Người ít đánh răng có nguy cơ nhiễm HP cao gấp 40 lần
PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam dẫn chứng một nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho thấy, người làm nội trợ có nguy cơ nhiễm HP (Helicobacter pylori), gấp 2 lần người làm công chức và người đánh răng không thường xuyên sẽ có nguy cơ cao gấp hơn 40 lần so với người có thói quen đánh răng trên 1 lần/ngày.
Bệnh lý đường tiêu hóa có liên quan đến nhiều bệnh lý khác như bệnh mạch vành, hô hấp. Trong đó, xuất huyết tiêu hóa là nguyên nhân gây biến chứng xuất huyết thường gặp ở bệnh nhân mạch vành cấp và làm tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm tăng nguy cơ mắc hen lên 2,26 lần và sẽ làm cơn hen xuất hiện dày đặc hơn. Đây là những thông tin đáng chú ý được chia sẻ trong chương trình đào tạo y khoa liên tục do Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM tổ chức vào ngày 2/4 vừa qua.
BS.CK2 Trần Kiều Miên - Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM cho biết, chương trình lần này với chủ đề “Bệnh lý đường tiêu hóa trên với góc nhìn đa chuyên khoa” mang lại rất nhiều thông tin bổ ích từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm qua 3 bài báo cáo khai thác ở khía cạnh: Cân bằng nguy cơ thuyên tắc và xuất huyết trên bệnh nhân bệnh mạch vành; Bệnh lý hô hấp và rối loạn tiết axit; Đồng thuận VNAGE 2022 về xử lý nhiễm H.pylori: các vấn đề tái nhiễm, tái phát và theo dõi sau tiệt trừ H.pylori.
Nhờ những chủ đề thiết thực, chương trình được hội viên đánh giá là hấp dẫn, thu hút người tham dự đón xem đến cuối cùng với các thảo luận sôi nổi, cần thiết cho thực hành lâm sàng.
GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM cũng nhìn nhận: “Đây là chương trình hội thảo tiêu hóa đầu tiên của Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM trong năm 2023, với quy mô hơn 500 y bác sĩ khu vực phía Nam tham dự. Thông qua hội thảo đã cung cấp, cập nhật kiến thức để áp dụng trên lâm sàng, tại địa phương”.
Chủ tọa BS.CK2 Trần Kiều Miên - Phó Chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM
Chương trình có sự tham dự của hơn 500 y bác sĩ khu vực phía Nam
6 bệnh nhân điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép sẽ có 1 bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa
Buổi hội thảo bắt đầu với bài báo cáo “Cân bằng nguy cơ thuyên tắc và xuất huyết trên bệnh nhân bệnh mạch vành” của GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM.
Ông cho biết “Trên thực tế, bệnh lý về tim mạch cũng như tiêu hóa là bệnh lý khó tránh khỏi ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân càng lớn tuổi càng có nhiều bệnh lý và đặc điểm của bệnh nhân lão khoa là sử dụng rất nhiều thuốc. Trong số các thuốc điều trị lão khoa có một số thuốc tác động không tốt đến hệ tiêu hóa”.
GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM
GS.TS.BS Võ Thành Nhân dẫn chứng số liệu của Tổ chức Y tế thế giới - WHO năm 2017, bệnh tim mạch (chủ yếu bệnh mạch vành) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm 1/3 số ca tử vong. Tại Việt Nam, năm 2017 theo số liệu của Bộ Y tế có khoảng 2 triệu toa thuốc điều trị cho bệnh nhân mạch vành.
Năm 2019 theo khuyến cáo Hội Tim mạch châu Âu, bệnh mạch vành được chia thành 2 thể lâm sàng chính là hội chứng mạch vành mãn và hội chứng mạch vành cấp. Trong đó, định nghĩa hội chứng mạch vành cấp không thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, định nghĩa hội chứng mạch vành mãn đã thay đổi và hiện nay được chia thành 6 thể:
- Bệnh nhân nghi có bệnh mạch vành dựa trên triệu chứng đau thắt ngực hoặc khó thở.
- Bệnh nhân mới khởi phát triệu chứng suy tim.
- Bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp dưới 1 năm.
- Bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp trên 1 năm.
- Đau thắt ngực do bệnh lý khác như bệnh lý vi mạch hoặc co thắt động mạch vành.
- Những trường hợp không triệu chứng.
GS.TS.BS Võ Thành Nhân cũng nhấn mạnh, xuất huyết tiêu hóa là nguyên nhân gây biến chứng xuất huyết đáng kể thường gặp ở bệnh nhân mạch vành cấp. Nguy cơ xuất huyết tiêu hóa liên quan đến Aspirin kết hợp với Clopidogrel gấp 4 lần so với chỉ dùng Aspirin.
“Đa số các tỷ lệ xuất huyết tiêu hóa, xảy ra ở bệnh nhân trong 3 tháng đầu điều trị, tương đương cứ 6 bệnh nhân điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép sẽ có 1 bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Đối với bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp sẽ tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, hội chứng mạch vành cấp kèm biến chứng xuất huyết tiêu hóa càng làm tăng nguy cơ này” - GS.TS.BS Võ Thành Nhân cho biết.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ xuất huyết tiêu hóa cũng như mức độ nặng của xuất huyết tiêu hóa khi đã xảy ra, cần kéo pH > 6 càng nhanh càng tốt để giảm khả năng ly giải cục máu đông và trợ giúp đông máu. Tuy nhiên quá trình này cần qua giai đoạn chuyển tiếp.
GS.TS.BS Võ Thành Nhân cho biết thêm, khi sử dụng thuốc kháng kết tập tiêu cầu kép đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về dạ dày nên kết hợp với thuốc ức chế bơm Proton (PPI). Hệ quả của việc sử dụng PPI sẽ cung cấp sự ức chế axit hiệu quả và bền vững, đồng thời tan nhanh độ pH trong dạ dày; thúc đẩy hiệu quả quá trình kết tập tiểu cầu và hình thành cục máu đông, tránh làm tan sớm cục máu đông, giúp cầm máu và ngăn ngừa chảy máu, hỗ trợ điều kiển loét dạ dày tá tràng.
Hơn 50% bệnh nhân khám vì khàn tiếng có trào ngược họng thanh quản - LPR
Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Bệnh lý hô hấp và rối loạn tiết axit” của PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Liên chi Hội Hô hấp TPHCM.
Chuyên gia dẫn chứng, theo một nghiên cứu năm 2022, cứ 10 người Mỹ sẽ có 4 người mắc triệu chứng trào ngược. Ở khảo sát Laryngopharyngeal reflux - LPR (trào ngược họng thanh quản), cứ 10 bệnh nhân tai mũi họng sẽ có 1 trường hợp liên quan đến trào ngược (tương đương 10%). Ngoài ra, hơn 50% bệnh nhân khám vì khàn tiếng có trào ngược họng thanh quản. Triệu chứng này rất phổ biến và nhìn chung bệnh lý hô hấp có liên quan đến trào ngược.
PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Theo ACCP 2006, tiêu chuẩn gợi ý ho kéo dài do trào ngược dạ dày thực quản gồm ho mạn kéo dài trên 8 tuần; không bị kích ứng với tác nhân nào trong môi trường hay khói thuốc; không sử dụng ức chế men chuyển; X-quang ngực thẳng bình thường (ngoại trừ dải xơ ít); loại trừ hen và ho hô hấp trên.
Ngoài ra, theo báo cáo của PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ, dấu hiệu gợi ý hen liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản gồm có yếu tố về tiền sử (hen khởi phát ở người lớn; các triệu chứng hen như ho, khó thở, khò khè liên quan đến đợt trào ngược hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc hít khi có triệu chứng trào ngược; hen xảy ra về đêm khi nằm; hen xuất hiện sau bữa ăn no hoặc khi tập thể thao; bệnh nhân điều trị hen kém hiệu quả) và những người có bệnh sử với triệu chứng của trào ngược, ho và khàn tiếng hoặc triệu chứng của trào ngược và hen xuất hiện cùng lúc.
Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm tăng nguy cơ mắc hen lên 2,26 lần. Đồng thời, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản càng thường xuyên sẽ làm cơn hen xuất hiện dày đặc hơn.
Những kiến thức cập nhật hữu ích khiến người tham dự lắng nghe chăm chú
“Trào ngược họng thanh quản - LPR gồm các triệu chứng thường gặp là khàn tiếng, đằng hắng nhiều, ho kéo dài, cảm giác vướng họng và một số triệu chứng khác như nuốt vướng, đau rát họng, khó phát âm. Các triệu chứng này thường không có ợ nóng và ít biểu hiện bất thường qua nội soi. Tuy nhiên có thể để lại một số biến chứng như sẹo thanh quản và hầu họng, tăng nguy cơ ung thư, mắc bệnh phổi gồm hen, khí phế thủng, viêm phế quản” - chia sẻ của PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ.
Năm 2020, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cao nhất thế giới
Tiếp nối chương trình là bài báo cáo “Đồng thuận VNAGE 2022 về xử lý nhiễm H.pylori: các vấn đề tái nhiễm, tái phát và theo dõi sau tiệt trừ H.pylori” của PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam.
Ông chia sẻ “H.pylori là vi khuẩn gây bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, đặc biệt là giữa các thành viên trong gia đình, thông qua đường miệng sang miệng, từ phân sang miệng và các thiết bị y tế nhiễm khuẩn”.
PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam
PGS.TS.BS Quách Trọng Đức nhấn mạnh, khi điều trị tiệt trừ và vi khuẩn tái xuất hiện (Recurrence) sẽ gồm 2 nhóm tái nhiễm và tái phát. Tái nhiễm (Reinfection) là nhiễm chủng H.pylori khác với chủng ban đầu tiệt trừ và tái phát (Recrudescence) là sự xuất hiện trở lại của chủng H.pylori ban đầu sau khi bị ức chế tạm thời bởi phát đồ diệt trừ.
Trước đây, với 226 bệnh nhân loét dạ dày tá tràng được điều trị H.pylori, theo dõi trung bình 1 năm sau điều trị, tỷ lệ tái xuất hiện H.pylori sau thời gian trung bình 11 tháng là 23,5% (tái phát: 58,8% và tái nhiêm: 41,2%). Hiện nay, với 52 bệnh nhân sau diệt trừ thành công H.pylori (H.pylori âm tính sau điều trị), theo dõi từ 6 - 31 tháng, tỷ lệ tái xuất hiện H.pylori sau 31 tháng là 38,5% (tái phát: 27,8% và tái nhiêm: 72,2%). Vì vậy cần giáo dục nâng cao ý thức người dân về nguồn lây và đường lây truyền H.pylori, từ đó giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
“Các yếu tố nguy cơ liên quan nhiễm vi khuẩn H.pylori ở trẻ em đa phần do thói quen mớm thức ăn ở châu Phi và một số nước châu Á. Bên cạnh đó, ở khu vực đông dân cư và sử dụng nguồn nước giếng sinh hoạt sẽ làm tăng nguy hơn cao hơn. Đối với người lớn, đường lây truyền không liên quan đến môi trường sống đông đúc, tuy nhiên sẽ liên quan đến nghề nghiệp như những nghề tiếp xúc với đất, nhân viên các cơ sở chăm sóc người tàn tật có tần suất nhiễm H.pylori cao hơn cộng đồng và việc ăn chung chén, đũa, muỗng,… sẽ làm lây lan nhanh hơn.
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho thấy, người làm nội trợ có nguy cơ gấp 2 lần người làm công chức; người đánh răng không thường xuyên sẽ có nguy cơ cao gấp 40 lần so với người có thói quen đánh răng trên 1 lần/ngày; người ăn chay trường nguy cơ sẽ thấp hơn rất nhiều so với người không ăn chay và những người có người nhà mắc dạ dày tá tràng sẽ có nguy cơ cao gấp 3,5 lần. Bên cạnh đó, theo biểu đồ trên thế giới năm 2020, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cao nhất thế giới” - PGS.TS.BS Quách Trọng Đức chia sẻ.
Hiện tại, không có khuyến cáo xét nghiệm và điều trị cho toàn bộ người trong gia đình có người thân trực hệ nhiễm H.pylori (trừ trường hợp ung thư dạ dày). Đối với các trường hợp cần chẩn đoán nhiễm H.pylori bằng các xét nghiệm xâm lấn (dựa trên nội soi tiêu hóa trên) nên kết hợp đánh giá các tổn thương tiền ung thư dạ dày (bao gồm sự hiện diện, mức độ nặng và mức độ lan rộng của tổn thương).
Các trường hợp có teo niêm mạc hoặc dị sản ruột ở dạ dày mức độ nặng hoặc lan rộng (ở cả thân vị và hang vị) hoặc dị sản ruột típ không hoàn toàn cần được theo dõi định kỳ bằng nội soi ngay cả khi đã diệt trừ H.pylori thành công. Các trường trường hợp có loạn sản ở dạ dày khi sinh thiết ngẫu nhiên cần được đánh giá lại bằng phương tiện nội soi có chế độ hình ảnh tăng cường để xác lập chiến lược theo dõi và điều trị thích hợp. Thời gian theo dõi cho những đối tượng nguy cơ cao từ 1 - 3 năm tùy vào mức độ tổn thương và tiền căn gia đình: mỗi 2 năm giúp tăng phát hiện ung thư giai đoạn sớm, mỗi 3 năm giúp cải thiện tỷ lệ tử vong - PGS.TS.BS Quách Trọng Đức khuyến cáo.
Sau khi kết thúc phần trình bày của chủ tọa và 3 báo cáo viên, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi từ các y bác sĩ gửi đến ngay tại hội trường.
Trong chương trình, BS.CK2 Trần Kiều Miên - Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM cũng giới thiệu về kế hoạch tổ chức hội thảo, CME sắp tới của LCH. Gần nhất là ngày 9/7/2023, LCH sẽ tổ chức chương trình đào tạo y khoa liên tục cấp CME tại Đồng bằng sông Cửu Long dành cho các y bác sĩ tại khu vực này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình