Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ sốt xuất huyết: hiểu rõ giai đoạn bệnh, xét nghiệm máu mỗi ngày để phát hiện diễn biến nặng

Trong bài viết này, BS Hoàng Ngọc Trâm - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có những chia sẻ liên quan đến tình trạng sốt xuất huyết ở trẻ, để phụ huynh có thể chăm sóc cho con một cách tốt nhất, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

1. Sốt xuất huyết xảy ra nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 10

Sốt xuất huyết thường xảy ra nhiều nhất ở thời điểm nào trong năm và bùng phát mạnh ở những môi trường như thế nào?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản, do đó đây là vùng dịch tễ của sốt xuất huyết.

Bệnh thường xảy ra quanh năm, tuy nhiên những mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10 sẽ xảy ra dịch nhiều nhất.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến sốt xuất huyết ở trẻ em?

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sốt xuất huyết ở trẻ em và những bé nào dễ mắc sốt xuất huyết thưa BS?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền do virus Dengue gây nên, khi bị muỗi đốt virus sẽ lây tryền từ người này sang người khác.

Nguy cơ mắc sốt xuất huyết sẽ như nhau giữa các trẻ. Tuy nhiên sẽ có những trẻ có khả năng mắc bệnh nặng hơn như trẻ thừa cân, béo phì, có bệnh nền như thalassemia hoặc tim bẩm sinh hoặc trẻ nhũ nhi.

3. Sốt xuất huyết ở trẻ có mấy giai đoạn?

Thưa BS, sốt xuất huyết ở trẻ được phân thành các giai đoạn nào và thời gian tiến triển của từng giai đoạn sẽ ra sao?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Sốt xuất huyết sẽ có 3 giai đoạn:

- Giai đoạn sốt kéo dài trong 1 - 3 ngày đầu

- Giai đoạn nguy hiểm từ 3 - 7 ngày tiếp theo

- Giai đoạn hồi phục từ 7 - 10 ngày.

4. Khi trẻ lên cơn sốt cha mẹ cần làm gì?

Cha mẹ thường có thói quen nếu trẻ lên cơn sốt sẽ cho dùng thuốc hạ sốt tại nhà, điều này là đúng hay sai? Khi trẻ xuất hiện quá nhiều các dấu hiệu sốt phụ huynh cần làm gì thưa BS?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Điều này không hoàn toàn chính xác. Vì khi bé sốt, đầu tiên cha mẹ cần xác định con có sốt hay không bằng cách đo nhiệt độ. Khi thấy nhiệt độ trên 38,5 độ C, cha mẹ có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt an toàn như paracetamol với liều lượng từ 10 - 15mg/kg mỗi 4 - 6 giờ.

Nếu tình trạng sốt kéo dài trên 2 ngày, phụ huynh nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm máu tìm nguyên nhân gây sốt.

5. Vì sao trẻ sốt xuất huyết đã hết sốt vẫn có nguy cơ tử vong?

Hiện nay có một số bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết dù đã hết sốt và thuyên giảm những vẫn có nguy cơ và đặc biệt đã dẫn đến tình trạng tử vong, điều này là do đâu thưa BS?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Đây có thể là hiểu lầm của người nhà, không phải sốt xuất huyết đã khỏe mà vẫn tử vong.

Trong quá trình bệnh, 3 ngày đầu bé có biểu hiện sốt và khi kết thúc giai đoạn sốt bé sẽ hết sốt nên người nhà gỡ rằng em bé đã qua giai đoạn hồi phục.

Tuy nhiên, giai đoạn này tiểu cầu trong máu bé vẫn tiếp tục giảm. Khi đó sẽ có 2 nguy cơ chính: Thứ nhất là chảy máu như chảy máu răng, chảy máu mũi hoặc xuất huyết đường tiêu hóa. Thứ hai là nguy cơ bị máu cô đặc dẫn đến sốc và tổn thương các cơ quan.

Như vậy nếu phụ huynh cho rằng con đã khỏi bệnh và không đưa trẻ đi làm xét nghiệm máu mỗi ngày thì không thể phát hiện tình trạng tiểu cầu tiếp tục giảm, dẫn đến phát hiện trễ tình trạng nặng của con.

6. Dấu hiệu nào của sốt xuất huyết cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Thưa BS, trong các giai đoạn quan trọng của bệnh sốt xuất huyết, khi có các dấu hiệu nào cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Các biểu hiện nguy hiểm thường xảy ra khi trẻ đã hết sốt, đặc biệt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7.

Tuy em bé đã hết sốt nhưng sẽ có cảm giác rất mệt mỏi, có thể đau bụng, nôn ói, chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu răng, chảy máu mũi… Nếu có các dấu hiệu này cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế ngay để khám chữa bệnh.

7. Thử máu khi trẻ bị sốt xuất huyết quan trọng thế nào?

Khi bé sốt xuất huyết được các bác sĩ thăm khám và nhận biết là sốt xuất huyết và cho về nhà nhưng dặn kèm mỗi buổi sáng phải cho bé đến bệnh viện thử máu. Vậy tầm quan trọng của việc thử máu ra sao thưa BS?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Ngoài các xét nghiệm để chẩn đoán sốt xuất huyết ban đầu, thì mỗi ngày bệnh nhân đều cần phải đi khám để kiểm tra.

Ít nhất phải làm công thức máu, từ đó sẽ cho biết kết quả tiểu cầu của bé, cũng như thể tích khối hồng cầu.

Nếu tiểu cầu của bé có xu hướng giảm nhiều hoặc thể tích khối hồng cầu tăng cao, khả năng em bé đang diễn biến nặng và cần nhập viện để can thiệp điều trị.

8. Trẻ mắc sốt xuất huyết cha mẹ nên chăm sóc ra sao?

Thưa BS, khi trẻ mắc sốt xuất huyết cha mẹ cần chăm sóc trẻ như thế nào cho đúng và những vấn đề nào cần tránh để phòng tránh biến chứng xảy ra?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Điều quan trọng nhất trong điều trị sốt xuất huyết tại nhà là trẻ phải uống nhiều nước, có thể uống nước dừa, pocari, oresol, những bé còn bú mẹ có thể bú nhiều hơn bình thường và chia thành nhiều cử nhỏ.

Thứ hai là uống thuốc hạ sốt đúng cữ, đúng liều. Thuốc hạ sốt an toàn trong sốt xuất huyết là paracetamol.

Khi đã được chẩn đoán sốt xuất huyết phụ huynh nên cho trẻ đi khám mỗi ngày để làm các xét nghiệm máu kiểm tra. Đồng thời theo dõi sát các dấu hiệu nặng của con như ói, đau bụng, chảy máu, tiểu ít, li bì.

9. Trẻ mắc sốt xuất huyết cần bổ sung gì để nhanh hồi phục?

Thưa BS, sau khi mắc sốt xuất huyết sức đề kháng của các bé thường yếu hơn, vậy các bé cần dùng những loại thuốc bổ như thế nào và cha mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm nào để bé nhanh hồi phục?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Trong giai đoạn này các con cần ăn uống đủ chất, vì vậy cha mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa…

Những bữa phụ có thể ăn thêm trái cây hoặc sữa chua. Ngoài ra, nên hạn chế ăn đồ cay, nóng.

Đặc biệt nên hạn chế vận động, nghỉ ngơi tuyệt đối trong giai đoạn này để bệnh nhanh phục hồi.

10. Sốt xuất huyết khi nào sẽ hồi phục?

Thưa BS, thường sốt xuất huyết đến ngày thứ mấy các bé sẽ lùi bệnh và giai đoạn nào phụ huynh có thể yên tâm là bé đã khỏe và hồi phục?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Giai đoạn hồi phục của sốt xuất huyết sẽ xảy ra từ ngày 7 đến ngày thứ 10. Trong giai đoạn này em bé sẽ hết sốt, cũng như tổng trạng khá hơn, thèm ăn.

Nếu làm xét nghiệm trong giai đoạn này sẽ thấy chỉ số tiểu cầu bắt đầu hồi phục về trạng thái bình thường.

11. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Nhờ BS tóm tắt lại chúng ta cần theo dõi các bé sốt xuất huyết ra sao để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra?

BS Hoàng Ngọc Trâm trả lời: Có 3 lời khuyên dành cho cha mẹ trong việc chăm sóc con bị sốt xuất huyết:

- Cho con uống nhiều nước, đặc biệt là nước dừa, pocari, oresol

- Phải theo dõi các dấu hiệu nặng của trẻ như ói, đau bụng, chảy máu, tiểu ít, li bì.

- Phải cho trẻ đi làm xét nghiệm máu mỗi ngày mặc dù đã hết sốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X