Hotline 24/7
08983-08983

Người lao động nặng, hoạt động thể lực cao, làm sao để đủ chất cho cơ thể?

Các chất, thực phẩm sử dụng trong ngày phải đa dạng - cân đối, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo hàm lượng, cũng như tính phong phú, đa dạng của vitamin và khoáng chất. Nếu có nhân sâm, linh chi, tỏi đen,… hỗ trợ thêm sẽ rất tốt để bồi bổ cơ thể, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại bệnh tật. Đây là những lưu ý được TS.BS Lê Văn Nhân nêu bật trong bài viết dưới đây.

1. Ngành nghề nào được xếp vào nhóm công việc nặng nhọc?

Hằng ngày, hằng giờ chúng ta phải cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng để có thể tồn tại và hoạt động. Tuy nhiên có một số nhóm đối tượng tiêu hao năng lượng nhiều hơn, cần được bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng nhiều hơn. Thưa BS, những nhóm ngành nghề nào được xếp vào nhóm công việc nặng nhọc ạ?

TS.BS Lê Văn Nhân trả lời: Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều quan tâm đến nhà lao động. Bởi vì khi sức khỏe người lao động không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sức khỏe người lao động trong tương lai, thậm chí có thể xảy ra tai nạn lao động.

Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Nếu chế độ dinh dưỡng không đủ sẽ làm năng suất lao động giảm từ 10 - 20% và tai nạn lao động xảy ra với tần suất cao hơn. Trong tương lai, sức khỏe của người lao động sẽ không đảm bảo để thực hiện công việc.

Để cung cấp dinh dưỡng tốt cho người lao động phải phù hợp với công việc đang đảm nhiệm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản quy định những ngành nghề được xếp vào nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm 3 nhóm là nhóm 4, nhóm 5 và nhóm 6 (ngành lao động rất đặc biệt, cực kỳ nặng nhọc, độc hại). Ví dụ:

- Nghề khai khoáng: Những người khai thác mỏ trực tiếp dưới hầm được xếp vào nhóm 6 là nhóm rất độc hại, nặng nhọc và nguy hiểm.

- Công nhân xây dựng ở những công trình không quá nặng nhọc sẽ xếp vào nhóm 5, ngược lại các công trình lớn, cao tầng sẽ xếp vào nhóm 6.

- Tài xế lái xe đường dài, số ghế ngồi nhiều (từ 40 - 50 ghế) sẽ xếp vào nhóm 6, nếu số ghế ngồi ít hơn sẽ xếp vào nhóm 5 hoặc nhóm 4.

- Công binh, bộ đội biên phòng những vùng núi xa, hải đảo được xếp vào nhóm 6.

- Những người làm việc nhà, nội trợ trước đây được xem là lao động nhẹ nhưng qua các nghiên cứu cho thấy đây là nhóm lao động nặng cần được chú ý nhiều hơn để cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ.

Ngoài ra, cách xếp các nhóm còn dựa vào mức độ tiêu hao năng lượng trong một ngày của người lao động.

2. Chế độ dinh dưỡng dành cho những nhóm nghề đặc biệt như thế nào?

Nhờ BS chia sẻ cụ thể cho các khán giả, với những nhóm nghề đặc biệt thì dinh dưỡng như thế nào sẽ phù hợp?

TS.BS Lê Văn Nhân trả lời: Bất kỳ ai cũng cần năng lượng chuyển hóa cơ bản để duy trì sự sống còn của cơ thể. Năng lượng chuyển hóa cơ bản là mức tối thiểu để duy trì hoạt động các cơ quan, để tim đủ sức đập, não và các cơ quan vẫn làm việc được khi nghỉ ngơi, thư giãn.

Ngoài ra còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề, người cân nặng lớn hơn sẽ cần năng lượng nhiều hơn; trẻ con mới lớn hay người trưởng thành sẽ cần năng lượng nhiều hơn người lớn tuổi; chuyển hóa cơ bản của nam giới nhiều hơn nữ giới. Trung bình năng lượng chuyển hóa cơ bản ở nữ dao động từ 2.000 - 2.300 kcal và ở nam là từ 2.300 - 2.800 kcal. Số năng lượng cần thiết cho lao động trong ngày bằng năng lượng chuyển hóa cơ bản nhân với hệ số (hệ số phụ thuốc vào mức độ lao động):

- Mức độ nhẹ sẽ nhân với 1,1 - 1,2

- Mức độ vừa sẽ nhân 1,3 - 1,4

- Mức độ nặng nhân 1,5 - 1,7

- Mức độ rất nặng có thể nhân 1,8 thậm chí gấp đôi.

Chúng ta thấy rằng, nếu lao động rất nặng số kcal trong 1 ngày sẽ từ 3.600 - 4.000, nếu lao động nặng sẽ dao động từ 3.400 - 3.600 kcal/ngày, lao động mức độ vừa sẽ dao động từ 3.000 – 3.200 kcal/ngày.

Cách tính này giúp xem xét mức độ calo cần thiết trong 1 ngày của người lao động. Trong bản quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở nước ta và các nước trên thế giới, người lao động thuộc ngành nghề đặc biệt độc hại, nguy hiểm tùy theo mức độ (mức 6, mức 5, mức 4) sẽ có quy định bồi dưỡng bằng hiện vật, bữa ăn trong ca hoặc chế độ ăn ngoài ca để đảm bảo kcal cho người lao động. Vì nếu không cung cấp đủ calo năng suất của người lao động sẽ giảm từ 10 - 20%, chưa kể có thể gây ra tai nạn lao động do không đủ tỉnh táo và năng lực.

3. Có nên bổ sung viên tăng lực cho nhóm lao động nặng không?

Đối với nhiều người lao động, đặc biệt là lao động nặng nhọc việc đáp ứng nhu cầu qua một bữa ăn không phải lúc nào cũng được thực hiện bài bản như chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn. Đôi khi sẽ ăn sáng qua loa vì không có thời gian, ăn trưa ở hàng quán và ăn tối trễ thậm chí không cân bằng về mặt dinh dưỡng trong khi năng lượng cần thiết cho cơ thể phải nhiều hơn và đặc biệt hơn. Bên cạnh vấn đề dinh dưỡng cần chú ý thì có thể bồi bổ, cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể bằng viên tăng lực được không thưa BS?

TS.BS Lê Văn Nhân trả lời: Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người lao động nói chung, đầu tiên phải đảm bảo khẩu phần ăn cân đối, đa dạng và đầy đủ. Trong bữa ăn phải có đủ 4 nhóm (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất) theo tỷ lệ nhất định.

Theo khuyến cáo của các nhà dinh dưỡng học, để đảm bảo mức độ dinh dưỡng cũng như thành phần phải đáp ứng tỷ lệ:

- Về mặt năng lượng, chất đạm phải đảm bảo từ 10 - 15%. Trong đó 50% chất đạm từ động vật và 50% chất đạm từ thực vật.

- Chất béo dao động từ 20 - 25%

- Chất bổ đường dao động từ 50 - 60%

Trong bữa ăn có 3 bữa chính (sáng, trưa, tối) và 3 bữa phụ. Bữa sáng là bữa quan trọng nhất, các nhà dinh dưỡng khuyến cáo, bữa sáng nên cung cấp khoảng 50% năng lượng trong một ngày. Vì cơ thể cần năng lượng đầy đủ và đa dạng để đảm bảo bắt đầu một ngày làm việc sau khi trải qua một đêm và tiêu hao gần hết năng lượng.

Nên lựa chọn thực phẩm dễ tìm, đa dạng, đảm bảo tiêu chí tối thiểu về mặt dinh dưỡng cho người lao động và hợp lý về mặt giá cả (vừa túi tiền, đúng giá của sản phẩm). Khi chọn trái cây, rau củ quả để đảm bảo về nguồn vitamin và khoáng chất cho người lao động nên chọn các loại theo mùa để giá cả hợp lý mà vẫn đảm bảo năng lượng, chất cần thiết trong đó. Ví dụ:

- Chuối là một loại trái cây có giá cả hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, phong phú và dễ tìm, mùa nào cũng có.

- Chọn rau củ quả miền nhiệt đới, phong phú ở Việt Nam.

- Chất đạm có giá cả tương đối hợp lý như trứng, thịt, cá.

Tuy nhiên, một số người lao động chọn thực phẩm dựa vào túi tiền, thu nhập nên đôi khi không đảm bảo về mặt năng lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, chất dinh dưỡng trong thực phẩm sẽ không an toàn, gây trở ngại trong việc hấp thu, thậm chí gây ra một số bệnh trong đường tiêu hóa.

4. Những người chơi thể thao, tập thể dục nhiều cần năng lượng ra sao?

Những người chơi thể thao, tập thể dục nhiều năng lượng sẽ tiêu hao nhiều và cần nạp năng lượng nhiều hơn. Vậy khi tập luyện nhiều cơ thể sẽ cần năng lượng như thế nào thưa BS?

TS.BS Lê Văn Nhân trả lời: Vận động viên chuyên nghiệp như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội được xem là một nghề và xếp vào nhóm lao động rất nặng vì mức độ tiêu hao nhanh gấp đôi, thậm chí hơn. Trong quá trình lao động nặng không chỉ tiêu hao về mặt chất đạm, chất béo, chất bột đường mà còn tiêu hao vitamin và khoáng chất.

Vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) và khoáng chất (kẽm, đồng, selen) tham gia vào các chuỗi chuyển hóa chất trong cơ thể của người lao động như chất chất béo, chất bột đường, chất đạm. Các nhà nghiên cứu về dinh dưỡng học nhận thấy, ở người lao động nặng và rất nặng bị hao hụt vitamin và khoáng chất rất lớn, bên cạnh đó khi bổ sung thường thiếu nhóm vitamin và khoáng chất. Có thể do thực phẩm cung cấp không đủ chất lượng, sử dụng hóa chất nhiều, sơ chế không đúng cách dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và khoáng chất.

Việc bổ sung các viên uống trong trường hợp này khá quan trọng. Một số viên tăng lực có bổ sung nhân sâm, linh chi, tỏi đen là các chất giúp phục hồi và bổi bổ sức khỏe, giảm căng thẳng, mệt mỏi và ăn uống ngon miệng, hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn, từ đó chuyển hóa các chất trong cơ thể tốt hơn. Đây là việc rất cần thiết để giúp cơ thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường và sung mãn nhất.

5. Viên uống tăng lực nên bổ sung như thế nào?

Như BS đã chia sẻ thì có nên bổ sung các viên uống tăng lực thường xuyên hay không hay như thế nào sẽ là hợp lý nhất ạ?

TS.BS Lê Văn Nhân trả lời: Khi nói về bổ sung các chất hỗ trợ dinh dưỡng, chuyển hóa như vitamin, khoáng chất và một số chất chuyển hóa khác được chia thành 2 nhóm:

- Hỗ trợ việc điều trị: Trong một số trường hợp người lao động đang bị bệnh cần phục hồi sức khỏe hay đang suy nhược cơ thể cần giúp cơ thể trở lại trạng thái bình thường, lúc này việc bổ sung các vitamin (vitamin nhóm B) và khoáng chất (đồng, kẽm, magie, mangan) cần hàm lượng cao.

- Hỗ trợ sinh lý: Hỗ trợ hàm lượng đầy đủ mỗi ngày cho người lao động theo nhu cầu như lao động nặng, lao động rất nặng, lao động vừa. Với mức độ sinh lý, thường khuyến cáo người lao động sử dụng 1 viên/ngày sẽ không ảnh hưởng về sức khỏe hay dư thừa các chất. Đối với người lao động nặng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, tùy trường hợp có thể sử dụng 1 - 2 viên/ngày.

6. Nhân sâm, linh chi hỗ trợ thế nào với gười hoạt động thể lực cao?

Đối với những người chơi thể thao, tập thể dục, hoạt động thể lực cao thì nhân sâm, linh chi hay các loại thảo dược sẽ hỗ trợ như thế nào và có hỗ trợ hiệu quả không thưa BS?

TS.BS Lê Văn Nhân trả lời: Thông thường chúng ta hay nghĩ nhân sâm, linh chi hay tỏi đen chỉ hỗ trợ về mặt trí óc, trên thực tế điều này đúng nhưng chưa đủ. Cơ thể có 2 dạng chuyển hóa là chuyển hóa về cơ bắp và chuyển hóa về trí não (tế bào thần kinh). Đối với người chuyên lao động cơ bắp, chuyển hóa trong cơ thể sẽ thiên về hỗ trợ mặt cơ bắp (lúc này trí não vẫn làm việc). Chuyển hóa về mặt cơ bắp sẽ cần sự hỗ trợ về mặt chuyển hóa toàn diện (về tinh bột, chất béo, chất đạm), cần sự hỗ trợ của vitamin và khoáng chất, trong đó có các hoạt chất đặc biệt trong nhân sâm, linh chi, tỏi đen,…

7. Làm thế nào để bù đắp đủ năng lượng khi đã mất đi?

Để lượng năng lượng bù đắp vào cân bằng với những chất đã mất đi trong quá trình tập luyện đôi khi sẽ liên quan đến kiến thức, liên quan đến việc vận dụng một cách khoa học và hợp lý. Vậy BS có lời khuyên nào dành cho khán giả cũng như nhóm đối tượng vận động thể lực cao không thưa BS?

TS.BS Lê Văn Nhân trả lời: Dù ở khía cạnh nào vẫn phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu về mặt năng lượng theo đúng ngành nghề, không được thiếu và cũng không được thừa. Nếu thiếu sẽ gây suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh và không thể đảm bảo năng suất lao động. Ngược lại nếu thừa sẽ dẫn đến tăng cân, béo phì là “kẻ thù” rất lớn về mặt sức khỏe, có thể dẫn đến các bệnh chuyển hóa như bệnh lý về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.

Phải đảm bảo mức thu nạp năng lượng vào cơ thể làm sao cho chỉ số khối cơ thể (BMI) dao động từ 18 - 25, để cơ thể cân đối, không thiếu và cũng không thừa năng lượng. Các chất, thực phẩm sử dụng trong ngày phải:

- Đa dạng: Nguồn nguyên liệu phong phú như thịt, cá, trứng, sữa, các loại rau và trái cây, cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật.

- Cân đối: Chất đạm dao động từ 10 - 15%, chất béo từ 20 - 30%, chất bột đường từ 50 - 60%.

Đảm bảo về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đảm bảo hàm lượng, cũng như tính phong phú, đa dạng của vitamin và khoáng chất. Nếu có nhân sâm, linh chi, tỏi đen,… hỗ trợ thêm sẽ rất tốt để bồi bổ cơ thể và giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại bệnh tật.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X