Hotline 24/7
08983-08983

Rò hậu môn: Bắt buộc phẫu thuật, tỷ lệ tái phát có thể lên đến 50%

Rò hậu môn, một bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra nhiều phiền toái. Đặc biệt, tỷ lệ tái phát bệnh rất cao, từ 10-50% ngay cả khi phẫu thuật đúng cách. Dưới đây, PGS.TS.BS Dương Văn Hải, Trưởng đơn vị Hậu môn Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về vấn đề xung quanh bệnh rò hậu môn.

1. 20-50 tuổi là độ tuổi dễ mắc rò hậu môn

Những dấu hiệu cụ thể để phân biệt rò hậu môn và áp xe hậu môn là gì, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Rò hậu môn và áp xe hậu môn là 2 giai đoạn của một bệnh lý. Bệnh khởi phát ban đầu do viêm tuyến trong cấu trúc hậu môn gọi là hốc hậu môn. Khi tuyến này viêm dẫn đến áp xe, và gây ra một trong hai tình huống: một là tự vỡ ra, nhưng không thể tự hết, tạo thành rò hậu môn. Hai là nếu quá to, không thể tự vỡ, bệnh nhân phải đi bệnh viện để bác sĩ rạch dẫn lưu mủ ra ngoài. Một số trường hợp tự hết nhưng tỷ lệ rất thấp.

Bệnh lý rò hậu môn không nguy hiểm đến tính mạng nhưng rất khó chịu. Tỷ lệ tái phát rất cao từ 10-50% ngay cả sau khi phẫu thuật đúng cách. Nghiên cứu châu Âu cho thấy tỷ lệ hiện mắc mới hằng năm là 20/100.000 dân. Nếu theo dân số của Đức thì 1 năm có tới 15.00 bệnh nhân bị rò hậu môn. Tỷ lệ nam mắc nhiều hơn nữ, 3 người nam mới có 1 nữ mắc bệnh. Lứa tuổi mắc rò hậu môn từ 20-50 tuổi.

2. Làm sao để chẩn đoán rò hậu môn?

Bệnh nhân cần xét nghiệm kỹ thuật nào để chẩn đoán bệnh rò hậu môn, thưa BS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Bệnh nhân thường tới gặp bác sĩ khi đau vùng hậu môn. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, lúc này lỗ cạnh hậu môn có thể rỉ dịch hoặc không. Lỗ rò này sẽ cứng, chai, đường rò đi vào bên trong hướng hậu môn.

Đối với trường hợp tế nhị hơn, cần tới những kỹ thuật cao như siêu âm nội trực tràng, MRI. Có những bệnh lý người bệnh thấy đau nhưng khi khám không có kết quả, chỉ khi gây tê mới phát hiện đường rò.

3. Laser là phương pháp hiện đại nhất trong điều trị rò hậu môn

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị rò hậu môn? Phương pháp nào tiên tiến nhất, thưa BS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Rò hậu môn bắt buộc phẫu thuật, uống thuốc sẽ không khỏi. Kỹ thuật mổ còn tùy theo tình trạng bệnh rò đơn giản hay rò phức tạp. Rò phức tạp sẽ khó điều trị hơn. Nhưng nhìn chung, cũng có các phương pháp kinh điển và phương pháp kỹ thuật cao.

Với kỹ thuật kinh điển, bác sĩ sẽ cắt, mở rộng đường rò. Thứ hai là cắt bỏ đường rò. Những phương pháp này có khuyết điểm gây đau sau mổ, vì phơi vết mổ ra nên khá lâu lành. Thời gian lành trung bình từ 6-12 tuần.

Về sau có các phương pháp mới như LIFT hay nút đường rò, bơm keo vào đường rò, đốt đường rò bằng cách nội soi. Phương pháp hiện đại nhất hiện nay là triệt đường rò bằng laser.

4. Sử dụng phương pháp laser cho đường rò có độ dài trên 2cm

Trường hợp nào nên phẫu thuật, trường hợp nào có thể điều trị bằng laser, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Có thể điều trị bằng laser với những trường hợp rò hậu môn đơn giản, đường rò nằm ngay dưới da hoặc dưới niêm mạc. Sử dụng laser những trường hợp đường rò dài hơn 2cm, hoặc xuyên qua cơ vòng, có nhiều nhánh rẽ. Những trường hợp rò hậu môn tái phát phức tạp nên sử dụng laser. Còn với đường rò có độ dài dưới 2cm không cần dùng laser, mà chỉ cần mở đường rò. Thời gian lành từ 4-6 tuần.

5. Laser có thể phối hợp với phương pháp cắt đường rò

So với phương pháp phẫu thuật, sử dụng laser mang lại những ưu, nhược điểm thế nào, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Phương pháp laser phải lệ thuộc năng lượng laser, cần có máy phát laser. Hiện tại dùng laser diode (laser bán dẫn). Laser này có bước sóng 1470 nm. Khi có nguồn năng lượng, phải cần thêm đường dẫn, dùng sợi cáp quang luồng và đường rò để đốt đường rò.

Tia laser sẽ phát ra xung quanh cáp quang, làm đường rò co lại, không cần phá hủy hay cắt ra như những phương pháp khác. Do đó phương pháp này không làm tổn thương cơ vòng (cơ thắt hậu môn). Cơ này rất quan trọng, nếu bị tổn thương sẽ gây ra những biến chứng rối loạn đại tiện, ví dụ như không thể giữ phân, không giữ hơi được, có thể xì phân mà không thể tự chủ.

Do ít xâm lấn nên biến chứng của phương pháp này hầu như rất thấp. Bệnh nhân có thể làm nhiều lần, nếu làm lần đầu chưa hết có thể làm lần thứ hai mà không gây hại cơ vòng.

Sử dụng laser có thể phối hợp cới các phương pháp khác, ví dụ như phương pháp cắt đường rò. Không phải đường rò nào cũng có thể cắt hết do có những đường rò đi sâu lên sàng chậu. Chỉ có thể cắt phần ở ngoài, phần bên trong có thể phối hợp đốt laser. Như vậy không làm tổn thương các cơ quan xung quanh cũng như cơ vòng.

Phẫu thuật này có thể áp dụng cho bệnh nhân mới bị lần đầu tiên hoặc đã bị tái phát.

Theo chuyên gia, bệnh nhân rò hậu môn tái phát có thể điều trị bằng phương pháp laser

6. Bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau khi điều trị rò hậu môn bằng laser

Quy trình điều trị bằng laser được thực hiện như thế nào, trong khoảng thời gian bao lâu, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Nếu bệnh nhân đã được xác định rò hậu môn theo phương pháp lâm sàng và phương pháp kỹ thuật cao như soi nội trực tràng, chụp MRI sẽ được xem xét chỉ định phẫu thuật, làm xét nghiệm tiền phẫu. Tùy vào trường hợp bệnh mà thời gian điều trị kéo dài từ 15-30 phút. Bệnh nhân có thể xuất viện ngay ngày hôm sau hoặc có thể xuất hiện ngay sau khi mổ.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường, không bị giới hạn về sinh hoạt.

7. Phẫu thuật rò hậu môn sẽ lành sau 4 tuần

Đối với trường hợp phẫu thuật rò hậu môn, khi nào bệnh nhân có thể xuất viện và khoảng bao lâu vết thương lành? Sau phẫu thuật rò hậu môn cần lưu ý vấn đề gì? Nên và không nên làm gì để rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Bệnh nhân có thể xuất viện ngay ngày hôm sau, hoặc những trường hợp đặc biệt có thể về nhà sau vài tiếng phẫu thuật.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường, giữ vệ sinh phần hậu môn. Do không xâm lấn nên bệnh nhân chỉ hơi đau, có thể giảm đau bằng thuốc kháng sinh. Thời gian lành ngắn hơn biện pháp mổ mở, bệnh nhân sẽ lành sau khoảng 4 tuần.

8. Bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường sau 1-2 ngày phẫu thuật

Sau bao lâu bệnh nhân có thể ngồi làm việc nhiều tiếng, tự mình lái xe, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Đây là phương pháp ít xâm lấn, do rò hậu môn được xử lý từ bên trong. Sau khi mổ bệnh nhân chỉ đau nhẹ. Có thể nghỉ 1-2 ngày sau đó có thể sinh hoạt như thường.

9. Hạn chế rượu bia sau khi mổ để có kết quả tốt nhất

Người bệnh nên bổ sung/hạn chế những nhóm thực phẩm nào, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Người bệnh nên hạn chế bia rượu, còn thực phẩm/thức ăn không cần hạn chế.

9. Điều trị rò hậu môn bằng phẫu thuật, laser chưa ghi nhận biến chứng

Điều trị rò hậu môn bằng phẫu thuật và laser có thể xảy ra biến chứng như thế nào? Làm sao để hạn chế nhất có thể vấn đề xảy ra biến chứng, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Biến chứng của phẫu thuật và laser hầu như rất thấp. Trong nghiên cứu gần 200 ca bệnh chưa thấy biến chứng. Sau khi mổ, bệnh nhân có cảm giác hơi đau.

Trong y văn nói rằng, những trường hợp nhiễm trùng điều trị trước mổ chưa triệt để, sau mổ có thể nhiễm trùng đường rò. Tuy nhiên việc xử trí trường hợp này không phức tạp, chỉ cầm uống kháng sinh mạnh sẽ hết.

Hạn chế việc bị tiêu chảy vì có thể khiến rò hậu môn tái phát. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

10. Tiêu chảy nhiều có thể gây tái phát rò hậu môn

Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng tái phát rò hậu môn, thưa PGS?

PGS.TS.BS Dương Văn Hải trả lời: Rò hậu môn là bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu. Nguyên nhân gây rò hậu môn cũng chưa rõ, nhưng gây nhiễm trùng tuyến trong hốc hậu môn.

Bệnh nhân cần hạn chế gây nhiễm trùng bằng việc giữ vệ sinh vùng hậu môn tốt, xây dựng chế độ ăn, giữ vệ sinh thực phẩm. Khi tiêu chảy nhiều, phân sẽ đọng trong hốc gây nhiễm trùng làm áp xe và rò hậu môn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X