Hotline 24/7
08983-08983

Nữ giới tiểu nhiều, tiểu són, tiểu buốt, tiểu máu chữa thế nào?

Theo chia sẻ của ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh - Khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân, tiểu buốt là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, thậm chí là ung thư. Bên cạnh đó, các vấn đề như tiểu són, tiểu máu, nhiều nhiều lần… cần thăm khám kịp thời ngay khi có triệu chứng để được điều trị sớm, tránh diễn tiến nặng nề của bệnh.

1. Đi tiểu 6-7 lần/ngày được xem là bình thường

Tiểu nhiều lần

a- Xin BS cho biết, mỗi ngày chúng ta thường đi tiểu bao nhiêu lần?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Theo sinh lý bình thường, có thể đi tiểu từ 6-7 lần trong vòng 24 giờ được coi là bình thường.

b- Như thế nào được xem là tiểu nhiều lần bất thường và nên thăm khám?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Về vấn đề đi tiểu nhiều lần được gọi là bất thường còn tùy thuộc vào chế độ sinh hoạt, ăn uống, lượng nước uống mỗi ngày, nếu uống quá nhiều nước, một người có thể đi tiểu đến 10 lần/ngày vẫn được coi là bình thường.

c- Tiểu nhiều lần có thể là biểu hiện của bệnh gì ạ?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Khi một bệnh nhân đến gặp bác sĩ về vấn đề đi tiểu nhiều lần, cần thăm khám và loại trừ rất nhiều bệnh lý, có thể do bệnh nhân uống các loại thuốc làm tăng lượng nước tiểu gây tiểu nhiều, hoặc bệnh nhân bị các vấn đề về bàng quang như: tăng hoạt, hoạt động quá mức… mắc các bệnh lý tim mạch, thận đều có thể gây ra vấn đề tiểu nhiều.

d- Câu hỏi thực tế: Em 34 tuổi, chưa có gia đình, chưa từng sinh con, thời gian gần đây em gặp phải một vấn đề là cứ mỗi 3 tiếng em phải đi tiểu một lần. Điều này khiến em không thể thoải mái trong các chuyến đi chơi xa phải di chuyển bằng phương tiện công cộng. Xin hỏi là tình trạng của em có thể điều trị như thế nào?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Về sinh lý, việc đi tiểu 3 tiếng một lần có thể xem là bình thường, tuy nhiên, cần xác định, với số lần đi tiểu trên, khi mắc tiểu, bạn có cần đi tiểu ngay hay có thể nhịn thêm khoảng 15-30 phút. Nếu nhịn được, đó không phải vấn đề bệnh lý, tuy nhiên, nếu mắc tiểu, bắt buộc thôi thúc đi tiểu ngay, đa số trường hợp là bệnh lý, cần thăm khám để uống thuốc, tập luyện, tập Kegel để giảm bớt triệu chứng.

2. Són tiểu nếu phát hiện trễ sẽ khó điều trị, tiên lượng xấu

Tiểu són

a- Như thế nào được gọi là tiểu són?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Tiểu són là khi bị chảy nước tiểu không tự chủ được gọi là tiểu són.

b- Tiểu són có thể là biểu hiện của bệnh gì?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Tiểu són có thể xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu, bàng quang thần kinh, bàng quang tăng hoạt. Trong đó, bệnh lý bàng quang thần kinh gặp ở nhiều vấn đề như bệnh nhân bị mắc đái tháo đường, đa xơ cứng, bệnh Parkinson, sau chấn thương cột sống… đều có thể bị són tiểu.

c- Thực tế thăm khám, BS nhận thấy tiểu són ở phụ nữ có bị chị em nhận diện nhầm với tình trạng khác hay không?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Mùi của tiểu són khác mùi mồ hôi hay huyết trắng, do đó, khó có thể nhầm lẫn. Tuy nhiên, bệnh nhân không nhầm lẫn nhưng dễ bỏ qua khi có triệu chứng nhẹ. Bất kỳ bệnh lý nào khi điều trị ở giai đoạn khác nhau, thời điểm khác nhau, tiên lượng và phương pháp điều trị khác nhau.

Vì vậy, nếu được kiểm tra sớm, việc điều trị dễ dàng, tiên lượng tốt, còn nếu bệnh nhân đến gặp bác sĩ để thăm khám ở giai đoạn quá trễ, tình trạng són tiểu nặng, phương pháp điều trị hạn chế, tiên lượng xấu hơn so với những người đến sớm.

3. Uống kháng sinh bừa bãi khiến bệnh nặng hơn, lây nhiễm cho cả gia đình

Tiểu buốt

a- Một vấn đề thường gặp khác đó là tiểu buốt. BS có thể cho biết tiểu buốt ở chị em phụ nữ là biểu hiện của bệnh gì?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Tiểu buốt là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau như: sỏi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng bàng quang, hoặc thậm chí là ung thư. Vì vậy, bất kỳ triệu chứng nào, bệnh nhân nên thăm khám sớm để bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra tiểu buốt.

b- Nhiều chị em tham khảo Google thấy tiểu buốt là nghĩ ngay đến nhiễm trùng tiểu, ra nhà thuốc mua thuốc kháng sinh. BS có ý kiến gì về cách xử trí này?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Tiểu buốt không được kết luận là nhiễm trùng cho tất cả các trường hợp, vì vậy, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng kháng sinh, nếu sử dụng không đúng, bệnh sẽ trở nên dai dẳng, tái phát và có thể trở nặng.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông có nhắc rất nhiều về vấn đề điều trị kháng sinh bừa bãi, không có sự kiểm soát của bác sĩ, vi khuẩn sẽ trở nên kháng thuốc, có những loại vi khuẩn siêu kháng thuốc.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh có thể lây qua cho những người yếu hơn trong gia đình như người lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ, gây hại không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình.

4. Tiểu máu có thể là dấu hiệu của ung thư

Tiểu máu

a- Nhờ BS đưa ra hướng dẫn nhận diện thế nào là tiểu máu?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Khi nước tiểu có màu đỏ, không thể xác định đó chắc chắn là tiểu máu, vì có thể do các loại thực phẩm, nước uống nạp vào cơ thể khiến nước tiểu có màu đỏ.

Khi thấy nước tiểu có máu hoặc màu đỏ, được gọi là tiểu máu đại thể, ngoài ra, còn một dạng gọi là tiểu máu vi thể. Dạng tiểu máu vi thể chỉ có thể xác định thông qua xét nghiệm và kính hiển vi, vì vậy, bệnh nhân cần khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm, sẽ tìm ra được các trường hợp tiểu máu vi thể, điều trị kịp thời, ngăn chặn tình trạng bệnh trở nặng.

b- Ngoài nguyên nhân tiểu máu, những loại thức ăn, đồ uống và thuốc gì có thể gây ra hiện tượng nước tiểu có màu đỏ?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Có rất nhiều loại thuốc gây ra tình trạng nước tiểu có màu đỏ như thuốc ung thư, thuốc kháng sinh, các thuốc Heparin, Aspirin, các loại thức ăn như mâm xôi hoặc quả đại hàn… Tuy có nhiều đồ ăn và thức uống có thể gây ra tình trạng tiểu màu đỏ, nhưng tình trạng để xác định có tiểu máu, có thể dễ dàng thực hiện bằng xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.

Do đó, bệnh nhân không nên quá lo lắng khi gặp tình trạng nước tiểu có màu đỏ, đến gặp bác sĩ để được nhận sự hỗ trợ xét nghiệm, cho kết quả chính xác.

c- Khi nghi ngờ tiểu máu, bệnh nhân được khám những gì để tìm ra nguyên nhân?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu máu như bệnh lý hệ thống, bệnh lý huyết học, thận, bàng quang… đều có thể gây ra tiểu máu, tuy nhiên, một bệnh nhân khi đến gặp bác sĩ, việc quan trọng nhất là loại bỏ vấn đề ung thư.

Vì vậy, một số người bệnh khi đến gặp bác sĩ, nhiều người cho rằng chỉ là tiểu máu, nhiễm trùng, nhưng nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như nội soi bàng quang, MSCT (chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt) để tìm và loại trừ ung thư cho người bệnh.

5. Tia nước tiểu yếu điều trị thế nào?

Tia nước tiểu yếu

a- Một số chị em thì lo lắng khi nhận thấy tia nước tiểu của mình yếu hơn thường ngày, tình trạng này có thể do nguyên nhân gì gây ra?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Tình trạng tia nước tiểu bị yếu có thể là dấu hiệu bất thường tại bàng quang, do bàng quang hoạt động không tốt, việc co bóp tống xuất nước tiểu yếu, hoặc một số trường hợp do đường tiểu bị hẹp, thông thường là niệu đạo.

b- Chị em có cần đi khám ngay, hay cần điều chỉnh sinh hoạt và theo dõi trong vài ngày rồi mới đi khám ạ?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Tuy có một số phương pháp có thể áp dụng nếu gặp tình trạng tia nước tiểu bị yếu, tuy nhiên, đây là các phương pháp chưa được y học chứng cứ chứng minh rõ ràng là có tác dụng điều trị, đây là chỉ là các phương pháp tham khảo, bệnh nhân có thể tắm hoặc chườm ấm, massage bàng quang, giảm lượng nước tiểu…

Đó chỉ là các phương pháp hỗ trợ, nếu thấy không hiệu quả, diễn tiến không tốt, nên đi tái khám ngay, bởi vì, trường hợp này rất dễ dẫn tới các biến chứng nặng nề, vì vậy, cần đi khám sớm để loại trừ các vấn đề nặng xảy ra.

c- Các nguyên nhân gây tia nước tiểu yếu có dễ điều trị không ạ?

ThS.BS Lê Hoàng Mỹ Hạnh trả lời: Không có bệnh lý nào dễ dàng điều trị, một số bệnh có thể uống thuốc nhưng thời gian uống thuốc rất lâu, kết hợp thêm nhiều phương pháp điều trị khác; một số bệnh cần tập luyện bàng quang hoặc kích điện bàng quang hay tiến tới phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được điều trị khỏi.

>>> Phần 2: Nữ giới bị tiểu đêm, tiểu khó, tiểu đục tuyệt đối không tự chữa tại nhà

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X