Những sai lầm thường gặp ba mẹ cần tránh khi con bị ho
Hiện, rất nhiều trường hợp cha mẹ chăm sóc trẻ bị ho sai cách, khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Hãy kiểm tra ngay xem bạn có mắc những sai lầm nào trong việc chữa ho cho con để phòng tránh va can thiệp kịp thời.
1. Sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh khi con bị ho
Khi con cái mắc bệnh, các bậc phụ huynh thường có tâm lý chung là rất lo lắng và tìm đủ mọi cách với hy vọng con mình sẽ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, một số người đã không tìm hiểu kỹ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc chăm sóc con, khiến tình trạng bệnh trở nên nguy hiểm. Những việc làm không đúng bao gồm:
Nghĩ rằng trẻ ho ít là bệnh nhẹ, ho nhiều bệnh nặng
Theo TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, khi trẻ bị ho, cha mẹ thường quan tâm đến việc trẻ ho nhiều hay ho ít. Quan niệm thường gặp nhất là nếu ho ít đồng nghĩa với bệnh nhẹ còn ho nhiều mới đáng lo. Điều này không đúng, bởi mức độ nặng nhẹ của đường hô hấp không liên quan đến việc ho ít hay ho nhiều.
Ở những trường hợp trẻ bị viêm hô hấp trên (nhóm bệnh nhẹ) thường ho rất nhiều, vì các điểm kích thích gây ho phần lớn rơi vào đường hô hấp trên. Ngược lại, đối với viêm đường hô hấp dưới, có nhiều trường hợp viêm phổi rất nặng nhưng bé lại ho không nhiều, thậm chí không ho, vì ở phổi điểm cảm nhận ho rất ít, đặc biệt ở trẻ sơ sinh lại càng ít hơn.
Nếu trẻ ho nhiều kèm theo triệu chứng khó thở, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời
Không quan tâm đến hơi thở của trẻ
Trong quá trình chăm sóc con cha mẹ nên để ý việc bé thở ra sao. Khi thấy có dấu hiệu khó thở, thở nhanh, co lõm lồng ngực chứng tỏ dấu hiệu nguy hiểm, cần đưa đến bệnh viện ngay. Nhưng thường các ông bố bà mẹ lại không nhận ra kịp thời để đưa con đến cơ sở y tế đúng lúc.
Do đó, nếu bé ho nhiều và sợ con có thể bị nhiễm lạnh thì cha mẹ nên mặc cho bé quần áo kín gió, nhưng mức độ vừa phải để bé hít thở được dễ dàng. Đặc biệt cần lưu ý xem dấu hiệu khó thở ở trẻ, nếu chẳng may có gì bất thường thì còn có thể phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.
Cho trẻ kiêng ăn nhiều loại thực phẩm
Trong dân gian, nhiều phụ huynh vẫn thường rỉ tai khi con bị ho không nên cho ăn tôm, cua,… những loại động vật có vỏ cứng sẽ khiến trẻ bị kích thích và ho nhiều hơn, thậm chí kiêng cả thịt bò, thịt gà. Điều này hoàn toàn không chính xác, vì chỉ những trường hợp trẻ thật sự bị dị ứng mới cần phải kiêng ăn.
Ngoài ra, một số trường hợp các ông bố bà mẹ không dám cho con mình uống sữa khi bé bị ho có đờm, vì cho rằng điều này khiến con nôn ói. Tuy nhiên, khi các bé uống sữa vào trong dạ dày - một môi trường nhiều axit thì sữa sẽ bị vón cục lại nên sữa không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị ho trào đờm và gây ói mửa.
Trong trường hợp này, cha mẹ nên chia các bữa ăn uống thành nhiều cữ nhỏ hơn tránh trào ngược thức ăn gây khó chịu cho trẻ.
Sử dụng lại toa thuốc cũ
Trong hành trình phát triển, trẻ sẽ không tránh khỏi những đợt bệnh đường hô hấp và được điều trị thành công. Nhưng sau đó, cha mẹ thường cất giữ toa thuốc cũ như một tài sản quý để đề phòng, sử dụng cho những đợt bệnh tiếp theo của trẻ. Song điều này vô cùng nguy hiểm.
Vì mỗi lần mắc bệnh trẻ sẽ có biểu hiện khác nhau nên không thể dùng lại toa thuốc cũ. Hơn nữa, các loại kháng sinh chỉ có tác dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn thật sự, nếu chỉ cảm ho thông thường thì nó hoàn toàn không hiệu quả, không giúp trẻ khá hơn và cũng không phòng ngừa biến chứng.
Sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi không những khiến trẻ có thể gặp tác dụng phụ như rối loạn đường tiêu hóa mà còn gây ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị phức tạp. Kháng kháng sinh đang là vấn nạn của toàn cầu.
Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống lại toa thuốc cũ hoặc thuốc của người lớn vì rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của con
Sử dụng thuốc ho của người lớn
Một sai lầm khác cũng rất thường gặp, cha mẹ khi thấy trẻ ho lại có thói quen dùng thuốc trị ho của người lớn chia 4, chia 5, tự ước lượng theo tình trạng của chính mình mà không biết rằng thuốc không chỉ phụ thuộc vào cân nặng mà còn liên quan đến lứa tuổi.
Có nhiều loại thuốc ho rất tốt cho người lớn nhưng chứa các hoạt chất có thể khiến trẻ bị ngộ độc và gây tử vong.
Dùng điều hòa sai cách
Trong điều kiện thời tiết quá nóng bức bạn cần một phương tiện để giải nhiệt cho trẻ đây là điều hết sức bình thường. Nhưng cần lưu ý cách sử dụng sao cho hợp lý, vừa giúp bé dễ chịu hơn trong thời tiết nắng nóng, vừa tránh được tác hại không đáng có. Những việc bạn cần làm khi sử dụng điều hòa cho trẻ cụ thể:
Nếu bé đang chơi hay học tập ở ngoài trời nóng không nên đưa con trực tiếp vào phòng có mở sẵn điều hòa; vì lúc này bé sẽ phải đột ngột chịu sự thay đổi của nhiệt độ dẫn đến việc không thích nghi kịp và mắc bệnh. Trong những trường hợp nếu bé đổ nhiều mô hôi, hãy lau khô người và cho con nghỉ ngơi đến khi nhiệt độ cơ thể ổn định trở lại, sau đó mới cho trẻ vào phòng điều hòa.
- Nên bố trí máy điều hòa phù hợp với không gian phòng; không nên để hướng của máy điều hòa thổi ngay vào chỗ nằm, sinh hoạt, ngủ, học tập của bé.
- Đôi khi người lớn nằm điều hòa cảm thấy mát mẻ, dễ chịu nhưng với trẻ lại là một điều nguy hại, vì sức chịu đựng của trẻ rất khác so với người lớn. Ví dụ vào mùa thu đông cha mẹ có thể điều chỉnh ở mức 27, 28 độ là phù hợp. Đối với trẻ nhỏ thì nên để cao, với những trẻ lớn thì thấp nhất là ở mức 27 độ.
- Không nên để trẻ nằm trong phòng máy lạnh quá lâu (không quá 3 giờ), khi ngủ không nên để điều hòa hoạt động suốt đêm vì như vậy bé rất dễ bị cảm lạnh.
- Thỉnh thoảng nên mở cửa sổ, cửa phòng cho thoáng giúp không khí trong phòng được tối lưu đầy đủ. Và vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Ngoài những sai lầm trên cần thay đổi cách nhìn nhận và hành động để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh thì cha mẹ cũng cần chú ý những việc làm như sau:
Nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng thường xuyên để tránh bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập, đặc biệt là chỗ ngủ và đồ chơi của bé.
- Nên rửa mũi và súc họng cho con bằng nước muối sinh lý 1-2 lần/ngày để giúp khai thông đường thở của con.
- Nên tắm/lau người cho con hàng ngày bằng nước ấm ở trong phòng kín gió nếu đang bị ho, tuyệt đối không kiêng tắm hoàn toàn sẽ khiến vi khuẩn dễ phát triển và gây hại cho con.
- Nên cho con tránh xa khói thuốc vì đó là nguyên nhân nguy hiểm gây hại cho đường hô hấp của trẻ.
2. Hỏi ngắn - đáp gọn những thắc mắc của cha mẹ khi con bị ho
Đặng Ngọc Mai - maimai19…@gmail.com
Em tên Mai, ở Cần Thơ. Mấy bữa nay con nhà em bị ho, nên em có lên mạng đọc thông tin thì thấy nói rằng lá thường xuân rất tốt trong việc trị ho ở trẻ? BS cho hỏi điều này có đúng không ạ?
Th.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Lá thường xuân thật ra không phổ biến ở Việt Nam mà chủ yếu ở các nước phương Tây. Những bài thuốc dân gian của lá thường xuân được lưu truyền từ hàng ngàn năm nay trong y học cổ truyền phương Tây đã được chứng minh có tác dụng giảm ho, kháng viêm nhẹ,…
Với trẻ em hoàn toàn có thể sử dụng lá thường xuân trong việc điều trị ho có đờm. Lá thường xuân không chỉ giúp cho các bé mà cả những người lớn đang mắc bệnh ho có đờm nếu sử dụng bệnh cũng sẽ diễn tiến thuận lợi hơn rất nhiều.
Ở Việt Nam muốn tìm được lá thường xuân thường phải trèo lên rất cao, ở các tỉnh phía Bắc chẳng hạn như Hà Giang.
Dương Quế Trân - tranque0607…@gmail.com
Thưa bác sĩ, khi trẻ bị ho có phải sức đề kháng sẽ kém, vì vậy nên cho con ăn uống càng nhiều càng tốt để cung cấp chất dinh dưỡng đúng không bác sĩ? Vì con em bị ho 10 ngày rồi mà cháu cũng bị sút 0,5 ký, nhìn xanh xao. Em lo quá ạ.
Th.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Tôi rất đồng ý với quan điểm của bạn đó là nên cho bé ăn đầy đủ dưỡng chất khi mắc bệnh. Nếu không được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì như bạn thấy con bạn chỉ mới bị ho 10 ngày thôi mà đã sụt mất nửa ký.
Dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong việc điều trị các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là những trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trong tình huống này bạn nên lưu ý cho con ăn uống đầy đủ dưỡng chất như: bột đường, chất đạm, béo,… hàng ngày.
Tuyệt đối không cho trẻ kiêng ăn, vì không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy phải kiêng thịt bò, tôm, cua, đồ biển,… để giúp các bé khỏi bệnh, ngược lại nếu các bé được cung cấp đầy đủ dưỡng chất thì cơ thể sẽ mau bình phục hơn.
Khi em bé ho nhiều, đau họng, có thể ăn uống sẽ khó khăn hơn hoặc khi ho rất dễ bị ói. Để khắc phục tình trạng này cần cho bé ăn đồ ăn mềm, dễ nuốt, chia cữ ăn uống thành nhiều bữa nhỏ giúp dạ dày không quá đầy, tránh được việc bé bị ói khi ho nhiều. Sau khi hết bệnh nên bổ sung cho bé ăn thêm các bữa phụ giúp mau chóng lấy lại sức.
Kiều Cẩm Tiên - tiendethuong…@gmail.com
Bác sĩ ơi con em bị ho kéo dài, thấy cháu mệt mỏi, nôn ói khi ăn em xót quá nên đã ra tiệm thuốc mua thuốc cho cháu uống cũng được 1 tuần rồi. Vậy nếu uống kháng sinh kéo dài thì có ảnh hưởng gì không ạ? Em phải làm sao đây?
Th.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Bạn không nên tự ý mua kháng sinh để điều trị cho bé. Bởi nếu chỉ là trường hợp cảm ho thông thường, việc dùng kháng sinh không những không cải thiện được tình trạng mà còn dẫn đến nhiều hậu quả xấu như:
- Bé sẽ dễ mắc bệnh và gặp phải tác dụng phụ chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa, ói, tiêu chảy và dị ứng thuốc cũng là một chuyện không hề hiếm gặp.
- Dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, khi trẻ chẳng may mắc bệnh thì việc điều trị rất khó khăn đòi hỏi những loại kháng sinh cao cấp, đắt tiền.
Vì vậy không nên tự mua kháng sinh cho trẻ và hiện Bộ y tế cũng đã có quy định đối với các nhà thuốc là không được phép bán kháng sinh khi không có kèm toa thuốc.
Lê Văn Tiến - tienleag…@gmail.com
Kính chào bác sĩ, tôi ở Hà Nội, con gái tôi vừa tròn 3 tuổi, cháu bị ho, sốt mấy bữa nay. Tôi không dám tắm cho cháu, chỉ lau qua người bằng nước ấm ngày 1 lần. Nhưng không hiểu sao cháu cứ quấy khóc, người hay ra mồ hôi. Vậy tôi phải xử trí sao thưa bác sĩ?
Th.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Hầu như tất cả các trẻ nhỏ ở lứa tuổi này ra mồ hôi là chuyện bình thường, đặc biệt với các bé bị còi xương.
Khi bé bị bệnh và đổ mồ hôi, nhiều phụ huynh thường sợ và không dám tắm. Tuy nhiên, nếu thân thể các bé không được vệ sinh tốt sẽ dẫn đến việc khó chịu và quấy khóc nhiều hơn.
Do đó, bạn cần lau khô mồ hôi cho bé, mặc quần áo vừa đủ kín gió nhưng không quá dày (trong điều kiện bên ngoài không lạnh).
Bạn vẫn có thể cho bé tắm bình thường, nhưng nên chọn thời điểm ấm nhất trong ngày, nơi kín gió để tắm cho. Không nên cởi hết quần áo và ngâm mình của bé vào chậu nước, mà nên tắm từng phần của cơ thể và tất nhiên sau khi tắm phải mặc quần áo cho bé đầy đủ, tránh nơi nhiều gió, bạn nhé.
Trần Thanh Nghi - nghihaiduong…@gmail.com
Chào bác sĩ! Em mới được 1 chị ở công ty tư vấn rằng nếu con bị ho thì cứ cho uống Cozz Ivy, nhưng con em mới 3 tuổi thì có sử dụng được không bác sĩ? Chân thành cảm ơn.
Th.BS Trần Anh Tuấn trả lời:
Chào bạn,
Thuốc ho Cozzlvy có nguồn gốc từ dược thảo, thành phần chính là cao lá thường xuân, tác dụng giúp kháng viêm và cải thiện đường hô hấp. Đặc biệt cũng giúp giãn phế quản nhẹ, như vậy bệnh nhân sẽ đỡ tắc nghẽn đường thở.
Đây là một ứng cử viên trong việc điều trị ho có đờm cho trẻ em. Đặc biệt theo thông tin từ nhà sản xuất thì thuốc này có thể sử dụng cho trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên rất an toàn và hiệu quả. Do đó, con bạn đã 3 tuổi thì hoàn toàn có thể sử dụng loại thuốc này với điều kiện bé không có dấu hiệu bệnh nặng hay dấu hiệu đặc biệt nào của bệnh.
Liều lượng sử dụng tùy theo lứa tuổi, nếu bé dưới 5 tuổi thì 1 lần sử dụng nửa muỗng cà phê hay 2,5ml. Còn trẻ trên 5 tuổi thì dùng 1 muỗng cà phê 5ml cho 1 lần. Và 1 ngày sử dụng 3 lần.
Bạn có thể mua thuốc ho Cozzlvy tại các nhà thuốc
Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề https://alobacsi.com/benh-ho-o-tre-em/
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình