Nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi thời tiết nắng nóng
Nhiều cảnh báo đã được đưa ra cho thấy, nắng nóng năm nay có thể đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Các kỷ lục nhiệt độ có thể được xác lập trong bối cảnh thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt. Trước bối cảnh đó, chúng ta cần làm gì để bảo vệ cơ thể, đặc biệt là sức khỏe trẻ em?
1. Với tình hình nắng nóng hiện tại, dịch bệnh năm nay sẽ theo chiều hướng nào?
Nắng nóng khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ đổ bệnh. Với những cảnh báo về kỳ nắng nóng sắp tới, BS nhận định các dịch bệnh năm nay sẽ theo chiều hướng nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Năm nay có thể chúng ta sẽ đón một mùa nắng nóng nhiều hơn vì đầu mùa nắng đã rất gắt. Khi nắng nóng trẻ sẽ dễ bệnh hơn nên phụ huynh cần chú ý đến trẻ.
2. Thời tiết nắng nóng sẽ dễ mắc các bệnh gì?
Nắng nóng có mối liên hệ với các dịch bệnh nào, thưa BS? Và các bệnh lý nào sẽ “rình rập” chúng ta nếu nhiệt độ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, khi thời tiết nắng nóng sẽ có 3 nhóm bệnh là virus đường ruột, virus hô hấp và sốt siêu vi. Nguyên nhân chính, do thời tiết nắng xen kẽ với mưa dẫn đến muỗi nhiều gây sốt siêu vi. Khi nắng nóng thức ăn không được bảo quản tốt như trời mát, dẫn đến dễ hư và gây bệnh đường ruột. Cùng với đó là sức đề kháng của bé sẽ giảm xuống do ăn không được, ngủ không được dẫn đến mất nước và nhiễm siêu vi, đặc biệt là suy hô hấp và lây lan cho người khác.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý như thủy đậu khoảng tháng 5, tháng 6 sẽ bùng phát. Hoặc quai bị, sởi,… khi đến mùa nắng nóng sẽ có khuynh hướng tăng cao và lây lan nhiều hơn.
3. Cần làm gì để đối phó với thời tiết nắng nóng?
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đứng trước cảnh báo về mùa nắng nóng sẽ được thiết lập với các nền nhiệt kỷ lục, chúng ta cần chuẩn bị những gì để đối phó, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để chuẩn bị, cần tìm hiểu mùa nắng nóng có những bệnh nào và bệnh đó có vắc xin hay không? Ví dụ, cúm không chỉ xuất hiện khi trời lạnh mà miền Nam thời tiết nóng ẩm cũng gây cúm; Bệnh theo mùa như thủy đậu, sởi, quai bị, rubella cũng cần tiêm ngừa. Bên cạnh đó, nên tiêm ngừa các bệnh cơ bản như 5 trong 1, 6 trong 1, viêm não Nhật Bản, hoàn thành các mũi tiêm trong sổ tiêm ngừa.
Để em bé ăn, ngủ trong môi trường mát sẽ giúp trẻ ăn nhiều hơn và ngủ ngon hơn. Đặc biệt, tập thói quen uống đủ nước, thức ăn phải có nước. Trẻ thường không cảm nhận được thời tiết nắng nóng mà sinh hoạt cả ngày ngoài trời nắng nóng. Vì vậy, phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ khi đi ra ngoài trong thời tiết nắng mưa thất thường để phòng tránh sốc nhiệt.
Khi trời nóng, trẻ có khuynh hướng tự làm người mát. Nếu tắm, ở hồ bơi quá lâu hoặc để trẻ nằm đầu hướng về phía quạt máy, máy lạnh để ngủ sẽ có thể làm trẻ mắc bệnh.
4. Lưu ý khi sử dụng quạt mát, máy lạnh trong thời tiết nắng nóng?
Sử dụng quạt mát, máy lạnh trong thời tiết nắng nóng, để tránh đổ bệnh cần lưu ý những gì, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhiệt phải được cân bằng, thích nghi dần dần. Nếu thời tiết đang nóng, đột ngột vào nơi lạnh hoặc ngồi trước quạt hoặc tắm khi chưa ráo mồ hôi sẽ làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, dẫn đến giảm sức đề kháng và gây nhiễm siêu vi có sẵn trong cơ thể hoặc từ những người xung quanh.
5. Nên bổ sung nước và chế độ ăn như thế nào khi thời tiết nắng nóng?
Bổ sung nước, ăn uống trong dịp này như thế nào để tăng cường sức đề kháng? Trẻ ít chịu uống nước, có cách nào để khắc phục điều này không thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không nên đợi khát mới uống nước. Nếu làm trong môi trường nóng phải có thói quen đặt ly nước hoặc chai nước trước mặt để uống thường xuyên.
Trẻ em phải được hướng dẫn để biết một ngày nên uống hết bao nhiêu nước. Không cần thiết để trẻ uống hết một lần, nên chia đều ra. Khi đi xa về tốt nhất là uống một ly nước ấm, sau đó mới uống nước mát, việc uống nước lạnh ngay có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.
6. Cách chăm sóc vùng mũi họng trong tiết nắng nóng
Mùa nắng nóng, mũi họng thường xuyên bị khô, rát gây khó chịu. Nhờ BS hướng dẫn cách chăm sóc các cơ quan này trong mùa nắng nóng sắp đến ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Uống đủ nước (nước ấm, nước mát,…) để không bị khô, rát gây khó chịu vùng mũi họng. Người có bệnh lý về đường hô hấp nên nhỏ mũi bằng nước sinh lý hoặc súc họng. Quan trọng nhất là đảm bảo cơ thể được đủ nước, họng sẽ đủ nước.
7. Chăm sóc mắt như thế nào sau khi ở ngoài đường về nhà?
Mắt cũng dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng làm gia tăng ô nhiễm môi trường, khói bụi. Với trẻ em, nên chăm sóc mắt như thế nào? Làm sạch mắt sau khi ở ngoài đường về nhà ra sao, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, nếu đi ra ngoài về mà không cảm thấy khó chịu gì không cần làm gì đối với đôi mắt. Trường hợp thấy khó chịu, có thể nhỏ nước muối sinh lý. Tuy nhiên, khi đi ra ngoài nên mang kính để mắt dễ chịu hơn.
8. Chăm sóc da khi thời tiết nắng nóng cần lưu ý gì?
Chăm sóc da người lớn và trẻ em trong mùa nắng nóng cần chú ý những gì ạ? Dưỡng ẩm cho da trẻ trong mùa này để đề phòng các bệnh lý về da ra sao, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mùa nắng nóng, da thường nổi sẩy, ngứa, nhiễm trùng hoặc bé có cơ địa dị ứng, sẩy sẽ nổi nhiều hơn. Nguyên nhân nổi rơm sẩy do mùa nắng nóng mồ hôi ra nhiều dẫn đến tắc tuyến mồ hôi. Nên mặc quần áo hút ẩm, đối với trẻ phải lau các vùng ra nhiều mồ hôi thường xuyên, khi trẻ nóng quá nên đưa đến môi trường mát hơn để giảm các bệnh lý rôm sẩy, nhiễm trùng da.
9. Cần tiêm các loại vắc xin nào cho trẻ em và người lớn trong mùa nắng nóng?
Đối với cả trẻ em và người lớn, các loại vắc xin cần phải tiêm đủ gồm những gì?
- Tiêm vắc xin đầy đủ sẽ mang lại những lợi ích nào trong bối cảnh các dịch bệnh có khả năng gia tăng do nắng nóng gay gắt, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cần lưu ý tiêm các vắc xin cơ bản như 5 trong 1, 6 trong 1, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, phế cầu, thủy đậu, rubella, viêm não Nhật Bản,… tiên nhắc lại. Người có cơ địa đặc biệt nên tiêm cúm hằng năm.
10. Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa trong mùa nắng nóng ra sao?
Để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa trong mùa nắng nóng. Chúng ta cần chú ý các vấn đề nào ngay từ bây giờ ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mùa nắng nóng, thức ăn bảo quản rất nhanh hư. Thức ăn tại nhà, nếu ăn không hết phải được bảo quản tốt, không để bên ngoài quá lâu, nên bảo quản trong tủ lạnh hoặc hâm lại. Đồ ăn, thức uống bên ngoài phải đảm bảo sạch, nếu không thì không nên ăn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình