Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ chảy máu cam khi thời tiết nắng nóng

Nếu chảy máu cam ở một bên mũi và tự cầm, thông thường là lành tính. Tuy nhiên, chảy máu cam cùng lúc ở bên 2 mũi là bất thường, cần đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân.

1. Nguyên nhân gây chảy máu cam là gì?

Thưa BS, những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chảy máu cam gia tăng khi thời tiết nắng nóng ạ? Do “nóng trong người” hay dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trời lạnh quá cũng có thể chảy máu cam, không riêng trời nóng. Khi chảy máu cam đừng vội nghĩ là do thời tiết. Đầu tiên, đặc biệt người lớn nên đo huyết áp vì khi huyết áp cao sẽ gây bể mạch máu. May mắn chảy máu cam là vỡ mạch máu ở mũi, nếu vỡ mạch máu trong não sẽ không thể nhận biết được.

Nếu không bị huyết áp thì nghĩ đến nguyên nhân ở mũi là do mạch bị vỡ. Thời tiết nóng hoặc lạnh sẽ làm khô mũi, khi gãi, dụi mũi làm trầy xước, dẫn đến chảy máu.

2. Vì sao bị chảy máu cam tái đi tái lại nhiều lần?

Thậm chí nhiều người còn bị chảy máu cam tái đi tái lại nhiều lần, chủ yếu là do đâu ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị chảy máu cam phải xem ở 1 hay 2 bên mũi. Nếu cùng lúc chảy ở 2 bên mũi là bất thường, cần đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân.

Nếu chảy máu cam ở 1 bên mũi và tự cầm là chảy máu cam lành tính, trường hợp không liên quan đến bệnh của cơ thể thì thông thường là do điểm mạch. Cơ thể một số người điểm mạch hơi nhạy, dễ chảy máu; trẻ hoặc người lớn có thói quen móc mũi; người viêm mũi xụt xịt, dụi mũi nhiều sẽ dễ trầy hơn,… Lưu ý, với người lớn phải đo huyết áp.

3. Cách xử trí đúng khi bị chảy máu cam

Nhờ BS hướng dẫn xử trí đúng cách khi bị chảy máu cam ạ!

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị chảy máu cam phải hết sức bình tĩnh, bịt mũi lại và ngồi cuối đầu phía trước. Cần bịt mũi từ 3 - 7 phút, nếu chỉ bịt mũi thời gian ngắn sẽ không đủ áp lực để làm nghẹt mũi và cầm máu.

Một số trường hợp chưa bịt mũi mà nằm ngửa ra máu sẽ chảy vào trong và gây ói. Sau khi bịt mũi xong, người bệnh có thể nằm ngửa nếu cảm thấy khó chịu. Chỉ trường hợp bệnh về máu như bệnh lý huyết học mới chảy máu liên tục, không tự cầm được, khi đó người bệnh cần đi khám.

4. Đâu là những sai lầm cần tránh khi sơ cứu chảy máu cam?

Và đâu là những sai lầm cần tránh khi sơ cứu chảy máu cam, thưa BS? Nhiều người có thói quen bịt mũi, nhét mũi bằng khăn giấy, ngửa đầu ra đằng sau khi bị chảy máu cam. Theo BS, điều này có nên không và vì sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, sai lầm thường gặp là nằm ngửa ra mà không bịt mũi. Chúng ta thường cho rằng khi nằm ngửa máu sẽ dồn lại và không chảy nữa nhưng thật ra máu sẽ chảy ngược vào trong đường ruột, nếu nhiều sẽ gây ói.

Thứ hai, bịt mũi đủ chặt sẽ giúp cầm máu. Việc nhét giấy, chỉ làm ngấm máu vào giấy chứ không tạo thành áp lực, chỉ bác sĩ mới biết cách và vùng cần nhét giấy phù hợp.

5. Có phải nhỏ nước muối sinh lý sẽ ngừa chảy máu cam?

Một số khác lại cho rằng thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý có thể làm ẩm niêm mạc mũi, tránh khô mũi, ngừa chảy máu cam. Thực hư điều này như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này không hiệu quả. Nếu môi trường quá lạnh chúng ta phải giữ cho mũi không hít không khí lạnh trực tiếp vào. Khi trời nắng nóng phải uống đủ nước, lúc đó niêm mạc sẽ ẩm. Chỉ nhỏ mũi khi bị nghẹt mũi, bình thường không có chuyện nhỏ mũi để không chảy máu cam.

6. Cần chú ý gì để tăng cường sức khỏe trong mùa nắng nóng?

Nắng nóng như hiện nay, tình trạng chảy máu cam cũng khiến nhiều người lo lắng.

- Xin hỏi BS, để tăng cường sức khỏe trong mùa nắng nóng, cần chú ý những gì, ăn uống ra sao?

- Vệ sinh mũi trong mùa nắng nóng nên thực hiện như thế nào ạ? Các bước vệ sinh mũi cụ thể ra sao và nên lựa chọn thành phần nào để rửa mũi đúng cách ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời tiết nắng nóng sẽ ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, dễ mất nước. Vì vậy, cần cố gắng uống đủ nước; ngủ trong môi trường mát để đủ giấc; ăn trong môi trường thoáng mát, đủ canh, rau,…

Khi ăn uống, ngủ đủ giấc và tập luyện nhẹ nhàng sẽ giúp tăng sức đề kháng. Lưu ý, tập luyện trong thời tiết thuận lợi và luôn đem đủ nước.

7. Sử dụng điều hòa/máy lạnh trong mùa nắng nóng cần chú ý những gì?

Sử dụng điều hòa/máy lạnh trong mùa nắng nóng cần chú ý những gì để tránh ảnh hưởng đến mũi, đường thở của chúng ta ạ?

- Theo BS, chúng ta có nên sử dụng máy tạo độ ẩm khi thời tiết nắng nóng như hiện nay? Nếu có thì nên sử dụng sao để tránh ảnh hưởng sức khỏe?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ở các nước nhiệt đới nên sử dụng máy lạnh khoảng 26 - 27˚C và không nên nằm ngay luồng gió thổi. Nếu muốn mát có thể sử dụng quạt để luân chuyển không khí lạnh đều trong phòng.

Lưu ý, phải bảo đảm máy lạnh được sạch, vệ sinh máy lạnh thường xuyên. Độ ẩm tốt cho đường hô hấp từ 40 - 60%, nếu nhiều độ ẩm sẽ dễ gây bệnh vì không khí ngộp và nếu quá loãng sẽ gây khô. Nên mua thiết bị đo độ ẩm để điều chỉnh độ ẩm phù hợp, đặc biệt là miền Bắc độ ẩm rất cao.

8. Chảy máu cam, khi nào cần đi khám?

Chảy máu cam, trường hợp nào cần phải đi khám, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi đến nơi khói bụi, quá khô phải mang khẩu trang; khi ở ngoài đường về hoặc đang bị ho, sổ mũi có thể súc họng và nhỏ mũi. Trường hợp chảy máu cam tái đi tái lại và đo huyết áp cao phải đi khám để an toàn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X