Rau xanh và trái cây tươi: Bộ đôi “vàng” bảo vệ tim mạch
Cholesterol vốn là thành phần thiết yếu trong cơ thể, nhưng tình trạng thừa cholesterol tạo ra các mảng xơ vữa, tắc nghẽn mạch máu, từ đó gây thiếu máu não, dẫn đến đột quỵ. BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện quận Bình Thạnh (TPHCM) cho biết, để phòng ngừa tình trạng thừa cholesterol chúng ta phải kiểm tra, tầm soát định kỳ thường xuyên tập thể dục thể thao và phải có được chế độ ăn uống lành mạnh.
1. Cholesterol vượt quá ngưỡng thông thường dẫn đến nguy cơ bệnh lý tim mạch
Nhờ BS giải thích, cholesterol là gì? Vì sao cholesterol lại được xem là “sát thủ thầm lặng” làm tăng nguy cơ đột quỵ?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Cholesterol là một loại chất béo no và tham gia vào rất nhiều cấu trúc thành phần trong cơ thể, như thành phần màng tế bào, thành phần các hormone nội tiết...
Khi cholesterol vượt qua ngưỡng thông thường của nhu cầu cơ thể sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, dẫn đến các bệnh lý về tim mạch như xơ vữa động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Đó chính là lý do chúng ta cần chú ý đến chế độ ăn và chế độ vận động hợp lý, nhằm kiểm soát mức cholesterol trong giới hạn bình thường của cơ thể.
2. Căng thẳng là yếu tố khiến cơ thể sản xuất nhiều cholesterol hơn
Mức cholesterol trong máu cao có thể dẫn đến sự tích tụ các mảng xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vậy chế độ ăn uống thế nào có thể giảm tình trạng dư thừa cholesterol, thưa BS?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Chúng ta cần tránh những loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như nội tạng động vật; sử dụng thịt đỏ một cách hợp lý (tối đa 3 lần/tháng).
Tuy nhiên, 90% cholesterol trong cơ thể có nguồn gốc nội sinh. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc sản xuất nhiều cholesterol của cơ thể là stress, căng thẳng, lối sống không lành mạnh. Từ đó có thể thấy, chúng ta cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc, vận động hợp lý.
Thời gian vận động khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày. Kiểm soát tốt những vấn đề gây căng thẳng trong công việc và trong cuộc sống là cách phòng ngừa sự gia tăng cholesterol và triglyceride, phòng ngừa nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch.
3. Tăng cường bổ sung rau và trái cây trong chế độ ăn hằng ngày để bảo vệ tim mạch
Thưa BS, loại thực phẩm nào có khả năng làm giảm cholesterol và loại thực phẩm nào khiến cholesterol tăng cao?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Thực phẩm có thể làm giảm cholesterol là các loại thực phẩm tươi, không chế biến, bảo quản nhiều. Chúng ta nên bổ sung thêm rau tươi vào chế độ ăn, khoảng 300 - 400g/ngày. Những loại rau có tính nhớt (rau đay, rau càng cua, tảo, rong biển...) sẽ chứa nhiều chất xơ hòa tan, tốt cho người bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chế độ ăn của chúng ta chỉ gồm những loại thực phẩm này. Nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, các loại quả tươi cũng được khuyến khích sử dụng trong chế độ ăn hằng ngày. Những trái cây chứa nhiều vitamin C như kiwi, dâu tây hay những loại chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa như táo, nho, chuối, ổi... được đánh giá là tốt cho bệnh nhân tim mạch.
Vận động và tập thể dục là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa stress, bảo vệ tim mạch, cũng như nâng khả năng chịu đựng về mặt thể lực.
4. Tác hại của chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa đối với cơ thể
Hạn chế nạp chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là chìa khóa để giảm lượng cholesterol trong máu. Nhờ BS giải thích, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là gì?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Trong cấu trúc của chất béo bão hòa không có nối đôi, toàn bộ đều là nối đơn. Chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ tim mạch.
Chất béo chuyển hóa nằm trong các loại thực phẩm đóng gói, đóng hộp chứa nhiều muối, ảnh hưởng không tốt đến những người bị cao huyế áp, người có yếu tố nguy cơ tim mạch. Chất béo chuyển hóa có thể tạo thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch máu. Các mảng xơ vữa này bám vào một thành mạch máu nhỏ sẽ gây tắc nghẽn, máu không đi vào được vùng mô phía sau, gọi là nhồi máu hoặc đột quỵ.
Để phòng ngừa tình huống nêu trên, chúng ta nên chọn ăn đa dạng các loại thực phẩm tươi và luyện tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, chất béo bão hòa hay chất béo chuyển hóa chỉ là một phần trong những yếu tố nguy cơ về tim mạch. Nếu không phòng ngừa đúng và đủ, các yếu tố nguy cơ vẫn tồn tại và chúng ta vẫn mắc phải những bệnh lý tim mạch hay đột quỵ.
5. Nên sử dụng dầu ô-liu trong chế biến thức ăn
Làm thế nào để giảm lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn? Thực phẩm chứa chất béo có thể sử dụng và nên hạn chế là những loại nào, thưa BS?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Chất béo là cách để lưu giữ hương vị cho món ăn, những món có nhiều chất béo luôn thơm ngon, kích thích vị giác và cả thị giác. Tuy nhiên, đa phần các loại thực phẩm chiên nhiều dầu, chế biến sẵn chứa nhiều muối và nhiều chất béo.
Thực phẩm tươi vẫn là ưu tiên hàng đầu. Sau đó là áp dụng cách chế biến đơn giản, hạn chế tẩm ướp để không tăng thêm lượng natri. Thứ ba, chất xơ trong rau quả tươi giúp đào thải hoặc giảm lượng chất béo bão hòa.
Bên cạnh đó, nên sử dụng các loại dầu có chứa chất béo không no (chất béo không bão hòa). Tốt nhất là dùng dầu ô-liu nếu có điều kiện, xếp sau đó là dầu mè, dầu đậu phộng trong quá trình chế biến thức ăn. Lưu ý rằng, không nên gia nhiệt hay cấp nhiệt quá cao khi dùng các loại dầu này, sẽ dễ ảnh hưởng đến chất lượng dầu.
Điều quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh lý tim mạch và đột quỵ là chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý; chế độ ăn lành mạnh với các thực phẩm tươi, bổ sung rau quả đa dạng.
6. Người béo phì cần giảm cân, thay đổi chế độ ăn phù hợp
Những người bị cholesterol cao và thừa cân, béo phì cần lưu ý những điều gì trong chế độ ăn, thưa BS?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Thừa cân, béo phì là một vấn đề rất thường gặp. Việt Nam đang phải chịu gánh nặng kép về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì.
Người thừa cân, béo phì cần lưu ý:
- Đưa cân nặng về mức lý tưởng. Tuy nhiên cần nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng của giảm cân là giảm thành phần mỡ, giữ lại thành phần cơ của cơ thể. Do đó, chỉ số cơ thể phải được đo và phân tích bởi bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.
- Chế độ ăn phù hợp: Bản năng cơ thể của người đang có tình trạng mất cơ là tạo mỡ để bù lại. Vì vậy, nếu xác định người bệnh đang bị thiếu cơ và thừa mỡ, nên hướng dẫn họ thay đổi chế độ ăn cung cấp protein tốt cho sức khỏe, đồng thời giảm lượng mỡ bằng cách tập thể dục.
Tập thể dục còn giúp tăng khối cơ của người bệnh, tăng khả năng giữ thăng bằng, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện chỉ số hạnh phúc.
Người đã bị béo phì và có chỉ số cholesterol máu cao, đặc biệt nếu kèm theo các bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường thì cần phải xác định tình trạng mà cơ thể đang gặp phải: Có thừa mỡ hay không? Thừa bao nhiêu mỡ? Mục tiêu giảm cân trong 1 tuần, 1 tháng?
Người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín để được khám, đo chỉ số cơ thể và hướng dẫn lập chế độ ăn phù hợp với từng cá nhân.
7. Ba yếu tố bảo vệ cơ thể khỏi rối loạn mỡ máu
Ngoài một chế độ dinh dưỡng phù hợp, mọi người nên chú ý những điều gì trong sinh hoạt, lối sống để ổn định mức cholesterol trong máu và phòng ngừa đột quỵ một cách hiệu quả?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Cơ thể con người là một cỗ máy hoàn hảo, tuy nhiên, sau nhiều năm “sử dụng”, các vấn đề lão hóa là điều không thể tránh khỏi. Bệnh lý, các yếu tố bên ngoài hay những thay đổi bên trong của cơ thể sẽ dẫn đến mỡ máu bị rối loạn.
Stress, chế độ ăn và chế độ vận động là các yếu tố chính liên quan đến mỡ máu. Để phòng ngừa cholesterol cao hay rối loạn mỡ máu, chúng ta cần kiểm soát tốt cả 3 yếu tố trên cùng lúc:
- Kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống và công việc;
- Có chế độ ăn đa dạng, nhiều thực phẩm tươi và áp dụng phương pháp chế biến đơn giản;
- Vận động hợp lý, tập thể dục 3 - 5 buổi/tuần và 30 - 60 phút/buổi. Có thể tập nhiều bộ môn, tập nhiều bài tập khác nhau để có thể duy trì hứng thú luyện tập thường xuyên trong thời gian dài.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình