Hotline 24/7
08983-08983

Sau hỏa hoạn, nạn nhân và người nhà nạn nhân cần làm gì để vượt qua khủng hoảng?

Nạn nhân và người nhà nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn có thể gặp tình trạng sang chấn tâm lý. Các sang chấn này có xảy ra trong một thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài hơn, thậm chí sẽ theo họ suốt phần đời còn lại. Nếu cảm xúc tiêu cực kéo dài cần tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để để được hỗ trợ kịp thời.

Vào khoảng 0h46 phút, ngày 24/5, UBND phường, Công an phường Trung Hòa nhận được thông tin báo cháy từ công dân tại địa chỉ số 1 ngõ 43/98/31, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Vụ cháy xảy ra làm 14 người tử vong, trong đó 10 người được đưa đến nhà tang lễ Trần Vĩ, 4 người được đưa đến nhà tang lễ Bệnh Viện 19-8 Bộ Công An. 3 người bị thương đang được cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông vận tải.

Những người thân, người mẹ có con bị thiệt mạng trong vụ cháy nhà trọ đang trải qua một cú sốc lớn trước sự mất mát, đau thương này, đây là những cảm xúc không thể diễn tả thành lời.

Theo BS Nguyễn Viết Chung - Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E (Hà Nội), những người trải qua những sự việc như thảm họa tự nhiên, tai nạn giao thông, đám cháy, bạo lực, sự việc đe dọa đến tính mạng, mất đi người thân... thường sẽ gặp sang chấn tâm lý. Nỗi sợ hãi, lo âu có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào khi người này phải trải qua, chứng kiến hay đối mặt với sự kiện gây sang chấn đó.

Sang chấn tâm lý thường phát sinh ngay sau khi nạn nhân trải qua sự việc cận kề với cái chết hay nhìn thấy những hình ảnh về tai nạn. Sang chấn có thể kéo dài một thời gian ngắn (1 tuần, 1 tháng) nhưng cũng có thể kéo dài hơn, thậm chí sẽ theo họ suốt phần đời còn lại, tuy nhiên ở các mức độ khác nhau.

Theo BS Nguyễn Viết Chung, mỗi người có một cách vượt qua nỗi sợ hãi, sang chấn khác nhau. Có những người thích nghi được nhưng có những người không thể thích nghi. Thậm chí, có những người sau sang chấn có thể bị ám ảnh sợ: sợ lửa, sợ khói, sợ vào phòng kín...

Cách vượt qua khủng hoảng sau hỏa hoạn

ThS Trần Quang Trọng - Khoa tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), khuyến cáo để vượt qua giai đoạn sang chấn tâm lý ban đầu bệnh nhân phải hiểu và chấp nhận tình trạng của bản thân, học cách đối diện với sự thật, dừng lại việc tự đổ lỗi cho bản thân. Việc cần làm là cải thiện giấc ngủ, thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, nên gặp gỡ và chia sẻ với bạn bè, người thân nhiều hơn.

Không chỉ vậy, các bệnh nhân cũng cần sự đồng hành từ người thân. Tuy nhiên, cần chú ý nhận biết bệnh nhân ở giai đoạn nào sau cú sốc để tìm cách giải quyết phù hợp. Nếu nạn nhân ở giai đoạn chưa chấp nhận biến cố, mà chúng ta chia sẻ, quan tâm không tinh tế, thì có thể vô tình gợi lại nỗi đau buồn, mất mát của họ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam cho biết thêm, giai đoạn phục hồi sức khỏe tinh thần cho các nạn nhân là rất quan trọng. Những hoạt động có thể thực hiện bao gồm khám, đánh giá mức độ sang chấn, đưa ra phác đồ hỗ trợ cụ thể, thực hiện các liệu pháp trị liệu, các kế hoạch sử dụng hóa dược trong điều trị là những ưu tiên hàng đầu.

Cùng với sự hỗ trợ của các cán bộ công tác xã hội, các chuyên viên tâm lý... để lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu có thể giúp các nạn nhân cân bằng cảm xúc, chấp nhận mất mát, dần vượt qua sợ hãi để quay lại với cuộc sống.

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), cả nạn nhân lẫn lính cứu hỏa cần chấp nhận phản ứng tiêu cực của bản thân, cố gắng duy trì thói quen vốn có và kiên nhẫn, hiểu rằng mọi quá trình hồi phục đều cần thời gian. Ngoài ra, nên thực hiện các điều dưới đây:

- Chăm chỉ tập thể dục, thiền và hít thở sâu nhằm giảm stress.

- Hạn chế tiếp xúc với cảnh tượng, âm thanh gợi nhớ hỏa hoạn, đặc biệt là từ tivi, radio hoặc báo chí.

- Cho phép bản thân khóc và giải tỏa cảm xúc tiêu cực một cách tích cực.

- Cho phép bản thân được vui vẻ, hạnh phúc.

- Đưa ra vài quyết định nhỏ nhằm lấy lại sự kiểm soát trong cuộc sống. Nếu cần thiết và có thể, đưa ra quyết định lớn như chuyển đổi công việc.

- Hạn chế nghĩ về những điều bạn “đáng lẽ ra phải làm”. Không cô lập bản thân quá nhiều. Dành thời gian nói chuyện với bạn bè, gia đình và những người lành mạnh.

- Tránh xa các chất làm thay đổi tâm trạng như rượu cùng các loại thuốc. Ăn uống cân bằng, khoa học.

Đối với trẻ em và thiếu niên trải nghiệm hỏa hoạn dễ dẫn đến rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ và ác mộng ở trẻ. Do đó, phụ huynh cần cố gắng trở thành hình mẫu tốt cho con em. Cởi mở chia sẻ suy nghĩ, nỗi lo và ý tưởng với trẻ. Động viên con quay lại cuộc sống trước đây, bao gồm cả việc giải trí. Tuyệt đối đừng bao giờ coi trẻ nhỏ như phương tiện trút căng thẳng, sợ hãi.

Hầu hết cảm xúc tiêu cực sẽ dần tiêu tan sau vài ngày. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như bùng nổ về cảm xúc (giận dữ, khóc lóc), khó ăn khó ngủ, mất hứng thú; các triệu chứng cơ thể (đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi); cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng, lảng tránh gia đình bạn bè; lạm dụng rượu và các chất khác kéo dài từ 2 tuần trở lên, bạn nên đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X