Hotline 24/7
08983-08983

Nữ giới bị tiểu đêm, tiểu khó, tiểu đục tuyệt đối không tự chữa tại nhà

Tiểu không hết, tiểu đêm, tiểu khó, tiểu đục, mắc tiểu và rò rỉ nước tiểu khi đang quan hệ tình dục là các vấn đề khiến chị em đau đầu, thậm chí đó là các dấu hiệu bệnh lý mà phụ nữ không nên lơ là. Vấn đề này sẽ được chia sẻ bởi  ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh - Khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân.

1. Đo nước tiểu tồn lưu sau khi đi tiểu để xác định nguyên nhân tiểu không hết

Tiểu không hết

a- Nhiều chị em mô tả là không biết sao mình đi tiểu xong rồi mà vẫn còn cảm giác mắc tiểu, giống như tiểu không hết, mà có ngồi lại thêm thì cũng không tiểu thêm được. Tình trạng này là biểu hiện của bệnh gì, thưa BS?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Tiểu không hết thường chia thành 2 nhóm chính: nhóm một là nhóm người thật sự không tiểu hết, nhóm hai là người bệnh đã tiểu hết nhưng có bàng quang nhạy cảm, kích thích, luôn có cảm giác mắc tiểu, muốn tiểu nữa nên bệnh nhân có suy nghĩ là chưa tiểu hết.

Trong đó, với các trường hợp tiểu hết có thể chia làm 2 nhóm: thứ nhất là bàng quang hoạt động không tốt, bóp không được; thứ hai là bàng quang hoạt động quá mức đều có thể gây triệu chứng mắc tiểu, mặc dù đã tiểu hết.

b- Nếu chưa đi thăm khám, ở nhà có cách nào làm giảm triệu chứng này không ạ?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Có 2 nhóm nguyên nhân của vấn đề tiểu không hết, nên có rất nhiều nguyên nhân, tiên lượng và cách điều trị khác nhau. Vì vậy, bệnh nhân bắt buộc phải gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân, từ đó có phương án điều trị hợp lý.

c- Làm thế nào để phân biệt 2 nhóm nguyên nhân gây ra tiểu không hết?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Bệnh nhân khó có thể tự phân biệt được 2 nhóm nguyên nhân gây tiểu không hết, nhưng khi đến gặp bác sĩ, sẽ có các cận lâm sàng phù hợp để phân loại nhanh 2 nhóm này, điều trị sớm cho bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ được đo nước tiểu tồn lưu trong bàng quang sau khi đi tiểu, điều này sẽ biết được bệnh nhân đã tiểu hết hay còn nước tiểu trong bàng quang. Việc đơn giản nhất là siêu âm đo nước tiểu tồn lưu sau khi đi tiểu hoặc đặt ống thông tiểu nhỏ để lấy nước tiểu tồn lưu sau khi đi tiểu, bác sĩ sẽ đo lượng nước tiểu còn lại để xác định bệnh nhân đã tiểu hết hay chưa.

2. Một số thuốc điều trị tiểu đêm có tác dụng phụ làm khô miệng, khát nước

Tiểu đêm

a- Tiểu đêm cũng là vấn đề mà chị em than phiền nhiều nhất vì nó làm cho họ bị khó ngủ, thậm chí mất ngủ. Tình trạng này do nguyên nhân gì?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Trường hợp bệnh nhân bị tiểu đêm có thể do uống nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc các bệnh lý tim mạch, uống thuốc lợi tiểu hoặc bệnh nhân bị sa bàng quang, mãn kinh, rối loạn đường tiểu, sa sinh dục… Tuy nhiên, một bệnh lý trên lâm sàng bác sĩ thường gặp ở các trường hợp bệnh nhân tiểu đêm, gọi là đa niệu về đêm.

Buổi tối, khi đi ngủ, cả cơ thể đều đi ngủ, khi thận ngủ sẽ tiết ra nước tiểu ít hơn, làm con người  ít đi tiểu hơn, còn đối với người bệnh bị đa niệu về đêm, thận vẫn hoạt động liên tục, mạnh mẽ, từ đó tạo ra lượng nước tiểu lớn khiến người bệnh phải dậy đi tiểu.

b- Đái dầm ở bé gái và tiểu đêm ở phụ nữ trung niên, cao tuổi có điểm nào giống và khác nhau ạ?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Về đái dầm ở bé gái, do bé chưa phát triển toàn diện về nhiều mặt, trong đó có các dây thần kinh bàng quang và bàng quang, khi bàng quang chưa phát triển đủ, chưa đủ lớn để chứa lượng nước tiểu lớn, vì vậy, bé sẽ không biết. Khi thần kinh chưa phát triển, không thể phản hồi lên được não là bé đang mắc tiểu, đặc biệt, nếu bé ngủ sâu sẽ không thể tự thức dậy đi tiểu, dẫn đến bé bị tiểu đêm.

Còn đối với người lớn tuổi, trưởng thành, trường hợp này hầu hết không xảy ra, chủ yếu do các nguyên nhân bệnh lý, uống nhiều nước… không phải nguyên nhân dây thần kinh chưa phát triển.

c- Câu hỏi thực tế: Tôi bị tiểu đêm, bác sĩ dặn buổi tối phải uống ít nước lại. Nhưng khi uống ít nước tôi bị khô họng, khó chịu lắm, nên tôi phải uống, và như vậy lại tiểu đêm. Xin BS tư vấn?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Để tư vấn về vấn đề này, bác sĩ phải nắm được loại thuốc và liệu trình bệnh nhân đang sử dụng, vì vậy, chưa thể đưa ra một tư vấn chính xác. Tuy nhiên, có một số loại thuốc điều trị tiểu nhiều lần có gây khô miệng, khát nước, loại thuốc này còn được uống vào buổi tối, do đó, bệnh nhân sẽ gặp vấn đề đi tiểu vào ban đêm.

Chính vì vậy, nên thay đổi thói quen sống bằng cách, thay vì uống ngụm nước lớn, nên uống từng ngụm nhỏ. Nếu trường hợp đã thử phương pháp này nhưng không có cải thiện, bệnh nhân nên quay lại gặp bác sĩ để được kiểm tra nguyên nhân, nếu do thuốc, sẽ đổi sang loại thuốc khác ít gây tác dụng phụ.

3. Tiểu khó không được thăm khám sớm có thể gây suy thận

Tiểu khó

a- Một số chị em gặp tình trạng tiểu khó, họ cho biết phải dùng sức để rặn mạnh hoặc rặn rất lâu để có thể ra nước tiểu. Tình trạng này là do nguyên nhân gì?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Trường hợp bệnh nhân phải rặn rất nhiều mới có thể tiểu được, có thể do yếu bàng quang, bàng quang thần kinh, hoặc do một số người bệnh bị bí tiểu sau sinh, niệu đạo bệnh nhân bị hẹp khiến việc tiểu tiện không tốt.

b- Ngoài việc rặn tiểu thì còn các triệu chứng nào cho thấy người bệnh có thể đang gặp phải chứng tiểu khó, cần phải thăm khám?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Khi người bệnh tiểu không hết nước tiểu trong bàng quang, bác sĩ có thể gọi đó là tiểu khó. Tình trạng tiểu khó có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau với cả bệnh lý mạn tính và cấp tính. Tuy nhiên, triệu chứng tiểu khó nếu không thăm khám sớm, sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, gây biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn đến suy thận.

4. Tiểu đục kèm sốt, tiểu máu, tiểu buốt, tiểu gắt cần đi khám ngay

Tiểu đục

a- BS có thể cho biết những nguyên nhân gì có thể dẫn tới nước tiểu đục?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Nước tiểu bị đục do 3 nhóm nguyên nhân chính: thứ nhất, có thể do photphat trong nước tiểu; thứ hai, có mủ, bạch cầu trong nước tiểu, thường do nhiễm trùng; thứ ba, trong nước tiểu có dịch dưỡng chấp, có thể khiến nước tiểu đục.

b- Nếu tiểu đục vào sáng sớm nhưng cả ngày nước tiểu bình thường thì có đáng ngại không?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Nước tiểu bị đục bất kể sáng sớm hay cả ngày đều có thể là vấn đề do nhiễm trùng, vì vậy, bệnh nhân cần đi thăm khám sớm để điều trị nhiễm trùng sớm nhất có thể.

c- Tiểu đục kèm triệu chứng gì thì nên đến BS khám?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Khi nước tiểu đục, bệnh nhân cần sắp xếp đến bệnh viện khám. Nếu nước tiểu đục kèm theo các triệu chứng như sốt, đau lưng, tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu máu… bệnh nhân cần đi khám ngay.

5. Bất kể tình huống rò rỉ nước tiểu không tự chủ đều là vấn đề bệnh lý

Mắc tiểu và rò rỉ nước tiểu khi đang quan hệ tình dục

a- Đây là tình huống dở khóc dở cười mà một số chị em gặp phải trong cuộc yêu: mắc tiểu khi đang quan hệ tình dục. Điều này có phải bất thường không thưa BS?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Mắc tiểu khi đang quan hệ, chị em có thể đang phải đối mặt với các vấn đề về nhiễm trùng, nếu lo lắng cho sức khỏe, người bệnh cần tái khám sớm, khám bệnh sớm để bác sĩ có thể loại trừ các nguyên nhân bệnh lý, trước khi kết luận đây là vấn đề bình thường.

b- Một số chị em cho biết họ bị rò rỉ nước tiểu khi đang quan hệ. Đây có phải là biểu hiện bệnh lý?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Bất kỳ tình huống rò rỉ nước tiểu không tự chủ nào đều là vấn đề bệnh lý. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có rò rỉ nước tiểu, không thường không chỉ xuất hiện khi đang quan hệ mà còn xuất hiện trong sinh hoạt thường ngày, do đó, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ kiểm tra và tái khám.

c- Vậy làm cách nào để chị em không gặp tình trạng này nữa ạ?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Khi bị rò rỉ nước tiểu khi đang quan hệ, nếu không thể sắp xếp đi khám bệnh ngay, có thể giảm nước uống, tập Kegel, đi tiểu trước khi quan hệ… sẽ giúp giảm một phần triệu chứng. Nếu đã thực hiện các phương pháp trên nhưng không giảm được tình trạng bệnh, nên đến gặp bác sĩ để điều trị ở giai đoạn sớm.

>>> Phần 1: Nữ giới tiểu nhiều, tiểu són, tiểu buốt, tiểu máu chữa thế nào?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X