Hotline 24/7
08983-08983

Nghề điều dưỡng với những nhọc nhằn không ai thấu

"Con người ta là hoa của đất. Những nữ bác sĩ, nữ cử nhân, nữ điều dưỡng, nữ y công là hàng vạn ức bông hoa của ngành y tế. Thay vì hời hợt tặng họ một bó hoa mua được ở đâu đó, hãy nhìn họ như những bông hoa. Những bông hoa ấy, tôi nghĩ, chưa được xã hội trân trọng đúng mức" - đây là lời chia sẻ của tác giả.

Đầu tuần này, tôi ngồi chủ tịch hội đồng cho một bạn học viên cao học nữ từ miền Tây lên học. Bảo vệ vừa xong, em quầy quả chạy ra bến xe về lại vì "em về cho kịp trực". Bệnh viện canh rất chuẩn. Buổi chiều bảo vệ tốt nghiệp là buổi tối phải nhận trực ngay, không cần biết cái kiệt sức về thể chất lẫn tâm lý sau những tháng ngày căng thẳng tốt nghiệp và đoạn đường 4 giờ đi xe Phương Trang hay Thành Bưởi.

Hai vợ chồng trẻ, cũng đều là bác sĩ nhưng để một người có thể trụ lại trong bệnh viện công thì một người phải ra ngoài làm cho hãng cung cấp thiết bị y tế. Ít nhất thì em còn may mắn là có một người chồng chịu hy sinh để đảm bảo kinh tế cho vợ vừa trở lại bệnh viện công, vừa đi học. Lương ở bệnh viện công ấy (cũng như rất nhiều bệnh viện công khác) rất eo hẹp. Eo hẹp đến độ không thể vừa thuê nhà trọ vừa nuôi con cho ra ngô ra khoai.

Bươn chải là điều mà không ít nhân viên y tế, trong đó đa phần là nữ giới phải chấp nhận để hành nghề và để đảm bảo cuộc sống gia đình. Ngay trong khoa tôi, có bạn điều dưỡng nam còn chạy thêm xe ôm, các bạn nữ đi làm thêm, chăm sóc tại nhà, bán hàng trên mạng. Đồng tiền kiếm được cũng hắn hai chữ nhọc nhằn.

Nghe có vẻ than thân trách phận chứ viết đến đây, tôi lại nhớ đến Xuân Diệu thuở chưa làm quan văn nghệ:

- Cơm áo không đùa với khách thơ.

Hài hước một điều là khi nói đến bác sĩ, người ta nghĩ ngay đến một chữ giàu, hai chữ phong bì.

Trưa nay, tôi cùng thầy tôi nói chuyện với một bác sĩ trẻ đang theo học siêu âm tim tim, cũng đến từ miền Tây. Em cười bảo "Dạ giờ hai vợ chồng em may mắn còn hưởng chế độ xã nghèo (chương trình 135) nên thu nhập cũng đủ trang trải".

Buổi tối, một em sinh viên mới ra trường share một bài báo nói về tình trạng bác sĩ bệnh viện công ở Lâm Đồng nghỉ việc hàng loạt. Ngẫm mà xót xa cho ngành y tế. Nhưng đó là một hệ lụy tất yếu. Nó sẽ còn tăng tốc chóng mặt hơn trong thời gian tới nếu xã hội, Bộ Y tế, Chính phủ, Quốc hội không cầu thị và không nhìn thẳng vào thực tế.

Không chỉ có ở Lâm Đồng.

Cần Thơ một loạt bác sĩ bỏ bệnh viện công. Bệnh viện trống đến độ phải đẩy các bác sĩ trẻ mới ra trường ngơ ngác bệnh học và xử lý tình huống vào trực.

Đồng Nai cũng đã báo động dòng chất xám chất lượng cao dịch chuyển ra khu vực tư.

Vĩnh Long cũng đang báo động từ khi Xuyên Á khai trương ở tỉnh này.

Giữa tuần, đi công tác một tỉnh miền Đông. Cả Bí thư tỉnh ủy và Thường vụ tỉnh ủy tiếp. Một sự trọng thị không hề nhỏ. Điều này chứng tỏ không phải các cấp lãnh đạo không biết và không phải làm ngơ. Nhưng những thầy thuốc vẫn bị trói buộc. Tại cái cơ chế? Cơ chế là cái gì tôi cũng không hiểu lắm.

Muốn giúp lắm nhưng cũng đành đồng ý với nhau rằng “Thôi thì bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Ráng đến đâu hay đến đó”. Bởi nguồn nhân lực tại chỗ quá thiếu và dường như có sự động cựa của dịch chuyển khi một tập đoàn y tế tư nhân đã vươn đến nơi này. Giá của cùng một bác sĩ ở khu vực tư cao gấp 400% khu vực công. Thập diện mai phục khó.

Trách ai? Thôi thì tự cứu mình, cứu nhà trước đã vậy. Có gì đáng phê phán ở chỗ con người ta mưu cầu sự no ấm không?

Dạo này bệnh nặng rất nhiều. Tâm lý người nhà cũng rất căng thẳng. Tâm lý xã hội cũng rất nặng nề. Tất cả áp lực đó tôi có thể thấy rõ trong cái dáng tất tả từ nửa đêm về sáng của những điều dưỡng (trên 80% là nữ điều dưỡng). Dù có viết rất nhiều trang giấy thì cũng không thể nào chuyển tải được nỗi nhọc nhằn của các điều dưỡng, đặc biệt trong trong những phiên trực cấp cứu, hồi sức. Nôn ói, máu me, phân, tiểu, xì hơi, càm ràm, chửi bới, tấn công (bằng lời nói và đôi khi bằng vũ lực). Có nhà báo nào chuyên đun sôi khủng hoảng truyền thông hay anh hùng bàn phím nào thực sự đã trải qua một đêm dài với họ, biết rõ một tháng họ thu nhập được bao nhiêu không nhỉ?

Con người ta là hoa của đất. Những nữ bác sĩ, nữ cử nhân, nữ điều dưỡng, nữ y công là hàng vạn ức bông hoa của ngành y tế. Thay vì hời hợt tặng họ một bó hoa mua được ở đâu đó, hãy nhìn họ như những bông hoa. Những bông hoa ấy, tôi nghĩ, chưa được xã hội trân trọng đúng mức.

Bao giờ con người ta sẽ thực hiện đúng thiên chức, hay đơn giản hơn, là đúng việc? Bao giờ người Y sẽ được hành nghề trong sự đảm bảo về đời sống vật chất mà họ xứng đáng được hưởng; được hành nghề trong sự an toàn mà pháp luật quy định và hành nghề trong một môi trường nhân văn nơi phẩm giá của mỗi một người đều được nâng niu như nâng niu sự sống?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X