Hotline 24/7
08983-08983

Nhận biết dấu hiệu để phân biệt tay chân miệng và sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết do siêu vi gây ra nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm siêu vi khác như nhiễm siêu vi đường hô hấp, tay chân miệng, COVID-19. Để chẩn đoán xác định, phân biệt với các bệnh siêu vi khác, người bệnh cần đến cơ sở y tế sớm để xét nghiệm kháng nguyên của sốt xuất huyết.

1. Diễn tiến, sự thay đổi của nhiều dịch bệnh trong thời gian vừa qua như thế nào?

Thưa PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, trên cương vị là Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam, PGS có đánh giá như thế nào về diễn tiến, sự thay đổi của nhiều dịch bệnh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 tại Việt Nam ạ?

PGS.TS Lê Thị Anh Thư trả lời: Như mọi người thường biết, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết là những bệnh truyền nhiễm rất thường gặp và bùng dịch hằng năm, tuy nhiên, diễn biến năm nay phức tạp hơn và đang nguy hơn nhiều. Với số ca mắc của tay chân miệng tính đến tháng 10 năm 2023 đang là 86.000 ca, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, số ca tử vong là 21, tăng 18%.

PGS.TS Lê Thị Anh Thư - Giám đốc Y Khoa - Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ

Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết là các loại bệnh có thể phòng tránh nếu như người dân biết thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Ngành Y tế. Đặc biệt đối với bệnh tay chân miệng, việc thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa lây nhiễm chéo như vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, tuân thủ đúng các nguyên tắc phòng ngừa khi tiếp xúc với người bệnh. Và khi mắc bệnh, việc phát hiện và điều trị sớm là rất cần để tang hiệu quả điều trị.

Vì vậy, rất cần nâng cao cảnh giác trong phòng bệnh, trong xác định bệnh và điều trị. Đó cũng là lý do chúng ta có chương trình ngày hôm nay để cùng trao đổi và chia sẻ với các khán thính giả những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và cách điều trị, chẩn đoán sớm.

2. Hiện nay có phải đã “vào mùa” bệnh tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh thành. Xin hỏi BS, thời điểm hiện nay có phải đã “vào mùa” bệnh tay chân miệng?

BS.CK1 Dư Tuấn Quy trả lời: Như đã biết, tay chân miệng không phải là bệnh cũ mà đã có từ rất lâu. Bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên tập trung vào 2 mùa từ tháng 4 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 12. Đây là một trong những đỉnh dịch của tay chân miệng và đang xảy ra ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, gần đây chúng ta thấy báo chí, truyền thông, tivi nói rất nhiều về bệnh tay chân miệng.

3. Những ai có nguy cơ mắc tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng thường tấn công những ai, người lớn có mắc phải căn bệnh này không, thưa BS?

BS.CK1 Dư Tuấn Quy trả lời: Tay chân miệng xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, người vẫn có thể mắc, tuy nhiên bệnh tập trung chủ yếu ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Nhiều phụ huynh thắc mắc vì sao con chỉ ở nhà nhưng lại mắc tay chân miệng? Nguyên nhân do người lớn mang bệnh về nhà và lây cho trẻ. Đây là một trong những nguyên nhân mà trẻ chưa tiếp xúc với người lạ vẫn lây bệnh.

4. Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng là gì và làm sao để phân biệt tay chân miệng với sốt xuất huyết?

Nhờ BS điểm qua về những dấu hiệu thường gặp và dấu hiệu xuất hiện sớm nhất khi bị bệnh tay chân miệng?

- Dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng nhau song hành. Xin hỏi BS, hai căn bệnh này có những triệu chứng nào tương tự nhau và làm sao để phân biệt rõ nét nhất ạ?

BS.CK1 Dư Tuấn Quy trả lời: Trẻ bị tay chân miệng thường phát ban và mụn nước ở những vị trí đặc biệt như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, khuỷu. Tuy nhiên, có những vị trí rất kín đáo mà phụ huynh cần lưu ý như xuất hiện mụn nước, hồng ban nhỏ li ti ở các rìa ngón tay, rìa ngón chân.

Khi có con đi học ở trường hay nhà trẻ, ngoài thời gian đi làm phụ huynh cần nghe ngóng. Nếu trong lớp, trường có ca tay chân miệng phải để ý xem con có phan bát trên người hay lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông bị loét không, hoặc như dân gian hay nói “sao con của tôi nhễu nhão quá”, nghĩa là trẻ bị chảy nước miếng ra ngoài, không nuốt vào được. Theo kinh nghiệm dân gian, trẻ bị sốt, chảy nước miếng có thể do mọc răng nên không chú ý. Đến khi trẻ sốt cao, ngủ giật mình, tình trạng nặng hơn mới phát hiện trong miệng có vết loét.

Phụ huynh sau khi đi làm về phải xem trẻ có bất thường hay không. Đừng nghĩ rằng nhễu nhão, chảy nước miếng là trường hợp mọc răng mà hãy nghĩ đó có thể là một vết loét trong họng, đây là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra, trong những lúc mặc tả có thể trẻ bị dị ứng, tuy nhiên nếu là dị ứng với tả trẻ sẽ không sốt. Ngược lại, nếu trẻ sốt và nổi chấm li ti xung quanh hậu môn (mông), có thể đây là dấu hiệu của tay chân miệng. Vì vậy, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để xác định tình trạng, mới có thể hướng dẫn chăm sóc và xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó, đặc điểm của tay chân miệng bình thường sẽ không sốt, nếu trẻ sốt là đang vào thời điểm chuyển độ nặng. Hoặc khi thấy trên người trẻ nổi bất thường phải tranh thủ đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tìm hiểu nguyên nhân, không nên xác định bệnh theo dân gian truyền lại.

Sốt xuất huyết và tay chân miệng đều là siêu vi, bệnh truyền nhiễm. Đối với tay chân miệng sẽ có sốt, nổi ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, khuỷu hoặc rìa ngón tay, rìa ngón chân và loét bất kỳ vị trí nào trong họng.

Tác nhân gây bệnh là siêu vi trùng đường ruột Coxsackie virus và Enterovirus (đặc biệt là EV71).

Trước khi bệnh trở nặng sẽ có những triệu chứng sốt không hạ và ngủ giật mình chới với (trẻ đang yên ắng nhưng đầu giấc ngủ lại giật mình bắn 2 tay, 2 chân, sau đó tiếp tục ngủ).

Bệnh lây qua đường tiêu hóa, đường tiếp xúc (có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp). Tiếp xúc trực tiếp là trẻ lành và trẻ bệnh lây với nhau. Gián tiếp là qua những vật dụng, đồ chơi bị nhiễm virus, ví dụ trẻ bị nhiễm tay chân miệng chơi đồ chơi hoặc cầm remote TV, sau đó trẻ khác cầm nắm, tiếp xúc sẽ bị lây nhiễm hoặc từ các chất thải của trẻ đã bị tay chân miệng như dịch tiết, giọt bắn, phân,…

Đối với sốt xuất huyết, đầu tiên trẻ chỉ sốt, phát ban. Khi trở nặng sẽ có những dấu hiệu báo động như đau hạ sườn phải, buồn nôn, nôn ói, chảy máu răng, chảy máu mũi,… Bên cạnh đó, sốt xuất huyết do virus Dengue, mũi đốt gây ra.

Tuy nhiên, trong lâm sàng, khi khám, hỏi bệnh sử sẽ phân biệt được 2 bệnh này.

5. Các biến chứng thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng là gì, nguy hiểm ra sao, khi nào cần đến bệnh viện ngay?

Các biến chứng thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng là gì và điều này có khả năng đưa đến những nguy hiểm như thế nào, thưa BS? Các dấu hiệu nào cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay ạ?

BS.CK1 Dư Tuấn Quy trả lời: Hai biến chứng bệnh đáng sợ nhất của tay chân miệng là gây viêm não và viêm cơ tim. Nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.  

Thông thường sẽ có những dấu hiệu báo động. Khi trẻ sốt, phát ban và đi khám xác định do tay chân miệng sẽ được bác sĩ hướng dẫn tận tình, phụ huynh nên học và theo dõi các dấu hiệu này.

