Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết?
Trong bối cảnh dịch bệnh đua nhau hoành hành, phá vỡ những hàng rào phòng thủ và tấn công vào sức khỏe của con người. Phòng bệnh được xem là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết khi chưa có vacxin tiêm ngừa.
1. Khi bị sốt xuất huyết, giảm sốt là hết bệnh liệu có đúng?
Nhiều người thường cho rằng giảm sốt là hết bệnh, truyền dịch bị máu loãng, uống thuốc Aspirin khi bị sốt xuất huyết,... là những nhận thức sai lệch trong điều trị sốt xuất huyết dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhờ BS chia sẻ rõ hơn cho độc giả hiểu về sai lầm thường gặp trên ạ?
ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Ở bệnh sốt xuất huyết, giảm sốt là hết bệnh, quan niệm này không sai nhưng sẽ không đúng trong một số trường hợp và rất nguy hiểm, đặc biệt là trong việc giảm sốt. Như đã đề cập trước đó, nếu giảm sốt vào ngày thứ 6, thứ 7 trở đi, đó là giai đoạn hồi phục, bệnh nhân sẽ khỏe hơn, hết sốt, ăn được, ngủ được và đi tiểu nhiều hơn.
Trường hợp giảm sốt trong giai đoạn nguy hiểm, từ ngày 3 cho đến ngày 7, nhiệt độ tự nhiên giảm xuống đột ngột. Lúc này cần theo dõi những biểu hiện của người bệnh như mệt lã, ly bì, nôn nhiều hơn, tay chân thì ấm và lạnh. Những biểu hiện trên cảnh báo triệu chứng của bệnh trở nặng cần phải nhập viện sớm.
Về việc truyền dịch đã pha loãng máu, đây là một quan niệm vô căn cứ và không có cơ sở khoa học. Trong bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân thường mất nước do sốt cao, không ăn uống được, bệnh nhân có sự thoát dịch ra ngoại bào. Chính vì vậy, khi bị sốt xuất huyết bệnh nhân cần phải bù dịch, điện giải. Việc bổ sung chất bằng đường uống hay truyền dịch cần tuỳ theo giai đoạn.
Nếu chưa có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh nên bổ sung điện giải qua đường điện giải uống. Đối với trường hợp bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo cô dịch hoặc sốc do thoát dịch, cần phải nhập viện và truyền dịch ngay, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp uống Aspirin hoặc Ibuprofen, thông thường khi mắc sốt xuất huyết người bệnh thường chỉ hạ nhiệt bằng Paracetamol và liều lượng là 15mg so với trọng lượng của cơ thể. Khoảng cách giữa 2 liều phải từ 4-6 giờ và không nên hạ nhiệt bằng Aspirin và Ibuprofen do đây là nhóm thuốc chống tập kích tập tiểu cầu.
Bản thân sốt xuất huyết là do virus làm cho tiểu cầu giảm, mất chức năng đông/cầm máu. Vì vậy, khi uống Aspirin hoặc Ibuprofen sẽ khiến bệnh nhân chảy máu nhiều và trầm trọng hơn. Nguyên nhân thứ hai, Aspirin hoặc Ibuprofen có tác dụng phụ là có thể gây loét dạ dày, gây biến chứng chảy máu trên trên bệnh nhân sốt xuất huyết làm cho bệnh cảnh trở nên trầm trọng hơn.
2. Phát hiện sớm sốt xuất huyết mang lại lợi ích như thế nào?
Theo BS nhìn nhận, việc phát hiện bệnh sốt xuất huyết từ giai đoạn sớm mang lại lợi ích gì ạ? Bệnh sốt xuất huyết có điều trị tại nhà được không và nên điều trị ra sao, thưa BS?
ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Việc phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết mang lại giá trị trong điều trị, khi phát hiện bệnh sớm sẽ giúp giảm thiểu khả năng lây của người thân xung quanh cũng như trong cộng đồng. Thứ hai, khi phát hiện sớm về bệnh sốt xuất huyết, người bệnh có thể được điều trị sớm và giảm thiểu được các chuyển biến nặng của bệnh.
Sốt xuất huyết có nhiều thể, ở thể chưa đến giai đoạn cảnh báo bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Đầu tiên người bệnh cần phải theo dõi sát nhiệt độ cơ thể và hạ sốt bằng Paracetamol. Khi nhiệt độ cơ thể hạ sốt trong giai đoạn nguy hiểm từ ngày 3-7, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất và nhập viện.
Thứ hai là chế độ ăn uống, người bệnh nên ăn nhẹ và dùng những loại thức ăn lỏng. Nên chia thành nhiều bữa, ăn nhiều lần (3 bữa chính và 2 bữa phụ) và kiên những loại thức ăn có màu sậm. Thứ ba là người bệnh nên nghỉ ngơi và thư giãn, do sốt xuất huyết là một dạng bệnh nhiễm siêu vi gây đau nhức cơ và toàn thân.
Do đó, bệnh nhân cần tránh làm việc nặng, khiêng vác đồ nặng, không tập thể dục thể thao với cường độ cao, nghỉ ngơi nhiều và ngủ càng nhiều càng tốt vì khi ngủ cơ thể sẽ tái tạo lại năng lượng một cách hiệu quả nhất. Một điều quan trọng trong điều trị sốt xuất huyết tại nhà là bệnh nhân cần uống nước điện giải để bù dịch.
Trong giai đoạn chưa có dấu hiệu cảnh báo và điều trị tại nhà, người bệnh phải bổ sung nước điện giải, tốt nhất nên uống các loại nước như Oresol, Theresol, Revice, Pocari hoặc có thể uống thêm nước trái cây và nước nấu chín để nguội. Bệnh nhân có thể vệ sinh mắt, mũi, miệng bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm. Khi nhiễm trùng bội nhiễm sẽ làm nặng trên bệnh cảnh sốt xuất huyết.
3. Cần lưu ý những gì khi truyền dịch trong sốt xuất huyết?
Thưa BS, khi bị sốt xuất huyết có nên truyền dịch để nhanh khỏe hơn không ạ? Nhờ BS chỉ rõ giúp em là cần lưu ý gì khi truyền dịch trong bệnh sốt xuất huyết ạ?
ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Trong bệnh sốt xuất huyết có 3 giai đoạn, giai đoạn chưa có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh sẽ luôn có chỉ định trong bù dịch, chủ yếu xem bổ sung bằng đường gì? Ví dụ khi chưa có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh có thể bù dịch qua đường uống bằng các nước điện giải.
Nhưng khi vào giai đoạn có dấu hiệu cảnh báo, nghĩa là cảnh báo thất thoát dịch khô máu, lúc này bệnh nhân phải nhập viện và điều trị. Loại dịch và tốc độ truyền dịch như thế nàoo phải tuỳ thuộc vào chính bác sĩ chuyên khoa quy định theo đúng phát đồ điều trị. Quan niệm truyền dịch để nhpha loãng máu là một điều sai lầm.
Khi người bệnh có chỉ định truyền dịch, nghĩa là đang trong giai đoạn có dấu hiệu cảnh báo cô dịch hoặc trong giai đoạn sốc. Khi bệnh nhân nhập viện, các loại dịch và tốc độ truyền theo phát đồ phải được các bác sĩ chuyên khoa quy định và các loại dịch này thường là dung dịch điện giải Lactated Ringer, không phải truyền đường hay những loại dung dịch khác. Tốc độ truyền dịch như thế nào sẽ được các bác sĩ chuyên khoa quyết định.
4. Chủng virus EV71 có làm thay đổi nguy cơ lây lan dịch bệnh?
Tôi đọc báo thấy thông tin, gần đây phát hiện tác nhân gây bệnh tay chân miệng là chủng virus EV71. Xin hỏi BS, chủng này xuất hiện có làm thay đổi nguy cơ lây lan dịch bệnh? EV71 nguy hiểm ra sao và khác biệt thế nào so với những chủng khác, thưa BS?
BS.CKI Dư Tuấn Quy trả lời: Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng là do siêu vi trùng đường ruột, trong đó có nhóm thường hay gặp nhất gây thành đại dịch đó chính là loại Enterovirus type 71 hay thường được gọi là EV71, thứ hai là nhóm Coxsackie.
Nhóm virus EV71 đã có từ rất lâu, có những mùa dịch đã gặp chủng virus này. Ví dụ kinh khủng nhất là giai đoạn 2011-2012, sau đó là 2014-2015, 2018, 2019,… và đến nay. Có thể nói là đỉnh dịch cao nhất từ 2011-2012 đến nay, hầu như 12 năm quay lại 1 lần và rất kinh hoàng.
May mắn trong việc điều trị bệnh là đã tìm hiểu được tác nhân, đã có thuốc, có phát đồ điều trị và có nhân lực y tế đầy đủ từ tuyến Trung ương đến địa phương để có thể chăm sóc và điều trị bệnh tay chân miệng. Vì vậy, đây không phải là dạng bệnh lý đáng lo ngại.
Điều quan trọng là cần nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu có phải là của bệnh tay chân miệng hay không để có thể hướng dẫn, chăm sóc trẻ tại nhà thật tốt và biết khi nào chuyển độ để đến cơ sở y tế nhanh nhất. Biết được thời gian vàng của chuyển độ để có thể ngăn chặn kịp thời bệnh phát triển, điều này sẽ giúp các bậc phụ huynh và trẻ lướt qua được mùa dịch một cách nhẹ nhàng.
5. Tại sao khi bị sốt xuất huyết không nên ăn thực phẩm có màu đậm?
Khi bị sốt xuất huyết nên ăn uống như thế nào, thưa BS?
- Bạn em mách là uống nước dừa bỏ thêm muối để tránh bị mất nước khi bị sốt do sốt xuất huyết thì có đúng không ạ?
- Vì sao khi bị sốt xuất huyết không nên ăn các thực phẩm có màu đậm, vì kiêng kị hay lý do nào khác, thưa BS?
ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Trong bệnh sốt xuất huyết, chế độ ăn uống góp một phần rất quan trọng, bệnh nhân nên ăn nhẹ và lỏng. Việc kiêng ăn các loại thức ăn có màu đậm hay bất kỳ lý do nào khác đều là những quan niệm không đúng.
Thường người bệnh sốt xuất huyết nên tránh những dạng thức ăn có màu đỏ hoặc màu đen, ví dụ như siro dâu, củ dền, dưa hấu,... Những loại thực phẩm màu đen như cà phê, cacao, chocolate, xá xị,... Do khi sốt bệnh nhân rất dễ xuất hiện các triệu chứng nôn ói, nếu người bệnh ói ra một ít sẽ không nhận biết được là thức ăn hay do xuất huyết tiêu hóa.
Chính vì vậy, để tránh tình trạng nhầm lẫn, bệnh nhân nên hạn chế những loại thức ăn có màu đậm để bác sĩ hoặc người thân có theo dõi tình trạng bệnh một cách chính xác hơn. Thứ hai là người bệnh nên chia nhỏ những bữa ăn trong ngày, ăn thành nhiều lần và mỗi bữa nên ăn một ít. Có thể ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ hoặc nhiều lần để tránh tình trạng đầy bụng, khiến cho người bệnh dễ bị nôn ói, khi ói nhiều sẽ ói ra máu.
Ở thành phố hay những vùng tỉnh lớn, tất cả các nhà thuốc đều có bán nước bù điện giải như Oresol, Theresol, thậm chí có cả Revice, Pocari cũng là nước điện giải. Chính vì vậy, trong sốt xuất huyết khi chưa xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo, bác sĩ hay những chuyên viên chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân nên uống những loại nước điện giải.
Trừ những trường hợp, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa không có những loại nước điện giải đã đề cập ở trên mới nên uống nước dừa cho thêm một ít muối. Điều này không sai nhưng hoàn toàn không tốt như nước điện giải. Tuy nhiên khi uống nước dừa, người bệnh cần kiểm soát về vấn đề vệ sinh, tránh tình trạng chưa bắt đầu điều trị sốt xuất huyết lại gặp thêm nhiễm trùng đường ruột gây tiêu chảy.
6. Bệnh tay chân miệng có nguy cơ tái phát lại không?
Thưa BS, bé nhà em đã mắc tay chân miệng trước đó. Nay trong lớp cháu lại có một số bạn mắc căn bệnh này. Vậy bé nhà em có nguy cơ tái phát bệnh không? Làm sao để bảo vệ con khi đi học trong thời điểm nhiều dịch bệnh như hiện nay, thưa BS?
BS.CKI Dư Tuấn Quy trả lời: Trong trường hợp này, trẻ vẫn sẽ mắc lại bệnh. Phụ huynh nên nhớ tay chân miệng có thể sẽ tái đi tái lại nhiều lần, bệnh không chỉ mắc phải một lần trong đời. Vì vậy, nếu muốn trẻ không bị tay chân miệng, như lời ông bà xưa thường nói, phụ huynh cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Để phòng bệnh tay chân miệng phụ huynh cần nhắc nhỡ trẻ rửa tay thật sạch, nên mang khẩu trang và giữ khoảng cách. Luôn giữ gìn đồ chơi của trẻ thật sạch và khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, phụ huynh cần biết khử khuẩn, lau sàn nhà thật sạch. Những loại đồ chơi mà trẻ thường tiếp xúc phải được vệ sinh thật sạch và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Khi phụ huynh đi làm hoặc đi ra ngoài về nhà, cần phải nhớ một điều là tắm rửa, vệ sinh tay đầy đủ, sau đó mới có thể tiếp xúc gần với con của mình, đây cũng là một cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ.
7. Việc xét nghiệm máu có giúp phân biệt được sốt siêu vi hay sốt xuất huyết?
Xin hỏi BS, xét nghiệm máu có phân biệt được sốt siêu vi hay sốt xuất huyết không? Vì sao khi bị sốt xuất huyết, chúng ta thường phải kiểm tra, xét nghiệm máu, tái khám mỗi ngày ạ?
ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu, khi xét nghiệm rất dễ bị nhầm với một loại bệnh do virus siêu vi gây ra và các bệnh ly siêu vi khác. Việc xét nghiệm máu giúp phát hiện được bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn sớm.
Một loại xét nghiệm được gọi là Dengue NS1 Ag, phát hiện được kháng nguyên của sốt xuất huyết, sẽ cho kết quả dương tính mạnh trong vòng 1-3 ngày đầu, thậm chí có thể dương tính đến ngày 5. Những công trình nghiên cứu về sau còn cho thấy xét nghiệm Dengue NS1 Ag có thể cho kết quả dương tính đến ngày 7. Loại kháng nguyên này có độ nhạy và độ chuyên rất cao, trên 90%. Chính vì vậy, nếu cảm thấy sốt ngày 1-2 và nghi ngờ là sốt xuất huyết, có thể đến một cơ sở Y tế bất kỳ thực hiện xét nghiệm để có thể phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm.
Trong sốt xuất huyết, dù có theo dõi tại nhà, dù cho bệnh nhân được được bác sĩ cho toa thuốc và chỉ định điều trị tại nhà hay nằm viện, tối thiểu mỗi ngày người bệnh đều phải xét nghiệm máu một lần.
Sốt xuất huyết là một bệnh lý toàn thân, sẽ là một dạng diễn tiến động, do đó mức độ thay đổi về huyết học hay về mức độ cô máu sẽ diễn tiến hàng ngày, thậm chí là hàng giờ đối với những trường hợp ở giai đoạn nặng. Vì vậy, bệnh nhân cần được xét nghiệm máu hàng ngày để theo dõi về mức độ cô máu, sớm bù dịch hoặc xúcv giảm tiểu cầu để có thể truyền tiểu cầu kịp thời.
8. Làm thế nào để nhận biết trẻ đã khỏi bệnh tay chân miệng hoàn toàn?
Nhờ BS tư vấn thêm giúp em, trẻ bị tay chân miệng, làm sao để biết bé đã khỏi bệnh hoàn toàn hay chưa? Khi nào thì nên cho bé đi học lại ạ?
BS.CKI Dư Tuấn Quy trả lời: Khi được chẩn đoán mắc tay chân miệng, thường ở trẻ sẽ có biểu hiện sốt, phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở gối, mông, ở khuỷu hồ loét trong miệng. Phụ huynh sẽ thấy con mình được hồi phục dần dần và diễn tiến của bệnh từng ngày thay đổi.
Ví dụ trẻ sẽ không còn sốt, thứ hai là vết loét trong miệng hồi phục dần và ăn uống tốt hơn. Những điểm ban trên miệng trẻ sẽ dần nhạt màu, khô hơn và đặc biệt không để lại sẹo cho trẻ. Theo quan sát, trong vòng 10 ngày, trẻ sẽ được hồi phụ hoàn toàn và khi hết ngày thứ 10 phụ huynh có thể cho trẻ đi học lại. Đây là một trong những phát đồ của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới cũng như của Việt Nam đã quy định về điều trị tay chân miệng. Do đó, phụ huynh nên an tâm về vấn đề này.
9. Phụ nữ mang thai mắc bệnh sốt xuất huyết có phải chấm dứt thai kỳ không?
Thưa BS, mẹ bầu bị sốt xuất huyết, những nguy cơ nào có thể xảy ra? Mắc sốt xuất huyết có phải chấm dứt thai kỳ không ạ, nguy cơ dị tật thai nhi khi mắc bệnh ra sao, thưa BS?
ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong giai đoạn mang thai, không có chỉ định chấm dứt thai kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một công trình nghiên cứu nào cho thấy có gây dị tật ở thai nhi khi ở trong người mẹ mắc bệnh sốt xuất huyết.
Những biến chứng có thể xảy ra ở phụ nữ có thai là sinh non nếu thai lớn hoặc sẩy thai với thai nhỏ, do đó bạn nên yên tâm về vấn đề này. Khi mang thai, nếu phát hiện mắc sốt xuất huyết nên nhập viện sớm để các bác sĩ chuyên khoa chăm sóc cho mẹ bầu và thai nhi tốt hơn.
10. Làm thế nào để phát hiện tay chân miệng sớm sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh?
Thời gian ủ bệnh của tay chân miệng là bao lâu, thưa BS? Làm thế nào để phát hiện tay chân miệng sớm sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh, thưa BS?
BS.CKI Dư Tuấn Quy trả lời: Thông thường, thời gian ủ bệnh của tay chân miệng khoảng một tuần, nghĩa là từ 2-7 ngày. Phụ huynh cần lưu ý và quan tâm đến môi trường học tập của trẻ, đã có bạn nào mắc bệnh tay chân miệng hoặc hàng xóm cạnh nhà có bé nào mắc bệnh hay không. Nếu trẻ lỡ tiếp xúc với những trường hợp mắc bệnh, phụ huynh nên theo dõi con mình mỗi ngày.
Cần kiểm tra nhiệt độ thường xuyên và xem trên cơ thể trẻ có nổi gì bất thường không. Đặc biệt, những cô giáo bảo mẫu cũng sẽ quan tâm đến các biểu hiện sức khỏe hàng ngày khi trẻ đến trường và báo ngay cho phụ huynh nếu phát hiện những triệu chứng bất thường. Điều này cũng giúp cho phụ huynh phát hiện sớm bệnh tay chân miệng và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
11. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết giữa người lớn và trẻ em thì có gì khác nhau?
Em và bé nhà em 3 tuổi đều bị sốt xuất huyết trong cùng thời điểm. Bác sĩ cho em hỏi, dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết diễn tiến nặng giữa người lớn và trẻ em thì có gì khác nhau ạ?
ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Thông thường, các diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn sẽ khác so với ở trẻ em. Sốt xuất huyết ở người lớn sẽ có những triệu chứng rầm rộ hơn, sốt kéo dài từ 6-7 ngày. Ở người lớn sẽ có những triệu chứng nổi bật như tiêu chảy hoặc bệnh nhân xuất huyết nhiều và tiểu cầu giảm nhanh hơn.
Ở trẻ em, các triệu chứng sẽ biểu hiện kính đáo do trẻ còn nhỏ, chưa biết chia sẻ hoặc diễn đạt các triệu chứng mà mình gặp phải. Do đó, phụ huynh cần chú ý hơn đối với sốt xuất huyết ở trẻ. Trẻ khi mắc bệnh thường sẽ sốt cao, mệt mỏi, ngủ ly bì, bỏ bú, tiểu ít, đay là những dấu hiệu trở nặng cần phải chú ý.
12. Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, cần chủ động làm gì?
Sốt xuất huyết và tay chân miệng cùng nhau bùng phát. Xin hỏi các chuyên gia, để phòng ngừa các bệnh này, chúng ta cần chủ động làm những gì ạ?
BS.CKI Dư Tuấn Quy trả lời: Như đã chia sẻ, để phòng bệnh tay chân miệng một cách hiệu quả, phụ huynh cần cho trẻ vệ sinh tay thật sạch. Khi đi học các cô giáo sẽ luôn dạy cho trẻ phải vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với bất kỳ một vật dụng nào khác dính bẩn. Việc vệ sinh tay chính là vấn đề hàng đầu để trẻ phòng bệnh tay chân miệng.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần nhớ một điều quan trọng là phải vệ sinh môi trường xung quanh thật sạch sẽ và khô thoáng để không những phòng ngừa bệnh tay chân miệng mà còn tránh những tác nhân gây hại từ các bệnh lý nhiễm trùng khác.
ThS.BS Lê Thanh Nhàn trả lời: Để phòng bệnh sốt xuất huyết, có 2 cách phòng bệnh hiệu quả. Đầu tiên là đối phó với muỗi, nên ngủ màng ở những nơi có nhiều cây cối xung quanh hoặc bệnh nhân đang mắc bệnh sốt xuất huyết cần ngủ màng để tránh muỗi đốt và lây truyền cho người thân trong gia đình. Khi đi du lịch hay đến những nên rậm rạp, u tối nên bôi thuốc hoặc dùng xịt chống muỗi.
Thứ hai là đối phó với loăng quăng, đậy nắp những dụng cụ chứa nước như lu, vại,... để tránh muỗi sinh soi. Thay nước thường xuyên những vật dụng chứa nước trong nhà như bình bông trên bàn thờ. Ngoài ra, nên dọn dẹp môi trường sống xung quanh.
Để đảm bảo việc phun thuốc diệt muỗi có hiệu quả, nên tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch, đồng thời thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng cùng một lúc để tiêu diệt triệt để ổ muỗi tại khu dân cư.
Nếu hộ gia đình chỉ phun thuốc diệt muỗi ở một diện tích trong nhà mà không phun hết, hoặc trong cùng một khu vực, có hộ phun thuốc, có hộ không phun, vẫn có thể xảy ra trường hợp đàn muỗi bay từ nhà này sang nhà khác, khiến việc phun thuốc diệt muỗi kém hiệu quả.
>>> Nhận biết dấu hiệu để phân biệt tay chân miệng và sốt xuất huyết
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Thị Anh Thư, ThS.BS Lê Thanh Nhàn, BS.CK1 Dư Tuấn Quy, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ và Ngành hàng chẩn đoán nhanh Abbott Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình