Những điều cần biết khi phẫu thuật thay khớp háng ở người lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi
Trong bài viết dưới đây, TS.BS Võ Thành Toàn - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất đã tư vấn nhiều thông tin bổ ích xung quanh vấn đề phẫu thuật thay khớp háng ở người lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi, từ ưu và nhược điểm, những điều cần lưu ý trước - trong và sau cuộc mổ... để người bệnh và gia đình chuẩn bị tốt hơn.
Vì sao người cao tuổi thường hay té ngã, gãy xương?
Người cao tuổi thường bị gãy xương trong tình huống tai nạn nào. Những xương nào dễ gãy khi bị tai nạn?
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Người cao tuổi rất hay bị gãy xương. Một số nguyên nhân dẫn đến điều này là:
- Khi lớn tuổi bắt đầu có những dấu hiệu của loãng xương, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời loãng xương sẽ gây ra những chấn thương nhẹ, từ đó rất dễ gây nên tình trạng gãy xương.
- Các giác quan như: thính giác, thị giác và cảm nhận ở người cao tuổi suy giảm vì thế rất dễ bị vấp và té ngã. Đồng thời khi lớn tuổi các khớp dễ bị thoái hóa, đặc biệt là thoái hóa khớp gối, khớp cổ chân, khớp cột sống,… làm cho việc di chuyển khó khăn; hoặc gặp phải một số bệnh lý mạn tính như parkinson… Chính vì vậy, người lớn tuổi dễ bị té ngã hơn.
- Ngoài ra, khi có bệnh lý đi kèm thì người bệnh phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Trong đó, một số loại thuốc có thể gây ra cho người cao tuổi tình trạng: choáng váng, xây xẩm mặt mày... Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lớn tuổi bị té ngã, gãy xương.
Thông thường, với người lớn tuổi khi bị té ngã hoặc xảy ra tại nạn, nguy cơ gãy xương thường ở 3 vùng khớp háng (khớp hông), cột sống (đặc biệt là cột sống thắt lưng) và đầu dưới xương quay.
TS.BS Võ Thành Toàn hiện làTrưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất
Cổ xương đùi có thể gãy trong các trường hợp nào khác?
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Cổ xương đùi là một vùng dễ bị mất, thưa và loãng xương, đặc biệt là với nữ giới ở tuổi sau mãn kinh. Cổ xương đùi vốn dĩ là vùng xương chịu lực nên khi bị té ngã hông sẽ bị đập xuống, lúc này người bệnh có nguy cơ gãy cổ xương đùi là rất cao.
Triệu chứng đau của gãy cổ xương đùi có gì đặc biệt? Nên chở bệnh nhân đi bệnh viện trong tư thế như thế nào?khi phẫu thuật thay khớp háng ở người lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Trong trường hợp người cao tuổi bị ngã (đặc biệt là nữ giới), hông bị đập mạnh xuống nền cứng, sau đó bệnh nhân thấy đau ở vùng hông và không vận động được khớp háng, đây gần như là một trường hợp gãy cổ xương đùi hoặc gãy liên mấu chuyển xương đùi.
Khi gặp trường hợp bệnh nhân bị té ngã như vậy, việc đầu tiên nên làm là bất động vùng gãy để giảm đau đớn cũng như tránh làm tổn thương thêm cho bệnh nhân. Nếu như có điều kiện sơ cứu thì nên giúp bệnh nhân cố định bất động bằng 3 nẹp gỗ. Nếu không có phương tiện để bất động ở nhà thì có thể buộc 2 chân nạn nhân lại với nhau bằng các loại vải mềm, sau đó di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Nếu gia đình sống ở thành phố hoặc những vùng có phương tiện giao thông tốt thì nên vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương hoặc các loại xe bệnh nhân có thể nằm thẳng được để bất động chân. Nếu ở vùng sâu vùng xa thì vẫn nên bất động và sau đó di chuyển bệnh nhân, tránh đưa đi cấp cứu bằng xe máy. Điều này có thể gây cho bệnh nhân những tổn thương nặng và đau nhiều hơn, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến bị sốc và tử vong.
2. Ưu và nhược điểm của phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi có những ưu điểm gì?
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Trước khi có phương pháp điều trị thay khớp háng nhân tạo, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi khi té ngã rất cao. Sau đó, kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo ra đời đã giúp gia tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân người lớn tuổi khi xảy ra tình trạng này. Đặc biệt, với phương pháp này gần như có thể đưa bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường như trước khi bị ngã. Có thể thấy đây chính là một bước tiến bộ rất lớn trong y học nói chung và trong chấn thương chỉnh hình nói riêng.
Không phải bệnh nhân nào khi bị gãy cổ xương đùi đều có chỉ định thay khớp háng, hơn nữa hiện nay vẫn có những phương pháp điều trị mới như: kết hợp xương trên màn hình tăng sáng, kết hợp xương bằng nẹp vít động,… Do vậy, tùy theo tính chất gãy và hoàn cảnh của bệnh nhân từ đó các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp.
Khớp háng nhân tạo được làm bằng chất liệu gì? Người bệnh có gặp bất tiện gì với khớp háng nhân tạo?
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Về nguyên tắc chung thì không gì tốt bằng tự nhiên, tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta một cơ thể thật hoàn hảo và đầy đủ, khớp háng cũng không nằm ngoài điều này. Nhưng trong tình huống bị loãng xương hoặc gãy xương, nếu có chỉ định của bác sĩ cần phải thay khớp nhân tạo mới, lúc này người bệnh nên tuân thủ, bởi khi đó khớp háng vốn dĩ không còn đảm nhiệm được vai trò và chức năng của nó nữa.
Trải qua nhiều thời kì khác nhau, các loại vật liệu để tạo nên khớp cũng được thay đổi đa dạng. Ban đầu sử dụng các vật liệu bằng kim loại - các hỗn hợp của sắt, sau này người ta áp dụng thay thế bằng hỗn hợp của kim loại nhẹ hơn như titanium, tiến bộ hơn nữa là phủ các lớp HA - giúp việc tiếp xúc xương và quá trình kết nối giữa khớp háng nhân tạo với xương bệnh nhân được tốt hơn. Sau này các thế hệ khác nhau được ra đời.
Trước đây, khớp háng có 2 loại bán phần và toàn phần. Ở loại bán phần có Bipolar - 2 vòng xoay giúp giảm thiểu sự sang chấn lên vùng khung chậu, sau này đã lên đến 3 vòng xoay và có nhiều biến động hơn nữa. Mục đích cuối cùng của những sự thay đổi này là giúp tạo nên một khớp háng hoàn thiện nhất, gần như bình thường cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vì là “gần như” nên không mang nghĩa hoàn hào, do đó đối với người thay khớp háng nhân tạo vẫn cần lưu ý một số điểm sau:
- Đây là một dị vật trong cơ thể, vì thế nguy cơ nhiễm trùng là rất cao, cần tránh được các nguy cơ gây nhiễm trùng.
- Nếu người thay khớp háng nhân tạo có những ổ nhiễm trùng khác ở răng, miệng, xoang,… cần phải điều trị một cách tích cực hơn. Rất có thể vi trùng từ những nơi nhiễm trùng di chuyển đến vùng khớp háng nhân tạo gây nên các phản ứng, viêm nhiễm và làm ảnh hưởng đến khớp.
- Người bệnh phải hạn chế một số động tác như: ngồi xổm, nằm võng, vắt chân chữ ngũ,… đây là những tư thế không tốt có thể làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của khớp háng nhân tạo cũng như gây nên một vài biến chứng về sau.
- Sau khi được thay khớp háng, nhiều người vẫn lầm tưởng như vậy nghĩa là quá trình điều trị đã xong, điều này không đúng. Sau khi thay khớp háng người bệnh cần xử lý một số nguyên nhân gây nên tình trạng gãy xương hoặc làm hư khớp háng của họ. Bởi vốn dĩ khớp háng là một vật liệu nhân tạo vào cơ thể sẽ thích nghi được. Tuy nhiên nếu người bệnh có những tư thế không phù hợp và không được điều trị loãng xương hay các bệnh lý xương khớp khác thì vẫn có nguy cơ gây gãy xương ngay ở vùng dưới khớp háng được thay.
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho người cao tuổi thường gặp những trở ngại gì?
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Về mặt ngoại khoa, thay khớp háng nhân tạo cho người lớn tuổi gần như không khác gì so với thay khớp háng cho một người trẻ, ấn đề ở đây là lựa chọn khớp cho phù hợp.
Ở người lớn tuổi, vấn đề đáng lo ngại nhất là các bệnh lý đi kèm, vì vậy tại các bệnh viện đa khoa các bác sĩ sĩ đã phối hợp với nhau để giúp bệnh nhân đạt được kết quả điều trị một cách tốt nhất
Nhờ vào sự phát triển khoa học kĩ thuật, từ những tiến bộ gây mê đến tim mạch, điều trị nội tiết… nên những năm gần đây nhiều bệnh nhân lớn tuổi đã được thực hiện thay khớp háng nhân tạo, thậm chí là người 100 tuổi hoặc hơn thế nữa vẫn được điều trị thay khớp háng.
Rất nhiều người nhà bệnh nhân thường lo ngại việc lớn tuổi thì không thể phẫu thuật, song đây là quan niệm hoàn toàn không có cơ sở. Bạn đừng lo lắng về chuyện này vì trước khi thực hiện phẫu thuật các bác sĩ sẽ khám tổng quan và hội chẩn điều trị, đưa ra những tư vấn phù hợp nhất. Thậm chí có bệnh nhân 100 tuổi nhưng lại rất ít bệnh lý đi kèm (bệnh nền), những ca mổ này lại không vất vả bằng bệnh nhân trẻ tuổi hơn mà nhiều bệnh lý nền.
3. Từ chối phẫu thuật thay khớp háng, bệnh nhân sẽ đối diện với những vấn đề nào?
Nếu bệnh nhân cao tuổi có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhưng họ từ chối, thì có dẫn đến bất lợi gì cho bệnh nhân thưa BS?
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Một bệnh nhân lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi, khi điều trị bảo tồn sẽ có một vài biến chứng xảy ra với bệnh nhân như:
- Nằm bất động lâu ngày dẫn đến việc bệnh nhân bị bất động đờm dãi, khi lớn tuổi phản xạ ho khạc rất kém, rất có thể sẽ dẫn đến việc viêm phổi. Đã có rất nhiều bệnh nhân tử vong vì viêm phổi chứ không phải vì gãy cổ xương đùi.
- Nằm bất động nên rất có thể bệnh nhân sẽ bị loét các vùng tỳ đè, gây nên nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị, thậm chí còn rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết gây đe dọa tính mạng cho bệnh nhân.
- Nằm bất động lâu ngày cũng sẽ gây nên các bệnh lý như nhiễm trùng tiểu, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu, những huyết khối này nếu đưa về tim hoặc bơm lên các vùng mạch máu khác rất có thể dẫn đến tử vong với các chẩn đoán như nhồi máu phổi, nhồi máu não,…
Sau phẫu thuật, người bệnh nên vận động thế nào?
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Về cơ bản, khi bệnh nhân thay khớp háng thì nên được vận động sớm để tránh các biến chứng teo cơ, cứng khớp, viêm phổi hoặc loét. Điều này giúp bệnh nhân chóng phục hồi và trở về cuộc sống bình thường sớm hơn.
Mỗi bệnh nhân sau khi thay khớp háng, tùy vào các đặc điểm như tuổi, giới tính, cơ địa các bệnh lí nền, mật độ loãng xương của bệnh nhân,… sẽ có những bài tập phục hồi khác nhau. Chẳng hạn, khi thay khớp háng toàn phần hay bán phần, bác sĩ sẽ phải xem xét bệnh nhân có bị thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống thắt lưng hay không… Sau khi xác định tình trạng, bệnh nhân sẽ được chỉ định những bài tập phù hợp giúp nâng cao cuộc sống cũng như hiệu quả của khớp háng mới đã được được thay.
4. Thay khớp háng nhân tạo tại Bệnh viện Thống Nhất thực hiện thế nào, chi phí bao nhiêu?
Thưa BS, thay khớp háng nhân tạo tại Bệnh viện Thống Nhất được thực hiện như thế nào ạ? Chi phí ra sao?
TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:
Thống Nhất là bệnh viện lão khoa hàng đầu khu vực phía Nam, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi và có chỉ định thay khớp háng. Trung bình một năm tại bệnh viện có khoảng 200 bệnh nhân thay khớp háng.
Ở bệnh viện có hệ thống, các khoa điều trị bệnh lão từ Gây mê hồi sức đến Tim mạch, Nội tiết… để hỗ trợ tốt nhất cho những bệnh nhân lớn tuổi có thể tiến hành cuộc mổ an toàn. Bên cạnh đó, bệnh viện còn có khoa Phục hồi chức năng, Vật lí trị liệu chuyên sâu về những vấn đề ở bệnh nhân lớn tuổi.
Tôi nhớ có một trường hợp đặc biệt đã được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất. Bệnh nhân vào nhập viện với tình trạng té gãy cổ xương đùi với nhiều bệnh lý nền phức tạp, đang chạy thận nhân tạo gần 30 năm, có loãng xương và đã được thay 1 khớp gối, hẹp khít van động mạch chủ rất nặng có thể đột tử bất kì lúc nào.
Khi đó cả hội đồng duyệt mổ của bệnh viện rất đắn đo và cân nhắc trong việc quyết định mổ vì nguy cơ bệnh nhân đột tử trước, trong và sau mổ là rất cao. Tuy nhiên với sự quyết tâm của gia đình và điều trị tích cực của các chuyên khoa liên quan, hội đồng đã quyết định tiến hành phẫu thuật ca mổ này. Sau mổ, bệnh nhân hậu phẫu rất tốt, đi lại tốt và sức khỏe khá ổn định.
Thực tế, những bệnh nhân thực hiện thay khớp háng ở Bệnh viện Thống Nhất kết quả tương đối khả quan, nhiều người hài lòng với khớp háng được thay.
Về chi phí, nếu bệnh nhân có BHYT thì sẽ được bảo hiểm chi trả phần lớn chi phí khi thay khớp háng. Hiện có nhiều loại khớp khác nhau dựa vào cấu tạo, vật liệu, chất liệu… mà mức chi phí sẽ thay đổi. Nếu bệnh nhân không có BHYT thì sẽ phải tự chi trả dao động từ 40 - 100 triệu đồng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình