Quảng Ninh: Cấp cứu bé trai ngừng tim do hóc kẹo
Một bé trai 17 tháng tuổi tại TP Hạ Long đã được các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu thoát khỏi cơn nguy kịch do dị vật kẹo lạc lọt sâu vào đường thở.
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, bệnh nhi P.T.D, 17 tháng tuổi, được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, li bì, khó thở nặng do hóc dị vật tại nhà trẻ. Trước đó, bé được cho ăn kẹo lạc và bị sặc. Các mảnh vỡ từ kẹo và hạt lạc đã lọt sâu vào cả hai bên phế quản, gây bít tắc nghiêm trọng, dẫn tới suy hô hấp cấp và ngừng tim.
Ngay lập tức, ê-kíp cấp cứu đã tiến hành đặt nội khí quản, thở máy và hồi sức tích cực. Tuy nhiên, tình hình thêm phức tạp khi các mảnh kẹo dưới tác động của thân nhiệt tiếp tục tan chảy thành mạch nha, dính chặt vào các hạt lạc, tạo thành “hỗn hợp dị vật” gây tắc nghẽn nghiêm trọng đường thở.

Nhận thấy tình huống đặc biệt nguy kịch, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã lập tức kích hoạt quy trình "báo động đỏ" liên viện, phối hợp với ê-kíp cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương. BS.CK2 Lê Thanh Chương - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trực tiếp có mặt tại Quảng Ninh để chỉ đạo chuyên môn.
Dưới sự phối hợp chặt chẽ, các bác sĩ sử dụng dụng cụ nội soi chuyên dụng để tiếp cận và gắp dị vật nằm sâu trong phế quản. Ca can thiệp đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, bởi các dị vật không chỉ nằm rải rác hai bên phổi, mà còn bị phủ mạch nha kết dính, dễ gây tổn thương niêm mạc đường thở.
Sau can thiệp, bệnh nhi tiếp tục được hỗ trợ thở máy, lọc máu và chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức. Nhờ nỗ lực phối hợp liên viện và xử lý kịp thời, sức khỏe của bé dần hồi phục và đã được xuất viện an toàn.

Theo các bác sĩ, hóc dị vật đường thở là một trong những tai nạn phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ trong độ tuổi ăn dặm và mới biết đi. Riêng tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp cấp cứu tương tự. Tuy nhiên, trường hợp của bé P.T.D đặc biệt phức tạp bởi số lượng dị vật nhiều, vị trí sâu, gây suy hô hấp nặng và ngừng tim.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh và người chăm sóc cần tuyệt đối không để trẻ nhỏ tiếp xúc với thực phẩm cứng, hạt nhỏ, có cạnh sắc như kẹo lạc, hạt dưa, bỏng ngô, đậu phộng… đặc biệt khi trẻ đang chơi hoặc nằm. Nếu trẻ có biểu hiện sặc, ho sặc sụa, tím tái, khó thở hoặc bất tỉnh sau khi ăn, cần lập tức thực hiện sơ cứu và đưa đến bệnh viện gần nhất.
Trong trường hợp cấp cứu không hiệu quả tại chỗ, việc chuyển viện sớm tới các cơ sở y tế chuyên khoa là yếu tố sống còn, giúp xử lý chính xác và hạn chế tối đa biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong hoặc tổn thương phổi vĩnh viễn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình