng dịch nhiều). Khi bị viêm bệnh nhân thường sẽ rất đau kèm theo khó cử động cổ tay, đa số sẽ đi khám ngay. Nếu không điều trị sớm có thể gây dính, hoạt tử hoặc hủy khớp, dẫn đến cổ tay không cử động được.

Trường hợp thứ hai, nang hoạt dịch cổ tay đa số lành tính hơn, diễn tiến chậm và không gây đau. Vì không đau, không gây hạn chế khi vận động nên nhiều trường hợp không để ý, chỉ phát hiện khi sưng to, do vậy bệnh nhân thường không đi khám sớm. Về cơ bản, nang hoạt dịch cổ tay điều trị không cấp tính như các trường hợp viêm.

4. Tràn dịch khớp cổ tay, tình huống nào có thể điều trị tại nhà?

Tràn dịch khớp cổ tay có điều trị tại nhà được không ạ? Nếu có xin nhờ BS có thể hướng dẫn một số phương pháp giúp người bệnh điều trị tại nhà?

Tùy mỗi nguyên nhân sẽ có hướng giải quyết khác nhau. Nếu trường hợp viêm, về cơ bản sẽ không tự điều trị tại nhà mà cần có sự kết hợp thuốc men. Mặc dù có bài tập, nhưng vấn đề cốt lõi đầu tiên là làm hết viêm.

Hiện có một số bài tập để hạn chế tình trạng cứng khớp cổ tay nếu như bị viêm. Ví dụ, trong trường hợp viêm khớp dạng thấp, đầu tiên là chườm lạnh để hết nóng, giảm sưng (lấy cục nước đá bỏ vào nilong mỏng hoặc khăn mỏng đắp lên vùng bị sưng khoảng 15 phút mỗi 3-4 tiếng). Khi bớt đau có thể tập co duỗi cổ tay trong giới hạn cho phép (động tác nghiêng cổ tay qua trái, nghiêng cổ tay qua phải, xấp - ngửa bàn tay, cổ tay) để ngăn chặn tình trạng dính khớp cổ tay.

Ngược lại, trong tình trạng u nang hoạt dịch, thông thường không nên tập quá nhiều. Bởi vì khi người bệnh vận động tăng áp lực nhiều lên cổ tay sẽ làm u nang to hơn, đặc biệt là trường hợp xách nặng, tập yoga, tập chống đẩy. Với tình huống này, người bệnh có thể được nẹp cổ tay, để hạn chế vận động. Ngoài ra, trong trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể rút dịch cho người bệnh.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, hai trường hợp này có sự trái ngược nhau: tình trạng viêm thì cần vận động để tránh dính, cứng khớp, trong khi đó u nang thì phải cố định, bất động. Tùy theo tình trạng bệnh sẽ có hướng điều trị tại nhà khác nhau.

5. Triệu chứng nào cần phải đến bệnh viện để điều trị?

Trường hợp nào cần đến bệnh viện để điều trị ạ? Và nếu như không điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng gì, thưa BS?

Có hai triệu chứng chính cần bắt buộc đi khám:

- Thứ nhất là đau

- Thứ hai là hạn chế cử động cổ tay

Ngoài ra, nếu rờ vào cổ tay thấy nóng thì cũng nên đi khám.

6. Các phương pháp điều trị tràn dịch khớp cổ tay?

Hiện có những phương pháp nào để điều trị tình trạng này thưa BS? Và khoảng bao lâu thì hồi phục ạ?

Tùy tình trạng của bệnh nhân. Nếu là viêm khớp, bệnh nhân sẽ uống thuốc, hoặc thậm chí bị nặng có thể cần truyền thuốc sinh học (chi phí tương đối cao). Viêm khớp do virus, viêm khớp do gout có thể xảy ra thoáng qua, vài tuần là khỏi. Đối với viêm khớp tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus) thời gian điều trị lâu dài, có thể lên đến vài năm.

Còn với các trường hợp u nang hoạt dịch đơn thuần, về cơ bản điều trị đơn giản hơn, đôi khi bác sĩ chỉ cần rút dịch là khỏi, nhưng thường tái phát. Vì vậy, cần hạn chế các động tác gập duỗi quá mức.

7. Phòng ngừa tái phát tràn dịch khớp cổ tay bằng cách nào?

Sau khi điều trị liệu có tái phát không ạ? Và nếu có thì làm sao để phòng tránh, thưa BS?

Thực tế, với tình trạng viêm khớp rất khó phòng tránh, vì đa số là do bệnh lý tự miễn (hệ miễn dịch bị rối loạn).

Với tình trạng u nang hoạt dịch thường do các động tác chống tay quá nhiều (yoga, hít đất) làm tăng áp lực cổ tay. Vì vậy để phòng tránh có thể khởi động trước khi tập, trong giai đoạn sớm cần băng ép tạo màng nhân tạo để ngăn chặn tình trạng thoát dịch trong cổ tay.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X