Đi xa hơn nữa, chuyên gia ở Trường ĐH
Weihenstephan (CHLB Đức) đã quả quyết là loài nấm thường thấy trong
nhiều món ăn ngon của người Trung Hoa có tác dụng hạ chất mỡ trong máu,
ức chế siêu vi, giảm đau và phòng ngừa ung thư. Cũng theo các nhà nghiên
cứu này, có thể giảm acid uric của người bệnh gout không mấy khó nếu
dùng nấm đông cô 2 tuần liên tục.
Nhờ các nhà khoa
học phương Tây trong vài thập niên gần đây đã chọn Đông y như nguồn tư
liệu hàng đầu để nghiên cứu cho sản phẩm và liệu pháp mới, tác dụng đa
dạng của nhiều loại nấm đã được xác minh qua hàng loạt công trình khảo
sát trên lâm sàng cũng như trong thực nghiệm.
Cũng nhờ thế mà
ngày nay ít ai còn nghi ngờ về tác dụng nên thuốc của nhiều loại nấm.
Nếu linh chi không còn xa lạ ở châu Á vì đã có tên trong dược điển thuốc
chống ung thư của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
thì nấm cũng đang được nhiều thầy thuốc châu Âu kết hợp trong phác đồ
điều trị nhiều bệnh mãn tính như thấp khớp, dị ứng, viêm gan...
Nhiều
loại nấm như nấm mèo, nấm hầu thủ, nấm bào ngư... đang từng bước có mặt
trong tủ thuốc của bệnh nhân muốn tìm về phương tiện thiên nhiên, thay
vì phó mặc may rủi cho hóa chất tổng hợp với phản ứng phụ nhiều khi mạnh
hơn tác dụng, nếu dùng dài lâu.
Nói chung, việc kết hợp các loại nấm trong khẩu phần thường ngày sẽ có nhiều lợi điểm, vì:
- Không tăng cân do nấm không cung cấp nhiều năng lượng.
- Tốt cho người bệnh tiểu đường vì ít chất béo.
- Tiện cho người bị bệnh gout vì không tăng chất đạm loại dễ sinh acid uric.
- Cải thiện tiêu hóa cho người táo bón nhờ nấm chứa nhiều chất xơ.
- Cung cấp tập thể sinh tố B, nhất là B6 với tác dụng chống trầm cảm.
- Bổ sung khoáng tố như kali, phốt-pho, ma-nhê cần thiết cho hoạt động của cơ tim.
- Tiếp tế chất đạm hữu ích cho tiến trình kiến tạo.
Thêm hai lợi điểm
nữa: Trước hết, nấm tiện dụng vì vẫn giữ được công năng dù ở dạng khô
hay đông lạnh. Kế đến, khó có thuốc nào mà lại ngon như nấm!