Ví dụ, bác sĩ hướng dẫn tay chân miệng độ 1 sẽ theo dõi tại nhà, khi nào sốt sẽ cho trẻ uống hạ sốt, bên cạnh đó nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu để đỡ đau miệng,… và có giấy hướng dẫn của bệnh viện khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo chuyển độ nào phải quay lại cơ sở y tế ngay lặp tức dù là trong đêm. Vì có các trường hợp phụ huynh nghĩ rằng ban đêm bệnh viện không làm việc nên đợi đến sáng và vô hình trung trôi qua thời gian vàng, dẫn đến trẻ chuyển nặng.

BS.CK1 Dư Tuấn Quy - Phó Trưởng khoa Nhiễm và Thần Kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1

Các dấu hiệu báo động phải đến cơ sở y tế ngay lặp tức gồm: sốt không hạ; sốt từ ngày thứ hai trở lên; đang ngủ bỗng giật mình chới với, đặc biệt xảy ra đầu giấc ngủ; buồn nôn, nôn ói và không ăn uống được; đi không được, đi yếu một chân hoặc yếu một tay, đi loạng choạng như người say rượu; thậm chí nếu tinh vi phụ huynh sẽ thấy trẻ thở nhanh hơn so với bình thường.

Sau dịch COVID-19, hầu như chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc tại nhà và có thể áp dụng cho nhiều dịch bệnh khác, trong đó có tay chân miệng.

Thông thường, phụ huynh có thể mua máy SpO2 để đo. Nếu thấy trẻ thở nhanh, nhịp tim tăng phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay trong đêm, khi có dấu hiệu chuyển độ phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

6. Điều trị tay chân miệng thế nào?

Bệnh tay chân miệng được điều trị ra sao, thưa BS? Khi nào được điều trị tại nhà, khi nào cần phải điều trị tại bệnh viện?

BS.CK1 Dư Tuấn Quy trả lời: Hơn 90% trẻ bị tay chân miệng sẽ được chăm sóc và điều trị tại nhà (đối với những trường hợp độ 1).

Khi điều trị tại nhà, đầu tiên phải cách ly trẻ lành với trẻ bệnh. Đặc biệt, nếu trong nhà có thêm một trẻ khác, khi chăm sóc phụ huynh phải tắm rửa sạch sẽ mới đến gần trẻ còn lại, nếu không sẽ lây bệnh cho trẻ.

Thứ hai, khi trẻ sốt sẽ cho uống hạ sốt (38,5˚ trở lên). Nếu trẻ đau miệng nhiều, nên cho uống gói hạ sốt giảm đau, để trẻ đỡ đau miệng và ăn uống được.

Thứ ba, nên ưu tiên chọn các thức ăn trẻ thích ăn, thức ăn lỏng, dễ tiêu và chia thành nhiều cử trong ngày. Thậm chí, có thể làm lạnh sữa, để vào ngăn mát tủ lạnh hoặc cho trẻ ăn sữa chua để mát, dịu họng lại, từ đó sẽ đỡ đau họng và ăn uống tốt hơn.

Thứ tư là theo dõi những dấu hiệu chuyển độ nặng của bệnh tay chân miệng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào, trẻ sẽ được nhập viện và được các bác sĩ chăm sóc, theo dõi kỹ hơn.

Bác sĩ sẽ theo dõi từng bước để xác định có đúng trẻ bị giật mình hay không và đưa vào phòng cấp cứu để theo dõi, truyền thuốc, từ đó ngăn chặn diễn tiến nặng của bệnh.

7. Tình hình dịch tễ của sốt xuất huyết trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Vì sao Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao?

Bên cạnh tình hình bệnh tay chân miệng như vậy, thì sốt xuất hiện cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm trong thời gian này, vì vậy, nhờ ThS.BS Lê Thanh Nhàn chia sẻ thêm về:

- Tình hình dịch tễ của sốt xuất huyết trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Vì sao Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao, thưa BS?

- Chỉ trong tháng 10, diễn biến của dịch sốt xuất huyết tại nước ta có sự thay đổi ra sao ạ? Diễn tiến này có nằm trong quy luật của dịch bệnh sốt xuất huyết?

ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra, được truyền từ người bệnh này sang người khác do muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn.

Đến thời điểm này, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, bệnh sốt xuất huyết vẫn là gánh nặng y tế toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố tháng 3/2023, sự gia tăng của sốt xuất huyết là tăng trưởng kép đến 14%, đây là con số không nhỏ.

Bệnh sốt xuất huyết có một số thể lâm sàng nhẹ, người bệnh tự khỏi. Do đó, việc thống kê thực tế về số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn cầu không được đầy đủ. Ước tính mô hình cho thấy, có trên 390 triệu ca sốt xuất huyết hằng năm, trong đó, 96 triệu ca có triệu chứng lâm sàng.

Châu Á là nước có khí hậu nhiệt đới, do đó bệnh sốt xuất huyết chiếm 70%, gánh nặng y tế toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm và tăng mạnh vào mùa mưa.

Các chuyên gia nhận thấy, mỗi 3 - 4 năm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết sẽ tăng đột biến, trở thành dịch và có những diễn biến lâm sàng rất phức tạp. Điển hình, năm 2022, Bộ Y tế đã thống kê và báo cáo có đến 361.000 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 143 ca tử vong, đặc biệt TPHCM là 29 ca.

Năm 2023, cũng không ngoại lệ, thống kê đến hiện nay, cả nước có đến 93.000 ca đã mắc sốt xuất huyết, trong đó có 26 ca tử vong. Hiện, sốt xuất huyết vẫn đang diễn tiến tại Hà Nội, ngày càng tăng. TPHCM thống kê có 15.300 ca mắc sốt xuất huyết.

Diễn tiến lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết trong năm ngoái và năm nay rất phức tạp. Thậm chí, người bệnh còn trẻ, không có bệnh nền nhưng khi mắc sốt xuất huyết lại diễn tiến rất nặng.

8. Độ tuổi nào có nguy cơ gặp biến chứng và khoảng bao nhiêu % bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ chuyển biến nặng?

Đối với sốt xuất huyết, đâu là những biến chứng nặng của bệnh mà chúng ta cần quan tâm ạ? Ai, độ tuổi nào có nguy cơ gặp biến chứng và khoảng bao nhiêu % bệnh nhân sẽ chuyển biến nặng, thưa BS?

ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Theo một số chuyên gia thống kê, trên 2% bệnh nhân bị sốt xuất huyết có thể chuyển biến nặng.

Trong đó, 5 nhóm người dễ chuyển biến nặng bao gồm: trẻ nhỏ dưới 1 tuổi (trẻ nhũ nhi); người già trên 60 tuổi; phụ nữ mang thai; người béo phì; người có bệnh nền đi kèm như gan, tim, thận, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường hoặc đang sử dụng thuốc kháng đông.

Do đó, khi những nhóm người này đến khám bệnh sốt xuất huyết nên cho nhập viện sớm.

ThS.BS Lê Thanh Nhàn - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

9. Dấu hiệu dự báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng là gì?

Những dấu hiệu dự báo tình trạng bệnh sốt xuất huyết trở nặng là gì, thưa BS? Các dấu hiệu này thường xảy ra trong giai đoạn nào của bệnh ạ?

ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Thông thường sốt xuất huyết sẽ diễn ra với 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, từ ngày 1 đến ngày 2, bệnh nhân sốt cao liên tục (39 - 40˚), tuy nhiên giai đoạn này ít trở nặng. Giai đoạn trở nặng, bắt đầu từ ngày 3 đến ngày 7. Sau ngày 7 là giai đoạn hồi phục.

Các dấu hiệu trở nặng: bệnh nhân đau bụng, đau tức vùng gan, đau khi ấn, nôn ói nhiều (4 lần trong 1 giờ hoặc 4 lần trong 6 giờ) hoặc ói liên tục, ói dai dẳng, có dấu hiệu xuất huyết như chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, tiểu ra màu đỏ hoặc xuất huyết âm đạo đối với nữ, xuất huyết não, đột quỵ.

Ngoài ra, còn có thể hạ nhiệt độ đột ngột. Thông thường hạ nhiệt độ vào ngày thứ 7 là hồi phục nhưng nếu ngày thứ 3, bệnh nhân đang sốt cao 39 - 40˚ bị hạ nhiệt độ đột ngột, tay chân ấm và mệt lả, li bì là những dấu hiệu chuyển nặng, phải nhập viện ngay để tránh diễn biến nặng của bệnh sốt xuất huyết.

10. Triệu chứng của sốt xuất huyết dễ nhầm lần với những bệnh lý nào, làm sao để phân biệt?

Vậy, những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết bình thường thì như thế nào, thưa BS? Các triệu chứng này có khả năng nhầm lần với những bệnh lý nào và làm sao để phân biệt ạ?

ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Sốt xuất huyết gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục (39 - 40˚), khó hạ bằng thuốc hạ sốt, sau khi uống thuốc hạ sốt 3 - 4 tiếng sau lại sốt trở lại. Do, đó phải phối hợp thêm các cách như chườm ấm ở nách, bẹn hoặc lau nước ấm toàn thân.

Khi sốt xuất huyết, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau hốc mắt, nhức đầu dữ dội, phát ban, chấm tử ban (chấm xuất huyết), buồn nôn, chán ăn,…

Bệnh sốt xuất huyết do siêu vi gây ra nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm siêu vi khác như nhiễm siêu vi đường hô hấp, tay chân miệng, COVID-19.

Khi viêm đường hô hấp triệu chứng sẽ khác như đau họng, sốt, ho, sổ mũi. Nếu bị tay chân miệng sẽ có những đặc điểm như nổi bóng nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, khuỷu, đùi,… Đối với COVID-19, bệnh nhân có triệu chứng mất mùi.

Để chẩn đoán xác định, phân biệt với sốt xuất huyết với các bệnh siêu vi khác, người bệnh cần đến cơ sở y tế sớm để xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1Ag.

Đánh giá về Chuỗi chương trình trò chuyện cùng chuyên gia với chủ đề “NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ MỐI HIỂM NGUY VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHẨN ĐOÁN SỚM CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM THƯỜNG GẶP” với sự phối hợp giữa Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ, Ngành hàng chẩn đoán nhanh Abbott và Kênh Truyền thông - Tư vấn Sức khỏe AloBacsi, PGS.TS Lê Thị Anh Thư cho biết:

"Cảm ơn MC và kính thưa quý thính giả cùng tham gia chương trình phát sóng trực tiếp ngày hôm nay, kính chúc quý khán thính giả sức khỏe, hạnh phúc.

Kính thưa quý vị, lời đầu tiên cho phép tôi có đôi lời giới thiệu về Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ. Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ hiện đang quản lý mạng lưới chăm sóc sức khỏe tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 2.800 giường bệnh hoạt động trên khắp 15 bệnh viện và 7 phòng khám.

Trải qua 24 năm hoạt động, Hoàn Mỹ đã tạo dựng được uy tín vững chắc trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lấy bệnh nhân làm trung tâm, với chi phí hợp lý và chất lượng cao. Hoàn Mỹ hiện có hơn 5.500 nhân viên và đã phục vụ hơn 3,8 triệu lượt bệnh nhân khám ngoại trú mỗi năm.

Với tôn chỉ lấy người bệnh làm trung tâm, chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, tập đoàn luôn có những chương trình đồng hành cùng chính phủ và người dân để quản lý bệnh một cách tốt nhất.

Trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết và chân tay miệng hiện đang diễn biến phức tạp, hơn bao giờ hết, chúng tôi nhận thấy rằng việc đồng hành cùng với người dân, cùng hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức về mối hiểm nguy và lợi ích của việc chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm là hết sức quan trọng và cấp thiết, đặc biệt.

Vì vậy, Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ cùng Kênh Truyền thông - Tư vấn Sức khỏe AloBacsi đã phối hợp cùng Ngành hàng chẩn đoán Nhanh Abbott Việt Nam để thực hiện chuỗi chương trình trao đổi này.

Với vai trò là đại diện của Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ, tôi trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Ngành hàng chẩn đoán nhanh Abbott Việt Nam và kênh truyền thông công đồng AloBacsi, trân trọng cám ơn sự tham gia của quý thính già tử mọi miền đất nược. Tôi hy vọng chương trình sẽ mang đến những thông tin hữu ích và thú vị cho bệnh nhân và khán thính giả".

>>> Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết?

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Thị Anh Thư, ThS.BS Lê Thanh Nhàn, BS.CK1 Dư Tuấn Quy, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ Ngành hàng chẩn đoán nhanh Abbott Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X