Nước Anh lần đầu tiên triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh lậu toàn quốc
Từ ngày 1/8, Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh lậu trên quy mô toàn quốc. Vắc xin 4CMenB, vốn được sử dụng để phòng viêm màng não mô cầu nhóm B, nay được kỳ vọng sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến thứ hai tại Anh.
Cơ quan y tế Anh vừa thông báo chương trình tiêm vắc xin phòng bệnh lậu sẽ chính thức được triển khai trên toàn quốc từ ngày 1/8 tới. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thực hiện tiêm chủng thường xuyên để phòng bệnh lậu - căn bệnh lây truyền qua đường tình dục có mức độ lây nhiễm cao và ngày càng kháng thuốc.
Loại vắc xin được sử dụng mang tên 4CMenB, hiện đã nằm trong chương trình tiêm chủng dành cho trẻ nhỏ tại Anh nhằm phòng vi khuẩn viêm màng não mô cầu nhóm B. Các nhà khoa học cho biết vắc xin này có thể giúp ngăn ngừa bệnh lậu nhờ sự tương đồng di truyền giữa hai loại vi khuẩn gây bệnh.
Theo Hội đồng Tiêm chủng và Miễn dịch chung của Anh (JCVI), vắc xin 4CMenB cho hiệu quả phòng bệnh lậu ước tính từ 32,7% đến 42% - một con số khiêm tốn nhưng đáng giá trong bối cảnh vi khuẩn lậu ngày càng kháng kháng sinh mạnh. Trên thực tế, nhiều ca bệnh đã không còn đáp ứng với phác đồ điều trị chuẩn bằng ceftriaxone, thậm chí một số ca thuộc dạng kháng thuốc rộng rãi, khiến việc điều trị gặp khó khăn lớn.
Bệnh lậu hiện là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến thứ hai tại Anh với hơn 85.000 ca mắc mới trong năm 2023 - mức cao nhất kể từ năm 1918. Đáng chú ý, người từng nhiễm bệnh cũng không có khả năng miễn dịch tự nhiên, điều này khiến vai trò của vắc xin càng trở nên quan trọng.
Chương trình tiêm vắc xin sẽ do các đơn vị y tế địa phương thực hiện, tập trung vào nhóm người có nguy cơ cao như người thường xuyên thay đổi bạn tình, người có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đồng thời, người đến tiêm cũng có thể được mời tiêm thêm vắc xin phòng HPV, mpox, viêm gan A và B.
Phát biểu về chương trình, Bộ trưởng Y tế Anh Ashley Dalton kêu gọi người dân chủ động tham gia tiêm phòng, vừa để bảo vệ chính mình, vừa góp phần giảm nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc lan rộng. Chuyên gia từ Cơ quan An ninh Y tế Anh cũng nhận định, chương trình này không chỉ có ý nghĩa y tế công cộng, mà còn giúp nước Anh trở thành quốc gia tiên phong toàn cầu trong phòng chống bệnh lậu bằng vắc xin.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình