Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt sốt xuất huyết và các dạng sốt khác ở trẻ để xử trí đúng

Theo BS Hoàng Ngọc Trâm - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, một trong những dấu hiệu đặc trưng của sốt xuất huyết là sốt rất cao và liên tục, tuy nhiên dấu hiệu này dễ dàng nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, phụ huynh cần biết cách phân biệt để có thể chăm sóc và điều trị cho trẻ kịp thời.

1. Phân biệt sốt xuất huyết với sốt siêu vi

Sốt xuất huyết và sốt siêu vi là những thủ phạm thường gặp khiến trẻ bị ốm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết cách phân biệt, do đó nhờ BS chia sẻ cách phân biệt giữa 2 căn bệnh này.

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Điểm giống nhau của sốt xuất huyết và sốt siêu vi là cả hai nều do virus gây nên và có tình trạng sốt cao liên tục.

Tuy nhiên, sốt xuất huyết do virus Dengue gây nên và sau tình trạng sốt em bé có thể có những triệu chứng như ói, đau bụng, chảy máu và có thể tiểu ít, lừ đừ.

Như vậy, nếu chỉ dựa vào lâm sàng sẽ rất khó để phân biệt các tình trạng này. Bắt buộc các bé sốt trên 2 ngày đều phải đi khám và làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây sốt.

2. Phân biệt sốt xuất huyết với sốt phát ban

Với sốt phát ban và sốt xuất huyết đều có triệu chứng sốt giống nhau và có nổi mẩn đỏ, vậy làm sao để phân biệt 2 tình trạng này thưa BS?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Sốt phát ban và sốt xuất huyết đều nổi mẩn đỏ ngoài da. Tuy nhiên, các ban do sốt xuất huyết khi ấn vào sẽ không mất màu.

Trong khi sốt phát ban sẽ có những nốt hồng ban và xuất hiện ở thân mình, đầu, mặt, cổ sau khi bé hết sốt, tổng trạng tốt và bú giỏi.

Đồng thời sẽ không có dấu hiệu ghi nhận của sốt xuất huyết cảnh báo như ói, đau bụng, chảy máu và có thể tiểu ít, lừ đừ.

3. Phân biệt sốt xuất huyết với tay chân miệng

Đối với căn bệnh tay chân miệng cũng làm cho các bé sốt cao. Vậy cách phân biệt sốt xuất huyết với tay chân miệng như thế nào thưa BS?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Với sốt trong bệnh tay chân miệng có ghi nhận thêm các dấu hiệu khác như nổi sẩn hồng ban trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối hoặc trong miệng.

4. Phân biệt sốt xuất huyết với cúm AH5N1

Thưa BS, vậy đối với sốt xuất huyết và cúm AH5N1 sẽ phân biệt như thế nào?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Bệnh nhân ghi ngờ cúm AH5N1 khi có biểu hiện sốt cao liên tục, kèm theo các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở hay tím tái.

Đặc biệt suy hô hấp diễn tiến rất nhanh trên bệnh nhân có nguy cơ tiếp xúc với những gia cầm bị chết hoặc bị bệnh.

5. Đã mắc sốt xuất huyết rồi có nguy cơ nhiễm lại không?

Với những trẻ đã mắc sốt xuất huyết một lần thì có thể mắc lại hay không và nếu có thì sẽ nhẹ hơn vì đã có kháng thể từ lần nhiễm đầu tiên không?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Sốt xuất huyết Dengue do 4 type gây nên. Khi mắc 1 type trẻ sẽ có miễn dịch suốt đời với loại đó. Tuy nhiên vẫn có thể mắc các chủng sốt xuất huyết khác.

Như vậy, có thể có 4 lần mắc sốt xuất huyết trong đời và những lần sau thậm chí còn nặng hơn lần trước.

6. Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết thế nào?

Khi đã xác định trẻ mắc sốt xuất huyết, phụ huynh nên chăm sóc sao cho đúng thưa BS?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Điều quan trọng nhất trong chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết là cho trẻ uống nhiều nước, có thể uống nước dừa, nước cam, pocari, oresol và nên chia đều các cử trong ngày.

Thứ hai, cha mẹ nên cho con uống thuốc hạ sốt đúng cử, đúng liều. Thuốc hạ sốt an toàn trong sốt xuất huyết là paracetamol.

Thứ ba, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu của trẻ như ói, đau bụng, chảy máu bất kỳ vị trí nào, tiểu ít, lừ đừ.

Thứ tư là cho trẻ đi làm xét nghiệm máu mỗi ngày để bác sĩ theo dõi.

7. Khi sốt có nên truyền nước để mau khỏe?

Thưa BS, một người vẫn có quan điểm rằng nếu trẻ sốt nên truyền nước cho mau khỏe. Vậy quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Đây là một quan điểm hết sức sai lầm vì sốt và mệt chỉ là một triệu chứng trong rất nhiều bệnh lý khác nhau và việc truyền nước phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Cần biết nguyên nhân sốt để xem có nên truyền nước hay không. Nếu có bác sĩ sẽ chọn loại dịch truyền cũng như tốc độ truyền phù hợp.

Đặc biệt, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ khuyến cáo uống nhiều nước bằng đường miệng nếu có thể. Nếu sử dụng dich truyền không đúng thời điểm và không đúng chỉ định sẽ làm bệnh nặng hơn.

8. Phụ huynh nên chăm sóc con như thế nào trước căn bệnh sốt xuất huyết?

Cuối chương trình, nhờ BS chia sẻ một vài lời khuyên cho các phụ huynh nên chăm sóc, bảo vệ con như thế nào trước căn bệnh sốt xuất huyết?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Thứ nhất nếu trẻ sốt trên 2 ngày cần được đi đến cơ sở y tế khám chữa bệnh để làm xét nghiệm và kiểm tra xem có bị sốt xuất huyết hay không.

Thứ hai, nếu đã bị sốt xuất huyết trẻ cần phải làm xét nghiệm máu mỗi ngày và theo đúng lịch trình bác sĩ đưa ra, thậm chí lúc trẻ đã hết sốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X