Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Đinh Vinh Quang: Điều trị bệnh Parkinson như thế nào?

Chiều 4/4, TS.BS Đinh Vinh Quang - trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 tư vấn về chủ đề được nhiều bạn đọc có cha mẹ là người cao tuổi quan tâm: Điều trị bệnh Parkinson như thế nào?


Đối với người bệnh Parkinson, những việc rất đơn giản như gắp thức ăn, rót ly nước, cài khuy áo... đều khó khăn, việc chăm sóc người bệnh Parkinson cũng gặp nhiều vất vả và đòi hỏi sự kiên trì, thông cảm.

Vậy bệnh Parkinson có phát hiện sớm được không? Điều trị bệnh Parkinson như thế nào hiệu quả? Làm thế nào phòng ngừa được bệnh này? Trong chương trình tư vấn trực tuyến tuần này, TS.BS Đinh Vinh Quang - trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp về căn bệnh mà nhiều người cao tuổi lo ngại.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

TS.BS Đinh Vinh Quang - trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG TƯ VẤN

PHẦN 1: Điều trị bệnh Parkinson như thế nào?


Cơ chế gây ra bệnh Parkinson là gì, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Bệnh Parkinson là bệnh lý do thoái hóa não, chất Dopamin do một số tế bào não tiết ra bị giảm sút gây ảnh hưởng đến các hoạt động của não, làm mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh giữa 2 hệ thống Dopaminergic và hệ thống Cholinergic.


Dấu hiệu mắc bệnh Parkinson gồm những gì? Parkinson thường khởi phát ở độ tuổi nào ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Tùy theo giai đoạn bệnh mà bệnh nhân sẽ có các triệu chứng, khi ở giai đoạn trễ, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như sau:

- Run: run tay chân lúc nghỉ hoặc ở 1 tư thế nào đó

- Cứng đờ

- Mất sự phối hợp vận động

Ngoài ra bệnh nhân còn có triệu chứng khác như: hạ huyết áp tư thế, các biểu hiện của rối loạn cảm giác: có cảm giác châm chích, kiến bò ở chi…

Độ tuổi khởi phát trung bình khoảng 55 tuổi nhưng có thể dao động và gặp ở những bệnh nhân còn rất trẻ, khoảng tuổi 20 cho đến 80 tuổi. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, với tỷ lệ 3/2 (3 nam 2 nữ).

Bệnh Parkinson còn được gọi là bệnh liệt run, triệu chứng run là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh. Ảnh minh họa - nguồn internet

Run tay có phải là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Parkinson không ạ? Làm sao để phân biệt run tay do bệnh Parkinson hay bệnh khác?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Bệnh Parkinson còn được gọi là bệnh liệt run, do đó triệu chứng run là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh, nhưng không phải bất cứ bệnh nhân có run tay đều là biểu hiện của bệnh Parkinson.

Để chẩn đoán run tay có phải là của bệnh Parkinson hay không, BS cần phải khám bệnh nhân để xác định bệnh nhân có thêm triệu chứng khác hay không và cần phải chẩn đoán phân biệt run do các bệnh lý hoặc nguyên nhân khác, ví dụ: run vô căn, run do bệnh lý nội tiết…

Sau khi khám bệnh nhân, nếu BS còn nghi ngờ, cần chẩn đoán phân biệt run tay do bệnh Parkinson hay bệnh lý khác, có thể cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, điện tim (điện tâm đồ),…


Các phương pháp điều trị bệnh Parkinson hiện nay là gì, theo BS phương pháp nào tỏ ra có hiệu quả nhất?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Có 3 phương pháp điều trị bệnh Parkinson:

- Điều trị tập thể dục, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng

- Điều trị nội khoa: dùng các thuốc để điều trị. Có 3  nhóm thuốc: 1. Thuốc đồng vận Dopamin, 2. Thuốc ức chế Cholinergic, 3. Nhóm thuốc thay thế Dopamin (Levodopa). Ngoài ra còn 1 số thuốc khác thuộc nhóm bảo vệ và dinh dưỡng tế bào thần kinh như Glutathion, vitamin E, Cerebrolyzin,… nhưng các thuốc này không đặc trưng cho bệnh Parkinson mà chỉ có tác dụng chống gốc tự do và hỗ trợ dinh dưỡng tế bào thần kinh.

- Điều trị ngoại khoa: dùng phương pháp phẫu thuật để điều trị, ví dụ: phẫu thuật mở nắp sọ phá hủy cấu trúc vùng đích (mở bèo nhạt, mở đồi thị), kích thích não sâu, phẫu thuật bằng tia gamma, phẫu thuật cấy ghép tế bào.

Hiện tại các phương pháp điều trị bệnh Parkinson cho đến nay giúp giảm triệu chứng chứ không thể ngăn chặn tiến triển của bệnh.


Khi nào thì bệnh nhân Parkinson có thể điều trị bằng điện cực kích thích não sâu ạ? Nó được tiến hành như thế nào ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Hầu hết các bệnh nhân Parkinson sẽ được điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Kích thích não sâu là 1 thủ thuật của phẫu thuật thần kinh, được lựa chọn cho bệnh nhân có dao động điều trị và không kiểm soát được loạn vận động.

Khi bệnh nhân có chỉ định điều trị bằng kích thích não sâu, BS sẽ đặt vào trong não điện cực để kích thích vùng não của bệnh nhân. Thời gian nằm viện khoảng 2-3 ngày. Hiện tại ở Việt Nam rất ít cơ sở thực hiện phẫu thuật này vì chi phí còn khá cao (khoảng 800 triệu đồng).

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cải thiện được các triệu chứng run, cứng đờ và có thể kiểm soát được dao động vận động.


Người bệnh Parkinson nên luyện tập hằng ngày như thế nào, mong BS hướng dẫn?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Người bệnh Parkinson nên luyện tập hằng ngày theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu để có hiệu quả tối ưu. Bệnh nhân bị ảnh hưởng vùng chức năng nào (tay, chân…) thì sẽ có bài tập riêng của vùng đó.

Ngoài ra, khuyến khích bệnh nhân vận động như người bình thường trong sinh hoạt hằng ngày.


Vì sao người bệnh Parkinson dễ bị mất ngủ? Theo BS thì phải làm sao để giúp họ ngủ ngon ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Mất ngủ ở người bệnh Parkinson là do bản thân bệnh lý Parkinson gây ra, người bệnh giảm vận động, có cảm giác lo lắng, bồn chồn, đôi khi hoang tưởng hoặc sa sút trí tuệ nên có thể mất ngủ. Ngoài ra, một số thuốc điều trị Parkinson cũng gây nên tình trạng mất ngủ cho bệnh nhân.

Để cải thiện tình trạng mất ngủ này, người bệnh cần tập thể dục thường xuyên, vận động, tập vật lý trị liệu và điều trị thuốc hợp lý.


Theo BS, người bệnh Parkinson cần lưu ý gì trong chế độ ăn uống, nên ăn gì và nên kiêng gì ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Người bệnh Parkinson có thể có các triệu chứng về thần kinh thực vật như: tăng tiết nước bọt, giảm vị giác (ăn mất ngon), rối loạn chức năng dạ dày (dễ bị đầy bụng, khó tiêu), nên chú ý khi cho bệnh nhân ăn, tránh tình trạng ăn nhanh và bị sặc (có thể dẫn đến viêm phổi do sặc).

Còn về món ăn thì không cần kiêng cữ, nhưng nên chú ý bổ sung thêm vitamin E.


Những ai thường mắc bệnh Parkinson? Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh Parkinson, thưa BS? Parkinson có di truyền không ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Như trên chúng ta biết cơ chế gây ra bệnh Parsinson là bệnh lý do thoái hóa não, chất Dopamin do một số tế bào não tiết ra bị giảm sút gây ảnh hưởng đến các hoạt động của não, làm mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh giữa 2 hệ thống Dopaminergic và hệ thống Cholinergic. Về nguyên nhân của bệnh được chia làm 4 nhóm:

- Bệnh Parkinson nguyên phát (được cho là không rõ nguyên nhân)

- Hội chứng Parkinson do thoái hóa như: liệt trên nhân tiến triển, thoái hóa liềm đen thể vân, teo trám cầu tiểu não…

- Hội chứng Parkinson di truyền: bệnh Wilson, bệnh Huntington,…

- Hội chứng Parkinson mắc phải (thứ phát): do nhiễm trùng như viêm não, do thuốc an thần, do chấn thương, do nhiễm độc, do bệnh lý mạch máu não…

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh như: tuổi (tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh cao), giới (nam bị nhiều hơn nữ), nghề nghiệp (giáo viên, nhân viên y tế, thợ hàn, những người tiếp xúc với kim loại nặng…).


Parkinson có cách phòng ngừa hay ngăn chặn từ sớm không ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Cho đến nay, không có yếu tố nào có thể làm bệnh tăng hoặc giảm tiến triển của bệnh Parkinson được (làm bệnh nặng thêm hoặc làm giảm bệnh) nên cách tốt nhất để phòng ngừa hay ngăn chặn từ sớm chỉ là thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi điều độ.


BS có lời khuyên hay dặn dò với gia đình có người bệnh Parkinson không ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Bệnh Parkinson làm cho bệnh nhân bị run, giảm vật động và cứng đờ, do đó sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân, ở giai đoạn muộn bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi chăm sóc bản thân, ăn uống, đi lại dễ té ngã nên cần có sự hỗ trợ của người thân trong gia đình để không gặp trở ngại trong sinh hoạt.

Về tâm lý, bệnh nhân Parkinson hay bị trầm cảm nên cần sự hỗ trợ, động viên của người thân trong gia đình.


PHẦN 2: Giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi


FB Quynh Huong T.V.

BS cho hỏi,

Tôi năm nay 49 tuổi, gần 1 tuần nay tôi bị chóng mặt, lúc có lúc không. Đầu thì hơi nặng. Thay đổi tư thế hầu như không bị chóng mặt nhưng có khi chỉ ngồi hoặc nằm cũng thấy đầu hơi quay cuồng.

Tôi tập yoga hàng ngày từ lâu không bị sao. Nhưng giờ khi tập có những động tác cúi xuống không sao nhưng có lúc thì ngồi với tay xuống chân cúi mặt thì thấy xây xẩm. Xin hỏi BS tôi bị sao. Xin cảm ơn.


TS.BS Đinh Vinh Quang

Chị Quỳnh Hương thân mến,

Cảm giác xây xẩm chóng mặt như chị mô tả có thể là triệu chứng của bệnh lý thần kinh hoặc có thể gặp trong các bệnh lý nội khoa tổng quát khác (tim mạch, nội tiết…) nên không thể chỉ dựa vào triệu chứng này mà chẩn đoán chính xác được bệnh. Chị cần đi khám BS để có chẩn đoán xác định.


FB Điểm T.

Tôi tên Tuyết Mai, gần đây tôi bị một tai phải ngước lên, xuống nghe rột rột, ngủ thì nghe vèo vèo, lắc qua trái âm thanh nghe rất lớn, lắc qua phải âm thanh giảm đi.

Tôi đã đi khám và điều trị hơn 2 tháng nhưng không hết. Tôi đã khám ở Long Xuyên, BS chẩn đoán ù tai, rối loạn tiền đình, viêm họng mãn tính.

Xin BS giúp đỡ, cho tôi biết tôi bị bệnh gì và cách điều trị?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Bạn Tuyết Mai thân mến,

Triệu chứng như bạn mô tả có thể gặp trong bệnh lý thần kinh, tai mũi họng hoặc bệnh lý tâm thần. Khi khám bệnh BS mới có chẩn đoán chính xác cho bạn được. Do đó, bạn nên đến một BV có các chuyên khoa đó để có chẩn đoán và điều trị thích hợp.

 
FB Yen L.

Bác trai của cháu 55 tuổi, có tiền sử tai biến, bị cao huyết áp, bị mất ngủ lâu năm, có đi khám nhưng không có dấu hiệu tốt. Gần đây bác lại hay bị xay xẩm, chóng mặt, đi khám bệnh viện tỉnh thì đo điện não BS nói là bị thiếu máu não.

Cho cháu hỏi tình trạng bệnh này nên đi khám khoa thần kinh đúng không ạ? Cháu nghe có người nói đi bệnh viện Nhân dân 115, có người lại kêu đi bệnh viện Chợ Rẫy, có người lại bảo đi bệnh viện Tâm thần. Vậy bác của cháu nên khám ở đâu và sẽ được làm những xét nghiệm gì ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Chào Yến,

Cảm giác xây xẩm chóng mặt có thể là triệu chứng của bệnh lý thần kinh hoặc có thể gặp trong các bệnh lý nội khoa tổng quát khác (tim mạch, nội tiết…) nhưng vì bác của cháu đã có tiền sử tai biến mạch máu não, cao huyết áp nên cháu cho bác của cháu đi khám tại khoa thần kinh là hợp lý.

Còn đi khám ở BV Nhân dân 115 hay BV Chợ Rẫy đều được vì đều có chuyên khoa thần kinh. Khi khám thấy cần làm thêm xét nghiệm gì thì BS sẽ cho bác của cháu làm các xét nghiệm phù hợp với tình trạng của bác cháu (ví dụ: xét nghiệm máu, điện tâm đồ, CT, MRI não...).


FB Hằng Đ.

Bác sĩ vui lòng cho hỏi bệnh Pakison nên điều trị tây y hay đông y? Bệnh nhân 47 tuổi nên tập bài thể dục nào phù hợp?

Hiện tôi đang điều trị thuốc tây, tình trạng có giảm run, nhưng phải uống thuốc thường xuyên, tôi không biết có nên chuyển qua BV y học dân tộc không, và bệnh này điều trị ở BV y học dân tộc có hiệu quả không? Cám ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang

Chào chị Hằng,

Cho đến nay các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm triệu chứng của bệnh chứ ko ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh. Bạn có thể điều trị tây y hay đông y đều được.

Chị nên luyện tập hằng ngày theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu để có hiệu quả tối ưu. Bệnh nhân bị ảnh hưởng vùng chức năng nào (tay, chân…) thì sẽ có bài tập riêng của vùng đó. Ngoài ra, chị nên tích cực vận động như người bình thường trong sinh hoạt hằng ngày.

~~~~~~~~~
AloBacsi trân trọng cảm ơn TS.BS Đinh Vinh Quang đã giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh Parkinson và những lưu ý dành cho người nhà khi chăm sóc bệnh nhân. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo.

Kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Hồng Nhung
Ảnh: Minh Hân
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X