Hotline 24/7
08983-08983

Những món ăn trị bệnh từ cá diếc

Cá diếc có nhiều giá trị dinh dưỡng, thịt thơm không tanh, lượng protein từ cá giúp tái tạo cơ tốt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tốt cho nhiều người kể cả bệnh nhân ung thư.

Cá diếc là thực phẩm giàu dinh dưỡng

Cá diếc là cá nước ngọt có thể sinh sản tự nhiên hoặc được nuôi trong ao đầm. So với các loại cá khác, cá diếc lành, người già, trẻ nhỏ, người mới ốm dậy đều ăn được và giá cả thấp.

Cá diếc có thịt dày, vị thơm, lành tính. Theo Đông y, cá có tác dụng ổn trung, bổ hư, lợi tiểu, kiện tỳ (tốt cho cơ quan tiêu hóa), hóa thấp. Thấp trong Đông y là âm tà gây tổn hại dương khí. Người bị thấp cảm thấy mệt mỏi, nhạt mồm miệng, ăn uống không ngon, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, người có triệu chứng trên chọn ăn cá diếc sẽ cải thiện rất tốt.

Cá diếc giàu protein, các axit amin chất lượng cao, liên kết chất đạm lỏng lẻo nên dễ hấp thu trong đường tiêu hóa hơn các loại thịt. Protein từ cá giúp tái tạo cơ tốt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Với người mới ốm dậy, đặc biệt bệnh nhân ung thư điều trị hóa chất, xạ trị, đây là món ăn bồi bổ giá rẻ cho họ.

Ngoài ra, thành phần của cá diếc còn chứa các chất béo tốt như omega-3, axit eicosapentaenoic, vitamin A, vitamin D, B1, B2, vitamin E, niacin có tác dụng ngăn ngừa oxy hóa, điều trị xơ vữa động mạch, phòng chống ung thư. Trong 100g thịt cá diếc chứa 1,8mg lipid, 70mg canxi, 152mg photpho, 0,8mg sắt.

Các bài thuốc từ cá diếc

- Khí huyết hư tổn, thân thể suy nhược, ăn ít, mệt mỏi: cá diếc 250g, gạo nếp 60g; cá làm sạch, bỏ vảy và nội tạng, nấu với gạo nếp thành cháo mà ăn.

- Đầy hơi, nôn mửa: cá diếc 1 con, bỏ ruột, để vảy; tỏi xắt nhỏ cho hết vào bụng cá; dùng giấy thiếc gói kỹ, nướng chín, nghiền thành bột, mỗi lần uống 3g với nước cơm, ngày 2 - 3 lần.

- Bồi dưỡng cho người bị lao phổi ho ra máu: cá diếc làm sạch, nấu cùng củ cải trắng, không cần lượng, ăn thường xuyên.

- Ho lâu ngày: các diếc 250g, cho đường đỏ vào hầm ăn, liên tục 5 - 6 lần.

- Sản phụ thiếu sữa: cá diếc 250g nấu canh ăn, có thể thêm móng giò heo.

- Ít ngủ, ngủ không ngon giấc: cá diếc 300g, lá vông nem bánh tẻ 50g, hoa thiên lý 50g, gia vị; xương cá giã nhỏ lọc lấy nước khoảng 400ml, nấu sôi rồi cho lá vông và hoa thiên lý cùng với phần cá nạc, nấu sôi lại là được.

- Dưỡng phế, giảm ho, miệng họng khô, hay đổ mồ hôi: cá diếc 1 con 250g, hồng khô 2 trái, bách hợp 30g, mỗi thứ đều được làm sạch cho vào nồi, thêm nước nấu chín kỹ với gia vị rồi ăn.

- Phòng trị viêm dạ dày mạn tính: cá diếc 250g, rửa sạch, rán vàng 2 mặt, cho vào 1 ít rượu; sau khi rán thơm, cho vào lượng vừa muối, 2 chén nước, nấu sôi 15 phút; cho thêm rau rút 250g, nấu sôi thêm 10 phút là được, mỗi ngày uống 2 lần.

- Viêm loét dạ dày: bong bóng cá diếc rửa sạch, chiên gòn bằng dầu mè, tán bột, uống mỗi lần 5 - 6g, ngày 2 lần.

- Gai tre đâm vào thịt không lấy ra được, lấy nước mật cá diếc chấm vào, có thể rút gai ra.

- Suy nhược cơ thể: Nấu canh cá diếc với ngải cứu. Nguyên liệu gồm 250g lá ngải, cá diếc và gia vị. Chọn con cá vừa phải, đánh vảy, làm sạch, hấp cách thủy hoặc hầm nhừ lửa nhỏ để thịt cá không vỡ và ăn cả xương. Một tuần, ăn từ 2 - 3 bữa. Canh cá giúp ôn bổ khí huyết, kích thích tiêu hóa phù hợp với người suy nhược, mới ốm dậy.

Lưu ý, cá diếc xương cứng nên phải kho hoặc hầm nhừ. Chọn cá tươi sống, không mua cá ươn, bụng chướng, mắt mờ đục. Khi sơ chế, lưu ý làm sạch vẩy cá, cắt vây, đuôi và rửa cùng nước muối để loại bỏ nhớt cá.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X