Nhụy hoa nghệ tây có công dụng gì? Cách dùng thế nào?
Nhụy hoa nghệ tây được giới thiệu rất nhiều trên các trang mạng xã hội, tuy nhiên cần thận trọng với liều dùng của thảo dược này. AloBacsi xin gửi đến quý bạn đọc bài viết về công dụng thật sự của nhụy hoa nghệ tây, cách dùng như thế nào an toàn.
I. Tổng quan về cây hoa nghệ tây
Tên thường gọi: nhụy hoa nghệ tây
Tên gọi khác: saffron.
Tên khoa học: Crocus sativus L.
Phân họ: Họ Diên vĩ, họ Lay ơn, họ La dơn hay họ Dơn (danh pháp khoa học: Iridaceae).
1. Nhận biết cây nghệ tây
Cây nghệ tây ra hoa màu tím. Nghệ tây có thể phát triển cao đến 20–30 cm và cho ra đến 4 hoa; mỗi hoa gồm 3 đầu nhụy màu đỏ thẫm rực rỡ - là phần ngoài cùng của lá noãn.
Vào tháng 10, cây nghệ tây ở hoa có sọc tím với mùi như mật ong. Đặc biệt, hoa chỉ nở trong 1-3 tuần mỗi năm, và phải hái bằng tay.
2. Phân bố, thu hái và chế biến nhụy hoa nghệ tây
Nhụy hoa nghệ tây nằm trong nhóm các gia vị đắt nhất thế giới, bởi vì quá trình trồng trọt và thu hoạch nhụy hoa rất kỳ công. Để có khoảng 0,5kg nhụy hoa nghệ tây, người ta phải hải hái khoảng 75.000 bông hoa nghệ tây với 40 giờ công, cộng với kỹ thuật thu hái đúng quy cách và sau đó là quy trình chiết xuất tinh tế. Do đó, bột nhụy hoa nghệ tây rất dễ bị làm giả, thường bị trộn với bột nghệ hoặc các loại bột có màu sắc tương tự.
Nghệ tây là loài thực vật bản địa tại vùng Tây Nam Á, phát hiện lần đầu tại Hy Lạp, sau đó lan truyền đi khắp các châu lục. Hiện nay Iran chiếm khoảng 90% sản lượng nhụy hoa nghệ tây trên toàn thế giới do có chất lượng tốt nhất. Hiện tại Việt Nam chưa thể nuôi trồng loài cây này.
Nhân giống thủ công là hình thức tốt nhất để nhân giống nghệ tây, vì loài thực vật này là một thể tam bội, không tự tương thích và không sinh sản hữu tính. Mỗi cây nghệ tây có tuổi thọ từ 7-10 năm.
3. Thành phần dược chất của nhụy hoa nghệ tây
Nhụy hoa nghệ tây tạo mùi thơm đặc biệt vì chứa các tinh dầu. Tinh dầu nhụy hoa nghệ tây có hơn 150 chất thơm dễ bay hơi, trong đó thành phần chính là safranal (chiếm đến 70%). Màu sắc nhụy hoa nghệ tây tạo ra do có chứa các hợp chất carotenoid (crocin, crocetin), các anthocyanin (còn gọi là flavonol glycosid). Chính các chất vừa kể đã giúp cho nhụy hoa nghệ tây có tính kháng khuẩn, kháng nấm, và chống oxy hóa rất tốt.
Nhụy hoa nghệ tây còn chứa nhiều alkaloids và flavonoids.
II. Công dụng của nhụy hoa nghệ tây
1. Công dụng của nhụy hoa nghệ tây theo y học cổ truyền
Từ hơn 14 thế kỷ trước, người Hồi giáo dùng nhụy hoa nghệ tây để chữa chứng mất ngủ, chống khối u (trị ung thư), chống trầm cảm, bổ gan, trị hen suyễn, giúp việc sinh nở dễ dàng (oxytocic).
2. Công dụng của nhụy hoa nghệ tây theo y học hiện đại
Trong ẩm thực, nhụy hoa nghệ tây tạo nên hương vị và màu sắc đặc biệt cho các món ăn cao cấp tại Pháp, Thụy Điển, Ấn Độ, Ý, Tây Ban Nha… Chỉ cần dùng một vài sợi nhụy hoa nghệ tây tạo gia vị thì món ăn ngon hoàn hảo về mùi vị và màu sắc.
Các tác dụng của nhụy hoa nghệ tây đã nghiên cứu
Những nghiên cứu khoa học về tác dụng có lợi của nhụy hoa nghệ tây có tính đơn lẻ và thường thiếu hụt các thử nghiệm lâm sàng. Nhiều tác dụng đang được đồn thổi trên thị trường của nhụy hoa nghệ tây là chưa qua nghiên cứu đầy đủ. Người tiêu dùng khi có nhu cầu sử dụng bất kỳ chế phẩm nào của nhụy hoa nghệ tây, cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng và cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ phù hợp chuyên môn, để tránh sử dụng không cần thiết, vừa tốn kém vừa nguy hại cho sức khỏe.
+ Đối với người bệnh thuộc nhóm tim mạch - nội tiết, nhất là xơ vữa mạch máu và rối loạn lipid máu: Nhụy hoa nghệ tây được chứng minh là làm giảm mức cholesterol toàn phần trong huyết thanh, triglyceride và cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL); ức chế sự hình thành mảng xơ vữa động mạch chủ và có tác dụng chống xơ vữa động mạch do đặc tính chống oxy hóa mạnh. Ngoài ra, nhụy hoa nghệ tây còn chống oxy hóa, chống đái tháo đường, hạ huyết áp, chống thiếu máu cục bộ cơ tim, chống kết tập tiểu cầu và được coi là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
+ Đối với hệ thần kinh: Nhụy hoa nghệ tây cải thiện rất tốt khả năng học tập và trí nhớ, làm tăng nồng độ dopamine, serotonin, norepinephrine và glutamate trong não, kích thích hưng phấn tinh thần, tăng cảm xúc lạc quan, giảm thoái hóa tế bào thần kinh, tăng tưới máu não, cải thiện tình trạng hội chứng Alzheimer, trầm cảm, và rối loạn lo âu.
+ Cải thiện sự mệt mỏi về mặt thể chất: Những người lao động cơ bắp nhiều hoặc sau những giờ chơi thể thao, tập thể dục, việc dùng nhụy hoa nghệ tây có thể cải thiện tốt tình trạng mệt mỏi, tăng cường vận chuyển oxy đến phế nang và cơ bắp, và hiệu quả đối với nam giới hơn nữ giới.
+ Đối với hoạt động tình dục nam giới: Sau chỉ 10 ngày sử dụng với liều 200mg mỗi sáng, nhụy hoa nghệ tây đã cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới. Tuy nhiên nhụy hoa nghệ tây không cải thiện được các tình trạng bất lợi của tinh dịch, tinh trùng hoặc vô sinh do chất lượng tinh trùng kém.
+ Đối với kinh nguyệt nữ giới: Nhụy hoa nghệ tây cải thiện tốt hội chứng tiền kinh nguyệt ở phụ nữ, giảm bớt các khó chịu về thể chất và tinh thần trước mỗi kỳ kinh, chỉ với liều sử dụng 30mg/ngày. Còn trong thời kỳ hành kinh, nhụy hoa nghệ tây làm dịu cơn đau bụng đáng kể.
+ Đối với tình trạng thèm ăn và sở thích ăn vặt: Nhiều người thừa cân, béo phì nhưng không cưỡng lại được tình trạng thèm ăn, nhất là ăn vặt, do đó việc giảm cân đối với họ thật sự áp lực. Nhụy hoa nghệ tây được nghiên cứu lâm sàng rằng với liều 180mg/ngày, nó giúp làm giảm tần suất và nhu cầu ăn vặt sau 4 tuần sử dụng, và giảm trọng lượng cơ thể đáng kể sau 8 tuần sử dụng nhờ vào điều đó.
Các tác dụng của nhụy hoa nghệ tây dùng theo kinh nghiệm
Là một trong những loại thuốc truyền thống của xứ Ba Tư, nhụy hoa nghệ tây, đã được sử dụng để làm sáng da và giảm các vết thâm nám, quầng thâm dưới mắt, mụn trứng cá và mụn nhọt thông thường. Tuy nhiên tác dụng này chưa qua kiểm chứng lâm sàng.
Các tác dụng đồn thổi sẽ không được viết trong bài viết này.
III. Cách dùng - liều dùng của nhụy hoa nghệ tây
1. Liều dùng nhụy hoa nghệ tây
Liều dùng thông thường 30-50mg/ngày, và không dùng không quá 1,5g/ngày. Chính vì chỉ được dùng với liều rất nhỏ nên sẽ gây ra sự nguy hiểm cho người tự ý dùng nhụy hoa nghệ tây mà không có cân vi lượng.
2. Cách dùng nhụy hoa nghệ tây
Nhụy hoa nghệ tây không được phối hợp trong bất kỳ bài thuốc đông y nào. Thảo dược này thường được dùng để pha trà hoặc làm gia vị trong các món ăn sang trọng.
3. Nhụy hoa nghệ tây đối với phụ nữ mang thai và cho con bú
Không dùng nhụy hoa nghệ tây cho phụ nữ mang thai vì thảo dược này có thể gây kích thích tử cung, xuất huyết và sảy thai. Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với dòng sữa mẹ. Các bà mẹ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
4. Nhụy hoa nghệ tây đối với trẻ nhũ nhi
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.
IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định của nhụy hoa nghệ tây
Cần thận trọng với liều dùng của thảo dược này. Mặc dù ăn ít hơn 1,5g nhụy hoa nghệ tây không độc đối với người, nhưng nó gây ra độc hại khi ăn với liều hơn 5g và có thể gây tử vong nếu dùng khoảng 20g/ngày.
Khi ngộ độc nhẹ, nhụy hoa nghệ tây gây chóng mặt, buồn nôn, nôn và tiêu chảy; trong khi độc tính nặng hơn có thể gây tê, ngứa ran ở tay, chân, da và gây vàng mắt do kết tủa các sắc tố màu vàng trên da và kết mạc. Chảy máu tự phát cũng có thể là một triệu chứng độc hại từ nhụy hoa nghệ tây.
Không dùng nhụy hoa nghệ tây cho đối tượng thường xuyên bị tụt huyết áp, vì thảo dược này có thể gây giảm huyết áp tâm thu đứng và huyết áp trung bình.
Không dùng nhụy hoa nghệ tây cho người có tiền sử dễ xuất huyết hoặc người đang xuất huyết, người có vết thương, người loét dạ dày - tá tràng mạn tính, phụ nữ đang hành kinh nhiều, vì với liều 200mg/ngày thảo dược này có thể làm giảm tiểu cầu đáng kể, kéo dài thời gian đông máu, ức chế kết tập tiểu cầu và ngăn chặn nhiều cơ chế đông máu khác.
Không dùng nhụy hoa nghệ tây cho người bệnh thận mạn, suy thận vì nó gây độc cho thận, làm tăng đáng kể nồng độ BUN và creatinin máu.
Không dùng nhụy hoa nghệ tây cho phụ nữ mang thai vì thảo dược này có thể gây kích thích tử cung, xuất huyết và sảy thai.
Nhụy hoa nghệ tây có tương tác thuận chiều với nhóm thuốc chống đông máu, cần thông báo cho bác sĩ có chuyên khoa liên quan để đưa ra hướng xử lý phù hợp cho từng tình trạng bệnh lý của bạn.
Không dùng nhụy hoa nghệ tây cho bệnh nhân suy tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, vì chúng gây ra tác dụng ức chế mạnh đối với các kênh calci trên tim, duy trì tình trạng oxy hóa khử của tế bào cơ tim và gia tăng nồng độ natri máu.
V. Bảo quản nhụy hoa nghệ tây
Cần giữ cho nhụy hoa nghệ tây tránh ánh sáng mặt trời trong suốt quá trình lưu trữ để không gây biến tính hoặc mất giá trị dược liệu. Nếu bạn lưu trữ thảo dược này tại nhà lâu hơn 30 ngày, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.
BS Đoàn Quang Nguyên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình