Phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay nên gây tê hay gây mê, nằm viện bao lâu, chi phí bao nhiêu?
Rách chóp xoay phẫu thuật thế nào? Không mổ có được không? Nếu mổ thì nên gây mê hay gây tê, chi phí phẫu thuật bao nhiêu?... TS.BS Tăng Hà Nam Anh và BS.CK2 Võ Châu Duyên giải đáp các vấn đề này.
1. Tại sao bị rách chóp xoay dù không chấn thương?
Tôi lấy ví dụ thằng cháu mặc quần của ông nội truyền lại, tới phiên đứa cháu quần đùi bị rách. Người cha bảo: “Mày phá quá đi, tao bận không rách nhưng mày bận thì rách”. Quần đùi truyền ba thế hệ tất nhiên phải rách vì đến đời đứa cháu, nó bị mục đi.
Gân cũng tương tự vậy, mình đến tuổi thì gân sẽ bị lão hóa. Khi gân bị lão hóa, các sợi collagen sẽ bị đứt và dẫn đến tình trạng rách gân chóp xoay.
Chúng ta nên nhớ vì sao gân ở vùng chóp xoay dễ rách: không có khớp nào trong cơ thể có tầm vận động lớn như khớp vai. Với khớp háng, cùng lắm chúng ta xoay háng và tẹt háng ra là hết cỡ chứ không thể bẻ chân ngược lên đầu, chỉ trừ những người uốn dẻo đã luyện tập thời gian dài.
Quý vị thấy khớp vai của chúng ta hoạt động 360 độ. Nhờ vậy, ta mới sống được chứ nếu khớp vai hoạt động như khớp gối ta sẽ chết đói. Tay của chúng ta phải leo trèo, săn bắn và hái lượm rất nhiều. Chỉ có một vùng chúng ta không thể đưa tay đến đó là vùng nằm ở phía sau do hạn chế vận động khớp vai và vùng đó rất nhỏ (khi mình đi tắm, sau lưng có một vùng không với tới được, phải dùng chiếc khăn dài chà xát làm sạch vùng đó, còn tất cả các vùng khác trên cơ thể bàn tay đều chạm tới nhờ khớp vai).
Tầm hoạt động của khớp vai lớn như vậy, đương nhiên nó sẽ dễ bị hư. Một chiếc xe mang về đắp mền cũng dễ bị hư, chạy nhiều quá cũng bị hư. Khớp gân cũng tương tự vậy, nếu ta hoạt động nhiều quá nó sẽ dễ bị đứt/rách.
2. Rách chóp xoay phẫu thuật thế nào? Không mổ có được không?
Theo nghiên cứu của ông Yamamoto là 94% bệnh nhân rách chóp xoay không thể tự lành. Cơn đau sẽ dai dẳng và người ta sẽ có chỉ định mổ nội soi để khâu gân. Tuy nhiên, một số bệnh nhân sau khi điều trị nội khoa họ hết đau tuy nhiên ta họ vẫn yếu.
Câu hỏi của bệnh nhân là tôi không muốn mổ được không? Vẫn được, ta vẫn có thể điều trị nội khoa bằng biện pháp tập hạ vai, kéo căng gân, dùng thuốc kèm theo các biện pháp vật lý như shockwave, laser hoặc từ trường siêu dẫn để kích thích gân bị xơ hóa không còn bị viêm.
Khi xuất hiện cơn đau vai thường trực, mình nên đi khám vì có thể là dấu hiệu lão hóa. Khi đó, bác sĩ sẽ có cách làm chậm dấu hiệu lão hóa. Ta vẫn có thể điều trị nội khoa nếu chị không muốn mổ.
Còn nếu nói về phương án tối ưu nhất về vấn đề đứt gân, bác sĩ sẽ làm nội soi và khâu lại. Như vậy, nó phục hồi hoàn toàn chức năng và sức cơ của khớp vai. Phục hồi chức năng là chúng ta chỉ đưa tay được vòng quanh nhưng không khiêng nặng được nữa.
Rách gân chóp xoay thông thường có chỉ định mổ vì có một nghiên cứu của tác giả người Nhật được tiến hành như thế này: ông lấy 24 bệnh nhân bị rách gân chóp xoay, chỉ cho bệnh nhân uống thuốc và tập tành, 2 năm sau họ chụp MRI và thấy 94% bệnh nhân có lỗ rách tại gân chóp xoay vẫn y như vậy hoặc lỗ to hơn, nó không thể tự lành được. Chỉ có 6% tự lành vì hai vận động viên té bị rách bán phần gân. Điều đó cho thấy khi gân chóp xoay bị rách thường sẽ không tự lành.
3. Nên gây tê hay gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay?
Theo chỉ định phẫu thuật, ta sẽ phối hợp gây tê và gây mê. Vì sợ lượng thuốc mê vào bệnh nhân quá lớn, bác sĩ sẽ gây tê vùng đám rối cánh tay ở vùng đòn này, gây tê xong bệnh nhân có thể giảm đau ở vùng vai và mổ được. Chúng ta biết khớp vai rất nhỏ, ống soi khi đưa vào hai khớp vai không có mặt phẳng cố định. Chỉ cần bệnh nhân nằm và nhúc nhích một chút, ống soi sẽ tuột ra ngoài và bác sĩ sẽ không làm được. Do vậy, người ta sẽ cho bệnh nhân ngủ.
Đối với khớp vai, họ không có garo để cầm máu. Bác sĩ gây mê phải cho bệnh nhân ngủ thật sâu và huyết áp giảm xuống để giảm lượng máu chảy trong khớp vai, phẫu thuật viên mới soi và thấy đường khâu được. Muốn giảm huyết áp, chỉ có cách gây mê.
Nhiều người hỏi sao vừa gây mê và gây tê, phiền phức quá vậy? Gây tê sẽ làm giảm được lượng thuốc mê, đó là điều quan trọng và nó sẽ làm giảm được biến chứng gây mê. Do đó, ta kết hợp cả gây tê để giảm đau trước và sau khi mổ và gây mê để phẫu thuật viên thực hiện cuộc phẫu thuật chính xác và nhanh.
Vào bên trong, người ta đục 3-4 lỗ nhỏ bằng đầu đũa bằng các dụng cụ chuyên dụng của khớp vai, rồi đóng dụng cụ neo vào bên trong khớp vai (neo này tự tiêu), neo vào trong gân và gân sẽ dính vào xương. Gân sẽ lành ít nhất 1 năm. Họ khâu rất chắc chắn, trong thời gian chờ gân lành vào xương người ta vẫn cho bệnh nhân tập vận động khớp vai.
Đối với lỗ rách từ nhỏ đến trung bình, họ mang đai khoảng 2 tuần. Sau đó, tháo ra và tập vật lý trị liệu.
Thông thường nếu chúng ta tập tành tốt và gân ổn trong vòng 6-8 tháng, chúng ta có thể chơi cầu lông hay tennis. Muốn chơi các môn thể thao mạnh bạo hơn như học võ, phải mất 1 năm sau.
Khớp vai có một điểm là sau mổ bệnh nhân vẫn thấy đau nhưng sẽ từ từ được cải thiện trong 1 năm. Khớp vai quý vị mổ hôm trước, hôm sau nó không thể hết được liền, nó phải giảm từ từ. Họ ví khớp vai như con ốc sên. Con ốc sên thò đầu ra rồi, mình muốn nhìn nó mình phải khẽ nó và đứng đó nhìn. Mình đụng mạnh quá, nó sẽ thụt đầu nó vô lại. Khớp vai cũng tương tự vậy. Chỉ trừ trường hợp mổ sau 1 năm nhưng vẫn bị đau, đó là vấn đề cần khắc phục.
Có nhiều người rất sốt ruột, muốn mình phải tập mạnh hơn để nó mau lành. Tập mạnh nó càng đau và hư khớp vai. Chúng ta phải tập nhẹ nhàng và có bảo vệ.
Bác sĩ Nam Anh là người thực hiện mổ chính trong êkip phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay
4. Phải mất bao lâu thì bệnh nhân có thể xuất viện sau phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay?
BS.CK2 Võ Châu Duyên:
Mổ nội soi khá nhẹ nhàng, nếu bạn có chương trình mổ nội soi thì bạn chỉ cần có mặt ở bệnh viện vào sáng hôm đó để xét nghiệm máu. Chiều ngày hôm đó, mình sẽ mổ. Bệnh nhân sẽ nằm viện 1 ngày, ngày hôm sau mình có thể xuất viện.
Tuy nhiên, sau khi mổ bệnh nhân chưa thể đi làm bình thường ngay được. Sau khi mổ, mình phải trải qua quá trình cố định gân từ 2 tuần đến 1 tháng. Sau đó, mình sẽ trải qua quá trình vật lý trị liệu khoảng vài tháng.
Trước khi đi mổ, bệnh nhân phải sắp xếp công việc của mình, nhất là mổ tay phải. Mổ tay phải sẽ khiến cho việc viết lách gặp nhiều khó khăn. Các việc yêu cầu làm việc bằng chân tay nhiều sẽ tương đối khó khăn. Chính vì vậy, mình phải sắp xếp công việc thật ổn định. Sau đó, mình hẹn với bác sĩ: “Tôi có thể vào viện mổ được chưa?”.
Ngày hôm đó, sẽ có người chăm sóc tại bệnh viện. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ nghỉ ngơi tại nhà tầm 2 tuần đến 1 tháng. Lúc đó, mình sẽ đi làm việc lại nhẹ nhàng. Nếu sắp xếp được thời gian nghỉ ngơi được như vậy, bệnh nhân mới nên đi phẫu thuật.
5. Chi phí phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khoảng bao nhiêu?
BS.CK2 Võ Châu Duyên:
Mổ nội soi khâu chóp xoay được xếp vào kỹ thuật cao vì 2 lý do chính. Thứ nhất, để mổ được không phải chúng ta rạch đường mổ trên da rồi ta banh ra để làm việc trong đó. Nó cần hỗ trợ từ dụng cụ và dàn máy chuyên về nội soi, ống soi, dụng cụ đốt, dụng cụ cắt… những dụng cụ đó đi kèm với chi phí khá cao.
Đối với phẫu thuật nội soi, người ta sẽ đóng neo vào xương cánh tay để khâu gân rách vào xương cánh tay. Mỗi loại neo sẽ có giá từ khoảng vài triệu đến mười mấy triệu.
Các gân quanh chóp xoay rất nhiều, chóp xoay bám xung quanh cánh tay như bàn tay chụm vào nhau như thế này. Có bốn gân chính: gân dưới vai, gân trên gai, gân dưới gai và gân tròn bén. Ta chỉ có thể chỉ cách đơn thuần của một gai là gân trên gai hoặc bốn gân. Số lượng gân càng nhiều đồng nghĩa là mình phải đóng càng nhiều neo. Khi đó, chi phí sẽ đội lên càng nhiều.
Phẫu thuật khớp vai, giả sử như bạn không có bảo hiểm y tế, để phẫu thuật rách gân chóp xoay với gân trên gai đơn thuần, chi phí sẽ tầm từ 60 đến 70 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu bạn có bảo hiểm y tế khi đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khi ấy chi phí mổ sẽ tầm 15 cho đến 25 triệu, tùy vào mức độ neo chỉ mình sử dụng trong phẫu thuật. Nếu bạn có bảo hiểm khác như bảo hiểm tư nhân thì mình kết hợp bảo hiểm tư nhân và bảo hiểm y tế, chi phí sẽ giảm rất nhiều.
Có một số bệnh nhân đã được phẫu thuật ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, họ kết hợp bảo hiểm tư nhân và bảo hiểm y tế nên chi phí giảm rất nhiều. Các hóa đơn còn lại sau khi thanh toán BHYT sẽ được bảo hiểm tư nhân trả và hầu như bệnh nhân chỉ tốn chi phí ăn và nằm viện, chi phí phẫu thuật không nhiều.
Trọng Dy (ghi)
Trích: Ngoài chấn thương, còn nguyên nhân nào khác dẫn đến đau khớp vai?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình