Hotline 24/7
08983-08983

Sau đột quỵ, rối loạn chức năng nuốt đe dọa sức khỏe người bệnh thế nào?

Sau đột quỵ, một hành động tưởng chừng đơn giản như nuốt cũng trở thành thử thách lớn. Rối loạn chức năng nuốt có thể gây viêm phổi hít, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân. Vậy đâu là giải pháp? ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 sẽ giải đáp ngay sau đây.

1. Rối loạn chức năng nuốt sau đột quỵ có thể dẫn đến bệnh viêm phổi hít

Thưa BS, rối loạn chức năng nuốt sau đột quỵ là gì ạ? Nguyên nhân nào khiến bệnh nhân bị tình trạng này sau đột quỵ ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Rối loạn chức năng nuốt là tình trạng bệnh nhân không có khả năng nuốt thức ăn, nước uống một cách hiệu quả và an toàn. Do đó, người bệnh không đủ chất dinh dưỡng và thiếu nước cho cơ thể. Một vài trường hợp rối loạn nuốt gây nuốt sặc, hít sặc, từ đó gây bệnh viêm phổi hít.

Nguyên nhân do đột quỵ ảnh hưởng đến chức năng cơ hầu họng gây tình trạng rối loạn nuốt. Ngoài ra, việc giảm cảm giác vùng cơ hầu họng cũng là nguyên nhân gây rối loạn chức năng nuốt sau đột quỵ.

2. Những điều cần lưu ý khi cho bệnh nhân bị rối loạn nuốt sau đột quỵ ăn uống

Nhờ BS chia sẻ một số lưu ý trong chế độ ăn uống dành riêng cho bệnh nhân rối loạn chức năng nuốt sau đột quỵ ạ!

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Chế độ ăn của bệnh nhân rối loạn nuốt cần tuân thủ nghiêm ngặt theo lời bác sĩ đột quỵ, bác sĩ dinh dưỡng và chuyên viên ngữ âm trị liệu. Bệnh nhân nên ăn uống từ từ, chậm rãi, nên ăn trong lúc ngồi, đầu hướng về phía trước. Cần tránh thức ăn quá khô cứng, thức ăn quá cay nóng.

Tuy nhiên, bệnh nhân rối loạn nuốt không có dấu hiệu bất thường khi ăn các loại thức ăn khác không có nghĩa là an toàn 100%. Do đó, việc tuân thủ và tham khảo ý kiến của bác sĩ đột quỵ, bác sĩ dinh dưỡng, các chuyên viên âm ngữ triệu liệu về điều trị rối loạn nuốt đóng vai trò quan trọng.

3. Rối loạn nuốt sau đột quỵ, nên tập luyện thế nào cho hiệu quả?

Thưa BS, liệu có bài tập nào giúp bệnh nhân cải thiện chức năng nuốt hiệu quả không ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Đây là một câu hỏi khá khó. Có rất nhiều phương pháp cũng như bài tập giúp cải thiện rối loạn nuốt sau đột quỵ. Tuy nhiên, các phương pháp và bài tập này được chỉ định bởi chuyên gia ngữ âm trị liệu. Do đó, việc xây dựng chế độ luyện tập phải được đánh giá một cách khoa học, kỹ lưỡng và toàn diện theo từng bệnh nhân khác nhau.

4. Không thể ăn uống bằng miệng sau đột quỵ, làm sao cải thiện?

Thưa BS, trong trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không thể ăn uống bằng miệng, liệu có biện pháp nào cải thiện không ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Đối với bệnh nhân rối loạn nuốt mức độ nặng, không thể ăn uống chúng ta có thể đặt sonde mũi dạ dày. Trường hợp bệnh nhân rối loạn nuốt kéo dài có thể dùng phương pháp mở thông lỗ qua dạ dày. Những phương pháp này giúp đưa nước và thức ăn vào dạ dày bệnh nhân.

Bên cạnh đó, bác sĩ dinh dưỡng phải lựa chọn và chế biến khẩu phần ăn có đủ độ lỏng, độ loãng, tránh làm tắc nghẽn ống sonde và ống dẫn. Ngoài ra, chế độ ăn phải được xây dựng hợp lý, đảm bảo đủ chất đạm, chất xơ và phù hợp với các bệnh đi kèm.

Ví dụ, bệnh nhân đột quỵ có thể cao huyết áp, đáo tháo đường. Do đó, khẩu phần, chế độ ăn được nuôi dưỡng bằng sonde dạ dày, ống thông mở qua dạ dày cũng được nghiên cứu. Quan trọng hơn là sự lên kế hoạch tập luyện của các chuyên gia ngữ âm trị liệu, chuyên gia điều trị rối loạn nuốt. Họ sẽ có chế độ tập luyện để bệnh nhân dần dần ăn uống bằng đường miệng. Sau đó lên kế hoạch rút dần ống sonde dạ dày, đóng lỗ thông dạ dày, khôi phục quá trình tiêu hóa bình thường của bệnh nhân.

5. Lưu ý khi chế biến thức ăn cho bệnh nhân bị rối loạn nuốt sau đột quỵ

Thưa BS, với phương pháp ăn bằng ống sonde, người nhà phải chế biến thức ăn thế nào để bệnh nhân dễ dàng ăn hơn ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Quan trọng nhất phải lưu ý về độ lỏng, độ loãng của thức ăn sao cho đảm bảo. Về hàm lượng dinh dưỡng nên có sự tham vấn của bác sĩ dinh dưỡng. Điều này cũng giống như thuốc điều trị, khi bơm hay nghiền thuốc cũng phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, việc chế biến thức ăn phải dựa vào những bệnh lý đi kèm của bệnh nhân. Ví dụ chế độ ăn của các bệnh nhân đáo tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp sẽ khác nhau.

Về cơ bản, việc chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng, đủ chất xơ và men tiêu hóa cũng rất quan trọng. Không nên chế biến thức ăn quá đặc vì thức ăn sẽ bám vào thành ống nuôi gây tắc nghẽn. Bên cạnh đó, tránh thức ăn quá nóng, quá lạnh và các thức ăn gây kích thích.

6. Vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân sau đột quỵ cần lưu ý những gì?

Thưa BS, bệnh nhân sau đột quỵ nên được chăm sóc răng miệng thế nào ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Vệ sinh răng miệng đối với bệnh nhân đột quỵ thông thường và đối với bệnh nhân rối loạn nuốt đóng vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân phải được vệ sinh đúng cách, cần có sự tham khảo ý kiến của điều dưỡng viên chuyên khoa đột quỵ. Các điều dưỡng viên sẽ hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng đúng đắn để đảm bảo khoang miệng bệnh nhân luôn sạch sẽ.

Một số bệnh nhân rối loạn nuốt nặng có thể bị sặc do chính nước bọt của mình. Do đó, việc vệ sinh răng miệng càng đóng vai trò quan trọng hơn ngoài việc kiểm soát vi khuẩn và phòng ngừa hít sặc.

Vì vậy, người nhà nên tuân thủ đúng hướng dẫn của điều dưỡng viên chuyên khoa đột quỵ.

7. Phục hồi chức năng nuốt cho bệnh nhân sau đột quỵ cần sự phối hợp từ nhiều phía

Nhờ BS gửi lời khuyên dành cho bệnh nhân rối loạn nuốt sau đột quỵ và người nhà để phục hồi chức năng nuốt hiệu quả tốt nhất ạ!

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Có thể thấy, rối loạn nuốt sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như rối loạn dinh dưỡng, thiếu nước, khiến thời gian nằm viện kéo dài, dẫn đến biến chứng viêm phổi, thậm chí tử vong. Do đó, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện không chỉ của bác sĩ đột quỵ mà cần sự phối hợp thêm của bác sĩ dinh dưỡng, chuyên viên âm ngữ trị liệu được đào tạo chuyên sâu về rối loạn nuốt.

Ngoài ra, sự hiểu biết và phối hợp tốt giữa bệnh nhân và gia đình là điều không thể thiếu. Người nhà khi chăm bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt, không tự ý thay đổi chế độ ăn hay cách thức uống nước. Bên cạnh đó, cần kiên nhẫn tập đúng phương pháp và bài tập đã được chỉ định bởi chuyên gia và bác sĩ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X