Nhận biết và tầm soát loãng xương để ngăn chặn biến cố xẹp đốt sống, gãy xương
Theo BS.CK2 Trần Khánh Phương - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh 2, loãng xương diễn tiến âm thầm nhưng có thể nhận biết qua một số dấu hiệu đau nhức toàn thân. Do đó, người dân nên đi tầm soát khi nhận thấy dấu hiệu bất thường để điều trị kịp thời, tránh các biến cố đáng tiếc xảy ra.
1. Làm thể nào để nhận biết loãng xương?
Có cách nào để bà con nhận diện được xương đang khỏe hay đang bị loãng hay không, thưa BS?
BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Loãng xương là căn bệnh khá nguy hiểm nhưng vì diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng, có thể bệnh nhân cảm thấy khỏe nhưng khi đo kết quả mật độ xương sẽ thấy bất ngờ. Tuy nhiên có một số triệu chứng cảnh báo loãng xương và cần đi tầm soát.
Ví dụ như đau mơ hồ, đau xương toàn thân, đau ngực trái, ngực phải, đau tay, đau chân… cơn đau không xuất hiện ở vị trí đặc biệt cố định nào và mức độ đau có thể từ nhẹ đến rất nặng. Ở phụ nữ có triệu chứng khá đặc hiệu của loãng xương mà thường bị bỏ sót là giảm chiều cao.
Ví dụ như ở nhà thấy bà ngày càng nhỏ bé, đa số mọi người nghĩ bà lớn tuổi nên nghĩ điều đó là bình thường, nhưng sự thật là khi loãng xương sẽ gây ra tình trạng giảm độ cao của cột sống. Các đốt sống bị giảm dần độ cao do loãng xương và tổng chiều cao tự động thấp đi. Khi loãng xương, mỗi năm có thể thấp đi 1-2 cm.
Bên cạnh đó, tư thế của cột sống lưng ngày càng gù, động tác nhỏ hoặc chấn thương rất nhỏ nhưng đưa đến tổn thương lớn. Ví dụ như bà hoặc mẹ ở nhà chỉ trượt chân té nhẹ, gia đình sẽ cho rằng nghỉ ngơi sẽ khỏi, tuy nhiên khi đi khám phát hiện gãy xương đùi, gãy xương bàn chân…
Thực tế chúng tôi đã có một số bệnh nhân khoảng 60 tuổi, đi ngang đá trúng chân giường, nghỉ ngơi vài ngày nhưng không giảm đau, khi đi khám bàn chân đã sưng to và chụp phim ra là đã gãy xương.
Như vậy, một động tác nhiều người cho rằng đơn giản, dễ phục hồi, khi có bệnh nhân ở độ tuổi đó đến khám vì gãy xương, phương pháp thường quy bác sĩ áp dụng cho bệnh nhân là tầm soát xương toàn thân. Bởi vì nếu chỉ một động tác đơn giản đã gây ra gãy xương thì không đơn giản chỉ có vấn đề ở vị trí bị va đập, và thực tế sau tầm soát, kết quả là bệnh nhân bị loãng xương.
Bác sĩ tiếp tục hỏi bệnh sử phát hiện người bệnh có nhiều bệnh nền, có những bệnh lý mạn tính cần dùng thuốc lâu dài, các bệnh lý đó đã ảnh hưởng đến xương của bệnh nhân. Vì vậy khi có các biến cố nhỏ, không nên chủ quan, lơ là mà phải xem tổng quát toàn thể sức khỏe, kiểm tra các vấn đề trục trặc ở toàn thân.
2. Kết quả đo loãng xương cần có sự tư vấn của bác sĩ
Không chỉ là độ tuổi mà việc tầm soát loãng xương đúng cách rất quan trọng.
- Thế nào là tầm soát loãng xương đúng cách và đầy đủ nhất ạ?
BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Hiện tại, tiêu chuẩn vàng để tầm soát mật độ xương là dùng máy kỹ thuật cao (tia đối quang kép) để tầm soát loãng xương. Đây là kỹ thuật dựa trên nguyên lý của tia X-quang, tuy nhiên liều X-quang để đo mật độ xương rất thấp, chỉ bằng 1/10 liều X-quang chụp tim, phổi bình thường. Do đó kỹ thuật này gần như không có hại, chỉ ngoại trừ nhóm phụ nữ đang mang thai, còn lại bệnh nhân đều có thể thích nghi và an toàn với phương pháp này.
Thực tế phụ nữ có thai từ khoảng từ 20 đến 30 tuổi sẽ không mắc bệnh loãng xương nên điều này không đáng ngại. Còn bệnh nhân trung niên từ 50 tuổi trở lên không có chống chỉ định cho việc tầm soát loãng xương. Vì vậy người dân có thể yên tâm khi sử dụng phương pháp này với độ an toàn, chính xác, việc đo loãng xương chỉ mất khoảng 15 phút ở một loại máy tốt, kỹ thuật hiện đại, chi phí chỉ khoảng vài trăm ngàn.
Sau khi đo loãng xương nên có sự tư vấn của bác sĩ, bởi vì phải đặt kết quả đo mật độ loãng xương vào từng hoàn cảnh của bệnh nhân, không thể dựa trên một kết quả để kết luận bệnh nhân có vấn đề sức khỏe.
Lưu ý trên thị trường hiện nay có một số công ty sở hữu máy đo loãng xương ở các vị trí khác. Ví dụ như đo ở bàn chân, bàn tay… những loại máy đó hiện không còn dùng để đo mật độ xương.
Hiện tại, máy đo loãng xương với kỹ thuật DEXA là loại máy đo toàn thân, bắt buộc phải nằm trên máy để quét từ cột sống đến xương đùi, đây là những vị trí phản ánh chính xác nhất sức khỏe của xương. Vì vậy nếu dùng những loại máy đo bằng cách đưa bàn tay hoặc đưa bàn chân, kết quả hoàn toàn không chính xác.
Vì vậy người dân lưu ý nếu tầm soát loãng xương nên đến các cơ sở y tế để có các loại máy đo chính xác, được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn hướng điều trị.
3. Hướng dẫn sơ bộ cách xem kết quả đo loãng xương bằng DEXA
- Nhờ BS hướng dẫn cách đọc kết quả tầm soát loãng xương, thế nào là bình thường, thế nào được xem là bước vào ngưỡng loãng xương, thưa BS?
BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Khi chẩn đoán loãng xương cần có sự tư vấn của bác sĩ, tuy nhiên kết quả đo loãng xương bệnh nhân có thể đọc và hiểu được một số điểm cơ bản. Kết quả đo loãng xương được chia thành các màu sắc và các biểu đồ dễ xem.
Một biểu mẫu kết quả đo loãng xương của kỹ thuật DEXA sẽ có hình chụp và biểu đồ tương ứng, biểu thị bằng các màu theo bậc thang của sức khỏe xương. Trong biểu đồ có một chấm đen, đứng ở vị trí nào sẽ tương ứng với mật độ xương.
Trong đó, nếu ở vùng màu xanh nghĩa là vùng bình thường, kết quả tốt. Nếu rơi vào vùng màu vàng, bệnh nhân có tình trạng thiếu xương, mức độ này chưa được gọi là loãng xương. Chấm đen bắt đầu nằm ở vị trí màu đỏ trên biểu đồ, bệnh nhân đó có tình trạng loãng xương.
Thông thường ở người trẻ, phụ nữ chưa mãn kinh khi đo sức khỏe xương sẽ thấy mật độ xương nằm ở vùng màu xanh, người trung niên nằm ở vùng màu vàng và khi loãng xương ở người già lớn tuổi, chấm đen sẽ ở vùng màu đỏ. Đó là 3 vùng màu tương ứng và có thể nhận thấy rất rõ trên kết quả đo DEXA của máy đo loãng xương.
4. Không nên chủ quan dù loãng xương ở mức nhẹ
Nhiều người phát hiện loãng xương nhưng mức nhẹ dẫn đến chủ quan. Lời khuyên của BS về vấn đề này như thế nào ạ?
BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Loãng xương là một bệnh có thể điều trị, dù ở mức nhẹ cũng có các biện pháp điều trị tương ứng, có lời tư vấn của bác sĩ về cách tập luyện, dinh dưỡng, các loại thuốc dùng trong điều trị.
Người dân không nên chủ quan dù loãng xương ở mức nhẹ. Thông thường loãng xương là bệnh của người già, có thể tiến triển theo năm tháng, theo mức độ lão hóa toàn thân thì xương cũng lão hóa theo.
Mức độ, thời gian tầm soát loãng xương là mỗi 2 năm. Trường hợp nặng hơn hoặc nhiều bệnh nền hơn, nhiều triệu chứng hơn có thể tầm soát loãng xương mỗi năm một lần. Vì vậy năm nay nhẹ nhưng năm sau tình trạng loãng xương có thể chuyển bậc. Khi đã chẩn đoán loãng xương, bệnh nhân cần cố gắng tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, lời tư vấn và nên tiếp tục theo dõi.
Việc điều trị loãng xương được tính bằng năm, một phác đồ điều trị loãng xương có thể kéo dài ít nhất 3 năm, thậm chí 5 năm, 10 năm. Đó là vấn đề điều trị lâu dài mà bệnh nhân phải tuân thủ. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất lớn, ngăn ngừa được biến cố đáng tiếc xảy ra, trong đó quan trọng nhất là gãy xương.
Khi gãy xương bệnh nhân phải nằm một chỗ, dễ dẫn đến loét, viêm phổi, suy dinh dưỡng, kéo theo rất nhiều hệ lụy và cần thêm người chăm sóc. Do đó loãng xương và các biến cố có thể phòng ngừa được, chỉ cần dựa vào việc tuân thủ, theo dõi và điều trị loãng xương. Do đó, đừng để xảy ra các biến có đáng tiếc mới nhận thức được tầm quan trọng của phòng ngừa loãng xương.
Dù loãng xương ở mức độ nhẹ vẫn nên có một thời gian để theo dõi và tiên lượng việc gãy xương của mình.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình