Hotline 24/7
08983-08983

Nước ion kiềm có thực sự cần thiết?

Theo ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, suy nghĩ trung hòa axit để điều trị, phòng ngừa ung thư và hàng loạt bệnh khác bằng nước ion kiềm là một sai lầm cơ bản. Nước lọc, nước khoáng là loại nước tốt nhất người dân nên sử dụng.

1. Ăn đủ đạm và giảm tiêu thụ đường để duy trì sự cân bằng trong cơ thể

Nhiều người cho rằng “Vấn đề không phải là thực phẩm đầu vào có tính axit hay kiềm mà khi thực phẩm tiêu hóa tạo ra axit hay kiềm trong quá trình sinh hóa của cơ thể. Các thực phẩm từ thực vật tạo ra kiềm còn thịt và đường sẽ tạo axit. Thực tế thì cơ thể người chúng ta hiện giờ là axit nhiều nên bệnh nhiều”. Ý kiến của BS về quan điểm này như thế nào?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Thực phẩm khi ăn vào cơ thể đều sẽ chuyển hóa. Trong chương trình học của các bác sĩ có môn sinh hóa, là những phản ứng hóa học chuyển hóa trong cơ thể con người. Có đến hàng chục chu trình như crep, ure... chuyển hóa trong cơ thể ở mức tế bào nhưng chỉ có 3 dạng là glucid, lipid và proteid.

Thông thường, những chất ngọt và chất đạm sẽ có phản ứng tạo ra nhiều thể ceton, dễ làm toan trong cơ thể. Khi chúng ta ăn cân bằng các nhóm thực phẩm, cơ thể sẽ điều hòa về mức bình thường. Nếu một người có bệnh về thận hoặc về gan, hô hấp mà ăn uống không cân bằng, cơ thể rất khó khăn để quân bình, thậm chí không thể quân bình.

Độc tố do cơ thể tự sinh ra, không phải do ăn thực phẩm nhiều axit. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo chúng ta không nên tiêu thụ nhiều muối. Chất đạm nên được giới hạn trong khoảng 30% năng lượng hằng ngày. Ở nước ta, hầu hết mọi người đều thiếu đạm trong chế độ ăn.

Tuy nhiên, Việt Nam lại là nước tiêu thụ nhiều chất bột đường, nhất là đường đơn. Những món có đường với độ ngọt 7 – 8% có thể kích thích vị giác con người, do đó chúng ta thường có khuynh hướng ăn dư đường.

Để giải quyết vấn đề, nên giảm bớt lượng đường tiêu thụ chứ không phải tìm thêm kiềm để trung hòa. Uống chất kiềm để trung hòa môi trường axit trong cơ thể cực kỳ khó. Thực tế, đối với những ca bệnh nặng, người ta thường phải truyền dung dịch kiềm Natri Bicarbonat vào trong tĩnh mạch thì mới có thể cân bằng, khiến nồng độ kiềm trong cơ thể gần như bằng 0.

Để giảm những tác dụng có hại do phản ứng sinh hóa không tốt, thứ nhất, về mặt đạm, chúng ta không cần lo vì Việt Nam không nằm trong nhóm những nước có chế độ ăn dư đạm. Vấn đề lớn là chúng ta đang ăn dư nhiều chất bột đường, nhất là đường đơn, gây rối loạn những phản ứng chuyển hóa trong cơ thể.

Những rối loạn này khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn, mau mệt mỏi, sẽ có những phản ứng đôi khi không hoàn toàn. Dù vậy, vẫn có những phản ứng khác để loại bỏ, duy trì cân bằng pH, duy trì sự sống cho cơ thể.

2. Xét nghiệm pH nước tiểu chỉ có giá trị tham khảo tương đối

Những kết quả xét nghiệm độ pH trong nước bọt và nước tiểu để đánh giá tính kiềm và tính axit của cơ thể có đáng tin cậy không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Axit trong nước tiểu có độ dao động cao vì tùy vào lượng nước uống nhiều hay ít, loại nước uống, bình thường độ pH sẽ từ 6 – 8. pH nước tiểu có độ kiềm cao cũng có thể mắc bệnh như nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, thận mãn...

Đối với một bác sĩ, việc biết độ pH của nước tiểu chỉ có giá trị tham khảo tương đối. Vào ngày xét nghiệm, nếu bệnh nhân ăn không tiêu, ói nhiều, độ pH nước tiểu sẽ kiềm. Nếu tiêu hóa tốt, độ kiềm sẽ thấp. Ăn nhiều chất ngọt sẽ khiến pH nước tiểu có khuynh hướng axit.

Các bác sĩ chuyên khoa sâu về tiết niệu cần xem xét những bệnh thận mãn đặc biệt hoặc một số bệnh về sỏi thận mới chú ý nhiều đến pH nước tiểu. Ngoài ra, pH nước tiểu không ảnh hưởng gì đến nguy cơ ung thư hay mắc các bệnh lý.

pH nước bọt cũng dao động nhiều như pH nước tiểu. Xét nghiệm khi đang khát và sau khi uống nước sẽ cho kết quả khác nhau. Do đó, pH nước bọt không có ý nghĩa chẩn đoán.

3. Xét nghiệm độ pH máu chỉ định cho bệnh nhân ở ICU

Trong các xét nghiệm máu thường quy khi khám sức khỏe, có xét nghiệm độ pH máu hay không? Nếu không có, bệnh nhân có thể yêu cầu xét nghiệm thêm được không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Như đã chia sẻ ở trên, xét nghiệm máu thường quy không có xét nghiệm độ pH. Xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe hay xét nghiệm máu tìm bệnh đều lấy máu tĩnh mạch, còn xét nghiệm độ pH phải lấy máu từ động mạch. Lấy máu ở tĩnh mạch rất dễ bị phù mạch máu và thoát mạch. Khi xảy ra vấn đề, máu ở động mạch khó cầm hơn máu ở tĩnh mạch.

Trong y học, khí máu động mạch tìm pH máu chỉ chỉ định cho những bệnh nhân nhiễm trùng huyết, thở máy nằm ở ICU để theo dõi sự cân bằng. Ngay đến những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường điều trị nội trú cũng không có chỉ định xét nghiệm pH máu.

4. Quân bình tính kiềm và tính axit trong cơ thể

Xin hỏi BS, có cách nào để can thiệp vào tính kiềm hay tính axit của cơ thể không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Có rất nhiều cách để can thiệp vào tính kiềm hay tính axit của cơ thể.

- Uống nước lọc đầy đủ giúp thận hoạt động đầy đủ là có thể quân bình tính kiềm và tính axit trong cơ thể.

- Tập thở dưỡng sinh: Phổi ngoài chức năng cung cấp oxy cho cơ thể còn là một trong những cơ quan điều hòa tính kiềm và tính axit. Vì vậy, những người tập võ công, dưỡng sinh Đạo giáo thường rất khỏe. Phổi có thể thải bớt axit carbonic, giúp quân bình độ kiềm toan một cách tự nhiên.

Không phải ngẫu nhiên mà y học cổ truyền Trung Hoa và Ấn Độ luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của hơi thở trong tập luyện yoga, võ thuật.

- Giải nhiệt đầy đủ: Tốt nhất là dành 90 phút mỗi tuần để tập thể dục đến mức ra mồ hôi, thở hổn hển. Đổ mồ hôi cũng là một cách để điều hòa, quân bình tính kiềm và tính axit. Khi ra mồ hôi nhớ phải uống bù nước.

- Có thể uống nước khoáng tự nhiên, nhưng nếu không có nước khoáng thì sử dụng nước lọc vẫn được. Uống nước kiềm để quân bình tính kiềm chỉ có giá trị đối với những người bệnh thận mãn nặng, thận quá yếu mới cần cung cấp thêm kiềm từ bên ngoài.

Nước sạch từ vòi có độ pH dao động trong khoảng 5.5 – 7. Theo tôi, việc mua máy nước ion kiềm là không cần thiết. Không phải độ pH kiềm nhiều là tốt. Uống nước ion kiềm quá nhiều sẽ gây nóng rát, bong tróc đường tiêu hóa.

Nước khoáng tự nhiên cũng chỉ như các loại nước bình thường như nước trà, nước lọc,... Chúng ta không thần thánh hóa nước ion kiềm.

Những người bị bệnh bao tử, trào ngược axit dạ dày nhiều uống nước khoáng tự nhiên có thể trung hòa một phần, nhưng rất yếu ớt. Ăn rau, uống nước muối cũng có tính kiềm. Hiện nay cũng có những loại thuốc trung hòa axit bao tử.

- Hạn chế thức ăn ngọt, thức ăn chế biến sẵn. Không nên ăn trái cây quá chua hoặc quá ngọt. Trái cây chua sẽ có axit, trực tiếp ảnh hưởng đến bao tử. Trái cây ngọt làm cho cơ thể nhiều chuyển hóa.

- Ăn nhiều rau xanh, ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm.

- Thư giãn: Căng thẳng sẽ làm chết tế bào và sản sinh ra những phản ứng khiến tim, não mệt hơn, tiết ra những chất tiền viêm, gây phản ứng viêm vi mô, tạo môi trường nhiều axit hơn để cơ thể phải giải quyết.

 Nếu đang có quá nhiều áp lực, hãy nhìn lên để phấn đấu, nhìn ngang và nhìn xuống để biết đủ và cảm thấy hạnh phúc.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X