Nhiều trẻ vẹo cổ bẩm sinh do tật cơ
Chị Hoa bỗng phát hiện một bên mặt con bị lép và đầu quẹo về một bên. Lo sợ, chị đưa bé đi khám mới biết, nguyên nhân là do u cơ ức đòn chũm.
Chị Hoa cho hay, lúc mới sinh xong chị không chú ý, đến vài tuần sau, mỗi khi tắm con hoặc bé nằm ngủ, chị phát hiện đầu con luôn quẹo về một bên, gương mặt bên phải cũng nhỏ hơn bên trái.
|
Khối u cơ cổ bên phải chính là nguyên nhân gây vẹo cổ bé bị vẹo. Ảnh: Thiên Chương |
"Lấy tay kiểm tra ở cổ của bé, tôi thấy có một khối u cứng chạy dọc bên phải. Gia đình phát hoảng vì nghĩ bé mắc bệnh ung bướu nên lập tức đưa đến bệnh viện", chị Hoa cho hay.
Cùng đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám, anh Hải nhà ở quận 1 cho biết con trai 2 tháng tuổi của anh cũng bị vẹo cổ và có gương mặt không đều. "Thời gian sau sinh tôi đã thấy bé thường nghiêng mặt sang một bên nhưng dấu hiệu chưa rõ như bây giờ", anh Hải nói.
Cử nhân Lê Thị Đào, phụ trách đơn vị Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, chứng vẹo cổ ở trẻ như con của anh Hải và chị Hoa là không hiếm. Tại bệnh viện, mỗi ngày có hơn 10 trẻ đến khám và nhờ tư vấn điều trị.
Bà Đào cho biết, v ẹo cổ bẩm sinhdo tật cơ, hay còn gọi là u cơ ức đòn chũm là một dị tật về cơ quan vận động thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chưa rõ ràng nhưng thường thấy do tư thế của thai nhi trong bụng mẹ.
Tư thế thai nhi hoặc các sang chấn khiến mạch máu nuôi cơ bị chèn ép làm cho cơ ức đòn chũm bị xơ hóa. Ngoài ra sang chấn sản khoa do sinh khó, mạch máu trong cơ bị đứt gây chảy máu, cục máu đông bị xơ hóa làm co rút cơ này.
"Khối u cơ thường khiến đầu của trẻ nghiêng về một phía và mặt nghiêng về phía ngược lại. Các dấu hiệu nhận biết kèm theo là mặt thường bị lép, đầu méo. Đa số các trường hợp vẹo cổ là bé trai và thường gặp u cơ bên phải", bà Đào nói.
Phát hiện và tập vật lý trị liệu sớm sẽ giúp trẻ tránh lép mặt, méo đầu, vẹo cột sống. Ảnh: Thiên Chương |
Cũng theo bà Đào, độ tuổi điều trị tốt nhất là trẻ dưới 1 tháng tuổi. Việc điều trị bằng vật lý trị liệu có thể khiến khối u cơ mất đi và chức năng của cổ có thể phục hồi đến hơn 90%. Trong khi đó nếuphát hiện trễ, cơ bị xơ hóa gây co rút sẽ khó điều trị hơn. Việc can thiệp bằng phẫu thuật kết hợp với vật lý trị liệu vẫn chưa chắc phục hồi chức năng trọn vẹn.
Để tránh dẫn đến tật vĩnh viễn cho bé, bà Đào khuyên khi thấy con có dấu hiệu vẹo cổ, phụ huynh cần đưa bé đến ngay bệnh viện có chuyên khoa phục hồi chức năng khám để được hướng dẫn cách điều trị hợp lý.
Ba động tác tập cơ bản đối với trẻ vẹo cổ do tật cơ là nghiêng, xoay và gập duỗi. Các bài tập này sẽ giúp cơ của bé đang bị co sẽ dần giãn đều trở lại, tuy nhiên các bài tập này đòi hỏi phụ huynh phải hỗ trợ bác sĩ để tập luyện cho bé trong thời gian dài.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình