Hotline 24/7
08983-08983

PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên hướng dẫn chăm sóc trẻ em là F0, F1 cách ly tại nhà

Việc F0, F1 cách ly tại nhà khiến nhiều người vừa mừng vừa lo lắng, đặc biệt khi đó là trẻ em. PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc; Trưởng phòng khám sàng lọc COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ hướng dẫn chi tiết hơn về những lo lắng của bậc cha mẹ.

1. Chăm sóc trẻ là F1 tại nhà thế nào? Rửa mũi bao nhiêu lần?

Gia đình tôi có 1 người là F0 đã đi cách ly tập trung rồi, những người còn lại là F1 cách ly tại nhà. Tôi lo lắng nhất là con gái tôi. Nhờ BS đưa ra hướng dẫn dành cho trẻ em là F1 cách ly tại nhà nên chăm sóc như thế nào? Mỗi ngày nên rửa mũi cho bé mấy lần? Nhà tôi có 2 phòng ngủ nhưng chỉ có 1 toilet thôi ạ.

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Bạn không nói rõ nhà bao nhiêu người, tuy nhiên chắc là từ 2 trở lên và có 1 toilet nên có thể có bất tiện.

Bạn cũng không cho biết con gái báo nhiêu tuổi, vì trẻ lớn có thể độc lập chăm sóc sẽ dễ hơn, ít nguy cơ hơn. Nếu trẻ dưới 12 tháng hoặc dưới 2 tuổi, thì cần phải cho ăn, dỗ ngủ, ôm ấp, việc chăm sóc cũng khác so với trẻ lớn.

Trẻ nhỏ phải có 1 người chăm sóc, nguy cơ tiếp xúc càng gần thì dễ lây nhiễm.

Việc chăm sóc F0, F1 tại nhà là giống nhau, có 3 mục tiêu chính:

  • Nếu là F1 thì phải quan sát xem có khả năng thanh F0 hay không?
  • Nếu là F0 thì chú ý dấu hiệu nặng, F1 thì cần quan tâm đến bệnh lý đi kèm cần điều trị. Không để lây cho người khác vì mình có thể trong giai đoạn ủ bệnh.
  • Chăm sóc tốt cho bản thân: tránh lo lắng quá mức, phát hiện các bất thường liên quan bệnh khác.

Trẻ em cũng vậy, trẻ F1, theo dõi tại nhà cũng 3 mục tiêu trên. Nhớ rằng trẻ chưa nhiễm nên không quá lo lắng. Hơn nữa hiện nay trẻ em phần lớn là nhẹ hay không có triệu chứng. Bạn không nên quá lo lắng khi gia đình có 2 phòng ngủ nhưng chỉ 1 tolet.

Bạn chỉ cần: uống đủ nước, dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, giúp trẻ có tâm lý tốt, hướng dẫn trẻ tham gia phòng chống bệnh, bảo vệ bản thân và gia đình bằng 5K, tránh lây lan cho cộng đồng.

Trẻ cũng có thể nhiễm (trở thành F0) bằng xét nghiệm hay có biều hiện sốt, ho, đau học, mệt mỏi…bạn thông báo cho cơ quan giám sát, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, thuốc ho, nếu trẻ nghẹt mũi quá thì nhỏ mũi, còn không thì không cần vì có thể làm trẻ hắt xì và virus được phát tán nhiều hơn.

Khi gia đình nhiều người, bạn chú ý các biện pháp để tránh lây lan cho nhau bằng 5K.

2. Bé 7 tuổi là F0 cách ly tại nhà phải test mấy lần, theo dõi bệnh nặng trong ngày nào?

Thưa BS, tôi có con trai 7 tuổi là F0 cách ly tại nhà. Xin hỏi BS tôi phải chăm sóc con thế nào? Bé sẽ phải test mấy lần? Những ngày nào là trọng điểm cần theo sát sức khỏe của bé ạ? (ví dụ sốt xuất huyết thì ngày thứ 3-5 là phải coi kỹ, vậy COVID-19 thì ngày nào ạ?).

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Bạn chăm sóc trẻ nhằm:Phát hiện trẻ có biểu hiện nặng không: trẻ khó thở, thở mệt, sốt cao, co giật,...nếu có triệu chứng này thông báo cho cơ quan giám sát.

Tuy nhiên, hầu như trẻ em có biểu hiện nhẹ và gần như không có triệu chứng. Điều trị các triệu chứng cho bé: hạ sốt, giảm ho, .. dinh dưỡng đầy đủ.

Bệnh COVID-19 nặng thông thường là ngày thứ 5-9, người lớn nặng vào ngày thứ 8-10. Gần đây, với biến chủng Delta, số ca biểu hiện sớm, khoảng từ ngày thứ 5-7.

Ở trẻ em còn có hội chứng viêm đa cơ quan, có thể xảy ra đồng thời khi trẻ bị mắc COVID-19 nhưng cũng có thể xảy ra ở thời gian sau này, khoảng 2-6 tuần sau khi mắc COVID-19.

Lúc đó, biểu hiện của trẻ giống như tình trạng viêm cơ tim cấp: thở mệt, mệt khi vận động, tay chân lạnh ẩm, nặng hơn là tím tái, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu được xử trí kịp thời, tiên lượng của trẻ sẽ tốt.

Đối với F0, xét nghiệm PCR được làm vào ngày thứ 7, 14, và 21; đừng làm quá nhiều vì không có ý nghĩa gì.

3. Thường xuyên cho trẻ uống nước chanh sả có ảnh hưởng dạ dày không?

Thưa BS, với trẻ em là F0, F1 cách ly tại nhà, nếu thường xuyên cho cháu uống nước chanh sả thì có sợ bị ảnh hưởng dạ dày không?

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Nước chanh có hàm lượng vitamin C cao. Rất nhiều nghiên cứu về vai trò của vitamin C về bệnh lý nhiễm trùng như tăng sức đề kháng, giảm tỷ lệ bệnh nặng, nhập viện.

Nước chanh cũng có thể có tính acid. Nếu uống lúc no, uống nồng độ loãng thì không ảnh hưởng. uống nhiều lúc đói, đậm đặc thì khó chịu, có khả năng viêm dạ dày. Nếu uống không đúng cách nhiều lần sẽ gây loét dạ dày.

4. Làm sao nhận biết trẻ bị thiếu oxy khi không có máy SpO2?

Tôi được biết bây giờ có nhiều người bệnh COVID-19 không triệu chứng. Gia đình tôi chưa có ai làm test cả, không biết liệu chúng tôi bị bệnh hay chưa. Con trai tôi lại bị bệnh hen suyễn. Tôi chưa mua được máy SpO2, làm sao để biết bé có thở đủ oxy không ạ?

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Khi TPHCM có nhiều người nhiễm, dịch tễ cũng thay đổi. Chỉ có 1 cách duy nhất để biết mình có nhiễm hay không là làm test PCR. Nếu test nhanh dương tính cũng phải test khẳng định bằng PCR.

Nếu bạn có đi ngoài đường nhiều, tiếp xúc nhiều người, có bệnh nền thì có thể mua test nhanh để tự kiểm tra, theo dõi sức khỏe của mình. Ngoài ra, triệu chứng mất khứu giác, vị giác cũng là triệu chứng điển hình của SARS-CoV-2.

Nếu bạn tuân thủ 5K, không có triệu chứng gì, không tiếp xúc với F0, F1 thì bạn cứ bình thường, đừng lo lắng quá. Cháu bị hen, khi nào lên cơn, có thể cần oxy nếu cơn nặng; còn không thì không cần.

Nếu cháu đang bình thường, vận động bình thường, không mệt, không khó thở thì cháu không thiếu oxy.

Để biết thiếu oxy, bác sĩ sẽ xem cháu thở nhanh không, mệt không, gắng sức không, tỉnh táo không, nhịp tim, huyết áp... Nếu môi bệnh nhân tím tái, thì chắc chắc đã yếu.

Thứ hai, có thể dùng máy SpO2 để đo hoặc khí máu. Nếu bạn không có SpO2 cũng không quá lo lắng và có thể theo dõi các biểu hiện lâm sàng.

Một số ít bệnh nhân sẽ giảm oxy máy yên lặng, nhưng thực chất họ vẫn có biểu hiện, vẫn cảm thấy mệt mỏi, nhịp tim nhanh…Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện thiếu oxy máu, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

5. Có nên trữ test nhanh tại nhà, test nhanh cho trẻ cần lưu ý gì?

Thưa BS, dịch lây lan quá, tôi có nên mua que test nhanh về tự test không ạ? Và khi test cho trẻ em cần lưu ý gì, thưa BS? Vì que test chỉ có 1 cỡ mà mũi của bé lại nhỏ ạ.

Hiện nay test nhanh dễ làm, có nhiều trên thị trường. Chị có thể mua test nhưng không cần phải trữ vì chỉ cần test khi nghi ngờ bị nhiễm. Việc test định kỳ cũng không được khuyến cáo.

Chị có thể kiểm tra sức khỏe, khả năng nhiễm của mình cũng tốt, nhất là khi mình có tiếp xúc gần với ai hay có triệu chứng sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác…Que test hiện cũng nhỏ, chúng tôi làm cho trẻ cũng không gây tổn thương gì.

Nhiều cháu cũng rất khó chịu và không ngồi yên như người lớn, nên phải có người giữ tránh cháu vùng, chống cự gây tổn thương niêm mạc mũi. Những cháu đã hiểu biết, có thể tự ngồi được thì việc lấy mẫu nhẹ nhàng hơn, trẻ cũng không có phản ứng.

Trẻ từ 2-5 tuổi sẽ khó khăn trong lấy mẫu hơn, trẻ sẽ kháng cự. Lưu ý, chọn loại đúng chuẩn, không dùng cây gỗ để lấy dịch.

6. Gió thổi từ nhà F1 sang thì có khả năng lây bệnh không?

BS ơi, nhà tôi ở chung cư, căn hộ cùng dãy có người F1 cách ly tại nhà. Mà hướng gió lại thổi từ bên đó qua nhà tôi. Gia đình tôi có 2 cháu nhỏ, tôi lo quá, mong BS chỉ cách làm sao phòng bệnh? Chúng tôi không thể đóng cửa suốt ngày được ạ.

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Đường lây của virus qua tiếp xúc hoặc tiếp xúc gần, tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh, đặc biệt là trong không gian hẹp, không tuân thủ 5K.

Việc lây lan qua không khí cũng được đề cập, tuy nhiên tại các đơn vị về điều trị COVID-19 cũng khuyến cáo nên mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt trần để thoáng khí.

Bạn đừng lo quá, chưa hẳn F1 đã là F0 và chưa hẳn gió mang vius bay vào nhà mình đủ nồng độ gây bệnh nhé. Sự phát tán là rộng nên không quá lo. Chúng tôi làm trong các đơn vị chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nhưng cũng không bị nhiễm bệnh, chỉ cần phòng thông thoáng, đừng bật máy lạnh là được.

7. Có nên bổ sung vitamin D để tăng đề kháng chống COVID-19?

Chào BS, tôi đọc thấy vitamin D giúp tăng sức đề kháng chống lại bệnh COVID-19 nhưng thời gian giãn cách này gia đình tôi không đi phơi nắng buổi sáng được. Căn hộ của chúng tôi lại không có nắng chiếu vào. Vậy chúng tôi có nên mua vitamin D uống bổ sung không, bổ sung với liều lượng thế nào? Nhà tôi có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ ạ.

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Vitamin D ngoài có vai trò quan trọng trong phát triển hệ xương; còn tăng cường phản ứng miễn dịch qua khả năng kháng viêm và điều hoà miễn dịch.

Vitamin D được biết đến với vai trò tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào T và đại thực bào, giúp cơ thể chống lại mầm bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy người thiếu vitamin D thì khả năng nhiễm SARS- Cov2 cao hơn.

Tuy nhiên nhiều nghiên cứu không cho thấy bệnh nhân COVID-19 sẽ chuyển từ nhẹ sang nặng, nguy kịch. Có lẽ sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để tìm ra mối liên quan giữa vitamin D với COVID-19.

Vitamin D có thể bổ sung qua thức ăn như dầu cá, trứng và chế phẩm bổ sung; liều thông thường đối với người bình thường là 400-800 IU/ngày.

8. Đi chung thang máy chung cư, có khả năng mắc COVID-19 không?

Xin hỏi BS, ở chung cư mà đi chung thang máy với người bệnh COVID-19 không triệu chứng, hoặc đi sau họ 10-15 phút cũng buồng thang máy đó thì có lây không? Mặc dù tôi có đeo khẩu trang nhưng vẫn lo lắng vì tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể đang là F0 không triệu chứng.

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Điều bạn lo lắng là đúng. Nếu đi thang máy chung với F0 thì khả năng bạn là F1 rất cao, nhất là thang máy có máy lạnh.Nếu bạn tiếp xúc F0 trong thời gian 15 phút thì nguy cơ sẽ cao hơn. Việc tiếp xúc vào nút bấm thang máy, tay cầm cũng tăng nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.

Nên cần tuân thủ mang khẩu trang, sát khuẩn tay, và cũng cần đứng xa trên 1,5-2 m khi đi thang máy. Nếu virus có bám vào tay thì sát khuẩn sẽ diệt được virus, giảm nguy cơ mắc bệnh.

9. Người cùng nhà với F0 cách ly tại nhà có cần đeo khẩu trang 24/24?

Xin BS giải đáp: một người F0 cách ly tại nhà, người đó đã ở phòng riêng rồi thì người ở cùng nhà có cần đeo khẩu trang 24/24 không ạ? Dùng khẩu trang vải được không? Mấy tiếng phải thay khẩu trang 1 lần? Đi ngủ có được bỏ khẩu trang ra không?

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Hiện nay, TPHCM đang chủ trương cách ly F1, F0 tại nhà.

Do đó:

  • Thứ nhất, cần theo dõi F0 xem có biểu hiện nặng không, và không để lây nhiễm cho cộng đồng. Người chung nhà với F0 thì có khả năng người nhà cũng đã trở thành F0. Nếu xét nghiệm cho kết quả người nhà chưa mắc COVID-19 thì vẫn cần tuân thủ 5K. Trong thời gian có F0 cách ly tại nhà, cần theo dõi người bệnh và cả bản thân.
  • Thứ hai, phải mang khẩu trang và mang khẩu trang y tế, khẩu trang vải không an toàn. Hơn nữa cũng cần hiểu khẩu trang không là không đủ, phải đầy đủ 5K nhé. Quan trọng nhất là phải mang khẩu trang đúng cách. Vị trí khẩu trang bị ướt sẽ có nguy cơ cao hơn.

Đi ngủ mà có tiếp xúc gần, nếu không mang khẩu trang thì nguy cơ cũng cao vậy, nhất là phòng máy lạnh.

Bao nhiêu tiếng thay khẩu trang 1 lần cũng rất khó nói. Quan trọng là phải mang đúng, nếu thấy khẩu trang ướt, hở, bẩn, rách,…không an toàn thì nên thay ngay.

10. Hướng dẫn chung cho cha mẹ chăm sóc con là F0, F1 tại nhà

Nhờ BS đưa ra hướng dẫn chung cho các cha mẹ chăm sóc con là F0, F1 tại nhà. Mặc dù biết trẻ bị có thể chỉ bị bệnh nhẹ nhưng họ vẫn lo lắng rất nhiều ạ!

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên trả lời: Với tình hình dịch phức tạp hiện nay, lo lắng là đúng nhưng bên acjnh đó phải tìm giải pháp để an tâm hơn.

Khi F0, F1 cách ly tại nhà có một vài nguyên tắc sau:

  • Theo dõi và phát hiện biểu hiện nặng để kịp thời thông báo cho cơ sở điều trị
  • Điều trị các triệu chứng…
  • Theo dõi, tránh lây nhiễm cho cộng đồng và người xung quanh. Không nên nghĩ chỉ cần mnag khẩu trang thì sẽ không lây bệnh cho người khác, khẩu trang chỉ giúp hạn chế lây lan. Không chỉ người bệnh cần tuân thủ 5K, ngay cả người bình thường cũng cần tuân thủ để an toàn.
  • Quan tâm động viên về tâm lý do không gian trong nhà sẽ rất tù túng. Nếu bệnh nhân cảm thấy tích cực  sẽ mang lại nhiều điều hữu ích. Khả năng chống chọi bệnh tật sẽ kém đi nếu tâm lý tiêu cực. Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Mong rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho quý bạn đọc trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X