Hotline 24/7
08983-08983

Sa sút trí tuệ có xu hướng xuất hiện ở những người trẻ

Từ năm 2017, Việt Nam được xếp vào quốc gia có dân số già, hơn 10% dân số trên 60 tuổi. Tuy nhiên, bên cạnh việc tuổi thọ tăng, lại đi kèm theo các bệnh liên quan đến tuổi tác như tim mạch, thoái hóa cơ xương khớp, trong đó có bệnh lý sa sút trí tuệ. Ở nước ta, bệnh lý này có xu hướng xuất hiện ở người trẻ từ 55 tuổi.

Khoảng 55 triệu người trên thế giới mắc sa sút trí tuệ

Để chào mừng Tháng Alzheimer Thế giới, ngày 9/9/2023, Bệnh viện Quân y 175 phối hợp Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn Thần kinh Nhận thức Việt Nam (VnADA), tổ chức chương trình tư vấn sức khoẻ cộng đồng “Tìm hiểu về bệnh Alzheimer nhận biết và tầm soát sớm”.

Trong hoạt động này, TS.BS Trần Công Thắng - Phó Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn Thần kinh Nhận thức Việt Nam đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề “Nâng cao nhận thức về sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer trong cộng đồng”.

BS Trần Công Thắng cho biết: “Sa sút trí tuệ là một bệnh lý thoái hóa thần kinh diễn tiến nặng dần, gây ra suy giảm dần dần trí nhớ, các chức năng nhận thức (so với trước đây) và rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến hoạt động sống, công việc hàng ngày”.

TS.BS Trần Công Thắng - Phó Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn Thần kinh Nhận thức Việt Nam

Theo đó, sẽ có 2 nhóm, nhẹ là suy giảm nhận thức. Người bệnh vẫn cố gắng tìm mọi cách khắc phục để làm không việc yêu thích hằng ngày, chăm sóc gia đình, đi chợ nấu ăn. Nặng là sa sút trí tuệ, phải có người giúp đỡ trong công việc, cuộc sống,…

Biểu hiện của sa sút trí tuệ được thể hiện qua những công việc nhỏ như sử dụng điện thoại (không thể tự mở điện thoại gọi cho một người nào đó), đi mua sắm (đi chợ mua thiếu đồ hoặc trả tiền đến 2 lần), nấu ăn, quản lý nhà cửa, sử dụng máy giặt quần áo, sử dụng phương tiện đi lại, quên uống thuốc theo toa, quản lý tài chính,…

Nặng hơn là ảnh hưởng đến các hoạt động sống cơ bản như tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, đi lại, ăn uống,… Lúc này, việc điều trị trở nên khó khăn, vì vậy bệnh cần phát hiện ở giai đoạn sớm.

Sa sút trí tuệ tăng dần theo tuổi, đặc biệt từ tuổi 65 trở lên (tăng 5% mỗi 5 năm). Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng xuất hiện ở những người trẻ (từ 55 tuổi).

Gần 100 cán bộ, y bác sĩ bệnh viện và người dân quan tâm về bệnh Alzheimer tham dự

Theo đó, những người dễ mắc chứng sa sút trí tuệ là người lớn tuổi; có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá không kiểm soát tốt; người thường xuyên bị stress, mất ngủ, lo âu hoặc tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não…

TS.BS Trần Công Thắng cho biết thêm: “Mặc dù sa sút trí tuệ là một bệnh lý rất phổ biến ở người lớn tuổi, có khoảng 55 triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này (mỗi 3 - 5 giây có một ca mắc mới). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 triệu người điều trị, 45 triệu người còn lại không phát hiện sớm và không được điều trị”.

Đây là bệnh lý diễn tiến tăng dần. Ở giai đoạn nhẹ, chủ yếu là kém tập trung như quên ví tiền, quên mua đồ, quên không đổ xăng,… nặng hơn là không nhớ đường về nhà. Giai đoạn trung bình, người bệnh thay đổi tính tình, dễ giận, dễ hờn; xuất hiện triệu chứng hoang tưởng. Giai đoạn nặng, sẽ không chăm sóc được bản thân, nằm một chỗ, tàn phế, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân nào dẫn đến sa sút trí tuệ?

Tùy theo nguyên nhân mà bệnh có thể diễn tiến nhanh hoặc chậm. Nhóm nguyên nhân thứ nhất là bệnh Alzheimer. Nhóm nguyên nhân thứ hai là bệnh lý mạch máu não (đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não). Nhóm thứ ba là các nguyên nhân khác.

Alzheimer là một nhóm bệnh lý mà tế bào thần kinh chết đi từ từ, làm não mất mô, đặc biệt là vùng thùy thái dương trong (hải mã) - kho trí nhớ, dẫn đến người bệnh bắt đầu quên. Theo nghiên cứu ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn, những người trên 50 tuổi, quên trên 6 tháng, khi tầm soát tỷ lệ bệnh Alzheimer lên đến 20%.

Nguyên nhân mạch máu (nhồi máu não, xuất huyết não) sẽ làm não lủng từng lỗ, dẫn đến mất dần các chức năng. Nhóm nguyên nhân này dễ nhận biết hơn, vì một người đột quỵ, yếu liệt nửa người sau đó quên sẽ rất dễ nhận ra.

Tuy nhiên, một số người bị bệnh lý mạch máu âm thầm như cao huyết áp kiểm soát không tốt, đường huyết cao, mỡ máu cao,… sẽ làm xuất hiện các tổn thương mạch máu trong não và khi khám sức khỏe, chụp MRI mới phát hiện. Do đó, người trên 50 tuổi được khuyến khích nên đến đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ mỗi năm/lần để thực hiện các bài test để phát hiện sớm và điều trị bệnh đơn giản hơn.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân gây sa sút trí tuệ khác như mắc bệnh Parkinson; có tổn thương trong não (u não, tụ máu); thiếu máu, thiếu vitamin B12, axit folic; rối loạn chuyển hóa (suy giáp, thiếu muối natri); viêm nhiễm (giang mai, HIV); đặc biệt là những người mất ngủ, trầm cảm,…

TS.BS Trần Công Thắng - Phó Chủ tịch Hội VnADA nhấn mạnh, một nhóm bệnh đáng báo động khác là người bệnh béo phì; ngủ ngáy quá mức, ngáy suốt đêm như “một bản giao hưởng ban đêm” và sáng hôm sau lừ đừ, ngủ gật. Đây là nhóm có khả năng bị tổn thương não, sa sút trí tuệ.

Đối với nhóm người này, nên đến phòng khám chuyên về giấc ngủ để đo tình trạng ngưng thở khi ngủ. Nếu có sẽ đặt máy để não không bị thiếu oxy, không tổn thương, từ đó phòng ngừa được bệnh lý sa sút trí tuệ.

Lời khuyên cho người có yếu tố nguy cơ mắc sa sút trí tuệ

Chuyên gia khuyến cáo: “Đừng xem thường các biểu hiện nhẹ, vì lúc này não đã bị tấn công. Ở giai đoạn này, nếu chúng ta loại bỏ các yếu tố nguy cơ, cải thiện tưới máu não sẽ có thể đảo ngược tình trạng. Nếu không phát hiện và điều trị sẽ chuyển sang sa sút trí tuệ và rất khó thay đổi”.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ gồm: Đầu tiên là yếu tố nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, tăng mỡ máu hoặc trầm cảm, mất ngủ, đặc biệt là stress. Mỗi lần stress là “lửa đốt trong đầu của chúng ta”, dẫn đến tế bào thần kinh chết, mất trí nhớ,… Vì vậy, phải loại bỏ stress, khi ngủ được trí nhớ sẽ cải thiện.

Yếu tố tiếp theo là lớn tuổi, chấn thương đầu, học vấn thấp. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ chúng ta có thể tiếp tục học bằng cách đọc một bài báo, xem một câu chuyện và cố gắng kể cho con cháu nghe sẽ cải thiện tình trạng này.

Một yếu tố khác là cha mẹ bị lẫn, sa sút trí tuệ sẽ có nguy cơ truyền cho con cái. Những gia đình có ông bà, cha mẹ bị sa sút trí tuệ thì nên đến các đơn vị sa sút trí tuệ để tầm soát, thậm chí đề nghị thực hiện các xét nghiệm di truyền để kiểm tra. Nếu có bất thường sẽ được hướng dẫn, tư vấn điều trị và gần đây đã có thiếu để điều trị căn bệnh này ở giai đoạn sớm.

Phòng ngừa giúp 25% tình trạng quên nhẹ có thể đảo ngược trở về bình thường

Nghiên cứu đã chứng minh, phòng ngừa giúp 25% tình trạng quên nhẹ có thể đảo ngược trở về bình thường. Để làm được điều này, đầu tiên là kiểm soát tốt các bệnh lý làm tổn thương mạch máu não như huyết áp, đường huyết, điều chỉnh chế độ ăn để tránh béo phì, điều trị rối loạn mỡ máu. Thứ hai là bỏ thuốc lá, kể cả thuốc lá thụ động.

Kế đến là tập thể dục thường xuyên (đều đặn 15 phút/ngày), đây là điều rất quan trọng. Vì mỗi lần tập thể dục cơ thể sẽ nóng lên; nhịp tim tăng làm cho các mạch máu co bóp, đàn hồi tạo nên sự dẻo dai; tăng tưới máu lên não, cải thiện số lượng và kết nối tế bào thần kinh.

Đối với người lớn tuổi, không thể chạy bộ thì có thể thay bằng bơi lội hoặc vừa đạp xe thể thao vừa xem TV. Tổng thời gian tập, 90 phút/tuần sẽ giúp phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến đột quỵ, tim mạch, đồng thời cải thiện trí nhớ.

Thứ tư là chế độ ăn ít béo, nhiều rau, trái cây, đặc biệt là uống đủ nước. Người Việt Nam thường chỉ uống khoảng 1 lít nước trở xuống. Trong khi đó, não của chúng ta 80% là nước, khi thiếu nước não sẽ bị tổn thương. Bệnh cạnh đó, nước rất cần cho thận, khi không uống đủ nước sẽ làm suy thận mạn, vấn đề này còn nguy hiểm hơn mất trí nhớ.

Uống 1,5 - 2 lít nước/ngày sẽ rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, phải tăng lượng nước từ từ (không nên quá đột ngột) khi đó sẽ đi tiểu nhiều nhưng điều này hoàn toàn bình thường, không phải triệu chứng của bệnh thận.

Điều quan trọng là tập thể dục não bộ, tập suy nghĩ, nói năng để não hoạt động. Nên tham gia các hoạt động đội nhóm của những người cùng tuổi để cùng tập thể dục, thảo luận,…

Cuối cùng là học và tiếp thu thông tin mới. Thông qua các hoạt động như viết nhật ký (mỗi tối nhớ lại ngày hôm nay đã gặp ai? Làm công việc gì? Và ghi vào sổ) sẽ giúp trí nhớ phát triển.

Ở giai đoạn muộn thuốc điều trị sa sút trí tuệ gần như chỉ tác động 10 - 20%

Để phát hiện tình trạng sa sút trí tuệ, Hội bệnh Alzheimer Việt Nam đã thiết kế bộ 6 câu hỏi. Bộ test này có độ nhạy và tính dễ hiểu rất cao, nếu trên 2 câu trả lời “Có” thì khả năng đang mắc sa sút trí tuệ.

Để chẩn đoán bệnh, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh, tìm yếu tố làm bệnh dễ xảy ra. Sau đó, khám bệnh; thực hiện test về trí nhớ, nhận thức; xét nghiệm chẩn đoán và chụp MRI não. Hầu hết các bước này đều được bảo hiểm y tế hỗ trợ.

TS.BS Trần Công Thắng cũng cho biết, muốn điều trị cần loại bỏ yếu tố nguy cơ, điều trị nhận thức, hướng dẫn tập luyện và chăm sóc tại nhà cho người bệnh. Ngoài ra, sử dụng thuốc Donepezil (5mg, 10mg) góp phần học tập và gắn kết các tế bào thần kinh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phải phát hiện sớm mới có thể điều trị hiệu quả, nếu để đến giai đoạn lẫn thuốc gần như chỉ tác động 10 - 20%.

Một trong những phương pháp góp phần điều trị thành công là hoạt động trị liệu. Các ông bà cụ giảm trí nhớ sẽ tập trung lại với nhau và tham gia các hoạt động hoạt náo như tập thể dục nhẹ nhàng, làm một số bài toán đơn giản, tham gia các hoạt động sống, ca hát,… Điều này giúp các cụ tìm được cộng đồng để nói chuyện với nhau và tăng sự tích cực cho bản thân.

Song song đó, nói chuyện với người bệnh rất quan trọng. Nên tập trung vào điều người bệnh làm tốt, luôn động viên và khen ngợi, cũng như học hỏi từ sự hiểu biết của người bệnh. Tìm cách để người bệnh suy nghĩ và nói ra, khi đó não sẽ hoạt động và việc điều trị trở nên hiệu quả hơn.

>>> Không chỉ người già mới sa sút trí tuệ, những nhóm người sau cần dè chừng

Bên cạnh những chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia, đến với chương trình, người tham gia sẽ được đo huyết áp, thử đường huyết, đánh giá trí nhớ và các chức năng nhận thức khác cũng như được tư vấn, giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X