Những loại rau củ người bị sỏi thận cần tránh
Người bị sỏi thận nên hạn chế ăn rau cải bó xôi, củ cải đường, đậu bắp, rau dền vì dễ làm tăng lượng oxalat, khiến sỏi thận khó đào thải ra ngoài.
Với người khỏe mạnh, oxalat (axit oxalic) là một hợp chất hữu cơ hoàn toàn vô hại và được thải ra ngoài theo nước tiểu. Người bệnh sỏi thận hoặc có chức năng thận kém, chế độ ăn nhiều oxalat khiến chất này bị dư thừa và tồn đọng trong thận, hình thành sỏi. Ngoài ra, oxalat còn dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, tiểu đường, bệnh tim và huyết áp cao. Do đó, người bị sỏi thận nên tránh các loại rau củ chứa nhiều oxalat.
Rau cải bó xôi: Các loại rau lá xanh như rau cải bó xôi (rau chân vịt) chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nhưng cũng nhiều oxalat. Trung bình 123 g rau bina nấu chín cung cấp 755 mg oxalat. Những loại rau ít oxalat hơn, có thể thay thế là cải ngọt, cải xoăn và rau diếp romaine.
Củ cải đường: Củ cải đường giàu chất dinh dưỡng chứa đồng, kali, mangan và chất chống oxy hóa nhưng cũng nhiều oxalat. Trung bình 120 g củ cải đường cung cấp 76 mg oxalat.
Đậu bắp: Đậu bắp nhiều công dụng như giảm cân, ngăn ngừa loãng xương, giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, 120 g đậu bắp có thể chứa 57 mg oxalat.
Rau dền: Lá rau dền rất giàu vitamin A và các chất chống oxy hóa như beta-carotene, zeaxanthin, lutein, nhưng 100 g rau dền chứa 229 mg oxalat. Nếu bạn bị bệnh thận, nên hạn chế ăn rau dền.
Các sản phẩm từ đậu nành: Đậu nành giàu protein nhưng cũng nhiều oxalat. Một khẩu phần đậu phụ cứng nặng 85g chứa 235 mg oxalat. Trong khi đó, một cốc sữa đậu nành hoặc sữa chua có thể cung cấp 336 mg oxalat cho mỗi khẩu phần.
Khoai tây: Khoai tây nhiều carbs và oxalat. Trung bình 110 g khoai tây chiên chứa 51 mg oxalat. Do đó, nếu bạn muốn ăn ít oxalat hơn, hãy đổi khoai tây nướng lấy khoai lang. 240 g khoai lang nấu chín chứa 28 miligam oxalat, ít hơn so với khoai tây nướng.
Để tránh dư oxalat trong cơ thể, người bệnh sỏi thận lưu ý những điều sau:
Uống nhiều nước: Thói quen uống đủ 1,5-2 lít nước giúp cơ thể đào thải oxalat dư thừa.
Tăng lượng canxi: Chế độ ăn không đủ canxi có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Nguyên nhân là canxi liên kết và làm giảm lượng oxalat mà cơ thể hấp thụ. Vì vậy, bạn nên tiêu thụ khoảng 800-1.200 mg canxi mỗi ngày.
Tiêu thụ vitamin C vừa đủ: Vitamin C tạo ra oxalate. Do đó, bổ sung quá nhiều vitamin C (hơn 500 mg) có thể không tốt cho cơ thể của người bị sỏi thận.
Ngoài ra, người bị sỏi thận nên ưu tiên thực phẩm ít oxalate như cải xoăn, hạt điều, đậu phộng, quả sung khô, hạt bí ngô, hạt hướng dương, bông cải xanh... Các loại rau củ và hạt trên đều mang đến nguồn protein, chất xơ và rất giàu chất chống oxy hóa.
Theo nghiên cứu từ Đại học Wyoming (Mỹ), luộc rau cũng có thể giúp giảm 30-90% hàm lượng oxalat hòa tan.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình