Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tăng huyết áp kiểm soát tần số tim tại nhà như thế nào?

“Nếu người bệnh vừa tăng huyết áp, vừa có tần số tim cao thì tỉ lệ xảy ra những biến cố tim mạch và tử vong càng cao gấp nhiều lần. Người bệnh tăng huyết áp nên duy trì tần số tim ở khoảng 60-70 lần/phút” - GS.TS.BS Trương Quang Bình cho biết.

alobacsi BS Trương Quang Bình tần số timGS.TS.BS Trương Quang Bình – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Phó giám đốc Bệnh viện ĐHYD TPHCM

Phần 1: Bệnh tăng huyết áp

1. Huyết áp là gì? Trị số huyết áp thế nào là bình thường?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Huyết áp (blood pressure) là áp lực tác động lên thành của động mạch.

Khi bệnh nhân đo huyết áp tại phòng khám, huyết áp tâm thu đạt 140mmHg và huyết áp tâm trương đạt 90mmHg, được gọi là tăng huyết áp tại phòng khám.

Nếu bệnh nhân nhân đo huyết áp tại nhà, huyết áp tâm thu đạt 135mmHg và huyết áp tâm trương đạt 85mmHg thì đã được gọi là tăng huyết áp.

Như vậy, nếu đo huyết áp tại nhà thì mức huyết áp sẽ thấp hơn 5mmHg so với mức đo tại cơ sở y tế.

Tuy nhiên, điều kiện đo huyết áp là rất quan trọng. Chúng ta cần phải nghỉ ngơi ít nhất 10 phút trước khi đo thì trị số huyết áp mới phản ánh đúng. Nếu một người đo huyết áp khi vừa leo cầu thang thì không được gọi là tăng huyết áp.

2. Tình hình tăng huyết áp của Việt Nam và trên thế giới như thế nào?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Trên thế giới, tăng huyết áp là bệnh lý khá phổ biến, tùy vào sự phát triển của mỗi quốc gia mà số người mắc bệnh sẽ khác nhau. Tỷ lệ mắc bệnh huyết áp trung bình trên thế giới khoảng 30-40%.

Tại Việt Nam, vào năm 1960, một nghiên cứu của GS Đặng Văn Chung cho thấy chỉ có 1% người bị tăng huyết áp trong cộng đồng.

Đến năm 1991, một nghiên cứu trên khắp các tỉnh thành trong nước cho thấy có khoảng 11,6% người trưởng thành bị tăng huyết áp. Năm 2009, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp là 25% trong một nghiên cứu tại khu vực thành thị.

Năm 2018, tỷ lệ người trưởng thành bị tăng huyết áp ở Việt Nam là gần 40%.

Như vậy, số lượng người bị tăng huyết áp tăng theo thời gian.

3. Những biến chứng của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp được xem là “sát thủ thầm lặng” bởi nó gây ra những biến chứng nguy hiểm cho tim mạch. Cụ thể những biến chứng này như thế nào?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Khi một người bị tăng huyết áp sẽ gây biến chứng nguy hiểm lên nhiều cơ quan gồm:

  • Biến chứng trên não: nhồi máu não, xuất huyết não, xuất huyết màng não
  • Biến chứng trên tim: làm dày thành tim, gây suy tim, bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim.
  • Biến chứng trên thận: suy thận
  • Biến chứng trên mắt: phù đáy mắt, mờ mắt, mất thị lực
  • Biến chứng trên mạch máu ngoại biên: làm xơ vữa, xơ cứng động mạch ở ngoại biên gây thiếu máu cơ chi trên, chi dưới, có thể hoại tử chi

4. Vì sao bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa?

Người bệnh tăng huyết áp ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân vì sao có tình trạng này, thưa bác sĩ?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Khoảng 90-95% bệnh nhân tăng huyết áp không tìm ra nguyên nhân, gọi là tăng huyết áp vô căn và chỉ có 5-10% người tăng huyết áp tìm ra nguyên nhân.

Người tăng huyết vô căn có một số yếu tố nguy cơ tăng huyết áp như:

  • Người sống ở thành thị
  • Người có cuộc sống nhiều căng thẳng
  • Chế độ ăn mặn

Hiện nay, xu hướng sống ở thành thị nhiều hơn, nhịp sống nhanh hơn, công việc căng thẳng hơn khiến tỷ lệ bệnh tăng huyết áp ngày càng tăng. Do đó, người trẻ cũng dễ bị tăng huyết áp.

Nhóm tăng huyết áp có nguyên nhân thường xảy ra ở người trẻ tuổi do sử dụng thuốc ngừa thai lâu ngày hoặc có bất thường trên hệ thống tim mạch như hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, u thận,...

Bác sĩ cần lưu ý đến nhóm đối tượng này để tìm ra nguyên nhân tăng huyết áp và điều trị dứt điểm.

5. Những dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp?

Đa số bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng. Vậy làm sao để nhận biết những dấu hiệu của bệnh lý tăng huyết áp?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Khoảng 80-90% người tăng huyết áp không có triệu chứng. Những bệnh nhân còn lại có triệu chứng nhưng không điển hình để nhận biết bệnh tăng huyết áp như nhức đầu vùng chẩm, hoa mắt, tiểu đêm nhiều, tê bì tay chân thoáng qua.

Tuy nhiên, tăng huyết áp rất dễ chẩn đoán bằng việc sử dụng máy đo huyết áp để kiểm tra các trị số.

Phần 2: Vai trò kiểm soát tần số tim ở người tăng huyết áp

1. Tần số tim là gì?

Phân biệt tần số tim và trị số huyết áp?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Tần số tim là số lần tim co bóp trong 1 phút.

Huyết áp là áp lực của máu tác động trên thành động mạch.

Khi đo huyết áp bằng máy đo điện tử, màn hình máy đo có 3 trị số: trên cùng là trị số huyết áp tâm thu, ở giữa là trị số huyết áp tâm trương, cuối cùng là tần số tim.

Đối với bác sĩ, họ có thể bắt mạch hoặc sử dụng ống nghe đặt trên ngực bệnh nhân để đếm tần số tim.

2. Ngưỡng an toàn của tần số tim là bao nhiêu?

Đối với người bệnh tăng huyết áp, tần số tim ở mức nào là ngưỡng an toàn?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Ở người bình thường, tần số tim bình thường là 60-100 lần/phút, trên 100 lần/phút gọi là tim đập nhanh, dưới 60 lần/phút là tim đập chậm.

Tim đập nhanh nghĩa là tim làm việc nhiều, lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim. Nếu tim tập quá chậm sẽ không bơm máu đủ đến các cơ quan, trong đó có não, gây choáng, thậm chí ngất xỉu.

Đối với người bệnh tăng huyết áp, khi trị số huyết áp càng cao thì nguy cơ xảy ra biến cố và tử vong do bệnh lý tim mạch càng cao. Nếu huyết áp tăng từ 135/85 mmHg lên 155/98 mmHg thì nguy xảy ra biến cố tim mạch tăng gấp đôi.

Thông thường, người tăng huyết áp có tần số tim cao hơn người bình thường. Nếu vừa tăng huyết áp vừa tăng tần số tim thì nguy cơ tử vong sẽ tăng nhiều lần hơn nữa.

Do vậy, khi thăm khám người bệnh tăng huyết áp, bác sĩ phải kiểm tra trị số huyết áp và tần số tim. Bởi nếu 2 yếu tố nguy cơ này tăng cao sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

3. Kiểm soát tần số tim tại nhà

Nhờ bác sĩ hướng dẫn người tăng huyết áp kiểm soát tần số tim tại nhà?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Chúng ta có thể trang bị máy đo huyết áp điện tử tại nhà, vừa có thể đo được huyết áp vừa đo được tần số tim. Trị số cuối cùng trên màn hình máy đo huyết áp là tần số tim.

Chúng ta cũng có thể học cách bắt mạch và đến số lần mạch đập trong 1 phút để tính được tần số tim.

Chúng ta cũng có thể nhờ bác sĩ nghe tim để biết được tần số tim.

4. Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhịp tim

Những dấu hiệu nào để nhận biết tình trạng rối loạn nhịp tim? Khi nào bệnh nhân phải đi thăm khám?

GS.TS.BS Trương Quang Bình:

Khi tần số tim trên 100 lần/phút thì bệnh nhân sẽ có triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực.

Nếu tần số tim dưới 60 lần/phút, tim đập quá chậm cũng sẽ gây triệu chứng hồi hộp, thiếu máu ở mô, đặc biệt xây xẩm do thiếu máu não

Nếu rối loạn nhịp tim sẽ có hiện tượng rung nhĩ, tim đập lộn xộn, bệnh nhân vẫn có triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực. Có những loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm khiến chúng ta ngất hoặc ngừng tim,…

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X