Sử dụng sữa mẹ trữ đông thế nào để bảo toàn dưỡng chất?
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy và ThS.ĐD Võ Thị Ngọc Diệp, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, để bảo toàn những dưỡng chất trong sữa mẹ sau khi trữ đông, nên rã đông bằng cách tự nhiên nhất và hâm nóng bằng nước ấm hoặc dụng cụ hâm nóng sữa chuyên biệt.
1. Các loại thực phẩm nào giúp mẹ nhiều sữa?
Nhờ BS chia sẻ một số bí quyết cũng như các loại thực phẩm có thể tăng cường sử dụng để mẹ nhiều sữa cho con bú?
- Móng giò hầm đu đủ là giải pháp được áp dụng trong dân gian để sữa mẹ về phổ biến nhất. Nhiều chị em ở cữ mô tả “ăn đến phát ngán” nhưng vẫn ráng để tốt cho con. Nhờ BS cho lời khuyên trong tình huống này ạ!
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Về lượng sữa của mỗi bà mẹ sẽ có nhiều yếu tố tác động. Trong đó, dinh dưỡng là một trong những yếu tố có sự tác động lớn đối với lượng sữa mẹ.
Có những hormone sẽ hỗ trợ quá trình kích thích và tăng tiết sữa của bà mẹ. Mặc dù thực phẩm không trực tiếp chứa các loại hormone này, nhưng một số thực phẩm chứa các chất làm sản xuất ra các loại hormone như Oxytocin hoặc Prolactin để tăng kích thích và tiết sữa.
Một số thực phẩm có khả năng tăng cường tiết sữa, có lợi cho bà mẹ trong quá trình cho con bú như:
- Thực phẩm có chứa Tryptophan (có trong phô mai).
- Thực phẩm tăng cường chất béo, omega-3 (cá hồi).
- Các loại thực phẩm chứa Phytoestrogen (đậu nành và các sản phẩm chế biến từ đậu nành).
- Thực phẩm giàu chất sắt (thịt đỏ, rau màu xanh đậm).
- Thực phẩm chứa Beta-carotene (cà rốt).
- Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất xơ (rau xanh và trái cây).
- Nước rất quan trọng để tiết đủ sữa mẹ trong quá trình cho con bú, vì vậy phải bổ sung đầy đủ nước.
2. Sữa trữ đông có đảm bảo dưỡng chất, nên trữ và rã đông sữa mẹ như thế nào để vẫn vẹn toàn dinh dưỡng?
Trữ sữa mẹ là cách làm phổ biến hiện nay vừa giúp con nhận được dưỡng chất lại không lãng phí sữa mẹ. Xin hỏi BS:
- Sữa mẹ trữ đông có còn giữ lại các dưỡng chất cho con như mẹ mong muốn?
- Trữ sữa mẹ sao và rã đông, hâm lại sữa mẹ như thế nào cho đúng để vẫn vẹn toàn dinh dưỡng cho con, thưa BS?
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy trả lời: Trữ đông sữa mẹ là biện pháp giúp việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể kéo dài hơn và thuận tiện đối với những bà mẹ dư sữa, bé bú không hết. Mỗi của sữa nên vắt ra, trữ đông sữa mẹ để có thể sử dụng từ từ sau này.
Tuy nhiên, quá trình trữ đông và rã đông để sử dụng sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến một số thành phần trong sữa mẹ:
- Hầu như chất đạm trong sữa mẹ không bị thay đổi nhiều.
- Một số enzyme có thể bị giảm hoạt tính khi trữ đông.
- Thành phần chất béo không thay đổi khi trữ đông nhưng việc trữ đông sẽ gây tách lớp sữa mẹ. Do đó, khi sử dụng cần lắc đều để thành phần trong sữa mẹ được hòa tan.
- Đa số các vitamin và khoáng chất không bị giảm nhưng một số loại vitamin tan trong nước như vitamin C có thể giảm đôi chút.
Nói tóm lại, những thành phần trong sữa mẹ trữ đông có thể một ít hoặc giảm tác dụng nhưng vẫn giữ được những dưỡng chất thiết yếu nhất cho trẻ. Vì vậy, các bà mẹ vẫn có thể yên tâm khi sử dụng những sản phẩm sữa mẹ trữ đông.
Về trữ đông sữa mẹ, để bảo quản sữa trong tủ đông phải có dụng cụ như túi hoặc hộp trữ sữa chuyên dụng để trữ sữa được an toàn hơn.
Thời gian bảo quản sữa trữ đông sẽ tùy theo nhiệt độ trữ sữa:
- Ở nhiệt độ thông thường (nhiệt độ phòng) khoảng 25 độ C thì sữa mẹ có thể để được 4 tiếng đồng hồ.
- Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được 3 ngày (72 giờ).
- Nếu để trong ngăn đông tủ lạnh từ 0 đến -5 độ C thì có thể trữ được đến 6 tháng.
- Nếu có tủ trữ đông chuyên dụng ở nhiệt độ dưới -18 độ C có thể giữ sữa mẹ đến 1 năm.
Để có thể bảo toàn những dưỡng chất trong sữa mẹ sau khi trữ đông, nên rã đông bằng cách tự nhiên nhất. Ví dụ, từ ngăn đông sẽ để xuống ngăn mát tủ lạnh trong vòng 12 - 24 tiếng trước khi cho bé bú. Khi lấy sữa từ tủ lạnh ra sẽ hâm nóng bằng nước ấm hoặc dụng cụ hâm nóng sữa chuyên biệt.
3. Có phải sữa màu vàng đậm có phải nhiều chất dinh dưỡng hơn sữa màu nhạt?
Một số quan điểm cho rằng, sữa màu vàng đậm có phải nhiều chất dinh dưỡng hơn sữa có màu nhạt. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?
ThS.ĐD Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Sữa non có màu vàng nhạt hơn so với sữa trưởng thành. Trên thực tế, có thể do sữa cô đặc nên thấy màu vàng sậm hơn hoặc nguồn sữa tốt, đủ nước hơn sẽ có màu vàng nhạt.
Tuy nhiên, các mẹ không nên căng thẳng hay lo lắng sữa nào chất lượng hơn, vì đã là sữa mẹ chắc chắn sẽ chất lượng. Nếu mẹ đang cho em bé bú mà bực bội một chuyện gì đó thì em bé sẽ không vui. Chính vì vậy, khi mẹ cho em bé bú, các ông bố nên làm những động tác nhỏ như dùng khăn lau mặt cho mẹ để mẹ cảm thấy hạnh phúc và năng lượng đó sẽ truyền đến cho bé.
Đây là những việc trong tầm tay mà các ông bố nên chia sẻ với các bà mẹ. Phụ nữ sau sanh có rất nhiều lo toan, cũng như về sức khỏe, ngồi cho em bé bú chắc chắn rất mệt, nên nếu được chia sẻ sẽ tạo ra năng lượng yêu thương tốt cho mẹ và đồng thời tốt cho bé.
Thông điệp gửi đến những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ là hãy mang tình yêu thương đến cho bé, sữa mẹ là rất quý không gì có thể thay thế được và đừng quan tấm đến việc sữa có màu vàng đậm hay nhạt.
4. Khi nuôi con bằng sữa mẹ thường gặp những vấn đề nào và xử trí ra sao?
Những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ mà các mẹ bỉm thường gặp phải trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ và cách xử trí như thế nào ạ?
ThS.ĐD Võ Thị Ngọc Diệp trả lời: Với những phụ nữ khi nuôi con bằng sữa mẹ thường gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là những mẹ có con lần đầu tiên.
Khi nằm viện điều quan tâm nhất của các mẹ là làm sao có đủ lượng sữa cho em bé. Do đó, nhân viên y tế, hộ sinh sẵn sàng hỗ trợ cho các bà mẹ bằng kỹ thuật massage, giúp cho em bé bú trong những ngày đầu, đồng thời xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng cho các mẹ. Như vậy, các mẹ hoàn toàn yên tâm khi ở trong bệnh viện vì đã có chế độ chăm sóc giúp mẹ có đủ sữa.
Tuy nhiên, khi về nhà sẽ có nhiều khó khăn như mẹ bị tắc sữa. Đây là một trong những trường hợp thường gặp, phải tư vấn cho khá nhiều bà mẹ trong giai đoạn nuôi con, đặc biệt là những tháng đầu.
Nếu em bé không bú mút tốt hoặc mẹ không cho bé bú hết các phần sữa hoặc không vắt sữa thừa, những kiến thức đơn giản này nếu mẹ không được hướng dẫn trước chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tắc sữa. Khi bị tắc sữa các mẹ rất sợ cho em bé bú.
Trong nội tiết tiết sữa có hormone rất quan trọng gọi là Feedback Inhibitor of Lactation (FIL). Khi bé bú phải rút hết một bên sữa (bầu vú hoàn toàn rỗng) để lượng FIL hạ thấp xuống sẽ là cơ chế giúp sản xuất sữa nhiều hơn.
Do đó, khuyến khích các mẹ nên cho bú hết một bên, nếu em bé vẫn chưa no sẽ cho bú thêm ở bên còn lại hoặc chỉ cho bé bú một bên và bên còn lại vắt sữa. Chính vì vậy, khi sanh đôi vẫn có thể nuôi em bé bằng 2 vú mà vẫn đủ sữa và tăng cân bình thường.
Đồng thời, trong trường hợp bị tắc sữa phải đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi hotline hoặc đường dây nuôi con bằng sữa mẹ của bệnh viện để được các chuyên gia và nhân viên y tế hỗ trợ. Khi đó, nhân viên y tế sẽ massage để hút hết phần sữa ra, đồng thời hướng dẫn sau mỗi cữ sữa của bé, mẹ phải rút hết sữa.
Ngoài ra, áp lực từ chế độ ăn khi phải ăn những thực phẩm không thích sẽ dẫn đến áp lực tâm lý, gây stress và ảnh hưởng đến sữa.
Ví dụ, muốn ăn canh cá biển nhưng người nhà không cho thì có thể hài hòa bằng cách nấu 2 món canh một lúc và ăn mỗi thứ một ít để đầy đủ chất mà vẫn ăn được món mình thích, dần dần sẽ thay đổi thói quen. Gia đình nên hỗ trợ, không nên tạo thêm xung đột giữa vợ và bà nội, bà ngoại.
Các mẹ bỉm phải bình tĩnh giải quyết vấn đề. Gia đình nên yêu thương, san sẻ, hỗ trợ công việc cho các mẹ để không gặp phải tình huống khó xử.
>>> Cho trẻ bú sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tiểu đường và các bệnh mạn tính
>>> Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương: Giải pháp cho trẻ không có điều kiện bú sữa mẹ
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình