Các bước tiến trong điều trị sẹo lõm hiện nay
Ngày 15/12/2024, Phòng khám Da liễu Thẩm mỹ Ánh Tú đã tổ chức diễn đàn da liễu thẩm mỹ kỳ 1 với chủ đề “Cập nhật điều trị sẹo lõm”. Hội thảo nhằm cập nhật kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp trong lĩnh vực Da liễu Thẩm mỹ về tình trạng phổ biến, cũng như đầy thách thức này.
Sẹo lõm chiếm 80 - 90% các tình trạng sẹo trên bệnh nhân mụn trứng cá
Tại đây, PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào - Chủ tịch Liên chi hội Da liễu TPHCM đã có phần trình bày về “Tổng quan về sẹo lõm”.
Chuyên gia cho biết: “Sẹo do mụn trứng cá là tình trạng da rất phổ biến, là một trong những di chứng mà bệnh nhân phải gánh chịu và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống”.
Theo các nghiên cứu, sẹo do mụn trứng cá có thể xảy ra ở bất cứ thể mụn trứng cá nào từ nhẹ, trung bình, đến nặng. Thậm chí những bệnh nhân đã lành thương tổn, tỷ lệ sẹo mụn trứng cá dao động từ 37 - 60%. Nếu tính riêng từng thể, ngay cả những bệnh nhân đã sạch mụn hoặc thể nhẹ thì tỷ lệ sẹo mụn trứng cá dao động khoảng 20 - 30%.
Qua các nghiên cứu về dịch tể học, các yếu tố nguy cơ mắc sẹo mụn cao bao gồm:
- Bệnh nhân có mụn trứng cá thể nặng (thể càng nặng tỷ lệ mắc sẹo mụn càng cao).
- Người có tiền sử gia đình (ba, mẹ, anh, chị, em).
- Có tình trạng viêm mụn kéo dài, thời gian điều trị muộn.
- Người hay sờ nắn thương tổn.
- Người khởi phát mụn rất sớm hoặc mụn tái phát thường xuyên.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào, để hình thành nên mụn trứng cá có 4 yếu tố bệnh sinh: Tăng sản xuất bã nhờn; Bít tắc lỗ chân lông; Tăng sản sinh của vi khuẩn C acnes; Quá trình viêm.
4 yếu tố này tác động lên nhau và có chu kỳ diễn tiến từ những thương tổn dưới lâm sàng (giai đoạn sớm của nhân mụn). Sau đó xuất hiện nhân mụn (nhân mụn đóng, nhân mụn mở). Khi nang lông, tuyến bã ứ quá nhiều và tăng sinh vi khuẩn C acnes làm viêm hệ thống nang lông và tạo ra sẩn/mụn mủ viêm. Dẫn đến hình thành nang/nốt.
Sẹo mụn hình thành khi có hiện tượng viêm quá nhiều và lâu, dẫn đến vỡ nang lông tạo ra C acnes xung quanh hệ nang lông tuyến bã và kích thích quá trình lành thương bệnh lý.
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào cho biết: “Khi không có sự cân bằng của các chất viêm, cũng như các men tạo ra trong quá trình lành thương sẽ dẫn đến tạo sẹo lõm. Hoặc nếu tạo quá nhiều mô liên kết, collagen sẽ hình thành sẹo lồi. Đôi khi có những trường hợp vừa sẹo lõm, vừa sẹo lồi, sẹo xấu, sẹo co kéo. Trong đó, sẹo lõm chiếm 80 - 90% các tình trạng sẹo trên bệnh nhân mụn trứng cá”.
Sẹo lõm được chia thành 3 loại:
- Sẹo Rolling: Chiếm 15 - 25%, với đường kinh rộng (> 4 - 5mm), nông hoặc sâu với bờ hơi dốc, do co kéo lớp bì.
- Sẹo Boxcar: Chiếm 20 - 30%, lõm hình tròn - bầu dục (1,5 - 4mm), nông (< 0,5mm) hoặc sâu (> 0,5mm) với bờ rõ, thẳng đứng, đáy phẳng.
- Sẹo Icepick: Chiếm 60 - 70%, ống hẹp (< 2mm), sâu, bờ rõ, đi thẳng cuống đến lớp bì sâu hoặc mô dưới da. Đây cũng là loại sẹo khó điều trị nhất.
Hiện nay, có 5 phương pháp điều trị sẹo lõm:
- Phương pháp tái tạo bề mặt như vi mài da, mài da, tái tạo da bằng hóa chất (peel), CROSS, lăn kim, laser bóc tách… Tùy vào loại sẹo mà có tái tạo bề mặt khác nhau. Ví dụ đối với sẹo Rolling và Boxcar sẽ tái tạo bề mặt 2 bên cạnh sẹo nhưng với sẹo Icepick phải tái tạo bề mặt sâu hơn.
- Phương pháp nâng sẹo bằng cách tách đáy sẹo, thường được áp dụng cho sẹo Rolling.
- Phương pháp làm đầy như ghép da, cấy mỡ hoặc PRP, thường phù hợp với sẹo Rolling và Boxcar.
- Một phương pháp khác dùng để điều trị sẹo rỗ và có thể phù hợp với hầu hết các loại sẹo là săn chắc da, có thể áp dụng laser không bóc tách/vi điểm, RF vi điểm.
- Tiểu phẫu, áp dụng punch nâng sẹo hoặc cắt sẹo. Đôi khi sẹo quá lớn nên cần cắt bỏ và may lại để tạo sẹo nhỏ hơn. Nếu có sản phẩm bôi sẹo tốt, phù hợp thì tình trạng này không đáng kể.
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hào nhấn mạnh: “Sẹo lõm tác động xấu đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân vì vậy cần quan tâm đặc biệt đến những bệnh nhân mụn trứng cá nguy cơ cao để tư vấn phòng ngừa sẹo lõm”.
Bên cạnh đó, để điều trị tốt cần nhận diện đúng các dạng sẹo lõm khác nhau, vì đa số trên một khách hàng có nhiều loại loại sẹo tồn tại, trong đó sẹo đáy nhọn chiếm tỷ lệ cao nhất. Cũng như tùy vào độ nặng của sẹo, độ lão hóa da, tuổi, giới tính,… mà có các phương pháp điều trị phù hợp. Từ đó, giúp tăng hiệu quả, giảm số lần điều trị, giảm chi phí và tăng sự hài lòng của bệnh nhân.
Điều trị sẹo lõm cần cá nhân hóa và kết hợp đa phương thức
Tiếp đến, TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Trưởng Phòng khám Da liễu Thẩm mỹ Ánh Tú đã có những chia sẻ cụ thể hơn về chủ đề “Điều trị sẹo lõm: Làm sao để nhanh có hiệu quả”.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú thông tin: “Các nghiên cứu toàn cầu về sẹo mụn cho thấy, trên 70% bệnh nhân có ít nhất 2 loại sẹo lõm trên mặt. Vì vậy, nếu chỉ áp dụng 1 phương pháp điều trị sẽ không đạt hiệu quả nhanh”.
Theo các hiệp hội về điều trị sẹo mụn, đây có thể là sự kết hợp của nhiều dạng thương tổn khác nhau, đòi hỏi phác đồ điều trị đa dạng và cá nhân hóa. Bên cạnh đó, các bài báo cũng nhấn mạnh, không thể áp dụng 1 phương pháp điều trị cho tất cả các loại sẹo mụn vì đặc điểm phối hợp của chúng.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú chia sẻ kinh nghiệm: “Đầu tiên khi bệnh nhân đến khám sẽ ưu tiên chọn phương pháp tách đáy sẹo và làm mờ sẹo. Bằng cách cắt dải sẹo xơ bên dưới, theo y văn phương pháp này phù hợp với sẹo Rolling, tuy nhiên gần đây ghi nhận đối với các loại sẹo khác vẫn có sự co kéo bên dưới, chỉ là mức độ co kéo không nhiều. Khi áp dụng tách đáy sẹo có thể cải thiện nhiều loại thương tổn sẹo cho bệnh nhân”.
Ngoài ra, thủ thuật tách đáy sẹo cũng là yếu tố kích thích phản ứng viêm và collagen tại chỗ, nhờ đó đạt được hiểu quả lành thương một cách chủ động. Sau khi thực hiện bệnh nhân sẽ thấy mô da cải thiện khoảng 30%, vì vậy sẽ đạt được sự hài lòng và mong muốn điều trị tiếp. Tuy nhiên, tách đáy sẹo phải tách đúng, nếu thực hiện sai kỹ thuật thì sẹo đôi khi còn nhiều hơn.
Nghiên cứu trên 100 bệnh nhân: 50 bệnh nhân tách đáy sẹo với Canula 18G và 50 bệnh nhân tách đáy sẹo với kim 27G cho thấy, hiệu quả không có sự khác biệt giữa nhóm tách đáy sẹo bàng canula và kim. Tuy nhiên thời gian nghỉ dưỡng có sự khác biệt đáng kể. Đặc biệt, các tác dụng phụ như bầm tím, sưng tấy, tăng sắc tố sau viêm và hình thành sẹo có sự khác biệt đáng kể giữa tách đáy sẹo bằng canula so với kim.
Có 18% bệnh nhân điều trị tách đáy sẹo bằng kim bị sẹo, trong khi không có bệnh nhân nào điều trị tách đáy sẹo bằng canula có sẹo trong suốt quá trình nghiên cứu. Vì vậy, việc sử dụng canula đầu tù để tách đáy sẹo sẽ an toàn hơn sử dụng kim.
Các tác giả nghiên cứu đưa ra lập luận, mặc dù không phải canula thực sự hiệu quả hơn kim khi tách đáy sẹo nhưng canula ít tác dụng phụ, ít thời gian nghỉ dưỡng, do đó bệnh nhân dung nạp tốt hơn nên cho hiệu quả chung tích cực hơn.
Sau khi tách đáy sẹo, dải xơ bị cắt đứt nhưng bề mặt vẫn còn lõm và cần thời gian để sợi collagen, sợi đàn hồi tăng sinh để bề mặt đầy lên. Chính vì vậy, nếu muốn thấy hiệu quả điều trị nhanh hơn thì có thể kết hợp tiêm chất làm đầy trong cùng một thì, không phải thao tác nhiều lần, bệnh nhân ít bầm và thấy hiệu quả tức thì để tiếp tục điều trị.
Nếu bệnh nhân chỉ có sẹo Rolling thì phương pháp này cực kỳ hiệu quả, chỉ mới 1 lần thực hiện đã thấy được sự cải thiện rõ rệt. Nhưng nếu tình trạng sẹo khó khăn hơn thì cần số lần điều trị nhiều hơn.
Để lựa chọn phương pháp điều trị, đầu tiên sẽ xem loại sẹo nào chiếm ưu thế trong than phiền của bệnh nhân. Thứ hai đánh giá mức độ lão hóa da và khuôn mặt kèm theo. Vì hiện nay có nhiều cô chú lớn tuổi mới bắt đầu điều trị sẹo mụn. Thứ ba là hoàn cảnh và chi phí dành cho việc điều trị.
TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú lưu ý, sự mong muốn nhanh có hiệu quả là nhu cầu và xu hướng trong điều trị. Bên cạnh đó, cần kết hợp đa phương thức, cá nhân hóa việc điều trị, chú trọng chăm sóc sau điều trị phòng ngừa tăng sắc tố sau viêm, đặc biệt là sau thực hiện laser vi điểm, bóc tách.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình