Hotline 24/7
08983-08983

Nghi ngờ phát bệnh dại, người đàn ông tấn công vợ chảy máu 

Bị chó cắn nhưng không tiêm ngừa, người đàn ông có biểu hiện bệnh dại đã cắn vào giữa cẳng tay trái, cào chảy máu vùng mặt và mũi của vợ. Bệnh nhân còn kích động, quậy phá, hủy hoại tài sản.

Chiều 2/11, Trung tâm Y tế TP Hà Tiên cho biết, khoảng 7h25 sáng cùng ngày, chị L.H.L. (31 tuổi, ở phường Pháo Đài, TP Hà Tiên, Kiên Giang) đến trung tâm để xin tiêm ngừa vì bị chồng là anh Đ.L.P. cắn vào giữa cẳng tay trái và cào chảy máu vùng mặt và mũi.

Chị L. chia sẻ trước đó, ngày 19/9, anh P. bị chó nhà cắn vào đầu ngón cái và đốt gần ngón trỏ của bàn tay phải. Tuy nhiên, anh P không đi tiêm ngừa cũng không báo cáo y tế địa phương. Anh P cũng đã mang cho con chó để người khác giết thịt.

Sau hơn 1 tháng (ngày 1/11),  anh P có biểu hiện sợ gió, uống nước khó khăn, tinh thần kích động. Người nhà đưa anh P đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang nhưng anh không hợp tác, không chịu để bác sĩ khám.

Sau đó anh P. được gia đình đưa về nhà và tiếp tục quậy phá, đốt, hủy hoại tài sản. Chị L. đã báo cáo Công an phường Pháo Đài xuống hỗ trợ.

Tay của anh P. bị chó cắn

Ngày 2/11, khoa kiểm soát bệnh bật và HIV/AIDS của Trung tâm Y tế TP Hà Tiên và UBND phường Pháo Đài xuống để điều tra trường hợp anh P., nghi anh bị bệnh dại.

Địa phương đã vận động những người có liên quan tiếp xúc gần, đã bị cắn hoặc những người từng làm và ăn thịt con chó nghi dại đi tiêm phòng ngừa bệnh dại.

Anh P. hiện được gia đình quản lý và địa phương hỗ trợ. Còn chị L. đã được tư vấn hướng dẫn đi tiêm phòng dại.

Gần như 100% người lên cơn dại tử vong 

Bệnh dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nhưng có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người. Tuy nhiên, bệnh dại cũng có thể ảnh hưởng đến cả động vật nuôi và động vật hoang dã.

Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt, miệng hoặc vết thương hở). Trẻ em từ 5 tuổi đến 14 tuổi là nạn nhân thường xuyên của căn bệnh này. Bệnh dại hiện diện ở tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực, và hơn 95% số ca tử vong ở người xảy ra tại châu Á và châu Phi.

Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Cần tiêm vaccine cho thú nuôi, đặc biệt cho chó, kể cả chó con. Ngoài ra, cần phòng ngừa vết cắn cho cả trẻ em và người lớn: không tạo ra hoàn cảnh cho chó cắn; đeo rọ mõm cho chó khi ra đường; xích hoặc nhốt chó khi có người lạ đến gia đình…

Nên làm gì khi bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.

- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…

- Khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.

Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm, được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Mọi người đừng lo ngại, hay do dự tiêm vaccine phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X